[REVIEW] Đảo Của Dân Ngụ Cư – Cô đảo của những phận đời lạc trôi

Đánh giá phim · thaotk ·

Đặt hy vọng ngay từ trailer và cũng như danh tiếng và những gì bộ phim đạt được tại LHP quốc tế ASEAN (AIFFA 2017), sự kỳ vọng của khán giả có lẽ sẽ bị thiếu hụt đi rất nhiều sau khi phim ra mắt.

Nếu bạn đã đọc và từng nghiền ngẫm từng câu từng chữ truyện ngắn Đảo Của Dân Ngụ Cư do nhà Văn Đỗ Phước Tiến cầm bút thì chắc hẳn sẽ mang chút hài lòng và ít nhiều điều chưa ưng ý lắm về bộ phim chuyển thể cùng tên. Ở một khía cạnh của khán giả điện ảnh, có thể mọi người đang chờ đợi một điều gì đó bất ngờ từ bộ phim, sự sâu sắc, đột phá hay một câu chuyện đen tối thấm đẫm tình người và nhiều góc khuất. Đặt hy vọng ngay từ trailer và cũng như danh tiếng và những gì bộ phim đạt được tại LHP quốc tế ASEAN (AIFFA 2017), sự kỳ vọng của khán giả có lẽ sẽ bị thiếu hụt đi rất nhiều sau khi phim ra mắt.

Đảo Của Dân Ngụ Cư được bắt đầu và cũng như kết thúc qua lời tự truyện của nhân vật Phước do Phạm Hồng Phước thể hiện. Một màu phim khá đậm và nặng nề cùng với sự tĩnh lặng sẽ dẫn dắt bạn đi hết câu chuyện. Phim lấy bối cảnh những năm 1990 khi xã hội có nhiều biến động, một chàng trai trẻ 20 tuổi như Phước, theo lời anh cho biết là từng làm về du lịch nhưng nay cũng phải nai lưng và phiêu bạc khắp nơi để kiếm sống. Anh đến phục vụ tại nhà hàng Đêm Trắng, có chủ là ông Liếm (Hoàng Phúc), một người Hoa. Tại đây anh phát hiện bí mật về cô con gái của người chủ quán tên Chu (Ngọc Thanh Tâm), sau một thời gian tò mò và tìm hiểu anh đã đem lòng yêu cô gái ấy và mọi chuyện rắc rối bắt đầu.

Nhân vật Phước lần đầu tìm đến nhà hàng Đêm Trắng
Nhân vật Phước lần đầu tìm đến nhà hàng Đêm Trắng
Khu bếp của nhà hàng Đêm Trắng
Khu bếp của nhà hàng Đêm Trắng

Ngay từ tên phim, bạn sẽ chú ý đến “đảo” nhưng dường như xuyên suốt bộ phim bạn chỉ có thể xoay vòng trong nhà hàng Đêm Trắng và có một ít nhỏ nhoi nào đó bạn thấy được cảnh phố vào ban đêm và hiếm hoi cảnh biển từ bộ phim. Tính chất “ngụ cư” ở tên phim cũng không được làm rõ và thể hiện được đúng tinh thần của nó. Điều này đa phần khiến khán giả bị hoang mang khi ngỡ rằng mình sẽ được xem một bộ phim về cuộc sống của những cư dân lang bạc, kiếm sống, tụ tập trên một hòn đảo đầy thể loại người, và câu chuyện họ nhận được lại là một thứ khác hơn trong một không gian khép kín và tù túng.

Một trong những cảnh biển hiếm hoi của bộ phim
Một trong những cảnh biển hiếm hoi của bộ phim

Phim xoay quanh vỏn vẹn 6 nhân vật: ông chủ Liếm, cô Chu, bà Xiếm Hoa (Ngọc Hiệp), một đầu bếp gốc Ấn đạo Hồi có tên Ahmed (Hoàng Nhân), Miên (Nhan Phúc Vinh) và Phước. Và nếu như mỗi nhân vật này đại diện cho một loại người trong xã hội thời bấy giờ, mỗi người một tính cách, mỗi người là một ốc đảo riêng đều có nỗi niềm và khát khao riêng của mình… thì rõ ràng đây là điểm hụt hơi của phim. Tuy thể hiện rõ được từng nhân vật và những điểm khác nhau của họ nhưng để đi sâu hơn nữa vào nhân vật thì phim hoàn toàn mờ nhạt. Mỗi nhân vật đều xuất hiện ở mức an toàn để hoàn thành vị trí của mình, chứ không được xoáy sâu hay nhấn mạnh vào bên trong của từng người để khán giả có thể khám phá nhiều hơn, trải lòng hơn, hiểu hơn về họ.

