Gấu Đỏ Biến Hình (Turning Red) - Những khía cạnh mà khán giả nhỏ tuổi có thể chưa hiểu hết
Tin điện ảnh · _bylyy16 ·
Gấu Đỏ Biến Hình hướng đến đối tượng khán giả chủ yếu là thiếu niên nhưng có những ẩn ý tinh tế người trưởng thành mới hiểu.
Với mạch phim đơn giản, không đánh đố và chủ đề gia đình rất gần gũi, quen thuộc, bộ phim dễ dàng được tiếp thu bởi đối tượng khán giả này. Tuy nhiên, Gấu Đỏ Biến Hình vẫn cài cắm một số ẩn ý dưới lớp hài hước và những ẩn ý này có thể chỉ những người lớn mới hiểu sâu. Đúng như đặc trưng của Pixar, Gấu Đỏ Biến Hình có lồng ghép tính nhân văn và những khía cạnh để khai mở cho đầu óc, thăng hoa cho tâm hồn.
Tuổi dậy thì - một khía cạnh tế nhị, không phù hợp với trẻ em được đề cập trong phim một cách tinh tế
Có thể nói đây là lần đầu tiên hình ảnh “băng vệ sinh” được xuất hiện trong phim của Pixar. Bằng cách chọn màu đỏ, màu tượng trưng cho kì kinh nguyệt đầu tiên của tuổi dậy thì cùng với tất cả những câu chuyện khó chịu, xấu hổ, vừa bi vừa hài đi kèm với nó. Gấu Đỏ Biến Hình đã khéo léo lồng ghép hình ảnh này trong phim nhưng không hề thô thiển, ngược lại mang tính giáo dục rất cao. Bé Mei cảm thấy cơ thể nó thật kì lạ, mùi nồng nặc hơn xưa, cảm xúc thay đổi liên tục, và nó dường như phát điên khi phát hiện chính mình ở hình dạng con gấu đỏ, tương tự như cảm giác của mỗi bạn nữ ở lần đầu tiên đến kì.
Ngoài ra, vì là một bộ phim khai thác chủ đề gia đình, nên có thể thấy ở đây nhấn mạnh sự quan tâm của bố mẹ giai đoạn dậy thì của con. Cô Ming - mẹ của Mei, dù rất bất ngờ nhưng vẫn có sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt cho Mei, từ túi chườm, trà ấm, băng vệ sinh…cho đến những lời an ủi, quan tâm, thậm chí bám sát đến tận trường học vì lo lắng cho sự thay đổi của con mình. Trong giai đoạn này, nếu người mẹ không nhạy cảm với sự thay đổi về mặt sinh lí lẫn tâm lí của con gái, có thể sẽ tạo ra khoảng cách rất lớn giữa mẹ và con.
Một nét sâu hơn về tuổi dậy thì được nhấn nhá đến trong Gấu Đỏ Biến Hình là cảm xúc mơ mộng với đối tượng khác giới. Ngoài thần tượng ra, tuổi này bé Mei đã biết tơ tưởng đến người con trai khác, thậm chí nó có thể vẽ ra những viễn cảnh không phù hợp với lứa tuổi và hài lòng với những hình ảnh đó. Nó si mê, mơ màng về bọn con trai, và cho dù nó ghét điều đó, nó vẫn không thể phủ nhận việc mình đang có những thay đổi về cảm xúc rất lớn đối với con trai. Hơn hết, nó biết xấu hổ, biết xấu hổ khi những hành động của mình bị bắt gặp và xấu hổ khi đối mặt với người con trai mà nó nghĩ đến.
Kiểm soát cảm xúc - một khía cạnh được thể hiện rõ nhất thông qua hình ảnh Gấu trúc đỏ
Hình ảnh gấu trúc đỏ không chỉ mang biểu tượng thay đổi ở tuổi dậy thì của dòng họ nhà Mei, nó còn ẩn ý về cách điều hòa cảm xúc của mỗi người. Không phải tự nhiên mà có các cảnh phim Mei luân phiên từ hình dáng gấu trúc trở về bình thường và ngược lại. Cả hình ảnh khi mẹ Mei biến hình, bà và các dì của Mei cũng lần lượt biến hình để giải cứu mẹ Mei. Con gấu trúc đỏ ở đây đại diện cho một nhân cách khác của mỗi người, một phiên bản mà bản thân chúng ta không muốn thể hiện ra ngoài, và nó được điều tiết bằng cảm xúc. Mỗi khi tức giận, xúc động hay phấn khích tột độ, Mei lập tức biến hình thành gấu trúc đỏ, dù rất nhiều lần nó thực sự ghét điều đó. Và bà, dì cùng mẹ của Mei cũng luôn muốn kiềm hãm con gấu trúc này lại để chọn một cách sống bình thường.
