Deepwater Horizon - Khi người Mỹ nhắc lại những nỗi đau

Tin điện ảnh · MaxD ·

Ngày 20 tháng 4 năm 2010, giàn khoan bán tiềm thuỷ có khả năng khoan sâu nhất thế giới lúc bấy giờ nằm cách bở biển Louisiana 64km bất ngờ phát nổ cướp đi mạng sống của 11 con người đang sống và làm việc trên ấy.

Ngày 20 tháng 4 năm 2010, giàn khoan bán tiềm thuỷ có khả năng khoan sâu nhất thế giới lúc bấy giờ nằm cách bở biển Louisiana 64km bất ngờ phát nổ cướp đi mạng sống của 11 con người đang sống và làm việc trên ấy. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái môi trường của Vịnh Mexico, lượng dầu tràn ra mỗi ngày ước lượng khoảng 5.000 đến 60.000 thùng dầu, và thảm hoạ kéo dài 87 ngày mới khắc phục xong. Như thói quen của người Mĩ, bất cứ thảm hoạ nào cũng có những câu chuyện riêng, những người hùng của riêng nó. Nằm trong bộ đôi phim tái hiện lại những sự kiện đau thương của nước Mĩ trong năm 2016, cùng với Patriots Day (Ngày Yêu Nước), Deepwater Horizon của vị đạo diễn chuyên trị dòng phim chuyển thể Peter Berg mang đến cho chúng ta cái nhìn sâu sắc và rõ ràng hơn về thảm hoạ từng được coi là "Thảm hoạ môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ".

Sự kiện có thật.
Sự kiện có thật.
Sự kiện có thật.
Sự kiện có thật.

Phim bắt đầu bằng những đoạn ghi âm có thật trong phiên điều trần trước Quốc hội của kỹ sư trưởng Mike Williams, sau đó khéo léo quay lại những ngày trước khi thảm hoạ xảy ra. Có thể thấy phim đã lột tả hết sức chân thực công việc vất vả, những tính toán và cuộc sống của những công nhân, kỹ sư giàn khoan dầu. Từ đó, phim đi thẳng vào mâu thuẫn nảy sinh từ ban đầu khi người xem đã lờ mờ nhận ra được những nguy cơ của một thảm hoạ sắp xảy ra. Tuy dễ đoán là vậy, nhưng chúng ta cũng không khỏi tò mò đi theo những diễn biến tâm lý mang đầy sự dằn vặt của các nhân vật chính, từ kỹ sư trưởng Mike đến chỉ huy cao cấp của giàn khoan Jimmy Harrel.

Điểm đặc sắc của phim chính là lồng ghép một cách tinh tế những tính cách mang mặt phản diện của các nhân vật là đại diện của Tập đoàn tài phiệt BP. Mong muốn khoan dầu một cách nhanh chóng nhất, đã khiến họ vô tình trở thành những kẻ bất chấp tham lam mà Don Vidrine là đại diện rồi sau đó là sự trả giá không thể đong đếm. Dẫu biết khi tìm hiểu qua về thảm hoạ, ta sẽ thấy nguyên nhân dẫn đến vụ nổ là sai lầm mang tính hệ thống trong cả một thời gian dài, nhưng Hollywood là vậy, sẽ phải có những kẻ phản diện, sẽ phải có những câu chuyện và những người hùng. Điểm hay cũng chính là điểm mà người viết cho rằng mỉa mai nhất của phim.

Mạch phim có tiết tấu vừa phải, không quá nhanh, không quá chậm. Biên kịch dành khá nhiều thời gian cho các thông số và các hành động mang tính chuyên môn cao của ngành công nghiệp dầu khí, dù đã cố gắng đơn giản hoá chúng qua lời nói của các nhân vật song cũng dễ khiến những khán giả không qua tìm hiểu sẽ thấy chán chường. Nửa sau của phim là những phân cảnh thảm hoạ cháy nổ nhưng mức độ kịch tính cũng chưa thực sự tốt, tiết tấu vẫn khá đều đều hoặc có lẽ thực chất sự việc trên giàn khoan khi nổ hoàn toàn là như thế. Mang thể loại thảm hoạ, phim khai thác vào tâm lý và nỗi đau, sự dằn vặt của những người còn sống, những hy sinh mất mát trong quá trình thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Về cơ bản, kịch bản và tiết tấu phim có thể nói là tạm ổn, vừa đủ để người ta suýt soa ít nhiều. Vì thực sự thành công còn cần những yếu tố khác nữa...

Yếu tố đó chính là hiệu ứng thị giác, phim khá thành công trong việc phục dựng là gần như hoàn hảo hình ảnh của chiếc giàn khoan bán tiềm thuỷ Deepwater Horizon cao 120m và rộng 78m kể từ lúc khán giả thấy nó hào hùng đứng giữa biển khơi như ưỡn ngực tự hào vì danh hiệu "Giàn khoan an toàn nhất" được trao bởi chính tập đoàn BP (thật trớ trêu) cho đến khi nó ngùn ngụt bốc cháy, gầm rú lên từng hồi như con thú dữ rồi chìm xuống biển từ từ một cách đau khổ. Có thể nói, sự thật như đang được lột tả ngay trước mắt chúng ta vậy. Nếu bạn xem phim và so sánh với những hình ảnh tư liệu được chụp lại từ năm 2010, chúng ta sẽ thấy được sự thành công đó của đội ngũ kỹ xảo hình ảnh hơn hết.

Về diễn suất, phim có sự tham gia của những diễn viên nổi tiếng Hollywood như Mark Wahlberg, Kurt Russell hay John Malkovich. Điều này mang lại những màn thể hiện chân thực và diễn biến tâm lý phức tạp của từng nhân vật, thứ không thể làm một cách sơ sài với dòng phim "Based on a true event". Riêng Mark, diễn suất của anh tuy không thực sự đa dạng qua các phim nhưng một lần nữa thể hiện mình là một diễn viên tài năng chuyên trị những vai diễn người hùng bất đắc dĩ. Quay lại những nhận định ban đầu, Hollywood vẫn là Hollywood, nơi những thảm hoạ sẽ biến thành sân khấu để phô diễn, những sai lầm sẽ được viết lại bằng tư thế của người hùng trở về...vẫn còn đó những hậu quả to lớn và lâu dài mà Deepwater Horizon gây ra với hệ sinh thái biển cũng như con người nơi đây. Sự bất chấp của các tập đoàn kinh tế hòng mang lại lợi nhuận đến cùng đã khiến môi trường Trái đất bị huỷ hoại nghiêm trọng, đó cũng chính là những gì người viết nhìn thấy từ trong chính bộ phim này, vậy có còn kịp không khi con người nhận ra mình đã huỷ hoại Trái đất đến nhường nào?

Mà khoan! Chúng ta đã nhận ra chưa?