[PHÂN TÍCH] Sử dụng yếu tố dân gian, điện ảnh Việt làm mới những điều xưa cũ

Góc Nghệ Thuật · Hoangyenne ·

Các dự án Việt gần đây dường như là sự kết hợp giữa huyền thoại và hiện đại.

Từ xa xưa, ông bà ta đã thường truyền tai nhau về những thần thoại, trong đó các yếu tố như thần linh, ma quỷ được nhắc đến rất nhiều. Dần dần chúng ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt, hình thành nên yếu tố văn hóa dân gian về mặt tâm linh. Vài năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đang có xu hướng khai thác nhiều về vấn đề này, xem nó như một chất liệu mới, được sử dụng để đào sâu vào tâm lý con người. Liệu đây có phải là một vùng đất màu mỡ để các nhà làm phim khai thác và mang nó đến gần hơn với người xem một cách mới lạ, khác biệt hơn trước?

Một cảnh quay trong phim (nguồn ảnh: Internet)
Một cảnh quay trong phim (nguồn ảnh: Internet)

Hầu hết khi nhắc đến việc mang các yếu tố tâm linh lên màn ảnh, người ta sẽ nghĩ ngay đến các tựa phim kinh dị, ám ảnh. Và thực là như vậy, việc sử dụng yếu tố tâm linh dân gian vào các bộ phim kinh dị gần đây rất được ưa chuộng. Ưu điểm của việc này là khiến người xem bị ám ảnh với những câu chuyện từ lâu đã ăn sâu vào trí nhớ của họ, những việc tưởng như rất đỗi bình thường như các bài dân ca, những bài vè, ca dao, tục ngữ,… lại có thể cấu thành những câu chuyện kinh dị khiến họ không thể quên. Các bộ phim như Chuyện Ma Gần Nhà, Thiên Linh Cái, Bắc Kim Thang, Mười, Thiên Thần Hộ Mệnh đều khai thác những yếu tố tâm linh dân gian.

Đại diện như bộ phim Chuyện Ma Gần Nhà đã làm mưa làm gió các phòng vé thời gian vừa qua, khai thác câu chuyện về các truyền thuyết đô thị lấy cảm hứng từ các nhân vật đã trở thành huyền thoại của Sài Gòn như cô ba mía, ông kẹ, ma cụt đầu,… được thể hiện ở câu chuyện thứ nhất và hai của bộ phim, kết hợp với những câu ca dao, tục ngữ ông bà ta thường truyền tai nhau như “ba hồn bảy vía” hay các câu thơ gọi hồn “Hồn nào ở chốn non bồng. Qua đây hồn cũng vui lòng ghé chơi. Dầu hồn dạo khắp mọi nơi. Ghé đây đàm đạo chuyện đời trần gian…” được kể ở câu chuyện thứ ba khiến cho người xem phải ám ảnh cho đến khi ra khỏi rạp.

Chuyện Ma Gần Nhà
Chuyện Ma Gần Nhà

Bên cạnh đó, dân gian luôn cho rằng ma quỷ là một thế lực vô hình chỉ có người có "duyên" với linh hồn mới có thể nhìn thấy ma hoặc người có khả năng đặc biệt như các nhà ngoại cảm mới “giao tiếp” được với ma quỷ. Niềm tin này được khai thác ở câu chuyện số ba khi chỉ có nhà ngoại cảm mới có thể cảm nhận được linh hồn của cô Út, theo chân cô để tìm ra nơi cô nằm xuống. Đánh vào tâm lý của người Việt Nam luôn tin rằng có một thế lực tâm linh nào đó luôn tồn tại xung quanh cuộc sống của chúng ta, các nhà làm phim khai thác chất liệu từ dân gian đã mang lại hiệu ứng tốt cho các bộ phim kinh dị.

Ngoài ra, việc sử dụng các yếu tố dân gian để khai thác tâm lý nhân vật cũng được áp dụng một cách khéo léo. Khi con người ta đi vào bế tắc của cuộc sống, họ thường tìm đến các yếu tố tâm linh để bấu víu và tin vào nó. Như các nhân vật xấu số trong Thiên Linh Cái, luôn tin vào thầy lang có thể làm phép để cho họ đạt được những ước muốn. Dựa vào niềm tin mãnh liệt vào tâm linh của con người, các thế lực xấu luôn lợi dụng nó để làm những chuyện bất chính như tên thầy lang trong bộ phim. 

