[REVIEW] Adrift - Khi phụ nữ dám kiên cường chống chọi thiên nhiên hùng bạo, rộng lớn
Nhìn chung, Adrift không phải là phim sinh tồn hay nhất, cũng không phải là phim tình cảm lãng mạn nhất nhưng bộ phim vẫn có những nét đặc biệt của mình khiến nó trở nên nổi bật.
Dựa trên một câu chuyện có thật, Adrift (Giành Anh Từ Biển) đã khắc hoạ một tình yêu hoang dại của cô gái có cuộc sống lãng du, không mục đích Tami Oldham (Shailene Woodley) và anh chàng thuỷ thủ người Anh Richard Sharp (Sam Claflin) điển trai, sở hữu một chiếc thuyền nhỏ với sở thích giương buồm khắp nơi. Hai con người xa lạ bỗng nhiên tìm thấy nhau sau những cuộc phiêu lưu. Họ đồng điệu về tâm hồn, về hoài bão nhờ những ngày lạc trôi vô định. Tami và Richard lao vào nhau nhanh chóng như những con sóng mà họ yêu. Tìm thấy được người con gái của đời mình, Richard quyết định cầu hôn và cả hai ngập tràn hạnh phúc trong chuyến đi xuyên Thái Bình Dương hướng về San Diego, California.
Mọi thứ đang vô cùng tốt đẹp thì cơn bão thảm khốc bỗng nhiên ập tới khiến chuyến đi trở thành thảm hoạ. Tỉnh dậy trong mớ hỗn độn và Richard mất tích không dấu vết, Tami phải làm gì để giành lấy sự sống cho bản thân và cả người mình yêu khỏi biển cả hung bạo?
Đề tài sinh tồn thật ra không hề mới với những người yêu thích xem phim Âu Mỹ nhưng cái hay của Adrift chính là thay vì nhân vật chính là người đàn ông như thường lệ hay là một cô bánh bèo yếu đuối sống sót nhờ sự trợ giúp của nhiều người thì ngược lại, nhân vật nữ chính Tami chính là cột buồm chèo chống cả một bộ phim dài gần 97 phút. Nghe thì có vẻ phi lý vì còn nhân vật nam chính mà, chẳng lẽ anh ta không giúp đỡ cô được gì hay sao? Điều đó là sự thật, bạn đừng mong bạn sẽ nhìn thấy một anh soái ca ngôn tình nào vì chẳng hề có đâu, Richard chẳng giúp gì được cho Tami trong cơn khốn khó này cả. Ngoài trừ là chỗ dựa tinh thần ra thì anh người yêu lại chỉ thêm phần gánh nặng cho cô nàng bé nhỏ giữa đại dương bao la, rộng lớn. Nhưng cũng đừng vì vậy mà khinh ghét anh ấy, vì càng về sau trái tim bạn sẽ càng cảm thấy nhói đau, thấu hiểu và lay động vì tình yêu của họ dành cho nhau. Có thể nói kịch bản không quá phức tạp nhưng cũng không phải đơn giản.
Các nhà làm phim đã vô cùng khéo léo khi lồng ghép giữa quá khứ và hiện tại, thực và ảo xuyên suốt thời lượng của bộ phim. Bên cạnh đó, những thủ thuật lèo lái thuyền buồm, đo đạc vị trí địa lý cũng được áp dụng để bật nên trí thông minh, nhạy bén của nhân vật Tami. Tuy nhiên, mặt bằng chung khán giả không phải ai cũng có khả năng hiểu được những thuật ngữ chuyên môn kia.
Adrift đã khai thác gần như trọn vẹn tâm lý của con người khi rơi vào hoàn cảnh cùng cực. Cũng như những cơn sóng khi cao khi thấp, bộ phim đã khắc hoạ thành công tâm lý bất ổn của nhân vật, lúc tha thiết sự sống đến cùng cực, lúc lại suy sụp, gục ngã tưởng chừng như muốn buông xuôi tất cả. Tất cả những điều đó đều được nữ chính thể hiện một cách vô cùng chân thật, thật đến không tưởng.
Quả thật phải dành lời khen cho Shailene Woodley, cô gần như đã hoá thân hoàn toàn vào nhân vật. Từ gương mặt cháy nắng đầy những đốm tàn nhang lúc nào cũng ửng đỏ, mái tóc rối vì gió, cát và muối biển. Cho đến tính cách đầy hoang dại, tinh nghịch và mê đắm vào những cuộc phiêu lưu, nét nào cũng bật lên được một người phụ nữ đầy mạnh mẽ, yêu biển nhưng cũng dám kiên cường đứng lên khi biển cả muốn nuốt chửng mình. Bên cạnh một nữ cường lại là một nam chính bị hoàn cảnh đưa đẩy dẫn đến bất lực. Màn biểu diễn của Sam Claflin không có gì để chê nhưng cũng chẳng tìm được cái để khen.
Anh cũng hi sinh vẻ đẹp trai, hào nhoáng của mình cho vai diễn nhưng vai trò của anh trong bộ phim đã bị nàng Shailene đánh gục hoàn toàn và khiến anh chìm nghỉm như cách sóng biển vùi dập anh vậy. Có lẽ lần tới anh chàng nên chọn một vai nào năng động hơn là cứ phải ôm vào mình những nhân vật thích nằm lỳ một chỗ như thế này.
Về mặt âm thanh và hình ảnh thì Adrift làm khá tốt khi mọi thứ chân thật đến từng chi tiết nhỏ, từ những tiếng sóng đánh vào thuyền cho đến kẽo kẹt của cột buồm đung đưa trước gió. Tất cả đều hoà lẫn vào những khung cảnh tuyệt vời giữa đại dương bao la, xanh ngát.
Cái tên Việt hoá – Giành Anh Từ Biển càng xem lại càng thấy không phù hợp với nội dung của Adrift (Trôi Dạt) chút nào. Nhìn chung, Adrift không phải là phim sinh tồn hay nhất, cũng không phải là phim tình cảm lãng mạn nhất nhưng bộ phim vẫn có những nét đặc biệt của mình khiến nó trở nên nổi bật.