[REVIEW] Bước Chân An Lạc – Thinh lặng và trong trẻo đến bình yên
Đánh giá phim · Moveek ·
“Quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa đến, ta chỉ thực sự sống trong giây phút hiện tại”.
“Quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa đến, ta chỉ thực sự sống trong giây phút hiện tại”.
Chánh niệm giúp người ta tìm thấy bình yên, qua “bước chân an lạc”, ta phần nào hiểu thêm về sự bình yên ấy. Tác phẩm đơn giản chỉ là những thước phim tài liệu chân thực, quay lại cuộc sống, sinh hoạt của các xuất sĩ tại tu viện Làng Mai, những chuyến hoằng pháp ở khắp nơi trên thế giới, dưới sự dẫn dắt của thiền sư Thích Nhất Hạnh, do Max Pugh và Marc J.Francis thực hiện trong suốt 3 năm ròng rã, khi 2 đạo diễn cùng sống và học đạo tu viện. Có lẽ đó là điều tạo nên sự khác lạ và thú vị cho bộ phim, khi khán giả hoàn toàn không cần phải để tâm vào kịch bản, diễn xuất, dàn dựng hay kỹ xảo. Mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên và dường như không theo bất cứ một trật tự hay logic nào. Khán giả không cần phải cố hiểu nội dung phim, bởi phim hoàn toàn không có một nội dung cụ thể. Ta chỉ có thể xem và cảm nhận, với những giây phút lắng đọng, suy tư cùng giọng đọc trầm ấm, nhẹ nhàng của “nam tài tử” Dr. Strange - Benedict Cumberbatch.
Phim mở đầu bằng hình ảnh vị Thiền sư đáng kính dẫn đầu đoàn xuất sĩ và những người học đạo bước đi từng bước, chậm rãi, nhẹ tênh giữa khu rừng xanh mát. Rồi tiếp đó mở ra cuộc sống đời thường của những xuất sĩ sống tại tu viện Làng Mai, từ cảnh ăn cơm, sinh hoạt, nghỉ ngơi… đến quá trình tu thiền, niệm kinh, xuống tóc… Các tu sĩ của Làng Mai đến từ những quốc gia khác nhau, mang những màu da khác nhau, có thể nói những ngôn ngữ khác nhau, nhưng khi khoác lên mình chiếc áo nâu sồng, họ đều trở thành Phật tử. Họ niệm bài kinh Phật, thiền định mỗi ngày và thực tập chánh niệm. Họ bước đi chậm rãi, ăn uống từ tốn, tấu những khúc nhạc nhẹ nhàng và sinh hoạt theo tiếng chuông tỉnh thức. Cuộc sống như chậm đi một nhịp, trái tim như tĩnh lại để cảm nhận tròn vẹn giây phút hiện tại khi ta bước chân vào tu viện Làng Mai.
Đạo và chánh niệm là dành cho tất cả nhân sinh. Thật thú vị khi được thấy một nơi mà Đông – Tây hòa hợp, tu sĩ tấu lên những bài nhạc thiền Phật giáo phương Đông bằng tiếng đàn violon với dàn nhạc giao hưởng đậm chất phương Tây, tại một đất nước Châu Âu Thiên chúa giáo có những người dân hướng tâm theo Phật pháp Á Đông. Có thể người ta không hiểu hết những bài nhạc hòa tấu Phật pháp nói gì, nhưng đâu đó ta vẫn bắt gặp, khi tiếng nhạc vang lên và chạm đến con tim, nước mắt vẫn lăn dài trong những đôi mắt mang màu xanh của bầu trời.
Làng Mai đón chào những chuyến xe và dòng người ghé đến tìm học đạo. Đó là những con người khát khao tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, thực tập chánh niệm và thiền định để thân khỏe tâm vui hay chỉ đơn giản đi tìm một chút an yên để chữa lành cho tâm hồn tan vỡ. Có những người mang theo cả gia đình, con nhỏ để rồi ta ngẫu nhiên bắt gặp những ánh mắt trong sáng ngây thơ, thích thú lắng những lời chia sẻ ngô nghê mà chân thật trong những lớp học đạo, thực tập thiền của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
“Con chó yêu quý của cháu vừa mất. Cháu nghĩ mãi mà không biết làm sao để không buồn nữa”.
Nghe thì có vẻ giản đơn nhưng phải chăng nhân sinh cũng thế. Được và mất là căn nguyên của mọi khổ đau. Ta làm mọi cách để có “được” một thứ và rồi tiếc nuối và đau thương khi điều đó “mất” đi. Thiền sư kể câu chuyện về một đám mây, mất đi, hóa thành cơn mưa, đọng thành giọt nước trong tách trà như một ẩn dụ về sự chuyển hóa của mọi vật tồn tại quanh ta để trả lời cho câu hỏi của một cô bé. Triết lý có thể hơi khó hiểu với một đứa trẻ, cũng chẳng ai biết cô bé hiểu được bao nhiêu, người ta chỉ nhìn thấy một nụ cười trong trẻo khiến tâm hồn thư thái, như rất nhiều nụ cười khác mà bạn sẽ bắt gặp xuyên suốt bộ phim. Như lời vị sư cô đã nói “Tĩnh lặng là âm thanh mạnh mẽ nhất. Một nụ cười có thể là âm thanh đẹp nhất”. Bước Chân An Lạc tưởng chừng giản đơn như một phóng sự đời thường, nhưng lại ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc hơn cả. Triết lý đến từ những lời dẫn trích trong tác phẩm Nẻo Về Của Ý của thiền sư Thích Nhất Hạnh, từ những buổi giao lưu hay lời chuyện trò của các vị tu sĩ. Dù chưa đủ sức hiểu hết từng lời, nhưng mỗi khi giọng dẫn của Benedict vang lên, khóe mắt tôi lại cay cay, như có gì đó chực trào ra.
“Hãy bước đi như thể bạn đang hôn trái đất bằng bàn chân của mình”. Cảm nhận sự sống trong từng hơi thở, cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống trong mỗi bước chân, trân trọng những phút giây hiện tại có lẽ là thông điệp mà đoàn làm phim muốn gửi đến cho khán giả. Bộ phim tài liệu mang đến những thước phim đơn giản mà sinh động lưu giữ từng khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của thiên nhiên, của những nụ cười, của sự tĩnh lặng. Bước Chân An Lạc hoàn toàn không phù hợp cho những người đến rạp phim để tìm kiếm sự giải trí đơn thuần, nhưng 90 phút bộ phim có thể là liều thuốc chữa lành hiệu quả cho những tâm hồn đang day dứt khổ đau hay sự tỉnh thức cho những ai đang mệt mỏi kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời.
Thành viên: Châu Nguyễn