Nữ Đại Gia - Một trải nghiệm điện ảnh nhiều tiếc nuối của Lê Văn Kiệt

Tin điện ảnh · PhucDu ·

Ấn tượng ban đầu của mình về một đạo diễn có thủ pháp làm phim khá lạ (ít nhất là so với mặt bằng chung phim Việt Nam) và xứng đáng để trải nghiệm đã bị thay dần bằng ấn tượng về một đạo diễn làm ra những phim bị cấm chiếu.

Ra mắt lần đầu tiên với khán giả Việt Nam qua tác phẩm kinh dị bài bản, đúng chất kinh dị, Ngôi Nhà Trong Hẻm (2012), tuy bộ phim không thật sự hoàn hảo nhưng đạo diễn Lê Văn Kiệt đã kịp thời gây ấn tượng trong cộng đồng quan tâm điện ảnh Việt (ít nhất là đã gây ấn tượng khá nhiều với người viết). Sau đó, khi dự án phim Bẫy Cấp 3 được giới thiệu và gây sự tò mò rất nhiều nhưng rốt cuộc lại chết yểu do cấm chiếu đã làm nhiều người tiếc nuối. Sau đó nữa, lại một dự án kinh dị của Lê Văn Kiệt được giới thiệu qua một trailer vô cùng ấn tượng và háo hức thì lại tiếp tục bị cấm chiếu, là phim Rừng Xác Sống. Cho nên, ấn tượng ban đầu của mình về một đạo diễn có thủ pháp làm phim khá lạ (ít nhất là so với mặt bằng chung phim Việt Nam) và xứng đáng để trải nghiệm đã bị thay dần bằng ấn tượng về một đạo diễn làm ra những phim bị cấm chiếu.

Vẫn còn hối chưa kịp tiếc thì năm 2014, anh đã có một bước trở lại đầy ngoạn mục trong tác phẩm ấn tượng mang tên Dịu Dàng (nhưng thực ra nó không dịu dàng chút nào đâu, ai coi rồi sẽ biết). Sau Dịu Dàng, người viết đã sẵn sàng để chờ đợi cơ hội được thưởng thức những tác phẩm khác nữa của Lê Văn Kiệt, vì nói một câu tóm gọn là phim của Lê Văn Kiệt rất hợp gout của người viết. Câu chuyện có thể không xuất sắc nhưng thủ pháp làm phim của Lê Văn Kiệt thì không thể nhầm lẫn. Đặc điểm đó của anh vẫn không thay đổi trong Nữ Đại Gia, bộ phim xém nữa đã bị cấm chiếu, nhưng, không phải thể loại phim nào cũng có thể dung hòa được những đặc điểm kia thật "dịu dàng".

Nữ Đại Gia là câu chuyện về cuộc đời và bản lĩnh của một người mẹ đơn thân tuổi trung niên tên Kim Anh (Nguyễn Cao Kỳ Duyên). Về cách bà ấy tiến thân, cách bà ấy làm mẹ, cách bà ấy phạm sai và cách bà ấy đối diện với những sai lầm đó. Không nhớ rõ nhà sản xuất xếp phim vào thể loại gì, nếu xếp vào phim hành động thì xin được so sánh nó với Truy Sát của đạo diễn Cường Ngô cho dễ hình dung.

Tưởng tượng thế này nhé, Truy Sát là một chuỗi những màn truy đuổi và sát phạt của cảnh sát với tội phạm bằng rất rất nhiều những pha hành động hoành tráng (tất nhiên là cũng rất đẹp kiểu Cường Ngô) nhưng lại bỏ lỏng nội dung khiến bộ phim ngoài cái vỏ hoa mỹ cùng nhiều nỗ lực đáng ghi nhận của diễn viên thì phần ruột hầu như rỗng. Nữ Đại Gia thì khác, hành động tuy không nhiều (nhưng những pha đánh đấm vẫn rất ngon mắt) nhưng bù lại có một kịch bản khá chắc chắn và lớp lang. Khán giả tuy không được dịp chiêm ngưỡng những anh đẹp trai mướt mồ hôi sáu múi cơ bắp cuồn cuộn quật nhau như trong Truy Sát nhưng lại được xem một câu chuyện kịch tính về một nữ cường nhân, loại nhân vật khá hiếm hoi ở điện ảnh Việt Nam.

Có thể nói, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên với nhân vật Kim Anh là lựa chọn không thể tốt hơn cho cả bản thân cô ấy và bộ phim. Cái thần thái và phong độ của cô Kỳ Duyên là điều không cần phải bàn cãi nữa. Vào vai một nữ đại gia có hầu như mọi thứ trong tầm tay với cô Kỳ Duyên chắc cũng đơn giản như ăn một bát mì bởi vì cách đi đứng, nói chuyện, làm chủ một cuộc giao tiếp của nhân vật Kim Anh trên phim chính là của Nguyễn Cao Kỳ Duyên ngoài đời. Nhưng vì là lần đầu đóng phim điện ảnh nên dù vai diễn cứ như được tạo ra cho mình thì người viết vẫn rất hào phóng cho cô điểm 8. Tuy nhiên, không phải mọi phân cảnh cô đều làm tốt. Đặc biệt là đoạn nữ cảnh sát Hoàng Lan (Thúy Vinh) chất vấn Kim Anh trong bệnh viện. Cảnh phim trông có vẻ đơn giản này lại là cảnh dở nhất phim. Kịch bản đoạn này vô cùng có vấn đề trong lời thoại và cách diễn của hai nữ diễn viên. Sự lúng túng của cô Kỳ Duyên là một chuyện, sự thiếu thần thái trầm trọng của Thúy Vinh trong vai madam càng là một chuyện lớn khác. Thúy Vinh đánh đấm tốt phết đấy, cảnh đấu tay đôi với cô gái hổ báo ở đoạn gần cuối xem rất phê nhưng cách diễn của cô lại vô cùng có vấn đề. Từ đầu đến cuối, nếu không phải bản thân Hoàng Lan và mọi người gọi cô ấy là madam thì chắc cũng chẳng ai nhìn ra. Điều đó đã biến nhân vật Hoàng Lan trở thành sự thiếu hụt rất lớn cho tổng thể bộ phim, vì hầu hết các diễn viên đều hoàn thành khá tốt vai trò của mình. Trong đó phải kể đến Trương Quỳnh Anh và Quang Sự, hai nhân vật của hai diễn viên này được xây dựng hợp lý, có tính cách rõ ràng và cả Quỳnh Anh lẫn Quang Sự đều thể hiện rất ổn. Mình rất thích nhân vật của Quang Sự, cái tính lấc khấc của Hành, vốn là một thằng đòi nợ thuê nhưng qua tay Quang Sự lại trở nên vừa côn đồ mà cũng rất đáng yêu.