Tâm lý, cảm xúc nhân vật được bộc lộ, khai thác khi đạo diễn đặt họ vào một hoàn cảnh trớ trêu, khiến họ phải hành động theo bản năng và tin vào các yếu tố tâm linh, thậm chí là mê tín dị đoan. Bằng cách này, các đạo diễn có thể tạo nên các nhân vật đặc sắc, mới lạ, khai thác sâu vào tâm lý nhân vật, nhằm tạo nên sự chân thật trong từng vai diễn, cùng với đó là đánh vào tâm lý của người xem.

Một cảnh trong phim Thiên linh cái (nguồn ảnh: Việt Giải Trí)
Một cảnh trong phim Thiên linh cái (nguồn ảnh: Việt Giải Trí)

Bên cạnh các tựa phim kinh dị, yếu tố dân gian còn được cải biên thành các bộ phim điện ảnh như các câu chuyện cổ tích Tấm Cám, Trạng Quỳnh, hay những giai thoại làm nên Trạng Tí…Với các chủ đề vốn đã là “những câu chuyện gối đầu giường” mỗi đêm trong tâm thức người Việt, điện ảnh đã đưa dân gian đến gần hơn với mọi người, sinh động và chân thực hơn. Những sáng tạo trong điện ảnh còn giúp các yếu tố nhân gian được nhìn ở đa dạng nhiều chiều, sâu hơn, rộng hơn, bao quát và linh động ở nhiều vị trí, tâm thế từng nhân vật. Nhiều ngoại truyện thú vị cũng từ đây được ra đời, mang đến những giá trị mới, bài học mới, góc nhìn mới cho các “huyền thoại” đã được biết đến quá nhiều từ trước. 

Điện ảnh đã giúp các yếu tố dân gian được sống lại trọn vẹn, đầy sắc màu và ngược lại, các yếu tố dân gian cũng đóng góp vào kho tàng chất liệu điện ảnh, thêu dệt lên những ý tưởng đầy tính sáng tạo. Rõ là điện ảnh Việt còn nhiều thứ để khai thác, chứ không gói gọn trong các thể loại hài, tình cảm lứa đôi dần đi vào lối mòn. Bằng cách khai thác kho tàng dân gian giàu có của dân tộc, điện ảnh Việt dần có những bộ phim phức tạp, nặng về tình tiết, nghiêm túc và trau chuốt, sáng tạo trong kịch bản hơn. 

Trạng Quỳnh (nguồn ảnh: VietnamPlus)
Trạng Quỳnh (nguồn ảnh: VietnamPlus)

Nhìn chung, sự kết hợp giữa yếu tố dân gian với không gian của điện ảnh chưa bao giờ là lỗi thời, bởi những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian đã sống với con người Việt Nam không biết qua bao thế hệ. Chúng đã in sâu vào trong tâm trí mỗi người, chỉ cần gợi nhắc lại đúng cách, đúng mực, đúng trọng tâm và tái hiện lại được rõ nét. Trong cơn sốt cải biên những câu chuyện mang đậm yếu tố này thành phim, các truyền thuyết dân gian sẽ luôn có đất để dụng võ. 

Song, cái gì cũng có hai mặt của nó, nếu không biết cách khai thác các yếu tố đặc thù này, làm chúng lệch lạc so với nguyên bản, không những tác phẩm điện ảnh sẽ không đạt được thành công, bị khán giả ném đá dữ dội mà còn ảnh hưởng đến cái gọi là đạo đức nghề nghiệp, vi phạm vào việc tôn trọng bản quyền…Do vậy nhà làm phim phải hết sức cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng và xây dựng kịch bản khởi phát từ chất liệu dân gian một cách phù hợp, thỏa đáng để có thể tạo nên những tác phẩm điện ảnh kinh điển nhất.