Hanhfm
Hanhfm

Hanhfm

Tôi xem phim để nhìn thấy cuộc đời!

Hoạt động gần đây

Hanhfm Hanhfm đã đánh giá 7 cho Kẻ Vô Hình

The Invisible Man là phim tương đối ổn trong thời gian này. Dù nội dung không có gì quá kinh khủng, không ma quỷ nhưng gần 2 tiếng phim giữ nhịp tốt, tạo không khí hồi hộp, gay cấn cho người xem. Hiệu ứng âm thanh, hình ảnh tốt, kịch bản gần như không có tình tiết thừa và đủ sức lừa khán giả với cú twist bất ngờ ở cao trào phim. Đặc biệt bối cảnh phim có ngôi nhà đẹp hơn cả trong Parasite.

(Spoil)

Mặc dù vậy phim vẫn có 1 chi tiết thiếu là có thể check camera nhà hàng để minh oan, dù có thể kẻ vô hình có thể làm hỏng camera. Và đoạn kết, phim xử lý hơi thiếu tính nhân văn. Sẽ hay hơn nếu tạo một cái kết khác để có thể làm tiếp phần 2.

Hanhfm Hanhfm đã đánh giá 5 cho Bí Mật Của Gió

Bí mật của gió (2020) xuất sắc từ quay phim, đạo diễn, diễn xuất, âm thanh, âm nhạc và nội dung mang tính giáo dục tuyên truyền rất thiết thực cho giới trẻ về nạn bạo lực học đường. Mỗi tội là kịch bản chán ơi là chán, xem thấy nhạt. Chắc tại vì tôi đã quá tuổi để xem phim này. Phim này đúng kiểu hoa hậu, đẹp nhưng mà nói chuyện thì chẳng hấp dẫn gì cả.

Ford v Ferrari thật sự gây thất vọng vì kịch bản nhàn nhạt được đạo diễn một cách hời hợt. Bộ phim chỉ mang tính chất liệt kê các sự kiện mà chưa lột tả được chân dung, cá tính của nhân vật. Diễn xuất của hai ngôi sao Christian Bale lẫn Matt Damon chỉ mang tính chất thuộc bài, âu cũng là điều dễ hiểu bởi kịch bản phim mới chỉ mô tả được bộ khung mà chưa đi vào được những chi tiết động cơ bên trong. Điểm yếu của kịch bản là nhân vật cậu con trai của tay đua huyền thoại, có mà như thừa. Trong khi đây hoàn toàn là nhân vật có chất xúc tác để làm nổi bật tính cách, con người của nhân vật chính. Do mải mê vào những tình tiết hào nhoáng của những thương vụ làm ăn mà phần gia đình chưa tới, thành ra xem phim thấy thời lượng dài, bối cảnh kỳ công nhưng vẫn thấy nội dung hời hợt.

Hanhfm Hanhfm đã đánh giá 7 cho Chị Chị Em Em

Chị Chị Em Em là một phim rất sạch, gọn, chỉn chu, mọi thứ vừa đủ. Khi khán giả chưa kịp chán thì đến lúc twist, chưa đủ dở thì đã hết phim. Cuối cùng phim chẳng có gì cảm thấy quá nhạt nhẽo để mà chê, quá lãng xẹt để mà bóc phốt.

Không để cho dư luận khen tới bến mà chê đến tơi bời, Chị Chị Em Em dừng ở mức đủ hay. Nhiều người xem xong có thể sẽ thấy phim thiếu thiếu, nhưng quan trọng là phim đã tránh được những tình tiết thừa thãi dễ bị sa đà, lê thê. Đối với điện ảnh Việt thì làm phim như vậy đã là thành công rồi.

Hanhfm Hanhfm đã đánh giá 6 cho Bắc Kim Thang

Bắc Kim Thang là bộ phim tốt về mọi mặt. Đầu tiên phải kể đến hình ảnh đẹp, quay phim khai thác nhiều góc máy ấn tượng và có tính nghệ thuật. Tuy nhiên đạo diễn lại chưa khéo léo trong chỉ đạo diễn xuất. Vì là để tạo sự rùng rợn, nên một số chi tiết, diễn viên thể hiện còn gượng gạo và nặng về tinh kịch. Điều đó làm cho mạch phim hơi rời rạc. Đó là điểm yếu chung của phim Việt. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao Bắc Kim Thang bởi nhà là phim đã mượn yếu tố kinh dị để phản ánh khá tốt hiện thực đời sống, xã hội. Từ câu chuyện trong một ngôi nhà gồm 3 thế hệ, thông qua những xung đột trong mối quan hệ giữa cha và con, giữa anh chị em ruột, anh chị em họ, bộ phim đã cho thấy những điều khủng khiếp hơn cả phim kinh dị đó là vấn nạn cờ bạc, tranh chấp tài sản. Đặc biệt bộ phim đã lên án tư tưởng trọng nam khinh nữ thông qua số phận của người cháu trai và cháu gái. Tình cảm giữa Thiện Tâm và Hai Lầm dù là anh em họ nhưng luôn yêu thương và che trở cho nhau, và một cái kết mang tinh nhân văn khi hóa giải xung đột, phá bỏ những tư tưởng cũ và đề cao bổn phận, trách nhiệm của người phụ nữ, đã mang đến những điểm cộng cho một bộ phim kinh dị tưởng như là rất nhạt nhẽo.

