Năm 2017, mảng điện ảnh "cuồng nhiệt" với nhiều bộ phim LGBT gây tiếng vang lớn
Góc Nghệ Thuật · Maii ·
LGBT (Lesbian – đồng tính nữ, Gay – đồng tính nam, Bisexual – song tính và Transgender – chuyển giới) từ lâu đã không còn là điều quá mới mẻ, nhưng thực để xã hội hoàn toàn chấp nhận vẫn còn là việc quá nhiều khó khăn.
Ở một số nước phương Tây, góc nhìn về LGBT đã có phần cởi mở và thoải mái hơn so với các nước Á Đông. Số lượng phim truyền hình hằng năm xuất hiện các nhân vật thuộc cộng đồng LGBT, nếu tính riêng thị trường Âu Mỹ thôi cũng khó lòng thống kê hết. Mảng điện ảnh cũng “cuồng nhiệt” không kém khi càng lúc càng xuất hiện nhiều bộ phim về LGBT gây được tiếng vang, được giới phê bình khen ngợi cũng như khán giả yêu mến.
Nổi bật nhất trong số đó là Call Me By Your Name – bộ phim hợp tác giữa Mỹ, Ý, Pháp và Brazil, xoay quanh câu chuyện tình giữa hai chàng trai trẻ, cậu bé 17 tuổi tên Elio (Timothée Chalamet) và anh chàng sinh viên 24 tuổi Oliver (Armie Hammer). Không chọn cách dẫn dắt bi lụy và đầy nước mắt như những bộ phim cùng đề tài trước đây, Call Me By Your Name nói về tình yêu, một tình yêu đầy gợi cảm nhưng cũng không kém phần trong sáng và nên thơ. Không còn cái gọi là tuổi tác hay giới tính, chỉ có những cảm xúc chân thật và mãnh liệt nhất giữa hai con người đang yêu.
Rời xa mùa hè nước Ý những năm 80 trong Call Me By Your Name, khán giả tiếp tục được chứng kiến một mối tình khác ở Yorkshire thuộc Anh quốc với God’s Own Country. Một bên là câu chuyện tình nên thơ ở vùng quê nước Ý xa xôi cùng ánh nắng vàng ươm và bờ biển đầy cát trắng, một bên là vùng đất hoang vu của Anh với những trận mưa thất thường và tiếng gió rít từng cơn.
God’s Own Country khởi đầu với không khí phim ngột ngạt khiến người xem dễ dàng cảm nhận được cuộc sống không mấy tốt đẹp của nhân vật Johnny (Josh O’Connor). Cho đến khi anh gặp được Gheorghe (Alec Secareanu) thì trái tim anh mới dần dịu trở lại. Cuộc tình của họ không nồng cháy như của Elio và Oliver, nhưng lại ấm áp dù có đôi chút đượm buồn. Họ gần nhau và trở nên thân thiết một cách tự nhiên không bò gó.
Cách dẫn dắt và hướng câu chuyện đi theo lối “bình thường hóa” những người thuộc giới tính thứ ba, không tập trung vào việc họ đối mặt với sự kỳ thị, dè bỉu và các tình huống bi kịch đau thương đã mang đến làn gió mới cho các bộ phim cùng đề tài. Mối tình gần gũi và dễ chịu hơn cho thấy cách khai thác đề tài còn gây nhiều tranh cãi này đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận.
Giống như Call Me By Your Name, God’s Own Country không lấy chuyện giới tính của nhân vật làm nguồn cơn cho mọi chi tiết đau khổ, mà sử dụng một lý do riêng như bao nhân vật dị tính trong các phim khác.
Thế nhưng không chỉ có các câu chuyện tình yêu màu hồng, các nhà làm phim còn khai thác những chủ đề rộng hơn về xã hội như chuyện đối đầu với căn bệnh thế kỷ AIDS, bằng cách thực hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân trên diện rộng như trong BPM (Beats Per Minute), hay kiểu cốt truyện cổ điển về vấn đề nhức nhối là sự kỳ thị đối với những người thuộc cộng đồng LGBT, về hành trình đi tìm vị trí của bản thân cuộc sống của những người đồng tính trong Beach Rats.
Dù sử dụng cốt truyện như thế nào, thì việc mở rộng và tạo nên các nhân vật với số phận và câu chuyện đời đa dạng hơn, đã mang đến cho điện ảnh thêm nhiều màu sắc.
Trong khi phim về đề tài đồng tính nam có xu hướng nhẹ nhàng hoặc gây ám ảnh ngầm, thì các bộ phim lấy đề tài đồng tính nữ có phần dữ dội và nổi loạn. Điển hình là The Misandrists của đạo diễn người Canada Bruce LaBruce. Các cô gái của The Misandrists sống trong một cộng đồng thu nhỏ, đứng đầu là nhân vật Big Mother (Susanne Sachsse). Họ được Big Mother khuyến khích quan hệ tình dục thường xuyên và được “nhồi nhét” các tư tưởng về chuyện đảo lộn trật tự thế giới, đưa phụ nữ lên nắm quyền. Từ cốt truyện, âm nhạc, dẫn dắt và trang phục của các nhân vật trong phim đều mang rất “dị”.
The Misandrists không chỉ xoay quanh những cô gái được dạy “phụ nữ sinh ra là để dành cho nhau”, phim còn đưa đề tài nữ quyền vào khai thác. Điều này đã gây ra làn sóng tranh cãi rất dữ dội. Một bên cho rằng phim đã khắc họa tốt hình ảnh nữ quyền trong phim dù cho cách khắc họa ấy có hơi khác thường, trong khi bên còn lại chỉ trích bộ phim đang làm xấu đi định nghĩa nữ quyền đích thực và khiến người ta dè chừng khái niệm này. Chọn hướng đi dễ dàng hơn The Misandrists, Women Who Kill đi theo hướng tâm lý hài pha lẫn chút kinh dị, và chất liệu đồng tính chỉ dừng lại ở mức nền chứ không hẳn là đề tài chính mà đạo diễn/biên kịch Ingrid Jungermann muốn hướng đến.
