Phim chiếu rạp tại Việt Nam 2017 – Những bộ phim nước ngoài không thua kém gì so với Hollywood
Song song với sự thất bại của nhiều phim Hollywood chính là sự lên ngôi của các phim nước ngoài, mang đến sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa cho nền điện ảnh trong năm 2017.
Năm 2017 chứng kiến khá nhiều “biến cố” thú vị. Đây là năm ngập tràn các tác phẩm được chuyển thể, đặc biệt là của Stephen King khi có tới 6 tiểu thuyết của ông được đưa lên màn ảnh (The Dark Tower, It, The Mist, 1992, Mr. Mercedes và Gerald’s Game); năm đầy “bội thu” của các phim siêu anh hùng (Logan, Spider-Man: Homecoming, Guardians of the Galaxy 2) và các phim kinh dị (It, Get Out, Split); năm của các “bom xịt” Hollywood (Tranformers: The Last Knight, Valerian and the City of a Thousand Planets, King Arthur, Resident Evil). Song song với sự thất bại của nhiều phim Hollywood chính là sự lên ngôi của các phim nước ngoài. Rất nhiều phim còn tấn công cả rạp chiếu Việt Nam và nhận được nhiều phản ứng tích cực, mang đến sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa cho nền điện ảnh trong năm 2017.
Đức, Bỉ, Luxembourg và Na-Uy với Vẹt Cò Phiêu Lưu Ký
Vẹt Cò Phiêu Lưu Ký (Richard the Stork) tuy là phim hoạt hình nói tiếng Anh nhưng lại là sản phẩm của các hãng phim của Đức, Bỉ, Luxembourg, Na-Uy và Mỹ cùng hợp tác sản xuất. Phim xoay quanh chú chim sẻ Richard được gia đình vẹt cò nhận nuôi, vì thế Richard luôn tin rằng mình là một chú vẹt cò thứ thiệt. Đến một ngày, đàn cò phải bay về châu Phi để tránh rét, họ nói với Richard rằng cậu không phải là vẹt cò và bỏ cậu lại một mình. Nhưng Richard vẫn không tin mình là chim sẻ và quyết tâm đuổi theo đàn cò. Trong hành trình đầy chông gai đó, Richard đã làm quen và kết bạn với cô cú vọ Olga và chú vẹt đuôi dài Kiki. Tình bạn và sự dũng cảm đã giúp bộ ba trưởng thành, vượt qua được nhiều khó khăn và nhận ra mối quan hệ trân quý mà họ dành cho nhau.
Tuy cốt truyện không có gì mới mẻ nhưng hai đạo diễn Toby Genkel và Reza Memari rất biết cách khai thác phim và đổi mới để bộ phim hiện đại, hợp với xu hướng và không gây nhàm chán. Vẹt Cò Phiêu Lưu Ký có nét vẽ thân thiện với trẻ em, hiệu ứng 3D sống động và thông điệp cũng ý nghĩa, biến bộ phim trở thành một trong những phim hoạt hình gia đình đáng xem nhất trong năm 2017.
Đắm mình trong những tình khúc du dương của nước Pháp trong Tôi Là Dalida
Tôi Là Dalida là bộ phim của Pháp dựa trên câu chuyện có thật về của nữ diva nổi tiếng tên Dalida đã từng làm siêu lòng biết bao nhiêu con người yêu nhạc vào những năm 50 của thế kỷ 20. Dù đạt được thành công trong sự nghiệp âm nhạc, cuộc đời của Dalida tràn ngập những bất hạnh. Cô trải qua nhiều mối tình, yêu rất cuồng si nhưng cuối cùng những người đàn ông đều kết thúc cuộc đời họ bằng việc tự sát. Về sau, cô còn phải chịu cảnh vô sinh sau khi phá thai. Trượt dài trong cô đơn, đau khổ và dằn vặt, Dalida tự tay kết liễu mình tại nhà riêng ở tuổi 54.
