Éternité - Vừa tình vừa thơ
Tin điện ảnh · PhucDu ·
Câu chuyện của Alice Ferney viết trong quyển sách, cũng như câu chuyện trong phim Éternité của Trần Anh Hùng, chẳng có gì phức tạp hay đặc biệt. Nó là một câu chuyện rất bình thường của con người.
Trần Anh Hùng là một cái tên giá trị của làng điện ảnh thế giới. Tuy rằng anh chưa làm một phim nào gắn mác "phim Việt Nam" (vì sang Pháp định cư từ năm 12 tuổi) nhưng khán giả Việt Nam, những người yêu điện ảnh Việt Nam, luôn luôn tự hào với ba chữ "Trần Anh Hùng". Những "Mùi Đu Đủ Xanh", "Xích Lô" hay "Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng" là những tác phẩm điện ảnh rất giá trị với người Việt Nam. Bởi vì Trần Anh Hùng chính là người đầu tiên mang hình ảnh Việt Nam đến với những sân khấu giải thưởng, những liên hoan phim lớn nhất thế giới.
Có thể với nhiều người, những hình ảnh được anh Hùng cẩn họa tỉ mỉ trong Mùi Đu Đủ Xanh hay Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng quá bóng bẩy, không có được những gì quy chuẩn về sự chân thật mà những người sở tại như chúng ta nhìn và sống mỗi ngày. Nhưng anh Hùng đã từng nói rất nhiều lần rằng anh không quá bận tâm chuyện đó. Không phải bởi vì anh sống xa quê hương nên ngại dấn thân vào thực tế mà vì theo tôn chỉ của riêng anh, những gì phim của anh truyền tải là những gì anh thấy đẹp nhất.
Anh Hùng từng tâm sự rằng khi sang Việt Nam quay Xích Lô, anh đã có những chuyển khảo sát thực tế với bối cảnh và những người lao động Việt Nam nhưng rốt cuộc thì anh không thu hoạch được những gì mình cần. Vì anh xác định rõ mình không làm phim tài liệu về Việt Nam, anh không quay những thước phim về Sài Gòn hay những người đạp xích lô nhung nhúc trên đường. Thứ mà anh Hùng mang đến không chỉ trong Xích Lô, mà cả những phim khác, chính là những mối dây cảm xúc từ những gì anh nhìn vả cảm thấy. Một mảng tường rêu phong cũ kĩ ở Hà Nội sẽ trở nên đẹp một cách tinh tường qua lăng kính của anh. Một câu chuyện về anh đạp xích lô cũng sẽ gợi lên những dòng cảm xúc rung chuyển theo cách của anh. Phim của Trần Anh Hùng luôn luôn là như thế. Có cảm giác như anh chẳng cần phải tìm tòi xem bản thân mình mạnh yếu điều gì để nâng cao chất lượng theo từng phim, mà anh chỉ cần nhìn, cảm cuộc sống và cứ thế tạo ra những thước phim mang đầy đủ tâm sắc trong cơ thể. Có lẽ chính điều này đã thuyết phục được đại tác gia Haruki Murakami đồng ý cho anh chuyển thể tác phẩm Rừng Na-uy lên màn ảnh rộng. Bởi cũng giống như phim của Trần Anh Hùng, Haruki Murakami kể những câu chuyện đặc biệt của ông theo một cách rất riêng.
Sau Rừng Na-Uy vào năm 2010, năm nay Trần Anh Hùng đã trở lại với diễn đàn điện ảnh bằng một tác phẩm mang quốc tịch thứ hai của anh, Pháp. Bộ phim Éternité (Vĩnh Cửu) là một tác phẩm chuyển thể từ quyển sách Nét Duyên Góa Phụ (tên gốc L’élegance des veuves) của nữ văn sĩ Alice Ferney. Những thước phim đa màu sắc của Trần Anh Hùng cùng giọng đọc của vợ là Trần Nữ Yên Khê đã sinh ra những khuôn hình vừa đẹp vừa thơ mà cũng thật là tình.
Câu chuyện của Alice Ferney viết trong quyển sách, cũng như câu chuyện trong phim Éternité của Trần Anh Hùng, chẳng có gì phức tạp hay đặc biệt. Nó là một câu chuyện rất bình thường của con người. Có thể ở thời đại chúng ta đã khác, nhưng với bối cảnh trong phim - thời của ông bà chúng ta - thì đó là những ví dụ rất điển hình về gia đình, con cái và tình yêu thương. Valentine là con gái thứ trong một gia đình nọ có 5 chị em gái (nhưng 2 người đã mất). Valentine lớn lên trong sự bảo bọc của cha mẹ, rồi cô lấy một người mà cô thương, tạo dựng gia đình, sinh con. Rồi thời gian, biến cố, hay tất cả những gì có trên đời này mà bản thân chúng ta đều biết, đã lấy đi của cô nhiều thứ. Nhưng đồng thời cũng cho cô lại nhiều điều. Con cô lớn lên lại tiếp tục gả chồng, lấy vợ rồi sinh con. Tình yêu thương mà cô thừa hưởng từ gia đình cứ thế được truyền sang con cháu, rồi rẽ những nhánh xa hơn, nhưng là vĩnh cửu.
