[REVIEW] Flatliners - Thông điệp ý nghĩa, kết phim thuyết phục
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Hanhfm ·
Cái chết đâu phải trò đùa!
Trừ những người không thiết sống nữa, thì trong cuộc đời này ai mà chẳng sợ chết. À không hẳn, khi con người đối diện với cái chết, trong giây phút đấu tranh giữa sinh và tử, thì tự khắc sẽ sợ. Con người ta vẫn nghĩ cái chết thật đáng sợ, nhưng xem bộ phim Flatliners bạn sẽ thấy có thứ còn đáng sợ hơn cái chết và khủng khiếp hơn cả ma quỷ, đó chính là... Trải Nghiệm Điểm Chết.
Chạm đúng vào dây thần kinh tò mò của con người là luôn muốn biết cái chết là gì, nó sẽ như thế nào, điều gì chờ đợi chúng ta ở thế giới bên kia, Flatliners khai thác một đề tài vô cùng hấp dẫn bằng cuộc du hành đến cõi chết khi một nhóm sinh viên tự biến mình thành vật thí nghiệm để nghiên cứu quá trình hoạt động của bộ não khi chết sẽ như thế nào. Họ dùng một thiết bị y học làm tim ngừng đập trong vòng 60 giây, với một phút ngắn ngủi nhưng trải nghiệm mới lạ đến cõi chết kích thích các thành viên trong nhóm bất chấp tất cả để tham gia trò chơi liều mạng này.
Chỉ đọc đến đây thôi đã thấy vô cùng hấp dẫn rồi. Đến khi xem phim còn thấy hấp dẫn hơn. Vậy nên không cần giới thiệu gì thêm nữa về nội dung phim để khán giả hãy thử Trải Nghiệm Điểm Chết một lần xem sao.
Năm 2017 không ít phim bom tấn đình đám nhưng với tôi điểm nổi bật và đáng chú ý nhất ở những bộ phim Hollywood trong năm nay chính là dòng phim kinh dị hướng tới đối tượng trẻ. Từ Wish Upon, Happy Death Birthday và giờ là Flatliners đều đã hoàn thành tốt vai trò của mình. Không đơn thuần để giải trí, những bộ phim này đều tạo sự hấp dẫn về yếu tố kinh dị nhưng vẫn mang thông điệp, bài học cuộc sống dành cho khán giả trẻ.
Có một sự thật vẫn diễn ra trong xã hội ngày nay, đôi khi con người ta không sợ chết vì cuộc đời này quá chán. Và cũng chẳng hiếm những kẻ đùa giỡn với tử thần bằng ma tuý, đua xe tốc độc cao... Cái chết từ lâu đã là một cuộc chơi dù là người thắng hay kẻ thua thì chúng ta đều có một cái kết cục giống nhau cả thôi. Nhưng đừng đùa giỡn với cái chết! Có ngày cái chết sẽ "chơi" lại bạn. Và cũng đừng mơ tưởng cái chết có thể giải thoát hay cứu rỗi cho những linh hồn tội lỗi, mà cái chết chính là kẻ phán xét cho cuộc đời.
Flatliners đã rất khéo léo khi cảnh tỉnh những người trẻ, những người luôn coi thường cuộc sống và thích đùa giỡn với cái chết. Những nhân vật trong phim họ muốn Trải Nghiệm Điểm Chết vì cái chết mang đến cho họ thứ mà họ nghĩ là họ cần. Tuy nhiên trở về từ cõi chết con người ta chẳng gặp con quỷ nào, mà đó là lúc họ gặp bóng ma của chính mình. Hãy học cách tha thứ cho chính mình để tiếp tục sống vì trong đời ai cũng có những phút lầm lỡ, hãy can đảm đối mặt với sai lầm từ quá khứ, hãy thành tâm xám hối thì cuộc đời sẽ bình yên, nếu không quỷ dữ sẽ luôn đeo bán chúng ta. Và tử thần cũng không đáng sợ bằng chính là quá khứ tội lỗi sẽ quay lại trả thù chính con người.
Nếu đọc đoạn trên mà bạn thấy có vẻ nặng nề triết lý quá thì chỉ bởi vì khi xem phim tôi lại cứ hay thích nhìn vào khía cạnh con người - xã hội. Còn những vấn đề thuộc về kỹ xảo, ngôn ngữ điện ảnh thì xin nhường phần cho bạn khác múa phím.
Với Flatliners, điểm hấp dẫn của bộ phim không chỉ là nội dung mà dàn diễn viên rất ấn tượng. Không chỉ xinh đẹp, quyến rũ, điển trai, tất cả đều thể hiện khả năng diễn xuất tốt. Thêm nữa là một kịch bản tiết chế vừa đủ dù phần mở đầu vẫn có một vài chi tiết thiếu chặt chẽ, nhưng nếu cứ chỉ lan man trong những tình tiết mang tính nghiên cứu khoa học thì sẽ chỉ làm khán giả cảm thấy nản vì càng xem càng rối rắm.
Không sử dụng chiêu trò, hay những màn dọa ma cũ rích như vài phim kinh dị bom tấn gần đây, những màn kinh dị trong Flatliners vẫn đủ yếu tố bất ngờ, rùng rợn, bí ẩn. Có thể với những khán giả thích cảm giác mạnh thì Flatliners chắc chắn chưa đủ đô, nhưng phần cao trào thắt mở nút được đạo diễn triển khai tốt đủ để gây sự hứng thú cho người xem. Đặc biệt với một cái kết thuyết phục Flatliners xứng đáng có phần tiếp theo. Chiếc laptop ở dưới hồ nước sẽ là thứ để họ tiếp tục thử nghiệm từ cõi chết kết nối với cuộc sống thế nào. Bán ý tưởng này tới các nhà làm phim Hollywood được đấy nhỉ? Nhưng phim vừa mới ra rạp mà, cứ đi xem cái đã.
Trải Nghiệm Điểm Chết để thấy cái chết là có thực, nó không phải là đối nghịch của cuộc sống, mà là một phần của cuộc sống, như nhà văn Haruki Murakami đã viết trong tiểu thuyết Rừng Nauy. Và nhờ có cái chết, con người ta mới học được cách sống có ý nghĩa hơn.