[REVIEW] Đôi Mắt Âm Dương

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · KNTT ·

Đôi Mắt Âm Dương chưa thể dung hòa một cách tự nhiên giữa yếu tố kinh dị và hài hước.

Đôi Mắt Âm Dương được chấp bút bởi biên kịch kiêm đạo diễn Nhất Trung, người đứng đằng sau Cua Lại Vợ Bầu, bộ phim đã làm mưa làm gió tại phòng vé Việt Nam vào mùa Tết năm ngoái. Bộ phim kể về câu chuyện của Trang, một người phụ nữ đã có chồng và một cô con gái, bỗng gặp một tai nạn bất ngờ, dẫn đến việc cô bị mất trí nhớ và bắt đầu nhìn thấy một bóng ma nữ. Trong quá trình phục hồi lại những ký ức đã bị đánh mất, Trang dần phát hiện ra những bí mật có liên quan đến bóng ma, cũng như có liên quan đến gia đình của cô.

Như bộ phim Hoán Đổi trước đây của Nhất Trung, Đôi Mắt Âm Dương vẫn mắc rất nhiều lỗi trong việc xây dựng một câu chuyện hoàn chỉnh, có tính nhất quán. Bộ phim mở đầu ở thời điểm hiện tại với phong cách kinh dị và nó thành công trong việc tạo dựng một bầu không khí bí ẩn và đáng sợ, thế nhưng sau đó Nhất Trung lại lái bộ phim sang thể loại hài hước, cứ như thể khán giả đang xem hai bộ phim khác nhau. Không thể phủ nhận rằng các tình tiết thành công trong việc gây cười cho khán giả, tuy nhiên việc đưa vào các miếng hài quen thuộc của các bộ phim Việt Nam làm cho phần mở đầu hoàn toàn mất đi giá trị của nó, mặc cho phần thiết kế âm thanh khá ghê rợn và đã làm cho một khán giả nữ hét to khắp cả rạp.

Yếu tố hài hước và kinh dị chưa được dung hòa một cách tự nhiên (Ảnh: Sao Star)
Yếu tố hài hước và kinh dị chưa được dung hòa một cách tự nhiên (Ảnh: Sao Star)

Đôi Mắt Âm Dương sở hữu một kịch bản tạm chấp nhận được, mặc cho có nhiều tình tiết không hợp lí và cách xây dựng nhân vật còn nhiều điểm hạn chế. Nhân vật chính Trang do Chị Mười Ba Thu Trang thủ vai là một người bị mất trí nhớ, thế nhưng việc đưa vào những yếu tố hài hước ở phần đầu của bộ phim khiến người xem đặt dấu hỏi về sự mất trí nhớ đó. Người chồng Trường do Quốc Trường thủ vai cũng khiến người xem thắc mắc về sự thay đổi trong tính cách nhân vật, khi anh từ một chàng trai ngại ngùng bỗng trở thành một người đàn ông lạnh lùng với những bí mật được giấu kín. Ngoài ra, bộ phim sở hữu một nhân vật tuy đóng vai trò khá quan trọng nhưng hầu như chẳng được xây dựng và phát triển xuyên suốt bộ phim. Ngược lại, có những nhân vật tưởng chừng như là manh mối giúp khán giả giải quyết được những nút thắt trong bộ phim nhưng lại chỉ xuất hiện có vài phút rồi biến mất.

Đạo diễn Nhất Trung cũng rất thích sử dụng các tình tiết flashback, hay còn gọi là hồi tưởng về quá khứ. Các cảnh hồi tưởng tuy có tạo ra sự tò mò cho người xem, thế nhưng Nhất Trung lại quá lạm dụng kĩ thuật này, thậm chí có một cảnh hồi tưởng được xây dựng khá hời hợt và diễn ra quá nhanh khiến người xem không biết được chuyện gì đang xảy ra. Dù vậy, ở phân đoạn cao trào của bộ phim, cảnh hồi tưởng được xây dựng khá kịch tính và gây cấn, kết hợp với phần nhạc nền dồn dập đã thực sự gây ấn tượng với khán giả.

Có khá nhiều cảnh hồi tưởng trong bộ phim (Ảnh: Kênh 14)
Có khá nhiều cảnh hồi tưởng trong bộ phim (Ảnh: Kênh 14)

Một trong những vấn đề khác của bộ phim chính là lời thoại. Các nhân vật thường nói không dứt câu, cách diễn đạt cũng khiến người xem cảm thấy không tự nhiên, một phần có lẽ do kịch bản cũng như cách thể hiện của các diễn viên. Về diễn xuất, Thu Trang đã làm khá tốt trong việc dung hòa giữa yếu tố hài hước và kịch tính, thế nhưng có một vài phân đoạn mà cô có thể cải thiện khả năng biểu đạt cảm xúc của mình hơn. Thế nhưng phải nói rằng Thu Trang có một khuôn mặt khá phù hợp với thể loại kinh dị do người viết khá ấn tượng với cảnh cô nhìn vào gương và hình ảnh phản chiếu của cô nở một nụ cười ghê rợn, khá giống với nụ cười của người hầu gái trong Get Out, một bộ phim kinh dị pha lẫn hài hước khác của đạo diễn Jordan Peele.

Thu Trang có nụ cười khá phù hợp với thể loại kinh dị
Thu Trang có nụ cười khá phù hợp với thể loại kinh dị

Quốc Trương và Bảo Thanh cũng có diễn xuất tạm ổn, với Bảo Thanh phần nào đó lấn lướt hơn khi nhân vật của cô có phần hấp dẫn hơn, thế nhưng như đã nói ở phần kịch bản, nhân vật Lisa chưa được xây dựng đủ chiều sâu để khiến người xem đồng cảm với cô. Quốc Trương thì làm người viết không thể nhịn được cười mỗi khi nhân vật của anh hét toáng lên khi nhìn thấy ma. Những diễn viên còn lại như NSND Ngọc Giàu hay Trung Dân thì lại có quá ít đất diễn để gây ấn tượng với người xem, ngoại trừ một phân cảnh khá hài hước với sự góp mặt của NSƯT Hữu Châu.

Bảo Thanh thể hiện tốt trong vai người tình thứ ba (Ảnh: VOV)
Bảo Thanh thể hiện tốt trong vai người tình thứ ba (Ảnh: VOV)

Một chi tiết khác khiến người viết đặt dấu hỏi về sự nghiêm túc của người đảm nhiệm phần phụ đề Tiếng Anh của bộ phim khi đang ở tình huống gây cấn thì lại dịch người thứ ba thành Tuesday. Nhiều người nghĩ rằng chi tiết này thành công trong việc gây cười và sự thật đúng là như vậy, thế nhưng chính những tiểu tiết như vậy đã làm hỏng trải nghiệm của khán giả khi họ đang thật sự tập trung vào bộ phim. Người viết biết rằng sự hài hước là một đặc sản, một món ăn tinh thần không thể thiếu của các bộ phim Việt Nam, đặc biệt là các bộ phim được chiếu vào các dịp lễ Tết, thế nhưng làm thế nào để lồng ghép yếu tố hài hước một cách tự nhiên và không làm hỏng mạch cảm xúc của bộ phim lại không hề dễ dàng một chút nào.