Hiểu sâu sắc hơn, khi biến động về cảm xúc, mỗi chúng ta có thể dễ dàng bị mất kiểm soát và có những hành động không thể ngờ tới, và những hành động này có thể không phù hợp với hoàn cảnh, như việc Mei phát điên đánh bạn mình, hay việc mẹ Mei tức giận đến mức không còn quan tâm bất kì thứ gì xung quanh trừ Mei. Do đó, có thể thấy việc kiểm soát cảm xúc thật sự rất quan trọng, và mỗi chúng ta cần phải có cách điều hòa để có những hành động phù hợp.
Vùng an toàn - một khía cạnh dù chưa được chú trọng nhưng vẫn được thể hiện trong phim
Khái niệm “vùng an toàn” được biết đến là một trạng thái tâm lý trong đó mọi thứ cảm thấy quen thuộc với một người và họ thoải mái và kiểm soát môi trường của họ, trải qua mức độ lo lắng và căng thẳng thấp. Bé Mei là một ví dụ, nó lớn lên với hình tượng là “con nhà người ta”, ngoan ngoãn, nghe lời mẹ, học tốt, tan trường lập tức về nhà phụ giúp mẹ, một hình mẫu lí tưởng của bất cứ đứa con nào. Nếu cứ tiếp diễn như vậy thì mọi thứ sẽ đều ổn. Tuy nhiên, sự kỳ vọng của bố mẹ là vô hạn, nhất là bố mẹ Châu Á, sự ngoan ngoãn của Mei chưa bao giờ là đủ, bố mẹ luôn muốn kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc đời con, từ sở thích về âm nhạc đến cách chọn bạn bè, cách quan tâm người khác giới. Đó là lí do khi Mei có những biến đổi về cảm xúc, nó phải đấu tranh dữ dội giữa việc nghe lời mẹ hay nghe theo con người bên trong mình.
Có thể thấy việc mong muốn thoát ra khỏi vùng an toàn của Mei là rất lớn, nó muốn được làm những thứ nó thích, nó muốn đi chơi cùng bạn bè, nhảy nhót hát hò, khao khát đi xem concert của thần tượng, nhưng nó sợ hãi, sợ bố mẹ thất vọng về nó, nó nhận thức được sự kì vọng mà bố mẹ dành cho mình. Thậm chí nó còn bị gọi là một đứa bám váy mẹ, và cả lúc thấy bạn bè bị chỉ trích vì dụ dỗ nó, dù nó biết mẹ nói sai nhưng nó vẫn không sẵn sàng đứng ra chia sẻ suy nghĩ của nó, vì nó sợ hãi.
Câu dẫn đầu phim thể hiện phần nào được khía cạnh này: “Nếu luôn cố gắng làm bố mẹ vui thì đôi lúc sẽ làm bản thân mình buồn.” Phải nói rằng Mei đã rất khó khăn để đưa ra mọi quyết định ở giai đoạn này. Nhưng nhờ có sự thấu hiểu, ủng hộ từ người bố, sự nhiệt tình từ những người bạn và sự “nổi loạn” của tuổi dậy thì, nó đã dám chọn thứ mà nó muốn. May mắn thay, cuối cùng thì mọi người cũng đã hiểu cho Mei và Mei đã có sự lựa chọn phù hợp cho mình là bước khỏi vùng an toàn, đi ngược lại với bà, mẹ và các dì của nó.
Nói tóm lại, ba khía cạnh trên tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi đối tượng khán giả, độ tuổi thanh thiếu niên sẽ có cái nhìn khác với độ tuổi thanh niên. Nhưng chắc hẳn rằng mỗi người đều thấy hình ảnh chính mình thông qua hình tượng bé Mei và có thể đón nhận được những thông điệp tinh tế từ Gấu Đỏ Biến Hình để có được bài học cuộc sống cho riêng mình.