#Hanhfm

Diễn viên làm nên phim hay phim làm nên diễn viên?

Câu trả lời của tôi là tác phẩm tạo nên người nghệ sĩ, chứ không phải nghệ sĩ tạo nên tác phẩm. Nó biến anh ta trở thành cái mà anh ta xứng đáng là.

Xem Một Ngày Mưa Ở New York – A Rainy Day In New York thì tôi thấy nhận định của mình không sai, dù hôm nọ có bạn bảo tôi nói không đúng, mà bận sống thực, nên không có thì giờ để thảo luận trên Facebook. Phim này xem chán thật. Nó kịch một cách khủng khiếp. Chắc tính làm lại một cái Manhattan (1979) mà Woddy Allen biến một dàn ngôi sao điện ảnh thành diễn viên kịch nói. Đặc biệt là Elle Fanning, từ giây đầu tiên xuất hiện, cô đã bị cố tình biến thành một nàng búp bê Barbie nhạt nhẽo và như bình hoa di động. Timothée Chalamet thì là phiên bản lỗi của “Gatsby vĩ đại”. Selena Gomez mặt đơ như vừa bơm căng da mặt. Jude Law thì vẫn vậy, cũ mềm. Đạo diễn và diễn viên danh tiếng thì cũng chẳng thể làm nên một bộ phim hay. Xem A Rainy Day In New York có thể thấy Woody Allen nên nghỉ hưu được rồi.

Xem phim này làm tôi nghĩ đến Based On A True Story của Roman Polanski. Tôi hay nhầm lẫn giữa 2 vị đạo diễn này với nhau. Hai người cùng thời và cũng nổi tiếng lẫn tai tiếng, nhưng so với Based On A True Story thì A Rainy Day In New York làm người ta thấy khó chịu như bị dính mưa. Có lẽ Woody Allen muốn vậy. Thế thì ông đã thành công, vậy nên đã có thể nghỉ hưu được rồi.

#Hanhfm

Hanhfm Hanhfm đã đánh giá 8 cho Lời Từ Biệt

The Farewell (2019) – Cái Chết Là Sự Thật, Sự Sống Mới Là Lời Nói Dối

Based on a actual lie – Dựa trên một lời nói dối, nhưng bộ phim The Farewell (2019) lại mang đến một câu chuyện chân thực và giản dị về xã hội hiện đại, mang đến cho khán giả nhiều suy ngẫm về sự sống và cái chết, về những mối quan hệ xã hội giữa cá nhân với gia đình, giữa gia đình với xã hội.

Đường dây câu chuyện chính của The Farewell là kế hoạch che giấu một sự thật mà không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để đối mặt. Đó là, cái chết là căn bệnh ung thư vô phương cứu chữa nên ai cũng cảm thấy đau khổ khi phải chứng kiến người thân ra đi. Mặc dù, ai rồi cũng chết, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm nói lời vĩnh biệt với cuộc đời, không phải ai cũng có cơ hội và thường là không đủ thời gian, can đảm để nói lời trăn trối. Nhưng xem The Farewell, khán giả sẽ thấy mình cần suy nghĩ lại. Hãy để người ra đi kịp nói lời chia tay và hãy để người ở lại vui vẻ đón nhận nó như một lẽ đời.

(Spoil)

The Farewell mở đầu đầy giả tạo bằng khung cảnh núi, sông, cây cỏ, hoa lá được photoshop có phần vụng về, trong một bức tranh về treo trên bức tường một bệnh viện. Và cuộc điện thoại giữa nhân vật bà nội tóc trắng bạc phơ cùng cô cháu gái Bili có mái tóc đen dài đặc trưng của Á-Châu bắt đầu với những câu chuyện vặt vãnh, bị ngắt quãng bởi tiếng chuông và giọng nói phát ra từ hệ thống loa tự động của bệnh viện đang đọc số lượt bệnh nhân. Đó như là tiếng gọi của cái chết, của số mệnh mà ai rồi cũng sẽ đến lượt của mình. Bà nội của Bili cũng đang đợi đến lượt mình. Và đó là nguồn cơn cho câu chuyện dở khóc – dở cười của The Farewell.

