[REVIEW] Bằng Chứng Vô Hình
Đánh giá phim · Maii ·
Bằng Chứng Vô Hình là một trong những phim Việt đáng mong chờ của tháng 7.
Sau thời gian im ắng, ảm đạm của các rạp chiếu, Bằng Chứng Vô Hình đã bắn phát súng đầu tiên khai màn để các bộ phim đáng xem trở lại bảng xếp hạng. Sau Thưa Mẹ Con Đi, Bằng Chứng Vô Hình nhận được nhiều kỳ vọng của khán giả ở thể loại hình sự, phá án, mang một phong cách hoàn toàn khác với tác phẩm trước đó của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Nhìn chung, Bằng Chứng Vô Hình là bộ phim tròn trịa, đáng xem, dù vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn hảo.
Bằng Chứng Vô Hình xoay quanh cô gái mù tên Thu, vô tình trở thành nhân chứng của một vụ tai nạn giao thông. Trong quá trình báo án, bỗng xuất hiện một nhân chứng khác là Hải, có lời khai khác hoàn toàn với Thu. Điều tra vụ tai nạn chưa có hướng đi, Thu bỗng phát hiện kẻ đâm xe đêm đó lại là một tên giết người biến thái, chuyên bắt cóc các cô gái trẻ. Bị phát giác, tên giết người và Thu bắt đầu một cuộc rượt đuổi giữa mèo và chuột.
Dựa trên bộ phim Blind, Bằng Chứng Vô Hình đã Việt hoá khá tốt một kịch bản Hàn Quốc, thêm vào đó là khả năng đạo diễn của Trịnh Đình Lê Minh đã cùng tạo nên một bộ phim với chất lượng khá so với mặt bằng chung của phim Việt, nhất là khi so với các phim ra mắt dạo gần đây vốn không mấy nổi bật. Một lời khen dành cho ê-kíp khi dám thử sức với thể loại mới, dù phim tội phạm, phá án với một tên sát nhân biến thái có vẻ như vẫn còn là thử thách đối với điện ảnh nước nhà.
Điểm nổi bật của phim, rõ ràng nhất là mặt nghe - nhìn khi toàn bộ phim đều toát lên vẻ dễ chịu, dễ theo dõi, dù đây là bộ phim giật gân, hồi hộp. Với nhân vật chính là một cô gái có thị lực bị khiếm khuyết, yếu tố âm thanh được đẩy lên mức tối đa để nhấn mạnh lợi thế thính giác của Thu, khiến bộ phim tạo được điểm thích thú đối với khán giả. Tiếng bước chân, tiếng mưa rơi, tiếng rao hàng, tiếng điện thoại… đều được chú trọng, giúp bộ phim trở nên sống động hơn rất nhiều, đồng thời giúp khán giả kết nối với nhân vật Thu tốt hơn.
Không nhiều những cảnh rượt đuổi, cao trào, nhưng hầu hết các phân cảnh này đều tạo được không khí căng thẳng, khẩn trương, nhất là cảnh Thu và Lê chơi "rượt bắt cứu bồ". Tuy vậy, các cảnh hành động quay hơi gần, cộng thêm bối cảnh ban đêm, tạo nên cảm giác khó chịu khi không thể thưởng thức được hết sự gay cấn khi chính diện và phản diện đối đầu nhau. Lời thoại của phim khiến người xem đấu tranh khá nhiều giữa việc có thể cho là tự nhiên được hay không. Không quá gượng ép, nhưng mang dáng dấp của thoại phim truyền hình nên đôi cảnh chưa thực sự thuyết phục, đây là điểm Việt hoá chưa thực sự tốt của Bằng Chứng Vô Hình, bù lại, diễn xuất tốt của các diễn viên đã giúp thoại của phim không đến nỗi khó nghe.
Với vai Thu, Phương Anh Đào đã có thêm một vai diễn mới lạ khác để làm giàu sự nghiệp diễn xuất của mình. Các chi tiết xoay quanh một cô gái mù đều được xây dựng chăm chút và đáng tin, thêm vào đó là màn thể hiện có đầu tư của Phương Anh Đào đã mang đến cho chúng ta một nhân vật nữ giỏi giang và thú vị. Bên cạnh đó, còn phải dành lời khen cho nhân vật Hoà của Ái Phương, một nhân vật “nữ cường" được xây dựng rất có chừng mực của bộ phim, không đi vào lối mòn hung hăng và vô lý của rất nhiều nhân vật nữ trong phim Việt nhằm chứng tỏ độ mạnh mẽ của mình.
Otis cũng đã thể hiện tròn vai cậu nhóc ngỗ ngược Hải, dù thân thế của nhân vật này không rõ ràng và chuyển biến mối quan hệ giữa Hải và Thu cũng chưa thực sự mượt mà. Riêng Quang Tuấn thì có vẻ như vai Lê vừa có nét giống, nhưng cũng lại không giống vai tên thầy bùa trong Thất Sơn Tâm Linh. Cùng là phản diện có vấn đề tâm thần, nhưng vai diễn trong Thất Sơn Tâm Linh nhìn chung có chiều sâu hơn so với Lê trong Bằng Chứng Vô Hình. Phim mở ra một cảnh giải thích quá khứ của Lê, nhưng làm trọn vẹn nên tình tiết bị bỏ ngỏ giữa chừng, không mang tính giải thích thoả đáng cho hành động của Lê mà còn đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp hơn. Chỉ có thể mô tả kẻ thủ ác của Bằng Chứng Vô Hình là kẻ liều lĩnh, chưa mang hình dáng của một kẻ thông minh, xảo quyệt.
Về tổng thể, đây là bộ phim đáng xem, nhưng vẫn không tránh thoát khỏi quá nhiều lỗi lầm ở tiểu tiết cũng như sắp đặt tình huống có phần khiên cưỡng, trùng hợp quá mức. 100 phút của phim có vẻ như vẫn chưa đủ để đạt đến độ chặt chẽ nhất có thể, thực sự là điều đáng tiếc bởi Bằng Chứng Vô Hình hoàn toàn có tiềm năng hay hơn nữa.
Dù vậy, có tính giải trí, kịch tính và chỉn chu, Bằng Chứng Vô Hình là một trong những phim Việt đáng xem nhất trong tháng.