Em Là Bà Nội Của Anh, tôi đã khóc như thế đó

Tin điện ảnh · MarsLe ·

Trước tiên, tôi sẽ đề cập 1 số vấn đề như sau:

  • Em Là Bà Nội Của Anh là phiên bản remake của Miss Granny của Hàn Quốc, không chỉ có Việt Nam mà có đến 11 quốc gia khác sẽ làm lại bộ phim này, trong đó có phiên bản Trung Quốc đã ra mắt.
  • Mình là người chưa xem 2 phiên bản Hàn Quốc lẫn Trung Quốc.

Bây giờ tôi sẽ nói về Em Là Bà Nội Của Anh cho các bạn nghe.

Ngay từ trước khi xem phim, tôi đã không đánh giá cao nội dung lẫn cách đặt tên của bộ phim mặc dù cách đặt tên này rất thú vị, tuy nhiên có 1 chút sự chơi chữ trong bộ phim này! Cũng vì vậy mà tôi đã có tâm lý sẽ soi bộ phim này, nhưng phải nói rằng bộ phim đã làm rất tốt.

Với kịch bản quá tuyệt của Miss Granny và công việc của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và ekip làm phim là Việt hóa nó, nhưng đâu có đơn giản như bạn nghĩ. Nó đòi hỏi rất nhiều thứ và đặc biệt là làm sao phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Em Là Bà Nội Của Anh đưa người xem vào câu chuyện 1 cách tự nhiên, trong đó xen lẫn những tiếng cười và cũng nhiều nước mắt.

Bà Đại (Minh Đức) khó tính và hung dữ với mọi người, trừ con trai (Đức Khuê) và cháu trai của mình (Ngô Kiến Huy), và người phải chịu khổ sở nhiều nhất là con dâu (Ngọc Ánh). Nhưng ngược lại với sự quan tâm ấy, cậu con trai lại thương vợ nhiều hơn và thành ra chỉ còn mỗi cháu trai là quan tâm đến bà. Trong 1 lúc tủi thân, định mệnh đã đưa bà Đại đến với hiệu ảnh Thanh Xuân. Khoảnh khắc tươi đẹp nhất của 1 người con gái, tuổi 20, đã quay lại với bà Đại lần nữa. Cô gái trẻ Thanh Nga (Miu Lê) xuất hiện và tạm thế chỗ cho bà Đại và câu chuyện bắt đầu.

Giống như 1 giấc mơ vậy, và nếu đã là “mơ” thì tại sao không “mơ” cho hết. Thanh Nga bắt đầu làm quen với hình dạng mới của mình, thay đổi từ cách xưng hô đến ăn mặc, nhưng 1 bà lão đã 70 tuổi thì làm sao trong 1 vài ngày mà đổi từ cách ăn nói, tính cách đến thái độ trong mấy mươi năm cho được. Đây chính là điểm tạo nên những tiếng cười vui nhộn trong phim. Miu Lê đã cố làm xấu đi hình ảnh của mình để diễn 1 bà lão già lụm khụm đang làm quen với hình hài 20 tuổi. Không thể phủ nhận, Miu Le đã làm rất tốt tuy nhiên lại có vài điểm bị làm cho quá lố, điển hình là bộ dạng và dáng đi của bà Đại. Dù sao đó cũng chỉ là những điểm trừ quá bé so với tổng thể bộ phim.

Nhà làm phim đã nói đây sẽ là bộ phim hài và cảm động nhất năm 2015, có lẽ đây là lời nói không sai. Bà Đại là hình ảnh của rất nhiều người phụ nữ Việt nói riêng và phụ nữ trên thế giới nói chung , không phân biệt màu da hay sắc tộc. Nếu họ yêu thương thì họ sẽ quan tâm, chăm sóc và hy sinh rất nhiều. Đôi lúc những sự quan tâm ấy làm những người được quan tâm cảm thấy thật khó chịu nhưng bạn có biết họ thương yêu bạn rất nhiều. Một người phụ nữ sẵn sàng hy sinh tất cả cái thời gian đẹp nhất của đời họ chỉ vì có 1 vài thứ quý báu hơn cái sự đẹp nhất đó. Tình cảm gia đình được đề cao 1 cách khéo léo, không cần những lời nói đầy hoa mỹ. Đức hy sinh của người phụ nữ, người mẹ được đẩy lên đến tột độ khi họ buộc phải chọn lựa. Ai chẳng muốn hưởng thụ cho riêng mình nhưng ai sẽ sẵn sàng hy sinh?

Đỉnh điểm của bộ phim kết thúc khi mọi khúc mắc được chính người trong cuộc giải bày. Có lẽ vì tôi nghĩ đến chính câu chuyện của mình mà tôi đã không kiềm được nước mắt, ngay cả khi tôi đang viết những dòng này.

Tôi chỉ kể ra 1 số ít chi tiết trong phim, phần còn lại hy vọng sẽ để các bạn tự khám phá. Hy vọng các bạn sẽ tìm được 1 thông điệp nào đó trong bộ phim Em Là Bà Nội Của Anh như tôi đã tìm thấy.