[REVIEW] Death Note 2017 – Sự thay đổi thú vị của Netflix

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Moveek ·

Death Note của Netflix là một dấu chấm hỏi của việc liệu bộ phim có thể thoát được những định kiến về việc những bộ manga được Mỹ hóa sẽ thất bại?

Nếu là fan của những bộ manga hay anime, chắc chắn bạn đã từng ít nhất nghe qua cái tên Death Note, bộ manga đình đám một thời với một cốt truyện điên rồ về ranh giới giữa công lý và tội phạm, xen lẫn những tình tiết trinh thám cân não giữa Light Yagami và L. Bộ manga đã nhiều lần được Nhật Bản chuyển thể. Death Note của Netflix là một dấu chấm hỏi của việc liệu bộ phim có thể thoát được những định kiến về việc những bộ manga được Mỹ hóa sẽ thất bại? Thật ra thì... Đối với cá nhân tôi, bộ phim này khá tốt, đúng như tôi mong đợi về việc bộ phim sẽ không tái hiện lại những tình tiết quen thuộc đã từng thấy ở những bộ phim trước. Đây là một câu chuyện mới và điều tôi cần là bộ phim có những điều sáng tạo riêng chứ không lặp lại theo những thứ đã có sẵn vốn đã quá ư là nhàm chán.

Về phần nội dung phim thì cũng không có gì mới mẻ vì đây là lần thứ n chúng ta chứng kiến việc nhân vật chính nhặt được một quyển sổ và quyết tạo ra một thế giới mới sau khi khám phá ra những quyền năng mà nó có thể mang lại. Điều tôi ấn tượng là mạch phim diễn ra khá nhanh so với tưởng tượng của tôi, chỉ với 10 phút đầu chúng ta có thể vào trọng tâm ngay và luôn mà không cần phải qua những bước câu giờ nhàm chán. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy đôi chỗ khá gượng, nhưng những tình tiết về sau thì khá ổn, tạo những cảm giác hứng thú và tò mò cho tới những phút cuối cùng của phim.

Điểm trừ của Death Note phiên bản mới nhất này là dẫn dắt khá nhanh, không có nhiều cao trào, đồng thời vẫn chưa giải quyết những nút thắt ở bên trong bộ phim, đặc biệt là về khái niệm công lý trong việc xây dựng thế giới. Phim chỉ tập trung vào những mâu thuẫn giữa các nhân vật, dẫn đến kết phim vẫn chưa đã còn nhiều bỡ ngỡ. Điều thứ hai mà tôi thích ở bộ phim này chính là tông màu đen tối và không khí kinh dị mà bộ phim này mang lại, kèm theo đó là những cái chết được tạo ra làm gợi nhớ đến Final Destination, cực kì 18+. Thứ ba, vì cá nhân tôi đã xem nhiềy phim Mỹ, nên cách khai thác của Death Note Netflix theo lối mòn quen thuộc, tạo cảm giác nhàm chán nơi tôi.

Hình ảnh đẹp và góc quay ấn tượng, phần âm nhạc lại là một điểm sáng khi nó mang đúng chất Mỹ hóa, lồng ghép vào đó chính là những bài nhạc của thuở thập niên 80 90 rất hay. Kỹ xảo của bộ phim tốt, tạo hình Ryuk khá ấn tượng, như là từ truyện bước ra. Chỉ có điều tôi không hài lòng lắm là vẫn không thấy rõ lắm mặt mũi của Ryuk khi mỗi lần xuất hiện mà Ryuk chỉ có thể đứng ở những góc tối. Ryuk dù rằng khá đáng sợ và xảo quyệt nhưng tần suất xuất hiện của gã ta chỉ có hạn và điều đó gây hụt hẵng đôi chút.

Dàn diễn viên tuy rằng gây tranh cãi không ít nhưng không thể phũ nhận rằng họ thật sự đã làm tốt công việc của mình. Có thể nhiều người sẽ không đồng tình khi thấy các nhân vật quen thuộc bị thay đổi khá nhiều, nhưng điều đó không hẳn đã là điểm trừ cho bộ phim. Trong bản gốc, hai nhân vật chính đều thật sự vượt xa giới hạn hơn một con người bình, thì trong bản phim này hai người họ gần gũi hơn, câu chuyện riêng của họ cũng được khai thác sâu hơn. Và đạo diễn vẫn giữ lại cho L những tư thế và thói quen ăn uống đặc biệt. Ryuk vẫn giữ cho mình sự trung lập giữa 2 ranh giới và niềm mê mẩn táo của gã.

Có lẽ Death Note chưa phải là một phim thoát khỏi định kiến như đã nêu trên, hoặc có thể là thảm họa đối với những ai đang thù ghét bộ phim này, nhưng với những khán giả không ưa thích đổi mới thì bộ phim này không hẵn đã tệ. Các bạn hãy thử xem nhé.

Thành viên: Ji-U Le