Mật vụ Snowden - Pandora, Rubik và sự đảo điên của nhân loại

Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·

“Mật vụ Snowden” như một khối rubik đa sắc, đa chiều, không ngừng chuyển động và thách thức người xem.

Chiếc hộp Pandora đánh vào sự tò mò và mở ra tai ương cho loài người. Trong khi đó, khối Rubik mà Snowden mang theo suốt bộ phim luôn được vận động trong bàn tay con người đại diện cho khao khát sử dụng trí tuệ để khống chế mọi vật của loài người.

“Mật vụ Snowden” như một khối rubik đa sắc, đa chiều, không ngừng chuyển động và thách thức người xem. Và cũng như những ai đủ kiên trì để giải mã nó, sự thỏa mãn cuối phim là một cảm giác tuyệt vời.

Bộ phim dựa trên sự kiện có thật. Đó là việc Edward Snowden, một nhân viên tình báo của chính phủ Mĩ tung ra các hồ sơ mật cho thấy chính phủ Mĩ đã giám sát người dân nước mình cũng như các quốc gia khác trên thế giới bất kể đồng minh hay kẻ địch thông qua mạng Internet.

Đối với một hành động phi thường như thế, người ta sẽ đặt câu hỏi “Tại sao?” và “Làm thế nào?”.

Và bộ phim của chúng ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình là trả lời cho 2 câu hỏi trên.

Phim bắt đầu với hành trình gia nhập Special Force của Snowden (Joseph Gordon Levitt đóng). Một tai nạn trong lúc luyện tập đã tước đi khả năng chiến đấu của anh. Tuy nhiên điều này mở ra một bước ngoặt hoàn toàn: anh tham gia vào CIA và chiến đấu trên mặt trận tình báo, an ninh mạng.

Đạo diễn Oliver Stone đã rất tài tình khi tạo ra một mạch phim thu hẹp dần: nếu mở đầu hành trình của mình, Snowden cho thấy một tinh thần hăng hái, có chút ngây thơ và tự hào, thì tiếp theo đó, khi anh công tác ở Geneva, Nhật, Hawaii … sự tàn bạo của cuộc chiến ngày một leo thang và đè nặng lên anh khiến anh trầm uất. Thông qua diễn xuất của Joseph cũng như cách chọn lựa tình tiết của Oliver Stone, người xem dù biết trước là anh sẽ không sao, nhưng cũng không thể không cảm thấy bức bối ngột ngạt trước những quyết định, những biến cố trong cuộc đời của anh.

Đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao Snowden làm điều này?”.

Người Việt có câu ca dao:

“Ngu si thì hưởng thái bình

Càng khôn ngoan lắm càng oan trái nhiều.”

Snowden tuyệt đối là một kẻ khôn ngoan bậc nhất (trong phim có những tình tiết rất thú vị để chứng tỏ điều này). Chính vì thế mà anh nhận ra những bất ổn trong nội tâm của mình, của các sếp trong CIA,NSA và cả trong tâm trí con người.

Và vì trí tuệ mà Snowden có được không phải là thứ khôn lỏi ngậm miệng ăn tiền, sống chết mặc bay. Trí tuệ mà anh có là thứ trí tuệ dung hòa giữ khả năng tư duy và lương âm. Anh hiểu rằng nếu mình không mang năng lực của mình đứng ra cảnh tỉnh hệ thống chính trị, tình báo của nước Mĩ, thì đất nước của anh, và cả loài người sẽ tự nhấn chìm mình trong cơn khát quyền lực và kiểm soát đến điên cuồng. Thế nên anh quyết định đánh đổi tất cả, để chống lại con quái vật đang núp sau những mĩ từ “an ninh quốc gia”, “chống khủng bổ” v.v.

Và cũng như một khối rubik không ngừng chuyển động, xoay quanh anh chàng Snowden là những con người đến từ 2 thái cực: Sáng- Tối.

Họ là Cobrin O’Brian (Rhys Ifans đóng), là Trevor James (Scott Eastwood) của những tổ chức tình báo. Thông qua diễn xuất tài tình của các diễn viên, ta thấy được rằng bóng tối trong lòng người cũng đa sắc và phức tạp vô cùng. Đó là sự hoài nghi tuyệt đối, máu lạnh của Cobrin dành cho người khác. Hay là sự vô cảm sau quá nhiều những lần “nhúng chàm” của Trevor. Càng nghe những lời thốt ra từ họ, người ta càng sợ và cảm thấy tuyệt vọng khi hiểu ra rằng thế giới này đang được cầm trịch bởi những kẻ như thế.

Và họ cũng là Lindsay (Shailene Woodley), bạn gái của Snowden hay Laura Poitras (Melissa Leo), nữ nhà báo can đảm. Ở họ toát ra một thứ tình yêu thương con người, cũng như nghị lực kiên định trước sóng gió. Hi vọng mà họ mang lại không có tính áp đảo như những người bên kia chiến tuyến, nhưng lại ấm áp và bền bỉ lạ thường.

Có thể nói, mỗi một nhân vật là một giọng nói đã từng vang lên trong cuộc tranh cãi bất tận về “Tự do và giám sát”, “lòng tin và nghi hoặc”, “quyền lực và trách nhiệm” … Sự xuất sắc của dàn cast sẽ khơi gợi lại dòng suy nghĩ và tranh luận trong lòng người xem về chủ đề thiên cổ này.

Chính giữa dàn cast tài ba, hay nói đúng hơn giữa một xã hội loài người đầy mâu thuẫn, là một Snowden không ngừng bị cuốn đi. Để rồi có được lựa chọn cuối cùng. Và Joseph Gordon Levitt hoàn toàn thành công trong việc khắc họa lý tưởng và quá trình hình thành lý tưởng của Snowden. Trái với những hình tượng thiên tài “siêu đẳng”, dùng trí tuệ coi khinh loài người, đôi mắt hiền hậu của Joseph mang đến cảm giác thân thiết. Vì vậy mà hành trình đi tìm lý tưởng và đấu tranh của anh mang đậm chất “người”, đầy cảm hứng và sự động viên.

Nếu bạn tìm kiếm một bộ phim hành động kể về quá trình chạy trốn của Snowden thì bạn sẽ thất vọng. Nhưng nếu bạn tìm kiếm một bộ phim kể về những đấu tranh tư tưởng, lòng tin vào nhân tính, vào lí tưởng, thì bạn sẽ cần xem “Mật vụ Snowden”. Không chỉ một, mà rất nhiều lần.