[REVIEW] Emoji: Đội Quân Cảm Xúc – Cái vỏ tràn đầy màu sắc nhưng rất thiếu chiều sâu
Những icon đầy màu sắc đã trở thành một đề tài mới cho các nhà sản xuất của Blue Sky Studio thỏa sức sáng tạo.
Các biểu tượng cảm xúc Emoji thực sự là một công cụ tuyệt vời để các cuộc trò chuyện thời công nghệ số trở nên sinh động hơn. Hàng ngàn biểu tượng cực kì dễ thương được phát triển qua năm tháng sẽ khiến những mẩu tin nhắn của bạn không bao giờ trở nên nhàm chán (nhớ là sử dụng đúng lúc đấy nhé). Có thể nói, sự ra đời của Emoji thực sự là một bước tiến lớn mà cuộc cách mạng công nghệ thông tin mang đến cho việc giao tiếp của con người với nhau. Và những icon đầy màu sắc này đã trở thành một đề tài mới cho các nhà sản xuất của Blue Sky Studio thỏa sức sáng tạo.
Emoji sẽ đem chúng ta đến thế giới riêng của các biểu tượng này, thành phố Textopolis bên trong chiếc smartphone của một cậu bé trung học tên là Alex. Các Emoji (tạm gọi là Emojis) sống cùng nhau trong thành phố này và tất cả tuân thủ theo một nguyên tắc bất di bất dịch của họ: mỗi Emoji chỉ được thể hiện cảm xúc phù hợp với bản chất của mình, chẳng hạn như Mr.Poop (Patrick Stewart) chỉ có thể nói những câu bông đùa về nhà vệ sinh, hay Smiler (Maya Rudolph) luôn luôn mỉm cười toe toét dù có làm gì đi chăng nữa. Mục tiêu cả đời của họ chỉ là được xuất hiện trên màn hình điện thoại của Alex, khi được cậu bé chọn để gửi kèm những mẩu tin trong cuộc sống trung học hằng ngày. Trong khoảng 20 phút đầu, Emoji đã thành công khi giới thiệu nhanh, gọn và rất bắt mắt về thế giới kỹ thuật số mới mẻ này cũng như có những sự liên tưởng khá thú vị như Đại lộ danh vọng hay khu vực đặc biệt dành cho các Emojis được yêu thích. Tuy nhiên, khi các tình tiết bắt đầu đi xa hơn, bộ phim thật sự sẽ đem lại nỗi thất vọng về một câu chuyện vô nghĩa, sáo rỗng dù ý tưởng ban đầu rất hứa hẹn.
Câu chuyện dẫn dắt chúng ta theo chân Gene (T.J. Miller), một Emoji Thờ ơ. Nhưng trái ngược với quy tắc “phải luôn thờ ơ trước mọi việc” một cách chuyên nghiệp như cha mẹ mình, Gene không kiềm nổi sự phấn khích khi là một phần của Textopolis và có khả năng đặc biệt là có thể thay đổi cảm xúc mà mình biểu hiện. Trong một xã hội quy tắc tuyệt đối thì Gene rõ ràng là một mầm mống “phản loạn”, trong lần đầu tiên được Alex chọn, Gene đã vô tình gây ra tai họa cho thế giới này khi biểu hiện sai khuôn mặt, và bị các Emoji khác xem như một lỗi hệ thống và cần bị loại bỏ. Cùng với anh bạn Hi-5, một Emoji bị thất sủng, cả hai sẽ đồng hành trên chặn đường tìm đến cô nàng hacker Jailbreak (Anna Faris) để sửa mã nguồn của mình, trở lại thành một Thờ ơ chính hiệu.
Emoji thật sự sẽ mang đến cho chúng ta cảm giác như đây là một nồi lẩu thập cẩm, tập hợp những điểm nổi bật của các tác phẩm hoạt hình rất thành công trong những năm vừa qua: Lối thể hiện cảm xúc trên những khuôn mặt của The LEGO Movie, thế giới ảo tương tự như Wreck-it-Ralph của Disney hay cố gắng truyền đạt các xúc cảm sâu sắc như siêu phẩm Inside Out của Pixar. Nhưng khi tập hợp tất cả lại, chúng ta sẽ có một cái vỏ tràn đầy màu sắc nhưng rất thiếu chiều sâu, không đem lại cho người xem một chút ấn tượng nào. Mặc dù cố gắng theo đuổi những điểm nổi bật của các tác phẩm kể trên, nhưng hướng giải quyết của Emoji khá đơn giản, hời hợt và không cho người xem sự đồng cảm vì cảm xúc bộ phim mang lại khá gượng ép và chóng vánh, rõ ràng việc lượm lặt quá nhiều các tình tiết nổi bật của các tác phẩm đi trước nhưng không đem lại được sự mới mẻ thì không thể nào vượt qua những tượng đài đó. Bày ra một bàn tiệc thịnh soạn là tốt nhưng về cơ bản nếu thức ăn không ngon thì rõ ràng vẫn là một bữa ăn thất bại.
Những nhà sản xuất cũng đưa ra được những quan điểm mới trong tác phẩm của mình như sự khác biệt trong cái tôi cá nhân của Gene, quan điểm nữ quyền mạnh mẽ của Jailbreak hay cảnh báo về việc con người phụ thuộc vào những biểu tượng cảm xúc để nói hộ lòng mình thay vì trực tiếp đối mặt nó. Nhưng sau tất cả, các quan điểm ấy được nêu lên nhưng lại không đem lại một hướng giải quyết nào đủ chất lượng, khiến khán giả phải để tâm.
Cũng không thể nói rằng Emoji hoàn toàn là một bộ phim tệ, vì trước hết điểm mạnh là thế giới ảo đầy màu sắc, gần gũi như chiếc smartphone gắn bó hằng ngày với chúng ta cũng đủ để thỏa mãn phần nào các đối tượng “thiếu nhi nhi đồng”. Đội ngũ lồng tiếng của bộ phim cũng khá có chiều sâu và lối thoại rất cuốn hút. Trong dàn nhân vật, điểm sáng nhất là emoji Hi-5 (James Corden) khi đóng vai trò là cây hài cho cả bộ phim trong chặng đường đồng hành cùng với Gene và Jailbreak. Sự hài hước, phóng khoáng của nhân vật này phần nào đã giúp khán giả bớt đi sự “thờ ơ” đối với nội dung chính của bộ phim. Năng lượng mà Hi-5 đem lại là rất tuyệt vời.
Sau tất cả, The Emoji Movie rõ ràng không phải là một tác phẩm đáng xem trong mùa hè này vì thông điệp của bộ phim là quá đơn điệu, thiếu điểm nhấn. Về độ hài hước, nhiều trò đùa khá nhạt khiến người xem không cười nổi, thậm chí đoạn phim ngắn của Hotel Transylvania được trình chiếu ở đầu bộ phim sẽ khiến khán giả còn thấy phấn khích hơn (nghe thấy giọng Adam Sandler là thấy hài rồi). Chất lượng dưới mức trung bình của tác phẩm có lẽ chỉ thu hút được các khán giả nhỏ tuổi thúc ép cha mẹ đưa mình đến rạp. Còn nếu bạn thật sự là fan của các bộ phim hoạt hình giàu cảm xúc và tinh tế trong các bộc lộ quan điểm riêng của nhà sản xuất, thì rõ ràng bộ phim còn cách rất rất xa những Inside Out hay Wall E hay về mặt giải trí thì không thể nào sánh nổi Despicable Me hay Boss Baby.