Xoay quanh mối quan hệ gia đình gồm ba thế hệ Trung Quốc nhưng mỗi người một nơi. Người ở Mỹ, người ở Nhật, chỉ còn lại người mẹ già nơi quê nhà Trung Quốc. Kịch bản rất khéo léo khi ngầm đặt mối quan hệ chính trị – kinh tế của ba cường quốc Mỹ – Nhật – Trung. Chi tiết thú vị nhất là cuộc đối thoại trên mâm cỗ xoay tròn, những nàng dâu họ tranh luận về những vấn đề nổi cộm hiện nay từ chuyện nuôi dạy con cái, đến vấn đề khác biệt văn hoá giữa Mỹ và Trung, hay câu chuyện các gia đình muốn cho con đi du học Mỹ nhưng chúng thường không theo lời cha mẹ là trở về mà thường ở lại, để rồi chính họ gần như mất dần gốc gác. Với người anh cả ông vẫn là người Trung dù đang sống ở Nhật, nhưng người em trai thì suy nghĩ thực tế hơn, rằng mình đã xa quê 30 năm, đã quốc tịch Mỹ rồi, thì có thực sự còn là người Trung Quốc. Đó là những vấn đề lớn của xã hội, nhưng trên phim nó được thể hiện ý nhị tinh tế qua những câu thoại rất đời thường. Hay chỉ cần một cái nhìn của cô cháu gái khi đi ngang qua căn phòng bên cạnh trong một nhà hàng, nhìn thấy những cô gái váy áo, phấn son màu mè ngồi cạnh những gã đàn ông đang chơi bạc, hay ống kính chỉ lia qua một vài nhân viên của nhà hàng tiệc cưới, cho tới những dòng chảy hối hả trên những con phố tấp nập phồn hoa của thành phố Newyork… Tất cả hiện lên thoáng qua trên phim nhưng để lại nhiều suy ngẫm về một xã hội phân hoá giàu nghèo, vấn đề bất bình đẳng giới. Hay ngay việc cô cháu gái, nhân vật chính của phim, đang phải chán chường vì phải loay hoay tìm học bổng trước một tương lai có vẻ như rất bấp bênh.

Những phân tích và liên hệ trên vấn đề trên chỉ là chi tiết phụ làm nền cho câu chuyện về tình yêu và cái chết. Và để thể hiện được điều đó, đạo diễn đã xây dựng hai nhân vật vô cùng thú vị. Dù chỉ xuất hiện rất ngắn nhưng chúng lại mang những thông điệp ý nghĩa. Đó là chú chó Chihuahua nhỏ bé trong vòng tay bà chủ, bằng tiếng tru hú nó cũng có thể mang đến tiếng cười vô tư cho những vị khách. Đó là con chim sẻ nhỏ, xuất hiện lần đầu trong căn nhà của cô cháu gái ở Mỹ, lần thứ hai trong căn phòng khách sạn khi cô ở Trung Quốc và lần cuối cùng là trong tán cây rậm rạp của bầu trời, cả bầy chim vỗ cánh bay xào xạc đi. Theo quen niệm của người phương Đông, khi có con vật thường là bướm bay vào nhà sẽ báo hiệu một điềm gì đó. Trong The Farewell con chim là điềm lành, là hình tượng đẹp cho niềm hy vọng. Đất lành chim đậu và như một câu ai đó đã nói rằng: hãy sống như con chim đậu trên cành cây, dù biết cành sắp gãy nhưng vẫn vui vẻ hót, bởi nó biết rằng mình vẫn còn đôi cánh.

Chỉ xuất hiện vài giây trong một vài phân cảnh nhỏ nhưng nhà làm phim đã cho thấy thái độ bình thản của những loài vật, dường như chúng chẳng màng tới sự sống và cái chết, và chỉ có con người bận tâm mà sinh ra buồn khổ. Sự xuất hiện của hai nhân vật này tạo ra sự cân bằng cho mạch phim. Và hành động của cô cháu gái ở cảnh cuối phim, nó không mang những uất ức trong lòng để thành tiếng gào thét, nó chỉ là tiếng ho mà chẳng phải tiếng gầm vang, nó như là tiếng hú mang tính bản năng, như là một sự giải thoát cho những lời nói và cảm xúc mà cô đã kiềm chế nhưng không phải là kìm nén trong suốt bộ phim. Và đó là tiếng gọi của tự nhiên, tiếng thở của sự sống.

The Farewell dù nói đến cái chết nhưng người xem không thấy buồn thảm, dù nói đến đám cưới nhưng người xem không thấy hài hước. Đạo diễn không cố tình tạo ra những thứ khiến người xem phải nức nở hay phải phải ha hả cười hoặc rùng mình khiếp sợ trước những gì diễn ra trên màn ảnh.

The Farewell kết nối các nhân vật bằng những điều giả dối trải dài suốt bộ phim, và đó cũng là điều mà mỗi ngày chúng ta hãy quên đi sự thật rằng ai rồi cũng sẽ chết. Thông điệp của bộ phim rất gần gũi. Nếu ngày nào cũng nghĩ đến cái chết gần kề thì chúng ta sẽ quên đi những niềm vui trong cuộc sống và khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau. Dù biết rằng cuộc đời là vô thường và ai cũng biết sự thật rằng ai rồi cũng chết, nhưng hãy quên nó đi mà tận hưởng cuộc sống mình đang có.

