[REVIEW] American Gods – Hành trình của niềm tin

TV Series · Đánh giá phim · nguyenvumaianh ·

8 tập phim của American Gods đưa khán giả đến với cuộc hành trình khám phá đức tin và sức mạnh ẩn sau những tín ngưỡng của con người.

Kéo xuống để xem tiếp

“Thần là gì? Chúng ta có thực sự biết được sự tồn tại của họ? Con người tin tưởng nhiều thứ, có nghĩa các vị thần là có thật. Bởi chúng ta tin rằng họ có thật. Vậy điều gì có trước? Những vị thần hay những con người tin tưởng vào sự tồn tại của họ?” - Mr Wednesday.

8 tập phim của American Gods – dựa trên tiểu thuyết bán chạy cùng tên của nhà văn Neil Gaiman do Bryan Fuller và Michael Green đạo diễn kiêm sản xuất đưa khán giả đến với cuộc hành trình khám phá đức tin và sức mạnh ẩn sau những tín ngưỡng của con người. Câu chuyện kể về Shadow Moon – một cựu tù nhân đang trên đường trở về nhà sau khi nghe tin vợ và bạn thân của anh đã chết trong một vụ tai nạn giao thông. Trên chuyến bay trở về, anh gặp Mr Wednesday – một nhân vật bí ẩn đã ngỏ lời mời anh làm vệ sĩ cho ông ta. Kể từ đó, Shadow liên tiếp gặp phải những điều vô cùng bí ẩn, hoang đường mà anh không thể nào lý giải nổi. Chính Shadow cũng không biết anh đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến giữa những vị thần cũ và thần mới. Mỗi một tập phim sẽ hé lộ những cựu thần trôi dạt từ thần thoại Bắc Âu, Ai Cập hay các nước Châu Phi theo chân loài người từ đất Mỹ từ xa xưa. Họ đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên khi nhân loại đang tôn thờ những vị thần mới đại diện cho toàn cầu hóa, công nghệ, truyền thông, mạng xã hội…

Mr Wednesday & Shadow Moon (Nguồn: Digital Trends)
Mr Wednesday & Shadow Moon (Nguồn: Digital Trends)

Điểm nổi bật nhất của bộ phim phải kể đến diễn xuất của 2 diễn viên kỳ cựu Ian McShane (John Wick, DeadWood, Cướp Biển Vùng Caribe...) trong vai Mr Wednesday và Gillian Anderson (The X Files) với vai vị thần Media. Từng dáng vẻ, cử chỉ ngôn ngữ của Mr Wednesday khiến ta thấy tò mò bởi dường như ông ta luôn giấu diếm một điều gì đó. Sử dụng sự thông tuệ với những mánh khóe gian xảo, Mr Wednesday luôn có được những thứ mà ông muốn. Thỉnh thoảng những lời châm biếm hài hước của ông ta giống như một chút gia vị làm tăng sức hấp dẫn của bộ phim.

Nam diễn viên Ian Mcshane (Nguồn: Variety)
Nam diễn viên Ian Mcshane (Nguồn: Variety)

Phải nói Gillian Anderson đã hóa thân một cách quá tài tình trong vai Media. Bản chất của nhân vật này giống như một con tắc kè hoa, luôn biến đổi để hội nhập thông qua những nhân vật hình tượng công chúng. Nói nôm na, Media chính là báo chí, là TV, là những gì chúng ta thấy trên màn ảnh lớn hay nhỏ. Đó là lý do mà Anderson hóa trang thành các nhân vật huyền thoại Hollywood, biểu tượng của văn hoá đại chúng cũng như phần nào thấy được tầm ảnh hưởng của Media như Lucy Ball, David Bowie, Marilyn Monroe. Nếu Mr Wednesday đại diện cho sự thông thái, trí tuệ của những vị thần cũ thì Media là một vị tân thần xinh đẹp, quyền lực có khả năng chi phối “mọi khán giả”.

