Prometheus dựng trên trường quay 18.000 mét vuông

Tin điện ảnh · Moveek ·

Không phụ thuộc vào công nghệ CGI (dựng hình ảnh bằng máy tính), bối cảnh trong bom tấn giả tưởng của đạo diễn Ridley Scott cũng như các cảnh nguy hiểm đều được dàn dựng và quay thật.

Ridley Scott được biết đến là vị đạo diễn rất coi trọng tính chân thực của cảnh quay. Khi các bom tấn hoành tráng ngày nay đều phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ CGI (dựng hình ảnh bằng máy tính) thì Prometheus lại được quay thật hoàn toàn. Các cảnh quay, phục trang, dàn cảnh và các pha nguy hiểm đều là thật. Một thành viên của đoàn làm phim thốt lên: "Ridley Scott đã dựng được một sân chơi khổng lồ của người ngoài hành tinh trên thế giới này".

Prometheus được quay tại những trường quay khổng lồ ở Pinewood, Anh. Ảnh: Fox.
Prometheus được quay tại những trường quay khổng lồ ở Pinewood, Anh. Ảnh: Fox.

Quá trình sản xuất được tiến hành trên 5 trường quay tại phim trường Pinewood ở Anh, bao gồm cả 007 - một trong số những trường quay lớn nhất tại châu Âu, rộng tới 18.000 mét vuông. Đoàn làm phim đã dựng hơn 16 cảnh trên 5 sân khấu này và phải mở rộng sân khấu 007 ra ít nhất thêm một phần ba diện tích. Quá trình quay phim chính thức bắt đầu vào tháng 8/2010 mặc dù các khâu chuẩn bị sơ bộ đã được tiến hành từ trước.

Thiết kế sản xuất Arthur Max không chỉ tạo ra con tàu và các phương tiện mà còn cả quang cảnh của hành tinh nơi mà đoàn thám hiểm đi tới, cũng như các kiến trúc và con tàu vũ trụ mà họ tìm thấy ở đó. Với tàu Prometheus, Max nói rằng anh muốn "thiết kế một khối kiến trúc vừa nghệ thuật, lại vừa được trang bị đầy đủ các công nghệ cần thiết để có thể bay tới góc xa xôi nhất của dải ngân hà. Chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng các mẫu thiết kế của NASA và European Space Agency".

Charlize Theron chuẩn bị trước một cảnh quay quan trọng. Ảnh: Fox.
Charlize Theron chuẩn bị trước một cảnh quay quan trọng. Ảnh: Fox.

Cảnh dựng được trau chuốt tỉ mỉ nhất trên con tàu Prometheus là khu của nhân vật Vickers (Charlize Theron đóng). Bối cảnh này trông giống như một căn hộ xa hoa trên Đại lộ 5 Hollywood hơn là một khoang trên con tàu. Không gian lộng lẫy với những đồ đạc trang hoàng, bao gồm cả một cây đàn piano Fazoili, dàn đèn chùm Swarovski và các trang thiết bị y tế cao cấp đáp ứng được mọi nhu cầu về cứu thương, thậm chí là đủ để tiến hành phẫu thuật.

Một số cảnh quan trọng nữa bên trong tàu Prometheus là phòng thí nghiệm, nơi các thành viên trong đoàn nghiên cứu các đồ vật tìm được; phòng chuẩn bị để cả đoàn mặc trang phục trước khi lên đường làm nhiệm vụ; căn phòng nơi David giám sát các thành viên trong đoàn trong suốt hành trình kéo dài 2 năm; phòng ăn tập thể - nơi có hàng loạt thiết bị tối tân... Các cảnh dựng về cuộc sống trên hành tinh còn có kim tự tháp, một con tàu tương tự chiếc từng bị phá tan tành trong Alien năm xưa...

Hình ảnh của Prometheus không dựa vào CGI mà mọi thứ đều được làm thật. Ảnh: Fox.
Hình ảnh của Prometheus không dựa vào CGI mà mọi thứ đều được làm thật. Ảnh: Fox.

Phía bên ngoài trường quay, Max và nhóm của mình dựng Prometheus Garage - một trong 3 bối cảnh ở ngay phía dưới của thân tàu và là nơi cất giữ phương tiện của các thành viên trong đoàn. Max nói: "Chúng tôi phải sáng tạo ra những phương tiện mà có thể thực sự di chuyển trên những bề mặt rất bất lợi, nhấp nhô và cứng như đá. Chúng tôi cần những phương tiện vừa kinh tế, vừa thân thiện với môi trường lại vừa phải rất ấn tượng".

Đoàn phim mất tới 11 tuần để Max và nhóm của anh chế tạo được những phương tiện như thế và hoàn chỉnh chúng bằng việc sử dụng các công nghệ về mỹ thuật, hệ thống đèn LED, để cho ra những sản phẩm cuối cùng thật đáng kinh ngạc khi được đưa lên màn ảnh rộng.

Sau 15 tuần tiến hành quay tại phim trường Pinewood, đoàn phim đã tới Iceland để quay những cảnh cao trào cũng như là đoạn mở đầu của phim. Tại thị trấn Hekla, cả êkíp đã ghi lại những pha hành động giật gân ly kỳ khi một trong những ngọn núi lửa tại Iceland đang chuẩn bị phun trào. Các cảnh khác được quay tại một thác nước hùng vỹ tại Dettifoss, Iceland.

Cũng phải trải qua những thử thách tương tự như thiết kế sản xuất Arthur Max là nhà thiết kế phục trang từng giành giải Oscar - Janty Yates. Cô nói: "Ridley Scott cương quyết không dùng tới các bộ trang phục phi hành gia theo kiểu của NASA mà khán giả đã quá quen thuộc. Vì vậy chúng tôi sử dụng các chất liệu mang tính đột phá để tạo ra các bộ trang phục vừa nhẹ, sử dụng linh hoạt và có thể thoải mái thích nghi với môi trường bên ngoài trái đất".

Janty cho biết mỗi bộ trang phục đều có lớp ngoài là quần áo của các phi hành gia, phía trong là một lớp cao su tổng hợp, một cái móc để gài mũ bảo hiểm, và một chiếc balô. Mỗi chiếc mũ bảo hiểm có 9 màn hình video hoạt động, đèn chiếu sáng, bình oxy và hai chiếc quạt chạy bằng ắc-quy được gắn sẵn trong balô. Đạo diễn Ridley Scott yêu cầu những chiếc mũ bảo hiểm hình cầu, và phía bên ngoài mũ được trang bị đèn pin, camera HD với các thiết bị phát và ghi tín hiệu.

Ridley Scott tổng kết lại: "Sau khi xem Prometheus, bạn sẽ được trải nghiệm những thứ mà bạn chưa bao giờ có thể tưởng tượng được". Prometheus (Hành trình tới hành tinh chết) đã khởi chiếu tại các rạp Việt Nam từ hôm 15/6.