Nội dung của Éternité chỉ đơn giản như thế. Thứ tình cảm dạt dào chảy âm thầm trong mạch phim cũng chẳng phải những gì quá to tát hay cao thượng. Nó nằm sẵn trong mỗi chúng ta, những sinh vật có nguồn cội. Nhưng tại sao thứ cảm xúc giản đơn, mặc định đó lại có thể trở nên bao la, đôi lúc lại rúng động? Bởi vì Trần Anh Hùng dùng những khuôn hình vô cùng chi tiết, những khung cảnh được đo đếm tỉ mì từ màu sắc đến không gian, những thủ pháp quay phim điêu luyện để rót nhè nhẹ từng âm sắc của yêu thương vào tai, vào mắt chúng ta. Để mỗi khán giả như được thở, được khóc, được yêu cùng nhân vật bằng những tình cảm thường nhật nhất mà đôi lúc chúng ta đã bỏ quên trong chính bản thân. Sự khơi gợi này chính là đặc trưng trong phim của Trần Anh Hùng. Chẳng cần ai hiểu tất tần tật, cũng chẳng cần những ngòi bút đánh giá phân tích dài loằng ngoằng, anh Hùng muốn khán giả dùng mắt để xem rồi dùng tim để cảm là đã tròn vị rồi.
Nhưng không phải vì phó mặc cho cảm xúc người xem mà đạo diễn hời hợt về cấu trúc hay thủ pháp. Từng cảnh trên phim đều chỉn chu, hài hòa từ màu sắc đến trang phục, cảnh quan. Công đầu này thuộc về Trần Nữ Yên Khê, nàng thơ và cũng là bạn đời của đạo diễn. Chị còn đảm nhận luôn cả vai trò đọc dẫn xuyên suốt mạch phim, làm chất nền cho những diễn viên thăng hoa. Còn phần anh Hùng, khi đã "rảnh tay" không phải lo cái khung nên anh thỏa sức để sáng tạo phần lõi. Éternité có những cú lia máy rất thú vị được tính toán kĩ lưỡng. Ví dụ như những cảnh quay với gương. Cứ như đạo diễn và cameraman đang đùa với gương ấy. Không chỉ một gương mà hai ba lớp gương, không chỉ một hướng soi mà đến hai ba hướng chiếu, tạo hiệu ứng thị giác rất sướng mắt. Hay những cảnh Mathilde và Henry nắm tay nhau đi giữa khu vườn, đơn giản nhưng không hời hợt. Từ cú lia máy cho đến nhịp độ nhanh-chậm, thời gian xuất hiện cơn gió, âm thanh đều có một sự căn chuẩn rất kĩ càng. Đặc biệt nhất chính là cảnh quay trên hồ (hay biển gì đó chả rõ), đẹp xuất sắc nhưng lại thuộc về phân đoạn mang tầm bi kịch nặng nhất.
Có thể thấy những thủ pháp nghệ thuật mà Trần Anh Hùng chắt lọc đưa vào phim không hoàn toàn đến từ những tính toán, mà nó có một sự cân bằng giữa lý trí và cảm xúc, được tuôn ra một cách tự nhiên từ tư duy và cảm quan của người đạo diễn. Không phải tự dưng mà những cảnh flashback lại xuất hiện trong phim với tần suất quá nhiều nhưng lại vô cùng lộn xộn. Mà đó là mục đích để tôn lên thông điệp "vĩnh cửu" của phim. Rằng dù chúng ta có mất mát hay thay đổi thế nào thì tình yêu thương mà chúng ta đeo mang vẫn luôn còn đó, lồng trong từng khuôn hình của ký ức, không bao giờ bạc màu. Mà điều này vốn đã tồn tại trong tâm tưởng của mỗi chúng ta. Khi tiếc nuối một điều gì thì sẽ nhớ một điều cũ để nhận ra sự trân trọng ở hiện tại. Vòng tròn này xuất hiện xuyên suốt trong phim, ở tất cả những nhân vật (chủ yếu là nhân vật nữ) để khơi dậy mọi mối dây tình cảm trong mỗi người xem. Có những cảm xúc đã bị quên lãng, có những cảm xúc đang dần mất đi, cũng có những cảm xúc luôn bị đè nén. Và khi xem Éternité, dường như mọi thứ từng bước sống dậy trong mạch máu, bơm dần về tim, để lý trí nhận ra sự vĩnh cửu luôn hiện hằng. Tất nhiên, thủ pháp này dù có tác dụng nhưng do bị lạm dụng hơi nhiều nên nhiều đoạn gây mệt mỏi.
Éternité là một bộ phim không dễ xem với đại chúng. Nhưng lại là một tác phẩm chan chứa cảm xúc của huyết thống, của tình yêu, của sự gắn gó. Phim mang khá nhiều đặc trưng về con người và văn hóa nước Pháp nên có thể sẽ gây khó chịu nếu bạn nghĩ mình đang xem phim của đạo diễn người Việt. Nhưng, nếu tạm dẹp bỏ những lý trí đó qua một bên, rồi xem bằng một tâm thế thoải mái không phòng bị không trông mong, hẳn bạn sẽ thấy dễ chịu. Bởi "điện ảnh" chính là một ngôn ngữ riêng biệt và hiểu nó như thế nào là tùy ở mỗi chúng ta.