Logan và Hurt - Nỗi đau và ý chí của những lão già

Phim Siêu Anh Hùng · Tin điện ảnh · ChuThien ·

Sau hàng loạt dự án mang tính “phá hoại nhân vật” và đảo lộn tùng phèo dòng thời gian của X-men, trailer của Logan dường như giúp Fox vực dậy tiếng nói của mình trong dòng phim siêu anh hùng khi được hàng loạt người hâm mộ tiếp nhận.

Đúng ngày 20/10/2016, Hãng 20th Century Fox (Fox) đã chúc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam bằng trailer nóng bỏng tay của bộ phim Logan. Sau hàng loạt dự án mang tính “phá hoại nhân vật” và đảo lộn tùng phèo dòng thời gian của X-men, trailer của bộ phim dựa tên tập truyện tranh “Old man Logan” dường như giúp Fox vực dậy tiếng nói của mình trong dòng phim siêu anh hùng khi được hàng loạt người hâm mộ tiếp nhận. Có phải vì trailer này đã lôi kéo được người hâm mộ của dòng game “Last of Us”? Cũng có thể. Nhưng nguyên nhân chính, theo tác giả, là do trailer này đã làm được điều mà các phim Marvel chưa làm được. Các bạn nghĩ đúng rồi đấy. Đó chính là việc cho bài “Hurt” của Johnny Cash vào khiến trailer mang tính âm nhạc và thăng hoa cảm xúc lên rất nhiều.

1. Trailer và bài hát

Bài hát “Hurt” được tài tử nhạc đồng quê Johnny Cash thể hiện trong album “American IV: The Man Comes Around” năm 2002, một năm trước khi ông qua đời. Giọng trầm buồn của người đàn ông 70 tuổi kinh qua thế cuộc thăng trầm cuộc đời, hòa cùng tiếng thều thào của Giáo sư X và khuôn mặt già nua của Logan trong trailer, đã tái hiện cuộc sống u buồn lặng lẽ sau bao năm sóng gió bụi trường của cả 2 mutant cuối cùng trên. Logan mang trong mình thứ vừa là món quà của Thượng Đế cũng vừa là sự nguyền rủa của tạo hóa: sống quá lâu để thấy những người thân, đồng đội của mình ngã gục rời xa mình mãi mãi. Nhưng khi lời nguyền đó dần tan đi, khi khả năng phục hồi của Logan đã dần biến mất, cuộc sống của gã lại bị xáo trộn bởi đứa trẻ mang mật danh X-23. Cơn đau một lần nữa lại được gợi lại.

“I hurt myself today

To see if I still feel

I focus on the pain

The only thing that's real”

 

“Beneath the stains of time

The feelings disappear

You are someone else

I am still right here”

Bộ phận xử lý trailer đã ghép 2 đoạn thuộc 2 khổ khác nhau trong bài “Hurt”, không phải chỉ để làm đoạn nhạc ngắn gọn, mà còn nhấn mạnh vào nỗi đau của Logan. Nếu như các bạn còn nhớ, trong phim X-Men (2000), Rogue đã hỏi Logan khi thấy anh ta khoe móng vuốt làm rách da tay mình “Does it hurt?”, và Logan trả lời “Every time”. Phải, dù Logan có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc đến đâu, thì vẫn không tránh khỏi đau đớn khi phải chịu thương tổn. Và Logan đâu chỉ bị thương tổn mỗi thể xác? Bao năm sương gió bụi trần, dường như chỉ có nỗi đau là thứ Logan tiếp tục gậm nhắm để sống qua ngày đoạn tháng. Còn những cảm giác khác, đã mãi mãi chôn vùi cùng những người đồng đội của mình. Tưởng như đã đến một ngày bước chân mỏi mệt, gã dị nhân hoang dã đã có thể rũ bỏ phong sương sống một cuộc đời ẩn dật. Nhưng cuộc sống luôn luôn dày vò linh hồn kẻ tội nghiệp ấy.

“And you could have it all

My empire of dirt

I will let you down

I will make you hurt”

 

“I would keep myself

I would find a way”

Lại một lần nữa, đội biên tập trailer đã cắt ghép lời bài hát để phục vụ ý đồ của mình, lần này là nhấn mạnh ý chí của Logan. Cách cắt ghép này khiến ý nghĩa bài nhạc có khác đi với bản gốc, khi đi kèm với nội dung trailer, nó là lời cảnh cáo của Logan đối với bất kỳ kẻ nào dám động đến “di sản” của gã. Kẻ nào dám làm liều, chắc chắn sẽ bị ăn đập nhiều. Dù có già có sống ẩn dật, con thú hoang vẫn là con thú hoang. Dù năm tháng bào mòn, móng vuốt của gã vẫn còn rất cứng cáp. Và tin tôi đi, Logan biết cách khiến bạn đau đớn hết mức có thể, khiến bạn ao ước rằng mình chưa bao giờ có cái ý nghĩa điên rồ là chọc vào gã điên này.

2. Nội dung bài hát

Như đã nói ở trên, nội dung bài hát “Hurt” của Johnny Cash khá tương đồng với tình cảnh của Logan. Khi giọng ca của nam tài tử nhạc đồng quê, bạn có thể thấy trước mặt mình là người đàn ông cô độc với chằng chịt những vết sẹo thời gian – những nếp nhăn trũng sâu trên khuôn mặt. Thời gian nghiệt ngã đã khiến tất cả những gì tốt đẹp nhất trong quá khứ bỗng chốc trở thành nỗi đau hoài niệm. Còn những nỗi đau dai dẳng, những sai lầm trong quá khứ? Thời gian dũa mài chúng thành những mũi kim sắc nhọn cắm sâu vào tâm can con người. Điều nghiệt ngã hơn là, nỗi đau là thứ duy nhất khiến người đàn ông ấy còn cảm nhận được, là điều duy nhất mang lại cảm giác sống. Một cuộc sống mà từng ngày từng ngày khiến ta càng nhớ rõ hơn những điều đã khiến tâm can ta ứa máu.