Xem The Farewell người xem mới nhận ra rằng: Cái chết mới là sự thật và Sự sống mới là lời nói dối. Con người có quyền sống và cũng có quyền được biết mình sẽ chết. Nhưng có khi nào bạn nghĩ rằng: “Được chết trước người thân, đó là may mắn, vì sẽ không phải đau buồn nhìn người thân ra đi”. Đó là dòng trạng thái của một người bạn của tôi mới mất bố vài tháng trước. Xem The Farewell khán giả càng nhận thấy điều này. Đôi khi người đối mặt với cái chết lại bình thản như là lẽ đời. Và với con người chúng ta, việc chứng kiến người thân yêu của mình ra đi luôn là điều khó khăn nhất. Vấn đề là học cách quên đi ngày cuối cùng còn thấy nhau trên đời đó, để học cách nói với nhau, quan tâm tới nhau như thể ngày mai sẽ phải lìa xa.

Điều gây ấn tượng trong The Farewell còn là âm nhạc. Nó chỉ vang lên khi cần thiết dù đôi lúc rất ồn ào, phô chênh bởi những giọng hát karaoke của các nhân vật trong phim, nhưng ngoài ra những bản Audiophile được chơi theo phong cách Aucostic với những ca khúc cũ nhưng được thể hiện lại mang đến những cảm xúc mới lạ nhưng mộc mạc và chân thật tạo nên những giai điệu cuốn hút, hấp dẫn người xem. Đặc biệt giai điệu chủ để của phim được thể hiện theo phong cách Vocalise, tác giả, nhà làm phim như muốn xoá nhoà ranh giới của ngôn từ mà chỉ sử dụng ngôn ngữ chung là những ngữ âm ah…ah… pah…pah… để đối thoại với cảm xúc của nhân vật và khán giả. Phim cũng không có những góc máy thật sự đặc sắc nhưng nó vẫn làm tròn vai trò truyền tải nội dung tác phẩm và cảm xúc của nhân vật. Ví dụ một cảnh ấn tượng là khi cô cháu gái đến khách sạn mới xây mà thang máy hỏng, họ phải leo lên rất nhiều bậc thang, có hệ thống đèn tắt sáng tự động. Một cảnh quay tưởng như đơn giản nhưng nó lại như tượng trưng cho hành trình cuộc đời của chúng ta phải leo lên những nấc thang cuộc đời, leo tới khi đến lúc được nghỉ ngơi thì thân thể, cảm xúc ta đã mệt nhoài. Hình như sau cảnh đó là con chim. Cô cháu gái có lẽ ước mình có đôi cánh như con chim nhỏ.

Cũng như Parasite, The Farewell là một tác phẩm bi-hài-kịch, nội dung đề cập tới nhiều khía cạnh của đời sống hiện đại, nhưng không đi sâu khai thác vấn đề phân hóa giàu nghèo, The Farewell là sự xung đột về văn hóa, suy nghĩ, tư tưởng giữa các thế hệ và thậm chí là trong cùng một thế hệ. Khác với Parasite – bộ phim được đánh giá cao của điện ảnh Hàn Quốc khi đoạt giải Cannes 2019 và được đông đảo khán giả yêu thích, The Farewell khai thác những xung đột trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được thể hiện một cách giản dị nhưng vẫn rất ấn tượng. Hãy nhìn vào poster phim, trong khi các nhân vật khác đều lo lắng căng thẳng thì chỉ có duy nhất nhân vật bà nội ngồi ở trung tâm nở nụ cười rất tươi. Đó là một hình ảnh mang đầy tính ẩn dụ và ẩn chứa thông điệp sâu sắc của bộ phim. Những nhân vật kia buồn rầu vì họ chỉ nghĩ đến cái chết, đến việc phải tiễn đưa người thân yêu và chỉ có người không nghĩ đến nó mới biết tận hưởng niềm vui của cuộc sống. Người bà của Bili dù tuổi cao, bệnh tật đầy mình nhưng vẫn chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao để gìn giữ sức khoẻ nên bà lúc nào cũng sống vui vẻ, hoạt bát và vô tư. Rốt cuộc chỉ có những người chỉ nghĩ đến cái chết, chỉ nghĩ đến việc phải chia xa người thân mới cảm thấy luôn lo âu, buồn rầu. Kế hoạch của họ mong muốn người bà vui vẻ, hạnh phúc những giây phút cuối đời đã vô tình tạo ra gánh nặng cho chính họ và cuối cùng khi phim kết thúc mục đích của họ đã thất bại nhưng mục tiêu của họ lại thành công hơn cả mong đợi.

Xem Farewell và ngẫm về cái chết, thì bạn sẽ thấy rằng: cái chết không đáng sợ, điều khủng khiếp còn hơn cả cái chết là chờ đợi nó. Chẳng ai sẵn sàng cho cái chết, dù ai cũng có thể ra đi mà chẳng cần báo trước, vậy nhưng việc biết mình sẽ chết còn đáng sợ hơn cái chết.Và bộ phim làm tôi nghiệm ra một điều rằng: cái chết là sự thật, còn sự sống mới là lời nói dối. Bạn thì tin vào điều gì?