Dàn nhân vật chính trong Đảo Của Dân Ngụ Cư
Dàn nhân vật chính trong Đảo Của Dân Ngụ Cư
Một cảnh tình cảm của Phước và chị Chu
Một cảnh tình cảm của Phước và chị Chu

Các diễn viên trong phim có thể nói là tròn vai, tuy nhiên tuyến nhân vật lại được xây dựng rất ít để họ có thể bộc lộ hết tài năng diễn xuất của mình. Chúng ta sẽ không thấy được cơ mặt và sự biến hoá của các diễn viên trong từng nhân vật. Phạm Hồng Phước thủ vai chính, nhưng nhân vật của anh vẫn không có nhiều đất diễn để phô trương khả năng, và tôi cảm thấy nó khá đơn giản. Khi lên phim, anh chỉ là một chàng thanh niên khác biệt, lạ lẫm với thế giới bên ngoài và đang kiếm tìm cho mình những thiếu thốn cũng như khát khao về tình cảm. Tôi nghĩ nếu như nhân vật này được xây dựng giống như trong truyện gốc thì sẽ mang lại cho người xem nhiều cảm xúc hơn, một thanh niên từng trải, phải lo toan cho cuộc sống, quần quật kiếm chút gì đó bằng nghề con buôn, đủ trải đời. Anh đến với nhà hàng Đêm Trắng để lập nghiệp. Nhưng khi gặp được cô Chu, bằng những ham muốn xác thịt và yêu thương thật sự anh dường như buông bỏ đi mọi thứ xung quanh, quên hết những mệt mỏi,  muộn phiền mà lúc nào anh cũng phải toan tính và đối mặt với nó. Để rồi những chuyện khủng khiếp xảy ra và anh phải chấp nhận sự đau khổ đó cũng như câu tự truyện cuối cùng của anh “Còn tôi, sẽ không bao giờ, suốt cuộc đời còn lại, không bao giờ tôi còn có được hạnh phúc nữa, không bao giờ”. Còn với nhân vật Phước ở trong phim thì rõ ràng chúng ta còn không biết lý do mà anh bỏ một công việc tốt để lặn lội từ nơi xa đến với Đêm Trắng. Những thứ cảm xúc của anh đối với cô Chu có lẽ nó chỉ là những phút giây tình cảm bất chợt, những ham muốn nhất thời, và những gì diễn ra đối với anh nó không đủ nặng để dẫn đến lời kết của nhân vật.

Phước làm việc tại căn bếp của nhà hàng Đêm Trắng
Phước làm việc tại căn bếp của nhà hàng Đêm Trắng
Phước và chị Chu với những ham muốn của dục vọng
Phước và chị Chu với những ham muốn của dục vọng

Thật sự mà nói, lời tự truyện của Phước trong phim mang vai trò quan trọng để đem đến cảm xúc cho khán giả nhưng dường như nó lại khiến cho người xem rối rắm hơn và nhìn nó với một sự hời hợt thiếu đầu tư. Nhân vật ông chủ Liếm trên phim cũng được sửa đổi nhiều, khi ở đây ông là một người cứng nhắc, yêu thương con cái một cách cực đoan, tưởng rằng ông là một bức tường thành vững chắc bảo vệ cho con mình, nhưng thực ra chính ông đang giam hãm sự tự do của con gái với thế giới bên ngoài. Chính ông là người đeo gông vào tay con gái, dẫn đến sự cô đơn và thiếu thốn cùng cực, đến mức phải tìm đến lối thoát của nhục dục. Vai diễn ông chủ Liếm cũng là vai có nhiều đất để khai thác nhất trong dàn nhân vật, nhưng thật tiếc khi Hoàng Phúc chỉ thể hiện tất cả chỉ với một khuôn mặt và một lối diễn từ đầu đến cuối phim.

