Finding Dory - Vẫn không hổ danh Pixar, nhưng...
Tin điện ảnh · BaVu ·
Finding Nemo - đối với tôi đó là một trong những bộ phim hoạt hình hoàn hảo nhất về tất cả mọi mặt.
Finding Nemo - đối với tôi đó là một trong những bộ phim hoạt hình hoàn hảo nhất về tất cả mọi mặt. Thật đáng nể là nó đã ra đời cách đây 13 năm, với nhiều con số mà những bộ phim hoạt hình 3D hiện đại còn phải chạy dài: Phim hoạt hình đầu tiên bay qua con số nửa tỉ USD (giờ đã là 936,7 triệu USD). Chưa kể đó là bộ phim có doanh số bán DVD thiên hạ vô địch, với 40 triệu bản (chỉ tính đến năm 2006)...
Lần đầu tiên và cho đến hôm nay, chưa bao giờ khán giả phim hoạt hình lại được thấy một thế giới đại dương đầy màu sắc và đáng yêu như vậy. Trong phim, cha con cá hề Merlin-Nemo là nhân vật chính, nhưng chinh phục được tình cảm của phần lớn khán giả lại là nhân vật phụ: Con cá bắp nẻ xanh (Blue Tang) tên là Dory, với phần lồng tiếng cực kỳ sống động của ngôi sao truyền hình Ellen DeGeneres... Và thế là khán giả cứ chờ mãi chờ mãi một phần tiếp theo của bộ phim...
Finding Dory - tái xuất sau 13 năm chờ đợi như thế nào? Chuyện phim xảy ra chỉ nửa năm sau khi tìm được Nemo, lần này chuyển sang nhân vật được yêu mến nhất, Dory - cô cá bắp nẻ xanh, bị chứng hay quên nhất thời. Tuy tựa phim là "Đi tìm Dory", nhưng thực chất đó là cuộc hành trình đi tìm bố mẹ thất lạc của Dory thì đúng hơn, và điều đó đã dẫn đến sự hụt hẫng không mong đợi của bộ phim.
Sức hấp dẫn vượt thời gian của Finding Nemo là chất phiêu lưu mạo hiểm dưới đáy đại dương đầy màu sắc, nhưng cũng không kém phần kỳ bí và đầy rẫy hiểm nguy. Phần ở trên bờ rất ít nhưng lại rất gay cấn hấp dẫn, khi đã tạo ra một "nữ sát thủ cá" rất đáng sợ với tạo hình hài hước, nhóc tì Darla!
Finding Dory có dẫn nhập khá dài dòng, và rối rắm đối với trẻ con. Phần lớn diễn biến của phim lại đưa các nhân vật lên bờ - một kiểu như Công viên hải dương, khiến triệt tiêu hẳn thế giới kỳ bí đầy màu sắc của biển cả! Dory nói nhiều như tính cách của nhân vật này. Lúc ở tuyến phụ như trong Finding Nemo thì rất thú vị, nhưng khi trở thành vai chính, đó lại là trở ngại lớn với khán giả. Sự hoạt ngôn biến hoá của Dory làm người lớn theo dõi còn khó, huống hồ trẻ con. Nguyên nhân đưa tới việc đi tìm cha mẹ sau ngần ấy năm đã trôi qua của Dory thiếu thuyết phục.
Diễn biến của cuộc đi tìm cha mẹ Dory mang màu sắc hình sự, hơn là chất phiêu lưu mạo hiểm mang tính thương hiệu, mà trước đó Finding Nemo đã tạo ra được. Tính hình sự làm cho bộ phim ít bật ra tiếng cười. Cuộc lạc nhau và tìm nhau của các nhân vật trong phim mang đầy tính sắp đặt, dễ đoán trước, dẫn đến cao trào tìm được cha mẹ Dory không mang lại nhiều cảm xúc.
Những phân tích trên đây không phải để “dìm hàng” bộ phim, mà chỉ bày tỏ sự hụt hẫng khi mong ngóng một tình yêu với thời gian dài như vậy. 13 năm để có một câu chuyện “mỏng” như thân hình của cô cá Dory là một điều khó thể chấp nhận với một tên tuổi khổng lồ như Pixar – đã từng vượt vũ môn ngoạn mục với Toy Story 3 tuyệt diệu!
Ấn tượng lớn nhất với tôi trong phim này là nhân vật con bạch tuộc có khả năng biến hình Hank. Nó nổi trội hơn tất cả các nhân vật còn lại trong phim, kể cả cô cá Dory lẫn cha con Nemo. Mỗi lần Hank xuất hiện đều thú vị và vô cùng hấp dẫn – nó làm chúng ta liên tưởng đến vai trò lấn át của vai phụ Dory trong Finding Nemo 13 năm trước. Và tôi sẽ không bất ngờ – thậm chí mong chờ, nếu Pixar tung ra phần tiếp theo sau Finding Dory có tên là Finding Hank! Có thể lắm chứ!
Nói chung xem Finding Dory vẫn đáng từng xu, chưa kể phim của Pixar luôn có truyền thống bonus thêm cho khán giả một phim ngắn rất thú vị và ý nghĩa trước phim chính. Phụ huynh nên cho con em mình xem bản lồng tiếng đã được nhóm Đạt Phi chuyển ngữ và Việt hoá khá thú vị để có thể hiểu trọn vẹn bộ phim. Còn tôi sẽ cố sắp xếp thời gian xem lại với bản tiếng Anh gốc IMAX 3D, để cảm nhận được sự liến thoắng không ”đụng hàng” của Ellen DeGeneres khi lồng tiếng cho cô cá Dory.