Nhưng ấn tượng nhất chính là nhân vật bà thầy bói của NSUT Lê Thiện. Sau vai bà Nội quá sức tuyệt vời trong Vừa Đi Vừa Khóc, NSUT Lê Thiện đang được các đạo diễn điện ảnh trọng dụng nhiều hơn. Vai bà thầy bói bí ẩn trong Nữ Đại Gia lần này đất diễn cũng ít ỏi như bà bán cơm trong "Bao Giờ Có Yêu Nhau" nhưng cực kì ấn tượng qua cách diễn của bà. Vai này cùng trường đoạn cả nhóm Kim Anh đột nhập vào khu xóm lao động chính là điểm nhấn cực kì thú vị của phim. Đoạn này cũng là đoạn chứng minh quan điểm đạo diễn Lê Văn Kiệt có nhiều thủ pháp làm phim rất hay ho. Cách anh sử dụng những chất liệu rất Việt Nam như khu xóm lao động, đoàn đưa tang, kiểu bố trí thông báo dây chuyền là chuyện mà ít đạo diễn Việt Kiều nào làm được. Dù đoạn này vẫn còn vài điểm bất hợp lý nhưng vì cảm giác và không khí nó đem lại nên... xin được tha thứ.

Có điều, như đã nói từ đầu. Kịch bản trong phim của Lê Văn Kiệt vẫn là điều chưa thật sự suôn sẻ. Dù kịch bản được xây dựng có tính toán với nhiều điểm nhấn nhá và tạo kịch tính, khiến khán giả bị cuốn vào nhưng lại thiếu chiều sâu và những cú twist hay đảo chiều cần thiết. Câu chuyện đi một hướng và lật mở nhiều điều theo kiểu flash back cộng với nhiều tình huống then chốt đan xen khiến ai nấy đều ngầm mong mỏi một điều gì đó bất ngờ hơn sẽ xảy ra nhưng rốt cuộc thì không. Cách giải quyết tình huống cũng không có gì sáng tạo hay ấn tượng. Nhất là đoạn Kim Anh, ông Cường (Huỳnh Anh Tuấn), Nhi (Trương Quỳnh Anh) và ông Lâm ở trong ngôi nhà hoang. Không biết kiểm duyệt có xen vào đoạn này không mà tự dưng tâm lý nhân vật Cường lẫn Lâm trở nên lạc lõng một cách khó hiểu. Rất khó để chấp nhận hai kẻ làm ăn phi pháp nhiều năm lại không dám bắn hai mẹ con tay không tấc sắt mà xung quanh còn chẳng có ai, thậm chí là bắn cho bị thương chứ đừng nói giết chết. Đây là một đoạn mấu chốt và rất tiếc khi nó được giải quyết một cách rất chi là kì quặc. Tương tự, cảnh sau đó của hai mẹ con Kim Anh trong chùa cũng có nhiều câu thoại rất vô lý nếu so với hoàn cảnh nhân vật. Rõ ràng bộ phim đang có một mở đầu và triển khai rất gọn ghẽ nhưng phần kết lại lúng túng một cách khó hiểu. Điều này khiến người viết không khỏi đặt nghi vấn về sự kiểm duyệt về nội dung đã thay đổi phim nhiều đến thế nào.

Sau khi đã trình bày khá nhiều luận điểm để khen chê, chỉ muốn chốt lại một ý ngắn gọn thế này. Lê Văn Kiệt vẫn là một cái tên rất gây tò mò cho những người quan tâm điện ảnh Việt. Biết được anh có được nhà sản xuất không đặt nặng vấn đề thương mại lên hàng đầu cũng thầm mừng trong dạ vì anh sẽ không bị mất dần chất "nghệ" trong người để thương mại hóa như anh Cường Ngô. Cũng không hy vọng là vì bị kiểm duyệt quá nhiều mà anh sẽ giận lẫy điện ảnh như anh Charlie Nguyễn. Thực tế ở Việt Nam chắc chẳng ai qua được Victor Vũ trong cái khoản chiều lòng tất cả mọi người từ giới phê bình đến đại chúng và các bác duyệt phim đâu. Nên, mong là anh Kiệt hãy bình tĩnh tìm về đúng không gian mà anh giỏi nhất để vẫy vùng. Vì thật sự đối với cá nhân người viết bài thì Dịu Dàng vẫn tuyệt vời hơn Nữ Đại Gia. Hơi tiếc vì nếu như thay vì một phim hành động, anh Kiệt làm một phim nhiều cảm xúc như Dịu Dàng thì Bao Giờ Có Yêu Nhau của anh Dustin Nguyễn đã có đối thủ trong 6 tháng đầu năm này rồi.