Bên cạnh đó, các nhà làm phim còn tiếp tục khai thác bộ phim về người chuyển giới, vốn có số lượng ít ỏi hơn đồng tính nam hoặc đồng tính nữ, như A Fantastic Woman đến từ Chile hay Close-Knit của điện ảnh Nhật Bản. Nếu Close-Knit là bộ phim nhẹ nhàng về một gia đình tìm cách kết nối với nhau khi có đến hai người đàn ông (về mặt sinh học) yêu nhau và sống chung một nhà, thì A Fantastic Woman dẫu có tông phim tươi sáng, vẫn ám màu sắc u tối về cuộc đời bị kỳ thị của một người phụ nữ trong thân xác đàn ông.
Nhân vật chính của Close-Knit là cô bé Tomo (Rinka Kakihara), vì hoàn cảnh nên về sống chung với người chú ruột Makio (Kenta Kiritani). Tomo lúc này cảm thấy thật kỳ lạ khi “đụng độ” bạn gái mới của chú - Rinko (Toma Ikuta), một người đàn ông ăn mặc như phụ nữ. Phim tiếp cận góc nhìn về người chuyển giới của một cô bé con và mang đến những khoảnh khắc nhẹ nhàng, nhưng cũng không kém phần cảm động.
Trẻ con đôi khi có cái nhìn bao dung và thoải mái hơn người lớn vì chúng vẫn còn ngây thơ, suy nghĩ và quan niệm của chúng chưa bị người lớn “nhào nặn”. Cô bé Tomo chưa bị thế hệ trưởng thành “đầu độc” trong cái nhìn về người thuộc LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng. Dù có cảm thấy không thoải mái đôi chút khi mới về nhà, nhưng dần dần cô bé chú ý đến việc Rinko chăm sóc và đối xử tốt với mình ra sao, hơn là vẻ bề ngoài.
Marina Vidal (Daniela Vega – ngoài đời cũng là một người phụ nữ chuyển giới) của A Fantastic Woman lại không được may mắn như thế. Sau khi có một mối quan hệ tình cảm lãng mạn với một người đàn ông đã li dị vợ - Orlando (Francisco Reves), cuộc đời của Marina xuống dốc khi người tình của cô qua đời. Cô bị xua đuổi bởi gia đình của Orlando, cũng như phải hứng chịu những ánh mắt không mấy thiện cảm từ phía cảnh sát.
Thế nhưng, Marina không cam chịu mà bắt đầu nổi loạn theo cách của riêng cô, đòi quyền được tôn trọng, được bảo vệ và được tự do theo đuổi hạnh phúc của riêng mình. Marina không chỉ đại diện cho hình ảnh người chuyển giới đi tìm chỗ đứng, mà còn là đại diện của người phụ nữ trong xã hội, đôi khi bị khinh thường và bị từ chối các quyền cơ bản chỉ vì họ sinh ra không phải đàn ông.
Nếu việc công khai xu hướng tình dục đồng tính đối với những người ở các nước phát triển đã khó, thì những người đến từ một cộng đồng đề cao tính truyền thống và các lễ nghi, tập tục từ ngàn đời xưa còn khó hơn. Một bộ phim có khả năng đan xen song song văn hóa cổ của một vùng hoang sơ với một khái niệm còn mới mẻ đối với những con người ở nơi đó, quả thực là thử thách rất lớn.
Thế nhưng The Wound – phim hợp tác giữa Nam Phi, Đức, Pháp và Hà Lan – đã làm được điều đó. Phim khắc họa cuộc chiến không cân sức giữa những người đồng tính đối đầu với hủ tục, với các nghi thức “bẻ cong thành thẳng”, với ánh nhìn kỳ thị do sự cổ hủ của đại đa số những người còn lại trong một cộng đồng ở Nam Phi. Dù là tác phẩm đầu tay của đạo diễn John Trengrove, nhưng The Wound thành công trong việc đưa đến tuyên ngôn mạnh mẽ về tình yêu không phân biệt giới tính. Đây không phải là một bộ phim dễ xem bởi nó khá đen tối và có nhiều khoảnh khắc đau đớn.
Năm 2017 quả là một năm “ăn nên làm ra” đối với các bộ phim về LGBT. Nếu tính riêng về số lượng thôi thì bài viết này có lẽ không đủ, bởi không chỉ riêng các nước phương Tây, các nước châu Á cũng đã bắt đầu khai thác nhiều hơn chủ đề này, nhằm mang đến một góc nhìn cởi mở và ít phán xét đối với những người còn phải chịu nhiều kỳ thị. Tuy nhiên, nếu xét đến chất lượng không thôi thì đây là những bộ phim ấn tượng nhất.
Hành trình nâng cao nhận thức và thay đổi định kiến của xã hội đối với những người thuộc cộng đồng LGBT vẫn còn xa bởi văn hóa, giáo dục và giá trị truyền thống in sâu tự ngàn đời vào tâm trí con người rất khó có thể lay chuyển. Thế nhưng, truyền thông là một công cụ mạnh mẽ đang dần thay đổi quan niệm cũ của đại bộ phận công chúng. Hi vọng, điện ảnh trong năm 2018 sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh này, để những người thuộc thế giới thứ ba có thể hòa nhập và được tự do bộc lộ con người mình, dễ dàng hơn trong hành trình đi tìm hạnh phúc cho chính họ.