Làm phim về cuộc đời của một nhân vật nào đó quả thật rất khó, nhưng với Tôi Là Dalida thì lại khác. Bản thân cuộc đời Dalida đã có sẵn những yếu tố để người xem đồng cảm và đắm chìm trong sự lãng mạn. Nữ đạo diễn Lisa Azuelos trao vai diễn nặng ký này cho nữ diễn viên người Ý mà không ai biết đến: Sveva Alviti. Thế nhưng, nhờ gương mặt khá giống với Dalida thật, cộng với thần thái và ánh mắt đầy cảm xúc, Sveva đã chứng minh cho người xem thấy rằng lựa chọn của Lisa là hoàn toàn đúng đắn. Mặc dù vẫn chưa đủ sức để trở thành kiệt tác điện ảnh như La Vie En Rose vào năm 2007, nhưng Tôi Là Dalida vẫn là tác phẩm mà những người yêu điện ảnh Pháp không nên bỏ qua nhờ những cảnh quay đẹp, nội dung hấp dẫn cùng với những ca khúc kinh điển làm xao xuyến lòng người.
Sát Thủ Vô Hình - Viên ngọc quý của nền điện ảnh Tây Ban Nha
Sát Thủ Vô Hình (tên tiếng Tây Ban Nha: Contratiempo, tên tiếng Anh: The Invisible Guest) xứng đáng được xem là viên ngọc quý của nền điện ảnh Tây Ban Nha và đủ sức đánh bại các phim trinh thám của Hollywood. Phim được đạo diễn tài năng Oriol Paulo (người từng nổi tiếng với tác phẩm The Body) thực hiện, cùng với dàn diễn viên đầy tài năng của điện ảnh Tây Ban Nha như Mario Casa, Bárbara Lennie, Ana Wagener. Nội dung phim kể về Adrián Doria (Mario Casa) – một doanh nhân trẻ tài năng, bị vướng vào một vụ án giết người trong phòng kín. Để cứu vãn sự nghiệp và cuộc sống đang trên đà đổ nát, Adrián nhờ đến luật sư uy tín tên là Virginia Goodman (Ana Wagener). Trước khi đối mặt với quan tòa, anh có buổi gặp mặt với nữ luật sư để lật lại các sự kiện đã xảy ra. Thế nhưng, sau 180 phút, một sự thật ghê rợn khác được phơi bày.
Không cần có những cảnh máu me, không cần những cảnh hù dọa giật thót tim, không cần những cảnh hành động hoành tráng, Sát Thủ Vô Hình vẫn có thể khiến khán giả phải nín thở từ đầu đến cuối phim khi theo dõi, đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chỉ cần những lời lập luận đầy sắc sảo, Sát Thủ Vô Hình có thể đánh bại bất cứ phim trinh thám nào của Hollywood.
Nghẹt thở với những trò gian lận trong Thiên Tài Bất Hảo của Thái Lan
Thái Lan từ trước đến nay luôn nổi tiếng với các phim kinh dị, thế nhưng trong năm 2017 nền điện ảnh Thái đã có bước đột phá chỉ với một tác phẩm học đường. Tuy vậy, Thiên Tài Bất Hảo (Bad Genius) không chỉ là một tác phẩm học đường với cốt truyện đơn giản với tình bạn và những mối tình gà bông của tuổi học trò, mà nó gần như tái hiện đầy đủ các vấn đề đang gây nhức nhối của xã hội.
Phim kể về Lynn (Chutimon Chuengcharoensukying) – nữ sinh thiên tài với bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ. Nhà không có không khá giả nhưng bố của Lynn vẫn cho con học trường tư nổi tiếng để cô có nhiều cơ hội đi du học. Ở trường, Lynn làm bạn với Grace (Eisaya Hosuwan) và Pat (Teeradon Supapunpinyo) – những cậu ấm cô chiêu nhưng học hành hơi “í ẹ”. Tận dụng trí thông minh của mình, Lynn bắt đầu kiếm tiền bằng cách cho các bạn cùng lớp quay cóp trong giờ kiểm tra. Dần dần, Lynn hợp tác với Bank (Chanon Santinatornkul) – một thiên tài khác trong trường, người từng tranh giành suất học bổng với cô, thực hiện vụ gian lận có quy mô quốc tế để kiếm được nhiều tiền hơn. Với sự giúp đỡ của Pat và Grace, Lynn và Bank đã tham gia vào kỳ thi STIC (Standard Test International College – kì thi giả tưởng mô phỏng lại SAT) được tổ chức ở Sydney và tuồn đáp án về Thái Lan để bán cho những cô cậu nhà giàu khác cần điểm STIC để đi du học.