Bài hát còn là lời tự vấn của người đàn ông đó, khi nhận ra thời gian đã biến đổi mình như thế nào. Lời bài hát làm tôi nhớ đến một đoạn trong “Bố già”, khi Mario Puzo nói về người kéo già hói đầu bụng phệ xem lại những cảnh vàng son thời thanh niên trai tráng mình từng tung hoành trên màn ảnh. Thời gian đã biến đổi hoàn toàn một con người, kẻ mẫn trí ngày nào giờ ngồi trên cái “ngai vàng” của chính mình, chiếc ghế tựa già cỗi như chính chủ nhân của nó, với chiếc vương miện chứa đầy những suy nghĩ vụn vỡ chẳng đầu chẳng đuôi. Bao nhiêu kẻ theo đuổi cái hào quang giả dối ấy, sẽ có một ngày nhận ra tất cả chỉ là cát bụi. Và cũng giống như bao kẻ khác, tất cả đều ao ước thời gian quay trở lại, để ta có thể tìm một con đường khác. Nhưng ước mơ ấy rốt cuộc cũng chỉ là ảo ảnh ta tự lừa dối mình để sống qua ngày đoạn tháng.

3. Nguồn gốc bài hát

Người hâm mộ của Johnny Cash có một câu đại loại thế này: Đưa một bài hát của bạn cho Johhny Cash hát và, boom, bài hát đó là của Cash luôn. Quả thật, trong sự nghiệp của mình, Johnny Cash cũng hát kha khá bài hát không phải do mình sáng tác. Và “Hurt” có lẽ là bài cuối cùng trong số đó. Nguyên gốc bài hát này là của Trent Reznor và được ban nhạc của anh, Nine Inch Nails, thể hiện lần đầu tiên vào năm 1994. Bạn có đoán được bài nhạc lúc đầu nói về gì không? Nếu không, hãy xem thử một đoạn lời:

“The needle tears a hole

The old familiar sting

Try to kill it all away

But I remember everything”

Bạn thấy chữ “kim tiêm” không? Nếu bạn thấy thì bạn rõ ý nghĩa rồi đó. Bài hát gốc của Nine Inch Nails nói về việc nghiện ma túy và chứng tự hành hạ bản thân. Chắc các bạn còn nhớ một thời có trào lưu tự dùng dao lam rạch lên các bộ phận của thân thể chứ? Cả bài hát thể hiện sự đau đớn của một con người mắc chứng trầm cảm. Thậm chí, một số thính giả còn cho rằng bài hát là một lá thư tuyệt mệnh của nhân vật trong bài hát nữa.

4. Âm nhạc của Johnny Cash và điện ảnh

Nói riêng về bài “Hurt”, thì không phải đây là lần đầu tiên bài hát này bước lên màn ảnh rộng. Trong bộ phim “Colombian” (2011), bạn có thể nghe bài hát này trong phần credit của bộ phim. Trước đó nữa, bài hát “Hurt” cũng đã xuất hiện trong bộ phim “Inside I'm Dancing” (2004) hay các bộ phim truyền hình như “Criminal Minds”, “Smallville”, và “Person of Interest” hay bộ phim tài liệu “Why We Fight”. Tùy vào mỗi bộ phim, nội dung bài hát sẽ được cắt ghép và có ý nghĩa khác nhau. Nhưng tựu chung, đều giống như chính tựa đề “Hurt”, là thể hiện nỗi đau giằng xé trong tâm can của các nhân vật. Và trong bộ phim hài “Hangover 3” (2013), Mr. Chow đã thể hiện bài hát này khá thành công:

Một bài hát nổi tiếng khác của Johnny Cash là “God’s Gonna Cut You Down” cũng rất hay được dùng trên màn ảnh. Bài hát là lời cảnh báo với những kẻ mang tội rằng Chúa sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng, dù chúng đã chạy bao xa và bao lâu hay đã che dấu tội ác của mình như thế nào. Dưới giọng ca của người đàn ông trong bộ đồ đen, bài hát còn có phong vị của một kẻ thế thiên hành đạo hay thoáng chút hình ảnh của những cuộc trả thù đền tội thường thấy trong những bộ phim cao bồi. Do đó, “God’s Gonna Cut You Down” xuất hiện trong trailer của bộ phim “True Grit” (2010), cuộc rong ruổi trả thù cho cha của cô bé 14 tuổi Mattie Ross và gã đặc vụ liều lĩnh Reuben J. "Rooster" Cogburn.

Ngoài ra, nhạc của Johnny Cash còn xuất hiện trong các trailer khác như “Ain’t No Grave” trong “Django Unchained” (2012), “The Man Comes Around” trong “Abraham Lincoln: Vampire Hunter” (2012) hay “Country Boy” trong “Zombieland” (2009). Có thể nói, nhạc của Johnny Cash khiến tất cả các trailer đó không những thêm phần trang trọng mà cũng rất hào hùng và mạnh mẽ. Nhưng bạn không cần xem tất cả những trailer đó để xem nhạc của Johnny Cash phối hợp tuyệt hảo với màn ảnh rộng như thế nào. Bạn chỉ cần làm một việc thôi, đó là tìm xem bộ phim “Walk The Line” (2005) do tài tử Joaquin Phoenix tái hiện lại cuộc đời đầy thăng trầm của biểu tượng nhạc đồng quê khổng lồ này.

Nguồn: Chu Thiên