Xem Farewell khán giả Việt Nam dễ dàng nhận thấy sự gần gũi, bởi những câu chuyện trên đất nước họ, trong gia đình đọ nó cũng rất gần với câu chuyện của chính chúng ta. Mặc dù bộ phim có nhiều chi tiết mang tính chất bi-hài nhưng tôi không cười và cũng chẳng khóc trong suốt chiều dài bộ phim. Và tôi chỉ thực sự rơi nước mắt khi bộ phim đã kết thúc, khoảnh khắc giai điệu của bản cover ca khúc Without You vang lên trong phần Credit làm tôi thấy xúc động vô cùng. Để rồi tôi đã ở lại để nghe đến những giây cuối cùng trước khi đạp cửa ra khỏi rạp. Cửa rạp CGV rất nặng, nên đúng nghĩa thì là đẩy cửa. Sau đó không ngần ngại chia sẻ dòng trạng thái trên Facebook: “The Farewell (2019) – Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Oscar 2020”. Giải thưởng chưa tới, mà phim này là phim Mỹ, dù nói tiếng Trung và Anh. Đó là vấn đề của giải thưởng, còn tôi, tôi The Farewell là bộ phim thú vị và hấp dẫn nhất từ đầu năm tôi được xem tời giờ. Hy vọng sẽ có phim khác hay hơn.

#Hanhfm

p/s: Cảm ơn bạn vì đã đọc hết bài viết rất dài này. Viết một lèo xong cũng không biết lỗi, sai thế nào. Nếu muốn share, không cần hỏi nhưng hãy gửi link để tôi còn biết “gạch đá” ở đâu để nhặt về xây blog nhé.

https://www.hanhfm.info/the-farewell-2019-cai-chet-la-su-that-su-song-moi-la-loi-noi-doi/

Hanhfm Hanhfm đã đánh giá 7 cho Khoản Vay Sinh Tử

KHOẢN VAY SINH TỬ - 70 BIG ONES

Phim Tây Ban Nha mà chiếu rạp, hãy đi xem. Không hay xuất sắc thì đó cũng chắc chắn là những bộ phim rất thú vị. Khoản Vay Sinh Tử cũng thế. Một bộ phim giải trí có vẻ nhạt nhẽo, vụng về khi xây dựng nhiều tình tiết lãng xẹt, nhưng có vẻ như tác giả kịch bản muốn biến khán giả trở thành những người thông minh khi để họ không khó khi nhìn ra chi tiết có phần vô lý, thiếu logic. Nhưng điều hấp dẫn của phim là nó khiến người xem tò mò dõi theo từng diễn biến. Và sau tất cả, nó lại đặt ra cho khán giả những mệnh đề mang đầy tính hiện thực xã hội.

Điều gì khiến cho một phụ nữ mạnh mẽ, thông minh, chỉ số IQ 160, lại phải lâm vào con đường lừa đảo, phải tìm cách kiếm tiền để hối lộ mới có thể giành đứa con gái bé bỏng của mình.

Điều gì khiến cho những kẻ vừa mới ra tù lại tiếp tục sa vào con đường phạm pháp.

Bộ phim không đơn thuần kể về một phi vụ cướp, nó phơi bầy những hiện trạng xã hội chỉ trong một văn phòng nhỏ nằm nơi góc phố, giữa khu dân cư. Nơi những công chức làm việc mà không được trả lương xứng đáng. Nơi có những quan chức chỉ hòng tranh thủ kiếm tiền. Nơi những kẻ tìm đến miền đất hứa chỉ nhận thấy một hiện thực phũ phàng. Nơi đồng tiền quyết định vấn đề sinh tử của con người.

Trong cái xã hội thu nhỏ trong sân một khu dân cư, có một điều bình đẳng là bóng đá. Có thể thao, giải trí, con người ta sẽ nhanh chóng quên đi những tai hoạ đang xảy ra. Giữa một vụ cướp mà những cảnh sát, tội phạm, con tin đến những người dân tò mò vây quanh và cả cánh truyền thông,... cũng đều không bỏ lỡ trận bóng đá đang truyền hình trực tiếp trên TV. Chi tiết có phần nực cười này, khiến ta chua xót nhận ra, dù thiên tai, thảm hoạ, cướp bóc, giết người... đang trong lúc nước sôi, lửa bỏng thì cuộc sống bình thường vẫn tiếp diễn.

Không có sự thương lượng gay cấn như trong những bộ phim Mỹ đình đám về cướp và bắt cóc con tin. Lực lượng cảnh sát đại diện cho công lý ở trong phim gần như vô dụng, hoàn toàn bị chi phối và chỉ răm rắp làm theo sự chỉ đạo của những tên cướp. Họ thản nhiên trước sự nguy hiểm của con người. Cũng như các quan chức, ngân hàng, thờ ơ trước khó khăn của người khác. Xã hội trong phim đầy sự bất ổn, nơi những đứa trẻ không được chăm sóc bởi cha mẹ chúng. Nơi các cơ quan chức năng chỉ tìm cách kiếm lời trên sự rủi ro của người khác.