Nếu như Sát Thủ Vô Hình của Tây Ban Nha có thể đánh bại Hollywood chỉ bằng những câu hỏi đơn giản và những lời lập luận sắc sảo, thì Thiên Tài Bất Hảo của Thái có thể đánh bại các bộ phim của kinh đô điện ảnh nước Mỹ chỉ với vài cây bút chì và cục tẩy. Không chỉ nói về những vấn đề xã hội, Thiên Tài Bất Hảo còn là câu chuyện về tình bạn, tình thân và tình yêu, và hơn hết còn là thông điệp về sự lựa chọn và giữ vững bản ngã của chính mình. Bộ phim không những trở thành tác phẩm ăn khách nhất Thái Lan trong năm 2017 với doanh thu hơn $24 tỷ, mà còn là phim Thái có doanh thu cao nhất tại Việt Nam từ trước đến nay, vượt qua tác phẩm Tình Người Duyên Ma đã từng gây sốt một thời.
Ngoài ra, trong năm 2017, Thái Lan cũng cho ra mắt những tác phẩm kinh dị tuy không phải là xuất sắc nhưng cũng góp phần mang lại sự đa dạng cho các phim chiếu rạp ở Việt Nam như The Promise, Ghost House.
Lạc vào thế giới ảo trong Sword Art Online: Ordinal Scale
Sword Art Online: Ordinal Scale (Sword Art Online: Ranh Giới Hư Ảo) được xem là hiện tượng anime của Nhật Bản trong năm 2017, tiếp nối your name. trong năm 2016, thu về khoảng 4.3 tỷ yên (khoảng $38.2 triệu) từ khắp các phòng vé trên thế giới. Phim lấy bối cảnh vào năm 2026, khi một chiếc máy mới gọi là Augma được phát triển để cạnh tranh với Never Gear. Augma tuy không có đầy đủ chức năng như các phiên bản trước đó nhưng an toàn, thân thiện với người dùng hơn và nó sử dụng công nghệ Augmented Reality (AR - công nghệ tương tác thực tế) cho phép mô phỏng thực tế trong khi người chơi vẫn còn giữ được ý thức. Trò chơi phổ biến nhất trong hệ thống này là Ordinal Scale - một game thực tế ảo trực tuyến nhiều người chơi, nhanh chóng trở thành hit trên thị trường. Hai nhân vật chính của phim là Asuna và Kirito đã thử sức trong game một thời gian, dần dần họ phát hiện trò chơi này có những hiểm họa không lường trước được.
Với đồ họa đẹp mắt và nội dung hấp dẫn, kịch tính được chính cha đẻ của bộ tiểu thuyết viết, Sword Art Online: Ordinal Scale được giới phê bình ca ngợi hết lời và đứng đầu doanh thu phòng vé Nhật Bản chỉ sau 2 ngày công chiếu. Phim được công chiếu tại hơn 1000 rạp trên toàn cầu, trong đó có các khu vực như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Đông Nam Á... góp phần đưa ngành điện ảnh anime của Nhật đi chinh phục khán giả trên khắp thế giới.
Không chỉ có Sword Art Online: Ordinal Scale là tác phẩm gây sốt tại Việt Nam mà trong năm 2017 còn có nhiều anime và live action nổi bật khác. Từ những anime quen thuộc với nhiều khán giả như Doraemon the Movie: Kachi Kochi Nobita's Antartic Big Aventure (Doraemon: Nobita và Chuyến Thám Hiểm Nam Cực Kachi Kochi), Conan Movie 21: Deep Red Love Letter (Conan Movie 21: Bản Tình Ca Màu Đỏ Thẫm), Pokémon the Movie: I Choose You!; cho đến những phim sâu lắng, nhiều ý nghĩa như In This Corner of the World (Góc Khuất Của Thế Giới) và Fireworks: Should We See It from the Side or the Bottom? (Pháo Hoa, Nên Ngắm Từ Dưới Hay Bên Cạnh), hay là sự ra quân của các phim Nhật có doanh thu cao ở Nhật như Shin Godzilla, Death Note, Gintama...
Kết
Năm 2017 sôi động đã khép lại với nhiều bộ phim đến từ nhiều quốc gia và những nền văn hóa khác nhau. Không tính phim Hàn Quốc và Trung Quốc vốn đã có lượng fan rất lớn, những bộ phim đến từ Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Ban Nha... cũng dần chiếm tình cảm nơi khán giả. Năm 2018 hứa hẹn sẽ là sự tấn công vũ bão của những bộ phim đặc sắc đến từ các nước này. Mở màn chính là Spyder (Tội Ác Bẩm Sinh) của Ấn Độ. Phim khởi chiếu từ 05/01/2018.