Quái Thú Vô Hình và bảng xếp hạng các phần phim từ hay nhất đến dở thảm hại

Tin điện ảnh · HeisenbergPhu ·

Phần nào trong loạt phim về Quái Thú Vô Hình là hay nhất?

Quái Thú Vô Hình 2018 đã chính thức ra mắt người xem, thế nhưng sức hút của nó đối với người hâm mộ loạt hình về các thợ săn của ngân hà này dường như không mấy thành công cho lắm!

Trong suốt gần 31 năm, chúng ta đã có hơn ba phần phim về các Predator (hay còn được gọi là Yautja), bao gồm cả những phần crossover. Mỗi phần phim đều có một mức độ ấn tượng và hay ho nào đấy đã được từng người xem kiểm chứng, nhưng dưới đây là bảng xếp hạng có thể gọi là được đông đảo người xem đồng ý nhất về mức độ từ hay cho đến thảm bại của thương hiệu Quái Thú Vô Hình.

1. Predator 1987

Là phần đầu tiên khơi nguồn hình tượng các thợ săn đầy hung hãn của dải ngân hà - Predator, Predator 1987 đúng nghĩa là một bộ phim kinh dị pha lẫn hành động, khoa học viễn tưởng mà khán giả lúc bấy giờ cần đến, nó trở thành một tượng đài lớn trong hình mẫu dòng phim về quái vật không gian. Không những vậy, nam diễn viên Arnold trong vai Dutch cùng những người bạn của mình đã mang đến một phong cách "cơ bắp của người Mỹ" trong phim, yếu tố rất được yêu thích trong những bộ phim hành động máu lửa trong khoảng những năm 80. Tuy công nghệ quay phim còn thô sơ, nhưng đạo diễn phim là John McTiernan cùng ekip hóa trang của Stan Winston đã mang đến cho người xem những khung cảnh phim hoành tráng và một quái con thú hung dữ và cực kỳ chân thật, không kém phầm ám ảnh. Đây là bộ phim khiến bạn nhận ra rừng rậm không phải là chốn thiên đường hay để vui chơi, khám phá... nó là địa ngục.

Khuôn mặt xấu xí năm nào
Khuôn mặt xấu xí năm nào

2. Predators (2010)

Là phần thứ ba trong thương hiệu, bối cảnh của Predators bây giờ không còn ở Trái Đất, nó chuyển sang một hành tinh khác, nơi một nhóm Super Predator chọn lọc ra những thành phần ưu tú của con người để tham gia vào cuộc đi săn tiêu khiển của chúng. Nội dung phim được cho là khá xuất sắc khi khai thác thành công tính cách của từng nhân vật trong phim, cũng như mang đến một cái nhìn mới về các Yautja, không những vậy, Predators còn giữ phong cảnh nguyên mẫu mà dòng phim này muốn hướng đến - đó là những pha săn tìm trong rừng đầy nghẹt thở và máu me. 

Poster của Predators
Poster của Predators

3. Predator 2

Ra mắt vào năm 1990, có thể gọi là "cũng được", Predator 2 tập trung vào một City Hunter và giờ đây chúng ta sẽ được đưa đến thành phố L.A thay vì những khu rừng rậm rạp. Không còn những pha leo cây, ẩn nấp sau những tán lá mà thay vào đấy là những con hẻm và trên các tòa nhà cao tầng. Bù lại, yếu tố mà phần thứ hai này thành công chính là tập trung hơn vào gã Yautja - City Hunter và mở rộng vũ trụ Predator bằng loạt Trứng Phục Sinh về Alien (hộp sọ của một Xenomorph) cũng như bộ tộc Lost Clan đầy khí chất, cao thượng.

City Hunter
City Hunter

4. Quái Thú Vô Hình - The Predator 2018

Vâng, phần mới nhất vừa ra mắt vào cuối tuần vừa qua. Mặc dù trước đấy đạo diễn Shane Black đã hứa hẹn sẽ mang đến một hơi thở mới đầy thú vị cho dòng phim này, nhưng dường như hơi thở của chú Shane đã hơi quá đà và biến một thể loại phim từ kinh dị, thợ săn khát máu thành một thể loại hành động, cháy nổ pha nét chiến tranh vũ trụ với công nghệ cao... Quái Thú Vô Hình 2018 không phải quá dở, nó đủ để mang đến sự giải trí cho chúng ta nhưng lại làm fan cứng của dòng phim Predator cảm thấy buồn lòng sau mấy năm chờ đợi. Phim thậm chí còn để lại cho người xem khá nhiều câu hỏi mơ mồ (lưu ý có spoil), ví dụ như:

Fugitive Predator - thanh niên đi nhờ xe vui tính của năm
Fugitive Predator - thanh niên đi nhờ xe vui tính của năm

- Sao anh chàng Fugitive Predator lại quay sang giúp con người, làm sao cái găng tay quan trọng được mang trên cánh tay nó lại dễ dàng rơi ra để rồi bị anh thanh niên đẹp trai lượm dễ dàng như vậy?

- Sao cái găng tay có thể điều khiển cả con tàu của Ultimate Predator?

- Cậu bé trong phim bị tự kỷ nhưng lại biết hết ngôn ngữ cũng như cách sử dụng đồ vật của người ngoài hành tinh? Trong phim cũng đã giải thích cho người xem, nhưng liệu bấy nhiêu đấy có đủ để chứng minh? Dẫu sao nền văn hóa cũng cách nhau cả một dải ngân hà chứ có phải một vài đất nước đâu.

- Đã đến giúp nhưng sao Fugitive Predator lại tấn công đồng đội của nam chính trong đầu phim để gây mâu thuẫn lẫn nhau?

- Quái Thú Vô Hình nhưng công nghệ tàng hình vẫn không phát triển nhiều lắm qua các thời kỳ...

Tóm lại, nếu bạn đi xem cho vui hay để khuây khỏa đầu óc thì phần phim này khá ổn vì nó vui... rất vui là đằng khác.

5. Alien vs. Predator 2004

Đây là lần đầu tiên hai chủng loài ngoài hành tinh nguy hiểm nhất trong vũ trụ là Yautja và Alien Xenomorph crossover với nhau, gạt đi những phần ngớ ngẩn  trong nội dung, nếu bạn là một fan cuồng chính thống của hai sinh vật này thì đây chả khác gì là một món ăn lạ mà 20th Century Fox mang đến. Hình ảnh đẹp, các pha đánh nhau ấn tượng, nhờ vậy phim đã tránh khỏi cú "tạch" về phần nội dung.

Predator trong Alien vs. Predator
Predator trong Alien vs. Predator

6. Aliens vs. Predator 2: Requiem

Phần phim không nên tồn tại, bạn có thể ngáp dài, ngáp ngắn từ những phút đầu của phim dẫu cho có sự xuất hiện đầy ấn tượng của Wolf Predator hay Predalien. Khâu nội dung rẻ tiền, dàn nhân vật con người kém sang, hình ảnh tối đen như mực khiến bạn phải tăng sáng màn hình khi xem. Đây là phần crossover xem cũng được mà không xem thì cuộc sống của bạn vẫn ổn!

Ước gì phim chỉ nói đến hai đứa này thôi
Ước gì phim chỉ nói đến hai đứa này thôi

Quái Thú Vô Hình hiện đang được công chiếu tại các rạp toàn quốc.