[REVIEW] Jessica Jones (Netflix) mùa 3 - Còn lại gì sau quá nhiều mất mát?
TV Series · Đánh giá phim · nguyenvumaianh ·
13 tiếng đồng hồ của Jessica Jones mùa cuối cùng đào sâu vào chủ nghĩa anh hùng một cách chân thực nhất và đưa người xem đến với vũng lầy đạo đức đầy u ám.
Kéo xuống để xem tiếp
"We only have a few hours to live up to this hero sh*t" (Chúng ta chỉ có vài giờ đồng hồ để sống theo cái chủ nghĩa anh hùng này) - đó là lời chào tạm biệt của cô nàng thám tử nghiện rượu, bất cần đời, ngoài lạnh trong nóng và luôn mồm kêu mình không phải là siêu anh hùng mang tên Jessica Jones dành cho những fan đã luôn ủng hộ, theo dõi và đồng hành trong suốt cuộc hành trình đầy gian truân của cô.
Melissa Rosenberg (biên kịch/đạo diễn) và Krysten Ritter (đạo diễn kiêm nữ chính trong phim) mang đến một cái kết trọn vẹn cho tất cả mọi người, dẫn dắt người xem đến rất nhiều những cung bậc cảm xúc - giống như ta được thưởng thức một thanh chocolate vậy, vừa đắng lại vừa ngọt.
13 tiếng đồng hồ của Jessica Jones mùa cuối cùng - do Marvel và Netflix hợp tác & sản xuất đào sâu vào chủ nghĩa anh hùng một cách chân thực nhất và đưa người xem đến với vũng lầy đạo đức đầy u ám. Đây cũng là lần đầu tiên, Jessica phải đối mặt với kẻ thù mà cô không thể sử dụng siêu năng lực để giải quyết. Đối với những ai đã thưởng thức cả 3 phần của Jessica Jones, chắc hẳn sẽ không thể nào quên được câu nói đầy chua xót, day dứt ở tập cuối cùng:
"Phải làm thế nào mới là đúng? Câu trả lời là quá nhiều, sẽ mất đi quá nhiều!"
Nhắc đến những câu chuyện siêu anh hùng, chúng ta thường có một niềm tin mãnh liệt rằng một nhân vật anh hùng chỉ hay khi có những nhân vật phản diện xuất sắc và trong rất nhiều phim của Marvel và Netflix, những kẻ tồi tệ có thể tạo nên sự đột phá hoặc phá huỷ cả một series phim truyền hình. Một trong những nét khác biệt của Jessica Jones nằm ở những mối quan hệ vô cùng thú vị, độc đáo của cô với các nhân vật phản diện: tình yêu bệnh hoạn, ám ảnh của quý ngài yêu màu tím mộng mơ Kilgrave (David Tennant) dành cho Jessica trở thành điểm sáng của toàn bộ mạch phim.
Nhưng rồi cốt truyện lại chuyển sang hướng đầy bất ngờ và bi kịch ở mùa 2, khi Jessica phát hiện ra mẹ cô vẫn còn sống và còn là kẻ giết người hàng loạt. Mùa 3 lại kể về cuộc đấu trí căng thẳng, nghẹt thở đến từng phút giữa một thám tử tư có sức mạnh phi thường và tên sát nhân hàng loạt luôn núp trong bóng tối. Bộ phim cũng quay về với câu hỏi muôn thưở mà ta bắt gặp trong Daredevil, The Punisher: Giết một kẻ xấu có biến ta thành anh hùng hay kẻ phản diện? Đồng thời xoáy sâu vào mặc cảm tội lỗi - nó giống như sét đánh vậy, ăn mòn từng khía cạnh của đời sống.
Mùa này giới thiệu đến khán giả tên sát nhân hàng loạt kiêu ngạo Gregory Salinger / Foolkiller (Jeremy Bobb), một nhân vật phản diện chuyên giết những người mà hắn nghĩ là "không xứng đáng" với những đặc quyền họ đang có, đặc biệt là những siêu anh hùng. Hắn gọi những người như Jessica là cheater (những kẻ gian lận) bởi bản thân hắn không có sức mạnh nên luôn phải nỗ lực gấp 10, 20 lần so với họ. Sự thông minh, kiêu ngạo rồi cái cách luồn lách luật pháp của Sallinger mang đến bầu không khí hồi hộp, li kỳ và không kém phần rùng rợn cho bộ phim, như thể bạn đang xem một bộ phim trinh thám hiện đại chứ không chỉ là về siêu anh hùng.
Tuy chưa vượt qua được cái bóng của Killgrave (tất nhiên! Cho đến giờ người tay vẫn phải vỗ tay khen ngợi màn trình diễn quá xuất sắc của David Tennent trong mùa 1), nhưng gã này chắc chắn phải được xếp vào hạng "quái thai ngâm dấm". Nếu Killgrave thích thì giết chẳng vì lý do gì thì Sallinger lại cho rằng mình là "điều công bằng cần thiết" trong thế giới bất công này: thế giới mà siêu anh hùng được làm mọi điều họ muốn trong khi hắn phải chật vật để sinh tồn, để tìm được chỗ đứng trong xã hội.