Bộ phim kết thúc trong sự ngỡ ngàng của người xem. Nó có thể chẳng để lại ấn tượng gì với bạn. Nhưng tôi giật mình nhận ra, khi gặp khó khăn sẽ chẳng có cơ quan chức năng nào giúp bạn được, chỉ có bạn tự mình giải thoát cho chính mình mà thôi.

#Hanhfm

Hanhfm Hanhfm đã thích và đánh giá 7 cho Kursk: Chiến Dịch Tàu Ngầm

Kursk (2018) - Kẻ im lặng vô hình!

Tháng 8 năm 2000, nước Nga đã phải đối mặt với một thảm họa nghiêm trọng khi tàu ngầm quân sự Kursk gặp sự cố trong khi tập trận và bị chìm xuống đáy đại dương. Dựa trên sự kiện có thật này, những nhà làm phim Âu-Mỹ đã xây dựng một bộ phim với nhiều tình tiết hư cấu không đúng với sự thật. Tuy nhiên điều gì khiến cho Kursk (2018) vẫn là một tác phẩm điện ảnh đáng xem?

Kursk (2018) được biên kịch bởi Robert Rodat người đã từng được đề cử giải Oscar kịch bản gốc xuất sắc với phim Saving Private Ryan (1998). Đảm nhận vai trò đạo diễn của phim là Thomas Vinterberg, người từng thành công với hai tác phẩm điện ảnh nổi tiếng The Hunt (2012) và Far from the Madding Crowd (2015). Bộ phim còn quy tụ dàn diễn viên sáng giá của điện ảnh thế giới. Matthias Schoenaerts - ngôi sao người Bỉ vào vai nhân vật sĩ quan Mikhail Kalekov người lãnh đạo tinh thần cho những thủy thủ sống sót bên trong tàu ngầm Kursk đang bị mắc kẹt dưới đáy biển. Lea Seydoux - nữ diễn viên người Pháp trong vai Tanya người vợ mạnh mẽ của Mikhail đang mang thai cùng một cậu con trai đợi chờ anh trở về. Colin Firth - "điệp viên Kingsman" từng đoạt giải Oscar trong vai đô đốc David Russell trực thuộc Hải quân Hoàng gia Anh.

Với hình ảnh, âm thanh chân thực bằng sự tạo nên những khoảng lặng nặng nề khiến khản giả cảm giác như mình cũng đang mắc kẹt dưới đáy biển sâu. Phần nhạc phim do nhạc sĩ Alexandre Desplat biên soạn tạo nên những giai điệu sâu lắng mang âm hưởng Nga trầm buồn nhưng vẫn toát lên sắc thái hùng tráng, bi kịch góp phần bộc lộ sắc thái, cảm xúc cho từng cảnh quay.

Là một phim về nước Nga, nhưng Kursk (2018) được biên kịch bởi người Mỹ, đạo diễn người Đan Mạch, diễn viên chính người Bỉ, Pháp, Anh, Thụy Điển... ngôn ngữ sử dụng tiếng Anh. Vì vậy trong phim Hải quân và chính phủ Nga được xây dựng có phần phiến diện, quy chụp. Tuy nhiên, đây không đơn thuần là bộ phim tài liệu tái hiện thảm họa tàu ngầm Kursk. Điều mà các nhà làm phim muốn nói đến là là vấn đề minh bạch thông tin. Trong suốt quá trình thảm họa xảy ra, thông tin luôn là một kẻ im lặng vô hình, ngắt kết nối giữa các nhân vật đang bị chia cắt bởi khoảng cách địa lý.

Ở dưới đáy biển sâu, là sự chờ đợi sự giúp đỡ của những người lính thủy bị mắc kẹt trong khoang tàu ngập nước đang phải đối mặt với cái chết. Trên mặt biển, là sở chỉ huy Hải quân Nga phải đối phó với những khó khăn hạn chế trong công tác cứu hộ, và Hải quân Anh bất chấp từ chối vẫn quyết tâm đưa quân tới giúp đỡ. Trong đất liền, là tâm trạng lo lắng, hoang mang của gia đình người thân các chiến sĩ và thái độ thờ ơ của chính phủ trong việc cung cấp thông tin. Đó là cuộc đấu tranh giữa sự sống và cái chết, giữa sự chờ đợi và hy vọng, của nỗ lực đàm phán và bí mật quốc gia.

Thực tế thì, không có chuyện hải quân Anh được phép tiếp cận con tàu, cũng không có chuyện hải quân hay chính phủ Nga thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong vấn đề giải cứu các thủy thủ. Nhiều nội dung chi tiết trong phim hoàn toàn là hư cấu và sai sự thật. Nhưng suy cho cùng thì bộ phim chỉ "mượn" thảm họa tàu ngầm Kursk để lên án vấn đề thiếu minh bạch thông tin của các chính phủ, quốc gia.