Nữ diễn viên Gillian Anderson (Nguồn: IndieWire)
Nữ diễn viên Gillian Anderson (Nguồn: IndieWire)

 Tôn giáo luôn là chủ đề hấp dẫn, đầy lôi cuốn đối với nhà văn Neil Gaiman. Đến với American Gods, ông vẽ lên một bức tranh tổng thể về giá trị văn hóa, những tôn giáo đang tồn tại ở một đất nước đa chủng tộc, đầy màu sắc nhưng cũng là hiện thân của toàn cầu hóa. Nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau đem theo ước mơ, hy vọng và cả lòng tin khi đặt chân đến vùng đất màu mỡ mang tên Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Đó là lý do trong American Gods xuất hiện không chỉ một mà đến hàng chục vị Chúa Jesus. Bởi như nhân vật Wednesday đã nói: chúng ta không chỉ có vị Chúa Jesus da trắng mà còn Mexican Jesus, African American Jesus, Greek Jesus – đại diện cho mỗi một dân tộc, tôn giáo.

Có lẽ 480 phút của bộ phim cũng chưa đủ để nói hết được vẻ đẹp của tín ngưỡng nhưng American Gods cuốn hút người xem không chỉ bởi những câu chuyện thần thoại đầy ma mị và huyền bí. Nó khiến ta phải đặt câu hỏi thế nào là lòng tin? Và sức mạnh của lòng tin trong mỗi người lớn thực sự lớn đến đâu? Trong thế giới thần thánh của Gaiman phụ thuộc vào đức tin của con người. Ông cho rằng thần thánh không bất tử. Họ được xây dựng từ lòng tin của con người và một khi lòng tin đã mất thì các vị thần cũng dần dần bị lãng quên rồi biến mất.

Trong thời buổi toàn cầu hóa, con người theo đuổi những thứ tân thời (smartphone, thời trang, mạng xã hội), chạy theo đồng tiền và vật chất chứ đâu còn cầu nguyện để có được miếng ăn như trước. Và rồi những “tân thần” mới nổi lên – hiện thân cho một xã hội năng động và đầy phát triển như công nghệ, truyền thông, mạng xã hội… Họ là mối đe dọa đối với những vị thần cũ. Bản chất của những vị tân thần là tạo lập thương hiệu. Càng nhiều người bỏ thời gian và tin tưởng những gì họ nghe hay đọc được trên Internet, báo chí, TV thì các vị thần mới lại càng mạnh. Ngay cả một nữ thần biểu tượng cho sắc đẹp, quyền năng của nước Ả Rập cũng phải cúi mình trước sự tiến hóa của xã hội. Vì sợ bị lãng quên, bà phải nhờ đến công nghệ để tìm lại sự tôn thờ và “chiêu mộ” những kẻ sùng bái theo một phương thức mới.

Nhưng trong số các vị thần cũ, cũng có những người không bao giờ chịu sự khuất phục trước một thế giới hiện đại mà con người đang dần bỏ rơi lịch sử. Wednesday – đại diện cho “Old Gods” ấp ủ một kế hoạch, một cuộc chiến để chống lại các vị tân thần. Ông tin rằng con người sẽ hiểu được sức mạnh của lòng tin. Bởi trước khi có smartphone hay những thứ vật chất xa hoa hào nhoáng, loài người từng phải cầu xin các vị thần để có được miếng ăn. Suy cho cùng, trong những giờ khắc tuyệt vọng nhất, họ luôn tìm đến thần thánh để có được sự bình yên và hy vọng.

“Thần vĩ đại nhưng con người còn vĩ đại hơn. Từ trái tim con người thần đến và cũng từ trái tim của con người thần sẽ trở về” (trích câu nói của người dẫn truyện trong American Gods – tập 5)

American Gods, Neil Gaiman không phê phán hay nhận xét bất kỳ tín ngưỡng nào mà ông luôn dành sự tôn trọng cho tất cả các cộng đồng tôn giáo trên khắp nước Mỹ. Ngay cả với những người không quan tâm đến tôn giáo vẫn hoàn toàn thưởng thức được nét đẹp của bộ phim theo nhiều cách khác nhau. Bởi đơn thuần ai cũng có một cuộc hành trình đi tìm niềm tin của riêng mình.

[REVIEW] Castle Rock – Không dành cho những ai coi để giải trí

[REVIEW] Castle Rock – Không dành cho những ai coi để giải trí

Tại Maine, miền nam nước Mỹ, hãy ghé thăm Castle Rock, bạn sẽ không bao giờ (có thể) rời đi nữa!