[REVIEW] Big Little Lies mùa 2 – Trần trụi, dữ dội và đầy ám ảnh
TV Series · Đánh giá phim · nguyenvumaianh ·
Big Little Lies vẽ nên những “lời dối trá hoàn hảo", những bí mật được chôn sâu bởi vẻ ngoài hào nhoáng, giàu có, yên bình của thị trấn Monterey.
Big Little Lies ẵm trọn 42 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ trong đó có Phim Truyền Hình Xuất Sắc nhất và Nữ Diễn Viên Chính Xuất Sắc tại giải Quả Cầu Vàng 2018; Đạt 8,6/10 trên trang bình phim uy tín IMDb, nằm trong top 10 Tv series hay nhất của năm. Chưa kể còn có sự xuất hiện của 2 tượng đài diễn xuất: Nicole Kidman và Meryl Streep - từng ấy đã đủ thuyết phục bạn đắm chìm vào những con sóng dữ dội mang tên Big Little Lies?
Nếu bạn còn cảm thấy thất vọng về mùa cuối cùng của Game Of Thrones thì Big Little Lies chính là lời xin lỗi chân thành, sự bù đắp thoả đáng của HBO dành cho các fan trung thành đã luôn ủng hộ nhà đài. Không bi tráng, máu me hay bạo lực, 14 tập của phim là những vết cứa sâu vào cảm xúc của người xem; đưa họ trở về với thực tại: với những lời đàm tiếu thị phi của những người hàng xóm, với những chiếc mặt nạ ta phải gồng mình đeo để vẽ lên một gia đình hoàn hảo.
Vẫn đào sâu vào những màn kịch dối trá, sự lấp liếm táo tợn nhưng khác với người anh em Chernobyl, Big Little Lies vẽ nên những lời dối trá hoàn hảo, những bí mật được chôn sâu bởi vẻ ngoài hào nhoáng, giàu có, yên bình của thị trấn Monterey. Nó khiến ta phải nghĩ: cuộc đời vốn nhiều định kiến nhưng tại sao phụ nữ lại tự ràng buộc vào vào những định kiến đó để làm khổ mình? Tác phẩm được biên kịch David.E.Kelly và đạo diễn Jean-Marc Vallée lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Liane Moriarty. Phần 1 được ra mắt vào tháng 2/2017 với hơn 1,8 triệu lượt xem và ngay trong tháng 6 năm nay, HBO công chiếu phần 2 đang được đón nhận hàng loạt những “cơn mưa” lời khen từ khán giả và giới phê bình.
Bộ phim xoay quanh cuộc sống sung túc, giàu sang của bốn người mẹ xinh đẹp: Madeline (Reese Witherspoon), Celeste (Nicole Kidman); Bonnie (Zoe Kravitz) và Renata (Laura Dern). Sự xuất hiện của Jane (Shailene Woodley) và cậu con trai Ziggy (Iain Armitage) như một giọt nước làm tràn ly, thay đổi hoàn toàn cuộc đời của bốn người phụ nữ nổi tiếng nhất Monterey. Quá khứ đầy bi kịch của Jane đã vô tình lột ra những chiếc mặt nạ của những bà nội trợ nổi tiếng vùng Monterey, mang đến một cảm giác bất lực khi chứng kiến những người phụ nữ hiện đại - là tâm điểm của những lời dị nghị đang gồng mình, tìm cách bơi ra khỏi cơn sóng dữ.
Những lời nói dối - là cách duy nhất mà một người mẹ có thể làm để bảo vệ sự yếu đuối của bản thân trước ông chồng vũ phu. Là bí mật về một mối tình vụng trộm của một bà mẹ nội trợ luôn cảm thấy nhàm chán, lạc lõng và chán ghét chính mình. Là thứ lấp đầy cái tôi ngạo nghễ, che giấu lòng ghen tị của một bà mẹ CEO với mọi người xung quanh. Cứ thế, những lời nói dối tưởng chừng vô hại dần dần được tích tụ như trái bom nổ chậm chỉ chờ để “bùng phát". Cách kể chuyện chậm rãi, đầy chất thơ nhưng chứa đựng sự tàn phá dữ dội của vị đạo diễn người Canada Jean-Marc Vallée cuốn người xem đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Một điểm cộng hoàn hảo của mini series này chính là việc sử dụng hình ảnh để kể chuyện. Nhân vật không cần có quá nhiều thoại bởi ánh mắt, cử chỉ của họ, hình ảnh, âm thanh đến cả những đồ vật xung quanh đã nói hộ những điều cần nói một cách rất tinh tế. Khán giả có thể dễ dàng nhận ra trong phim, tất cả mọi người đều đang quan sát lẫn nhau chính nhờ những cái nhìn lén lút, tọc mạch & tấm gương phản chiếu (gương chiếu hậu, màn hình máy tính, điện thoại….) tạo sự căng thẳng, nghi ngờ và nhìn rõ cả sự tổn thương của các nhân vật. Jean-Marc Vallée liên tục sử dụng hướng nhìn, ánh mắt của nhân vật để nói cho khán giả biết họ nên nhìn vào đâu và dưới góc nhìn của nhân vật nào. Chuyển đổi giữa các cảnh trong Big Little Lies cũng hết sức độc đáo: cảnh trước chảy vào cảnh tiếp theo. Trước là hành động của một nhân vật chính rồi chuyển cảnh ngay sang lời kể của những ông bà hàng xóm, phụ huynh trong trường đang hả hê nói xấu, đàm tiếu về người đó.
