[Oscar Rewind] WALL.E - Nghe Pixar kể chuyện tình
Đánh giá phim · Amira ·
Nhìn hai người yêu nắm tay nhau, tôi nhận ra rằng," Đó là một cách hoàn hảo cho nhân vật chính của tôi để diễn tả cụm từ “tôi yêu em "mà không cần nói ra."
“Out there! There's a world outside of Yonkers
Way out there beyond this hick town, Barnaby
There's a slick town, Barnaby
Out there! Full of shine and full of sparkle
Close your eyes and see it glisten, Barnaby
Listen, Barnaby...”
Đạo diễn Andrew Stanton đã giải thích lý do tại sao ông sử dụng những đoạn trích từ phim Hello, Dolly! (1969) trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi xem “Hello, Dolly!" và bài hát 'Put on Your Sunday Clothes' cất lên, câu đầu tiên là 'Out there ...' xuất hiện, và nó thật hợp với âm nhạc. Tôi nhận ra, "Bài hát này là về hai chàng trai cự kì ngây thơ, họ chưa bao giờ rời thị trấn nhỏ nọ, và họ chỉ muốn đi ra ngoài thành phố lớn một đêm và hôn một cô gái. Đó là nhân vật chính của tôi”. Sau đó đồng biên kịch của tôi, Jim Reardon thêm vào: "Anh xem, cậu ta (Wall.E) có thể tìm thấy một băng cũ trong thùng rác, và lấy nguồn cảm hứng từ nó, một cách tuyệt vời để cho thấy cậu ấy có một tâm hồn lãng mạn . Và khi chúng tôi bắt đầu làm bộ phim, tôi tìm thấy bài hát khác, "It Only Takes a Moment '. Nhìn hai người yêu nắm tay nhau, tôi nhận ra rằng," Đó là một cách hoàn hảo cho nhân vật chính của tôi để diễn tả cụm từ “tôi yêu em "mà không cần nói ra."
Và đó là concept mà từ đó, Wall.E được dựng lên, một câu chuyện tình yêu đơn giản, không hơn không kém. Một anh chàng đáng yêu, gặp được cô gái trong mộng của anh. Chàng vì nàng mà đi ra thế giới rộng lớn và làm được những chuyện vĩ đại vì tình yêu. Cuối cùng thì happy ending, họ yêu nhau và sống bên nhau mãi mãi. Bản thân đạo diễn Stanton đã khẳng định điều đó, ông chỉ tạo nên một câu chuyện tình yêu thôi, những ý nghĩa về chính trị hay môi trường chỉ đến sau làm gia vị.
Nhưng thật sự, WALL.E là vậy, một trong những câu chuyện tình yêu thuần khiết, thú vị và dễ thương nhất thế giới điện ảnh. Tôi ban đầu không hề thích cái tên phim WALL.E sau khi Việt hóa tí nào. “Robot biết yêu” á ? Nghiêm túc đó, chắc chắn là một cái tên nhàm chán và tầm thường nhất nếu bạn xem bộ phim tuyệt vời này. Bản thân từ “biết” nó đã đi quá câu chuyện rồi. Nếu muốn “biết” thì đầu tiên bạn phải “không biết”. Nhưng gần 10 phút đầu tiên trước khi Eve xuất hiện, tôi đã thấy WALL.E biết yêu mà, cậu yêu cuộc sống của mình. Từ cách cậu ngân nga giai điệu vui tươi quen thuộc trên đường về nhà, cái cách cậu biến công việc nhàm chán thành một cuộc săn tìm kho báu từ bãi phế liệu hay chỉ đơn giản là cái đẩy tay đưa “võng” để đi vào giấc ngủ đêm. Wall.E vốn yêu đời trước khi gặp Eve rồi. Nhưng nói thế cũng hơi khắc khe với bộ phận phát hành tại Việt Nam quá nhỉ? Nhất là khi họ nhắm mục tiêu vào trẻ em – hoặc tôi vẫn cho rằng họ nghĩ người xem là những kẻ ngốc.
Đã 8 năm trôi qua, WALL.E vẫn là câu chuyện tình yêu đầu tiên và duy nhất của Pixar. Mà các bạn biết Pixar rồi, không gì là không thể đúng không? Tại sao không tạo nên câu chuyện tình bạn giữa những món đồ chơi của bọn trẻ? Thế giới toàn xe cộ có gì hay? Tự do đối với mấy con bọ thì như thế nào? … Anh muốn một câu chuyện tình yêu ư? Vậy nếu những thứ vô hồn, lạnh lẽo nhất là lũ robot cũng yêu nhau thì sẽ như thế nhỉ? Và tèng teng!!! Mình thích thì mình làm thôi! Cái tinh thần sáng tạo không biết sợ của hãng phim này luôn làm người ta kinh ngạc. Và họ lấy tinh thần đó mà tạo nên một chú robot dễ thương nhất quả đất.
