Phim Gangster Mỹ - Một thời hoàng kim
Tin điện ảnh · Maii ·
Khoảng thời gian từ những năm thập niên 70-90 của thế kỷ trước, một trong những đề tài phim được khán giả yêu thích nhất là phim gangster.
Điện ảnh phần nào gắn liền với bối cảnh xã hội. Mỗi thời đại, người xem lại thường chuộng thể loại phim khác nhau. Nếu thời nay, người ta thích các phim siêu anh hùng, thời thế chiến, người ta chuộng phim chiến tranh, thì khoảng thời gian từ những năm thập niên 70-90 của thế kỷ trước, một trong những đề tài phim được khán giả yêu thích nhất là phim gangster.
Sự bành trướng của các thế lực du đãng trong xã hội Mỹ với những cái tên khét tiếng như Al Capone, Semion Mogilevich, Pablo Escobar… lúc bấy giờ, người ta thực sự tò mò về bản thân cũng như những bí ẩn trong cuộc sống của các trùm du đãng. Điện ảnh mang đề tài này được làm ra chính xác là để thỏa mãn trí tò mò của khán giả. Mặc dù hiện giờ, đề tài này đã không còn hot như trước, nhưng điều đó đâu có nghĩa là chúng ta không thể chiêm ngưỡng lại một thời hoàng kim của phim gangster, cách đây hơn 20 năm nhỉ?
Nhiều phim gangster ra đời trong khoảng thời gian này đã trở thành kinh điển, tiêu biểu nhất phải kể đến các phim như series 3 phần phim The Godfather (1972-1990), Scarface (1983), Once Upon A Time In America (1984), Goodfellas (1990), Donnie Brasco (1997), Casino (1995)…
Phim gangster Mỹ có khá nhiều điểm chung như việc sử dụng tông màu sậm, tối và buồn, hình ảnh quen thuộc trong các phim này là những bộ vest đen, bữa tiệc xa hoa, những ly rượu không ngừng được nốc cạn trong quán bar, những phi vụ làm ăn đen tối, trả thù, gài bẫy, súng và những cái chết thảm khốc… Mặc dù được thể hiện trên phim một cách đẫm máu, nhưng điều khiến thể loại phim gangster, đặc biệt là phim tầm 20-30 năm về trước không giống các thể loại phim hành động hay thậm chí là phim ganster sau này (như The Departed), đấy là nét buồn thảm của nó, ẩn trong tông phim, không khí phim và trong cả âm thanh.
Dù là cảnh du ngoạn trên một ngọn đồi (The Godfather 1), cảnh ăn tối trong một nhà hàng (Scarface), hay cảnh một đứa trẻ ngã xuống khi hai băng đảng thanh toán lẫn nhau (Once Upon A Time In America)... màu sắc và âm nhạc của các bộ phim này đều nhuốm màu u tối.
Con đường làm một gangster thường không có kết thúc tốt đẹp. Mặc cho những đồng tiền nhuốm máu đang chảy vào túi, quyền lực thâu tóm trong tay hay đang ngồi trên đỉnh, một tay che trời, những tên trùm gangster cuối cùng đều phải trả giá cho tội ác của mình. Dù vậy, cuộc sống trong thế giới ngầm không chỉ có màu đen, mà còn có những mảng màu trắng xám được thể hiện qua các yếu tố như gia đình, tình nghĩa huynh đệ sống chết có nhau, lòng trung thành, tình yêu và cả sự phản bội. Mỗi nhân vật trên phim đều mang trên mình một chiếc mặt nạ, che giấu những cảm xúc và cả suy nghĩ thật của bản thân. Cảnh trước đã thấy họ tay bắt mặt mừng, cảnh sau đã quay sang thanh toán bằng nợ máu. Plot-twist là thứ mà khán giả luôn có thể trông mong ở các phim này.
Mặc dù có nhiều điểm giống nhau ở đề tài, nhưng mỗi nhà làm phim lại có cách thể hiện khác nhau khiến không phim nào giống phim nào và luôn mang lại sự mới mẻ cho khán giả. Once Upon A Time In America thể hiện câu chuyện theo hướng không theo trình tự logic thông thường, The Godfather I,II,III đưa chúng ta theo chân một người lính từng phục vụ đất nước trong chiến tranh, vì gia đình mà dần trở thành Bố Già quyền lực rồi cuối cùng mất hết tất cả, Scarface khắc họa hình ảnh rất người của một tên quái vật máu lạnh, hay chủ nghĩa vật chất bao trùm lên con người được trong Casino...
The Godfather (1972) – Tuyệt tác của điện ảnh
Trong lịch sử của dòng phim gangster ở Hollywood, có nhiều bộ phim đến nay vẫn còn nhiều tiếng vang như The French Connection (1971), Get Carter (1971)… Tuy vậy, phải đến năm 1972, khi tác phẩm The Godfather được công chiếu thì dòng phim về những gã mafia mới thực sự bùng nổ. Được đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại, khuôn mẫu của dòng phim gangster, “bộ phim gối đầu giường” của những tín đồ yêu điện ảnh. Có thể nói, The Godfather là một cái tên chẳng thể nào chối từ.
Thời kỳ hoàng kim của phim gangster đã thu hút nhiều diễn viên gạo cội (Marlon Brando), cũng như đưa nhiều tên tuổi trẻ trở thành ngôi sao sáng Al Pacino (ông được mệnh danh là Ông hoàng phim gangster), Johnny Depp, Robert De Niro, Ray Liotta, Joe Pesci… Mặc dù có tham gia những phim khác, nhưng những vai đáng nhớ nhất của họ luôn nằm trong những tựa phim nổi tiếng nhất về gangster.
Nhưng thời hoàng kim nào rồi cũng sẽ kết thúc, phim nào hot một thời rồi cũng sẽ có lúc thoái trào. Phim gangster theo thời gian đã không còn gây được sự hứng thú với người xem nữa. Bước sang thế kỷ mới, Hollywood chứng kiến bước chuyển mình trong các đề tài phim, hành động cháy nổ, tốc độ, phim tâm lý, phim hài, phim siêu anh hùng dần thay thế phim du đãng và một phần cũng bởi vì các phim thời nay hiếm phim nào có đủ sức vươn lên hàng kinh điển như những phim gangster thời đó. Tuy nhiên, nếu đã chán nhiều thể loại phim mì ăn liền ngoài rạp bây giờ và không thể nuốt nổi một bộ phim chỉ có súng đạn, đua xe tốc độ nhàm chán, sao không thử lật lại một bộ phim gangster kinh điển? Bạn sẽ ngạc nhiên vì những gì mình học được sau khi xem phim đấy.