Sử dụng sự thay đổi trong tỉ lệ khung hình, Kursk (2018) đã cho người xem một góc nhìn không đầy đủ về những gì đã xảy ra. Mở đầu, bộ phim sử dụng khung hình hẹp tỉ lệ 4:3, và bắt đầu từ khoảnh khắc khi tàu ngầm Kursk biến mất dưới lòng biển sâu, ống kính máy quay được mở rộng trong suốt diễn biến của vụ thảm họa xảy ra. Cho tới khoảnh khắc tìm thấy những thủy thủ dưới đáy biển sau, khung hình bị co hẹp trở lại như cảm xúc dồn nén, ức chế cho người xem. Đó là một chi tiết vô cùng tinh tế và khéo léo, để các nhà làm phim bày tỏ quan điểm của mình.

Không tô hồng quá khứ, thắng thắn nhìn lại lịch sử, bộ phim không ngần ngại thể hiện một cách trực diện thái độ tức giận, phán xét với những gì đã xảy ra. Đây cũng là một bài học cho những người làm phim trong cách tiếp cận sự kiện, lịch sử. Mặc dù trên phim đúng sai thế nào thì chúng ta vẫn không thể biết chính xác, nhưng thực tế vấn đề bí mật quân sự của các quốc gia vẫn đang cản trở trong việc minh bạch thông tin giữa chính phủ và người dân.

Sự cố tàu Kursk đến nay vẫn còn là bí ẩn, nhưng có một sự thật chắc chắn rằng: "Những người đàn ông của tàu Kursk để lại 71 đứa trẻ.” Dòng chữ cuối cùng hiện lên trên phim đã thật sự khiến người xem phải suy nghĩ. Và nhân vật ám ảnh nhất trong phim là gương mặt của cậu bé con trai người thuỷ thủ. Cậu chỉ biết đứng đó trong im lặng, chứng kiến những chuyện tranh cãi của người lớn. Mẹ cậu và những người hàng xóm đã chẳng thể làm gì ngoài việc hy vọng và chờ đợi thông tin, nhưng cậu bé có thể tỏ thái độ đứng im khi từ chối cái bắt tay của vị đô đốc hải quân già, người đã có những hành động cứng nhắc trong việc cung cấp thông tin và kế hoạch giải cứu con tàu.

Sau tất cả, Kursk (2018) đã tái hiện thảm họa tàu ngầm Kursk một cách chân thực, xúc động và đặt ra cho khán giả nhiều suy xét. Rất nhiều sự việc cũng như tàu ngầm Kursk đã bị chìm dưới đáy biển sâu, chúng ta không thể kết nối để tìm ra sự thật. Cuối cùng những gì còn lại khi được trục vớt chỉ là những mảnh vỡ không vẹn nguyên, mang theo những mất mát trong lòng người. Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh cậu bé được trao lại chiếc đồng hồ mà cha mình đã đem đi cầm cố trước khi đi vào lòng đại dương trong con tàu Kursk. Một chi tiết thể hiện rõ ý đồ của bộ phim về sự trao trả niềm tin vào thời gian và thế hệ tương lai.

#Hanhfm

ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD
Đánh giá: 9,5/10

Hãy cảnh giác khi khen bộ phim này, bởi có thể bạn khen nó chỉ vì diễn viên và đạo diễn, hoặc không dám chê vì sợ bị cho là không biết xem phim. Tôi thì khắt khe chấm phim 9,5/10. Không dám cho 10/10 vì tự thấy mình nổ quá.

Với thời lượng dài 2h45p vị chi là gần nửa giấc ngủ tiêu chuẩn 8 tiếng/ngày của con người rồi. Vẫn là lối kể chuyện lan man chẳng đâu vào đâu, Quentin thật sự khiến nhiều khán giả hoang mang bỏ về hoặc tranh thủ ngủ trong rạp vì không hiểu bộ phim muốn nói gì. Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra, khi người xem cứ bám theo câu chuyện của các nhân vật, mà càng đi theo lại càng không hiểu gì. Vấn đề là nếu xác định được nhân vật chính, chúng ta sẽ cảm nhận được sự hấp dẫn và thú vị từ đầu tới cuối phim.

Nhân vật chính của ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD không phải tay diễn viên nổi tiếng sắp hết thời Rick (Leonardo Dicaprio), cũng không phải gã đóng thế điển trai nhưng cũng chỉ là một cái bóng Cliff Booth (Brad Pitt), càng không phải Sharon Tate (Margot Robbie), đương nhiên không phải đám người Hippies, hay lão già Marvin (Al Pacino)...