Cuộc sống của WALL.E được xây dựng nên rất vui vẻ, chú làm việc, vui chơi, nuôi thú cưng, một anh chàng độc thân vui tính. Và một ngày nọ, từ trời cao, một thiên thần xuất hiện. Nàng cực kì đẹp đẽ, là một điều mới mẻ chưa từng có trong thế giới của WALL.E và cậu nhanh chóng phải lòng nàng. Nhưng tất nhiên nàng Eve cũng sang chảnh lắm mà. Nàng là một công chức mẫn cán, chỉ chú ý đến hoàn thành nhiệm vụ thôi. Nhưng WALL.E kiên trì đeo bám, ở bên nàng, giúp nàng hoàn thành nhiệm vụ, làm nàng cười, khiến nàng giận, thậm chí lo lắng nữa. Và dĩ nhiên cô gái nào chẳng xiêu lòng trước một anh chàng dễ thương như vậy phải không? WALL.E vụng về, đơn giản nhưng tốt bụng và nếu đã làm việc gì, thì hết mình để làm nó. Thấy không các anh, bí kíp tán gái rất là đơn giản. Ngay cả một con robot dọn rác đời cũ rỉ sét còn có gấu vừa đẹp lại là phiên bản tân tiến nhất nè ( người thiết kế Eve là họa sĩ thiết kế Iphone/ipad của Apple đấy nhé). Nhưng tất nhiên mình không khuyên các cậu áp dụng cứng nhắc công thức của WALL.E đâu. Tất nhiên nếu các cậu không ngại nguy cơ cao chết lâm sàng và sống thực vật để hy sinh vì người đẹp thì xin mời.
Phần con người và thông điệp môi trường có lẽ cũng được ca ngợi một chút. Vì dù không phải điều bộ phim tập trung nhất, nhưng cũng tạo nên bối cảnh dẫn dắt câu chuyện. Và đây cũng là cái thế giới rộng lớn anh chàng WALL.E bước đến và chinh phục nó hoàn toàn. Con người sau 700 năm bỏ quên ngôi nhà xanh của mình, béo mập và thụ động. Nhìn nhau cũng phải nhìn qua màn hình, ăn thì hút hết từ cốc nhựa, sống không khác những con robot là bao. WALL.E xuất hiện và phá tung tất cả cái quy trình ấy. Những cái đầu tiên xuất hiện, là “tôi không biết mình có bể bơi đấy!”, là nhìn vào mắt nhau, là nói chuyện, là chạm tay nhau. Những viên đất dính vào thuyền trưởng từ cái bắt tay với WALL.E dẫn dắt ông tìm định nghĩa về Trái Đất, giúp ông học lại về quê hương bỏ quên của mình. WALL.E cũng khiến các robot vượt ra giới hạn của bản thân. Dù WALL.E chỉ đơn giản làm tất cả vì tình yêu với Eve. Nhưng cuối cùng vẫn dẫn dắt mọi người đồng tâm đưa mầm cây – đại diện cho hy vọng sống – về Trái Đất, đồng thời cũng là đưa WALL.E về nhà để cứu sống cậu.
Một trong những concept cho WALL.E là robot có hình dạng giống người, nhưng đã bị gạt đi nhanh chóng. Thay vào đó là những hình khối giản đơn và hình ảnh quen thuộc với cuộc sống. Nhưng quả thật, những chú robot trong WALL.E “người” không thua kém bất kì con người bằng da bằng thịt nào. Chúng có đầy đủ hỉ nộ ái ố, có tức giận, có niềm vui. Và nếu bạn nghĩ cảm xúc có thể được lập trình thì robot liệu có được sự dũng cảm, niềm đam mê, sự sáng tạo hay lòng trắc ẩn đã đủ “người” với bạn chưa? Tôi yêu cái đam mê truyền vào từng nhân vật của Pixar. Từng cái liếc mắt, từng chuyển động của Eve, những cái rung rẩy rất rất người của WALL.E, hay sự tò mò cũng như hồ hởi của những con robot khác với “cuộc nổi loạn” của cặp đôi hoàn hảo đấy. Bạn có thể cảm nhận từng giọt mồ hôi công sức của đội ngũ làm phim trong từng khung hình. WALL.E là bộ phim kiệm lời và có dàn lồng tiếng ít ỏi nhất Pixar có được cho đến nay, vì thế mọi công sức dồn hết vào âm thanh và chuyển động. Đạo diễn Andrew Staton và đồng sự đã phải tranh thủ nghiên cứu cả đống phim câm vào giờ nghỉ trưa hay chỉ đạo âm thanh Ben Burtt đã phải xây cả một thư viện âm thanh lớn hơn cả phim Star Wars để hoàn thành bộ phim. Kết quả cho công sức sáng tạo đó là giải Phim hoạt hình hay nhất trong năm 2009 của Oscar, Quả cầu vàng, BAFTA và hàng loạt giải thưởng trong năm đó.
Năm 2017, màu của năm là Greenary, màu xanh lá mạ. Là màu sắc của sự hồi sinh, của hy vọng, của mẹ thiên nhiên, giống như mầm cây WALL.E và Eve đã bảo vệ. Quả thật là một khởi đầu thú vị nếu chọn xem lại WALL.E. Đặc biệt với những bạn còn đang dư chấn sau series Westworld của HBO, cũng nói về robot đấy, mà phiên bản này đen tối hơn nhiều.
Thành tích tại Oscar 2009: 1 chiến thắng/6 đề cử
- Phim hoạt hình hay nhất – Chiến thắng
- Kịch bản gốc xuất sắc nhất
- Nhạc phim hay nhất
- Ca khúc trong phim hay nhất
- Hòa âm xuất sắc nhất
- Biên tập âm thanh xuất sắc nhất