Câu hỏi kịch tính trung tâm,níu giữ khán giả xem đến phút cuối cùng đã được giải đáp ở tập cuối phần 1: Ai bị giết và ai là hung thủ? Sang đến phần 2, bộ phim hướng người xem đến một uẩn khúc mới: Giết người rồi, giờ thì sao? Đâu là cái giá phải trả để nói lên sự thật? Theo như trang Digital Spy thống kê, rating của mùa 2 tăng đến hơn 34% so với mùa thứ 1 bởi người ta tò mò về những dư chấn, mặc cảm tội lỗi để lại sau cái đêm đáng nhớ ấy.
Madeline luôn khiến mình bận rộn, cố gắng cứu vớt cuộc hôn nhân đang đứng trên bờ vực thẳm nhưng những lời nói dối lẫn sự thù ghét bản thân vẫn tiếp tục bủa vây cô. Reneta để sự tức giận lấn áp những nỗi đau, cảm giác tội lỗi. Jane có vẻ là người tỉnh táo và thích ứng nhanh nhất. Sau khi tìm ra và chứng kiến cái chết của kẻ đã cưỡng kiếp mình, cô tiến lên phía trước với một công việc mới, một mối quan hệ lành mạnh và vẫn tiếp tục dành tình yêu vô bờ bến cho cậu trai Ziggy.
Sự thay đổi kinh ngạc nhất ở mùa thứ hai phải kể đến Celeste. Uống rượu, quan hệ vô tội vạ và không nhớ nổi mình đang làm gì - Celeste là ví dụ điển hình của rối loạn stress sau sang chấn. Perry đã chết nhưng điều đó không có nghĩa mối quan hệ độc hại giữa cô và hắn đã chấm dứt. Yêu rồi lại hận, hận rồi lại yêu - nó như một cái vòng luẩn quẩn luôn dày vò, vắt kiệt cả thể xác lẫn tinh thần của Celeste. Ánh mắt luôn đượm buồn của báu vật nước Úc Nicole Kidman càng tô điểm sự bi thương, hỗn loạn trong tâm lý của nhân vật này.
Một nhân vật khác cũng bị ám ảnh, dày vò không kém chính là cô nàng xinh đẹp, tinh tế và điềm đạm: Bonnie. Từ một quý cô hoàn hảo bỗng chốc cô nàng thu mình lại, lẩn tránh, dằn vặt và trở nên nhạy cảm quá mức. Mặc cảm tội lỗi đang ăn mòn, huỷ hoại từng khía cạnh cuộc sống của cô. Phần 2 mở ra cánh cửa quá khứ đầy phức tạp, gợi lại vết thương mà Bonnie không muốn người khác thấy. Điều đó lý giải tại sao không phải Celeste, cũng chẳng phải Jane mà chính Bonnie - một bà mẹ luôn ôn hoà, theo chủ nghĩa tích cực ra tay đẩy Perry ngã đến chết.
Và rồi thị trấn ảm đạm Monterey chào đón một người mới: Meryl Freaking Streep!! Nữ diễn viên huyền thoại với 21 lần được đề cử giải Oscar hoá thân vào vai bà mẹ chồng của Celeste đang tìm kiếm sự thật về cái chết của con trai mình. Có lẽ biên kịch nghĩ 5 bà nội trợ nổi tiếng xứ Monterey chưa đủ dằn vặt nên quyết định mang đến một bà mẹ chồng cổ quái, đa nghi và khó đoán để tiếp tục hành hạ họ. Nhân vật Mary Louise Wright xuất hiện như một cú châm ngòi cần thiết, một lực đẩy buộc các cô gái của chúng ta phải tỉnh táo và hành động.
“Tôi không tin tưởng những người thấp bé! Tôi xin lỗi, nhưng quả thật tôi luôn tự hào khi cho rằng mình có con mắt nhìn người rất chuẩn!” Chỉ 1 câu thoại cũng đủ để nói lên tính cách, chủ tâm của Mary khi bước chân đến Monterey. Mặc dù đang tỏ vẻ giúp đỡ cô con dâu trong giai đoạn khó khăn này nhưng bà ta vẫn luôn âm thầm quan sát mọi thứ, rình mò và dò hỏi những đứa trẻ. Diễn xuất của Meryl Streep chưa bao giờ khiến ta phải thất vọng. Bà ấy có thể khiến khán giả vừa ghét cay ghét đắng mình, trong phút chốc lại đồng cảm với nỗi đau khôn xiết của một người mẹ mất con.
Big Little Lies là những mảnh ghép riêng biệt, được hoà quyện từ rất nhiều thể loại: Madeline chính là một bộ phim hài châm biếm, Reneta trong một bộ phim chính kịch - soap opera, Celeste đại diện cho dòng phim bi kịch, Bonnie và Jane lại đầy kịch tính, ly kỳ. Công việc của Mary Louise Wright chính là kết nối, chắp vá những mảnh ghép ấy để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh.
[REVIEW] Good Omens - Tận thế mà cũng chill phết
6 tập phim của Good Omens do Amazon sản xuất là một sự vô lý đến tài tình. Đó là câu chuyện về ngày tận thế, các bạn ạ! Nhưng tận thế theo kiểu hài hước, tinh tế và chỉ có ở Neil Galman & Terry Pratchett.
[REVIEW] Jessica Jones (Netflix) mùa 3 - Còn lại gì sau quá nhiều mất mát?
13 tiếng đồng hồ của Jessica Jones mùa cuối cùng đào sâu vào chủ nghĩa anh hùng một cách chân thực nhất và đưa người xem đến với vũng lầy đạo đức đầy u ám.