Nhân vật chính của ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD là Hollywood. Ở đó, Rick đại diện cho những diễn viên luôn trong tình trạng sắp hết thời. Ở đó, Cliff kẻ đóng thế vô hình đại diện cho những cái bóng của các ngôi sao. Ở đó, nữ diễn viên xinh đẹp Sharon đại diện cho những nàng thơ của điện ảnh nhưng vẫn chỉ là cây tầm ngửi sống dựa nhờ vào đạo diễn. Ở đó, những kẻ hippies lại là những kẻ ăn theo, sống dựa vào nền công nghiệp phim ảnh ở kinh đô Hollywood. Ở đó, thật giả lẫn lộn, khi hiện thực và hư cấu cứ đan cài vào nhau, dễ khiến con người ta trở nên mất phương hướng.

Hollywood là thế! Ở đó, không gì là không thể nhưng ở đó là những điều không giống thực. Trong phim Quentin Tarantino đã để những kẻ giết người thực thì bị chết, còn những người bị giết chết ngoài đời thực thì còn sống. Bởi ở Hollywood và trên phim ảnh không gì là không thể nhưng nó cũng nói lên được sự thiếu chân thực của phim ảnh. Ở đó, thế hệ trẻ trưởng thành cùng với những bộ phim giết người trên TV. Để rồi chúng mới nhận ra những kẻ dạy giết người trên phim thì sống nhởn nhơ trong nhung lụa. Còn hiện thực của chúng thì sao? Để rồi đám khán giả điên cuồng đã ra tay giết hại đám nghệ sĩ giả tạo ấy. Nhưng Hollywood không chết.

ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD là một câu chuyện cổ tích, ngày xửa ngày xưa ở Hollywood... nơi những giấc mơ được bắt đầu. Thông qua bộ phim đạo diễn Quentin Tarantino đã thể hiện những quan điểm về điện ảnh, nghệ thuật được cài cắm đầy ẩn ý trong từng câu thoại.

“Anh là diễn viên phải không?
Không anh là diễn viên đóng thế.”
...
“Không phải ai cũng cần đóng thế.”
...
“Cô hãy đứng cạnh cái poster nếu không họ sẽ không nhận ra cô là ai.”

Ở Hollywood diễn viên chỉ sống được nhờ những vai diễn của mình. Họ sẽ chẳng là gì nếu không có phim ảnh.

Và một trong những cảnh tuyệt vời nhất trong phim đó là cuộc đối thoại giữa Rick và cô bé Trudi. Quentin Tarantino lồng ghép nhiều thông điệp về nghề diễn viên qua nhân vật diễn viên nhí Trudi. Ở Trudi toát lên sự thông minh, sắc sảo tràn đầy niềm đam mê diễn xuất, nhưng cũng đầy ngây thơ trong mắt Rick tay diễn viên gạo cội đã nếm trải đủ ngọt bùi của hào quang danh vọng. Chắc chắn đây sẽ là một trong những bài học cho sinh viên trường điện ảnh.

Trong ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD đạo diễn Quentin Tarantino đã dựng lên một hiện thực có hậu cho những nhân vật của ông và cho cả Hollywood. Ở đó khán giả thấy phim ảnh đẹp như một giấc mơ, dù cơn mơ nào thì cũng dễ gặp ác mộng. Nhưng vừa vui và cũng vừa buồn rằng, chỉ có trên phim ảnh những kẻ xấu mới bị giết chết, còn ngoài đời thực bạo lực vẫn hoành hành và đã có những nạn nhân vô tội. Phải chăng vì thế Hollywood sẽ không bao giờ chết, bởi khán giả cần xem phim như cần ước mơ và cần tin vào những điều tốt đẹp.

Vẫn còn nhiều điều nữa có thể đưa ra phân tích và nghiền ngẫm, nhưng phải xem lại lần nữa thì mới cảm nhận thêm được. Đừng vội bước ra khỏi rạp quá sớm, hãy nán lại và xem phần after credit.

Tôi thường quan tâm tới nội dung ý nghĩa của phim nhiều hơn là những vấn đề khác. Nên giờ mới tới đoạn bàn qua một chút về một số vấn đề khác hay được mọi người bàn tới.

Về diễn xuất thì dù không thích cả 2 nam chính nhưng tôi hy vọng cả Leo và Brad đều được đề cử Oscar. Đương nhiên rất có thể đây là bộ phim đầu tiên Quentin đoạt giải Phim Hay Nhất hoặc Đạo diễn xuất sắc nhất. Điều đó chỉ còn phụ thuộc vào những ứng cử viên khác mà thôi. Việc ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD không đoạt giải Cannes cũng là một lợi thế rồi. Hy vọng rằng sự sáng tạo trong phong cách làm phim “không xung đột” của Quentin Taratino lần này sẽ được ghi nhận.

Thực chất những cảnh giết chóc trong ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD tưởng là xung đột đẩy lên cao trào thật ra mới chỉ là thắt nút mà thôi. Quentin Tarantino muốn đẩy xung đột lên cao trào ra khỏi bộ phim bởi nó ở ngoài cuộc sống cơ. Vì vậy đây là phim tôi yêu thích nhất của Quentin, Leo và Brad.

#Hanhfm
Xem thêm
Loading...

End of content

No more pages to load