Sau hai mùa toàn siêu năng lực với những kẻ đột biến, có một cái gì đó khá mới mẻ khi chứng kiến nhân vật nữ chính của chúng ta tham gia vào các cuộc điều tra với vai trò thám tử tư. Phải! Jessica vẫn uống rượu như nước lã và quan hệ vô tội vạ để quên đi tất cả những nỗi đau tổn thương cô phải chịu đựng nhưng lần này cô đã học cách duy trì những ranh giới lành mạnh hơn, và thực hiện đúng vai trò của một PI: giúp đỡ người khác bằng cách điều tra, giám sát và thu thập thông tin. Jessica vẫn rất ghét bị gọi là siêu anh hùng nhưng điều đó khiến cô trở nên lý trí hơn so với người như Danny Rand (trong Iron Fist) luôn tự tuyên bố sự công bình, ngay thẳng của họ.
Phân cảnh đáng giá nhất của cả bộ phim chính là những góc quay cận cảnh khi Jessica bị trói và buộc phải đối diện với sự thật. Ánh mắt của Krysten Ritter hoàn toàn lột tả được sự đau đớn, tuyệt vọng khi nhân vật Sallinger nói:
"Gia đình cô đã chết uổng! Cô tin rằng họ đã hy sinh đã đổi lấy siêu năng lực cô đang có. Họ chết để cô có thể cứu thế giới, lần lượt từng người một! Và giờ cô vờ như mình chưa từng muốn có nó? Cô sợ là mình đã phụ lòng họ. Và đúng là những thế đấy!”
Suy cho cùng, Jessica là nạn nhân của sự lạm dụng, tra tấn cùng cực cả về thể xác lẫn tinh thần. Và những chấn thương đó để lại sẹo, ngay cả khi nó không hiện hữu. Nó buộc cô nhìn ra những mảng xám bao phủ khắp cái gọi là giá trị đạo đức trong mỗi người. Có lẽ trên đời này chẳng có ai là tốt hay xấu ngay từ đầu cả, chỉ là một nhóm người đang cố gắng sống sót bằng mọi giá.
Dù bạn ghét cô ấy đến mấy thì đảm bảo xem xong cũng vẫn phải thốt lên: Điểm sáng lớn nhất của mùa 3 chính là Trish Walker / Hellcat (Racher Taylor) - một người bị ám ảnh chủ nghĩa anh hùng đến mức lạc lối. Chính những sai lầm liên tiếp của cô nàng tạo nên một điểm nhìn nhân vật (POV) vô cùng hấp dẫn, đáng ngạc nhiên, cùng màn trình diễn đầy bi thương, chạm đến trái tim khán giả của Rachel Taylor.
Hai tập xuất sắc nhất của mùa 3 (tập 2 và 11do đích thân Krysten Ritter làm đạo diễn) đều được kể dưới góc nhìn của Trish khi cô mới khám phá ra sức mạnh của bản thân. Chứng kiến những bất công trong xã hội đang diễn ra hàng ngày, Trish tự cho mình cái quyền làm thẩm phán, bồi thẩm đoàn kiêm luôn người hành quyết. Ta chứng kiến kiểu tư tưởng cực đoan này trong Daredevil mùa 2 khi Frank Castle thảm sát đẫm máu toàn bộ lũ tội phạm của Hell Kitchen. Nhưng lần này, Trish thực sự đi quá giới hạn đến mức không nhận ra đâu mới là ranh giới giữa tốt hay xấu.
"Tiếp theo là ai? Nếu là người có thể cứu vãn được thì sao? Là ai đó hoàn toàn vô tội thì sao? Cậu không biết được và cũng không dừng lại được!"
Trish Walker của phần 1 đã chết! Cô ấy đã chết khi bắn mẹ của chính bạn thân mình. Giết một ai đó - dù xấu hay tốt đồng nghĩa với tự giết chết một phần linh hồn của bản thân. Thay vì đi điều trị tâm lý, đối diện với những mặc cảm tội lỗi đang bủa vây, Trish tự huyễn hoặc bản thân đó là điều cần thiết. Cái gọi là chủ nghĩa anh hùng hoàn toàn che mờ đi lý trí, sự tỉnh táo trong cô. Trish Walker - từ một người khao khát trở thành siêu anh hùng bỗng chốc rơi xuống dưới đáy của vực thẳm tội lỗi, không khác với những kẻ cô ra tay trừng phạt.
Ánh mắt cũng như nụ cười của Trish dành cho Jessica trước khi bị đày đến The Raft (Nhà tù dành riêng cho những người có năng lực - nhóm Caption America từng bị nhốt ở đó trong Civil War) đọng lại một cảm giác đầy bi thương, chua xót. Ai cũng có một cái kết xứng đáng cho riêng mình. Chỉ riêng Jessica lại trở về với nỗi cô độc và tổn thương. Hoá ra "giving too much sh*t" (quan tâm đến mọi thứ xung quanh) hay muốn làm những điều đúng đắn lại phải trả một cái giá đắt đến vậy!
[REVIEW] The Umbrella Academy (Netflix) – Nhộn, vui, hấp dẫn và rắc rối
The Umbrella Academy đang là TV series siêu anh hùng gây sốt của Netflix.