Một cảnh của Hoàng Phúc và Nhan Phúc Vinh trong Đảo Của Dân Ngụ Cư
Một cảnh của Hoàng Phúc và Nhan Phúc Vinh trong Đảo Của Dân Ngụ Cư
Ông Liếm xem vợ mình là Xiếm Hoa như một người hầu trong nhà
Ông Liếm xem vợ mình là Xiếm Hoa như một người hầu trong nhà

Đảo Của Dân Ngụ Cư tạo ra nhiều nút thắt từ sự bí ẩn của các nhân vật, tự mình lèo lái con thuyền cho đến cuối cùng lại khiến cho khán giả bất ngờ vì dường như mình đang bị lơ lửng bởi những câu hỏi còn chưa được giải đáp. Cái kết của phim chưa hoàn toàn thoả mãn người xem, nhưng có lẽ đó cũng là ý đồ của đạo diễn, bộ phim sẽ cho mỗi người một đáp án riêng của mình, mỗi người một cách nhìn và hướng câu chuyện theo những gì mà chính bản thân mình chiêm nghiệm và cảm nhận. Quá nhiều chi tiết ẩn dụ, mỗi hình ảnh, mỗi câu thoại đều mang một hàm ý mà bạn phải ngưng lại mới có thể hiểu hết được nó. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến những thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải lướt qua người xem một cách nhanh chóng và khó hiểu. Có lẽ, để hiểu hết được bộ phim thì bạn sẽ phải xem lại nó nhiều lần để có thể bắt kịp và nhận ra những điều đó cũng như ý đồ của bộ phim.

Phim có một cái kết khiến khán giả phải suy ngẫm và đặt nhiều dấu chẩm hỏi?
Phim có một cái kết khiến khán giả phải suy ngẫm và đặt nhiều dấu chẩm hỏi?
Nhân vật chị Chu (Ngọc Thanh Tâm) con gái của ông chủ nhà hàng Đêm Trắng
Nhân vật chị Chu (Ngọc Thanh Tâm) con gái của ông chủ nhà hàng Đêm Trắng

Đảo Của Dân Ngụ Cư lạm dụng những hình ảnh mổ xẻ và giết dê đến mức người xem có thể thấy nhàm và dư thừa, trong khi ở nguyên bản truyện thì việc này không hề được đề cập chi tiết và nhiều như vậy. Bù lại, phim khiến khán giả trầm trồ bởi những cảnh quay, từ bối cảnh đến góc máy và những chuyển động của camera đều rất đẹp. Hình ảnh của phim được đầu tư rất kỹ lưỡng và trau chuốt ở từng khung hình. Các cảnh 18+ khá bạo so với những phim Việt từ trước đến nay nhưng lại được thể hiện tinh tế với những đường nét và sự di chuyển của cơ thể, không quá thô hay dung tục, khiến người xem muốn được kéo dài cảm xúc hơn nữa.

Cảnh 18+ của phim được thể hiện một cách nghệ thuật
Cảnh 18+ của phim được thể hiện một cách nghệ thuật
Cảnh nóng táo bạo trong Đảo Của Dân Ngụ Cư
Cảnh nóng táo bạo trong Đảo Của Dân Ngụ Cư

Là một bộ phim nghệ thuật và rất nặng về tâm lý, Đảo Của Dân Ngụ Cư thể hiện quá đơn giản so với các phim cùng thể loại. Phim dễ xem, nhưng khó hiểu, còn nhiều điểm thiếu thuyết phục và không tạo được cao trào. Tuy vậy, phim vẫn tạo cho khán giả một không khí u ám, ma mị mang hơi hướng liêu trai, khiến người xem liên tưởng đến những bộ phim của Nhật với một phong cách trầm uất mà lặng im giữa một nhịp phim chậm rãi, diễn ra từ tốn, nhịp nhàng cùng những giai điệu quen thuộc. Phim khai thác vào tâm lý, nỗi ấm ức, sự tù túng hay sự bảo thủ, tự giam cầm mình, sự cam chịu cũng như khao khát vươn đến ngưỡng cửa tự do của từng nhân vật. Phim thuộc thể loại rất kén khán giả, nhưng lại được đầu tư một cách chỉn chu, là một tác phẩm tốt và đáng ủng hộ của điện ảnh nước nhà.