Review Hai Muối - Cảm động nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ
Ivy_Trat ·
Quyền Linh trong vai "gà trống nuôi con", từ hình ảnh ẩn dụ của nghề làm muối dạy con làm người tử tế giữa sự khắc nghiệt của cuộc đời.
Phải thừa nhận Hai Muối là một bộ phim có ý tưởng. Vấn đề là nó có quá nhiều ý tưởng và một cách thực hiện chưa chín tới. Thành quả là một bộ phim tương đối cảm động ra đời nhờ vào chủ đề gia đình nhưng lại thiếu ngôn ngữ điện ảnh trầm trọng để thực sự biến Hai Muối thành một phim trải nghiệm điện ảnh đáng nhớ.
Hai Muối: Câu chuyện về những người khốn khổ
Lấy bối cảnh ấp đảo Thiềng Liềng, Cần Giờ, Hai Muối kể câu chuyện về gia đình ông Hai Muối (Quyền Linh) và Muối (Huỳnh Bảo Ngọc) – tên thật là Ánh Linh. Góa vợ ngay khi con gái chào đời, ông Hai Muối sống vậy nuôi con bằng ruộng muối cơ cực, với tâm nguyện là Muối được ăn học đàng hoàng.
Muối không phụ lòng cha, đỗ đại học ở Sài Gòn, bắt đầu công cuộc dùi mài kinh sử trong khoa Du lịch - Lữ hành. Cô cũng muốn phát triển du lịch ở quê nhà, giúp nông dân làm muối thoát cảnh cực khổ, giá cả bấp bênh. Nhưng thành phố lớn cũng chứa đầy những cạm bẫy với cô gái mới lớn.
Hai Muối là kiểu phim rất quen thuộc trong làng điện ảnh Việt Nam. Đó là thể loại gia đình và xã hội, thường lấy tình cảm cha con, mẹ con làm trung tâm đồng thời hòa mình với những khía cạnh đời sống để làm nên một câu chuyện gây cảm động. Cùng với đó là các thông điệp gần gũi với khán giả Việt.
Thật ra, những kiểu phim này không có gì để bàn cãi cả. Đây vốn là thế mạnh của điện ảnh Việt, với điều kiện bộ phim phải có một kịch bản xem được và phải có sự hiện diện của một ngôn ngữ điện ảnh kể chuyện bằng hình ảnh nói ít làm nhiều. Thật không may, Hai Muối cảm động là thật, nhưng thật khó để nói nó để lại dấu ấn điện ảnh nào đó.
Hai Muối có muối nhưng nhạt lắm
Một trong những ấn tượng đầu tiên về Hai Muối là sự quen thuộc phim mang lại và hơi thở rất đời. Cách kể chuyện trong đây đã từng hiện hữu trong các phim cùng thể loại thời 2000, nhưng bối cảnh thì ngay trong năm nay. Nên câu chuyện chưa gì đã thấy mọi tình tiết ngày càng dễ đoán dần.
Từ tình cảm gia đình đến cám dỗ cuộc sống, cuộc sống mưu sinh đến tình yêu trai gái đều được Hai Muối đưa vào câu chuyện của nó. Mỗi một tuyến truyện đều được nhắc đến và lồng khung thành những bức ảnh chụp.
Sở dĩ người viết so sánh như vậy vì bộ phim như một cuốn album ảnh. Phim cho người xem những bức ảnh rồi từ tốn lật sang trang. Mỗi một bức sẽ có vài dòng mô tả sự vật sự kiện, ai là ai. Nên phim rơi vào tình trạng tình tiết không bắt kịp với nhịp điệu và tiết tấu.
Nhiều tuyến truyện là thế mà Hai Muối không có được cách thực hiện câu chuyện hài hòa. Hàng loạt tuyến truyện xung quanh Muối và ông Hai hiện lên cứ lưng chừng, cao trào thì cao trào không tới, lặp đi lặp lại các chi tiết bi kịch và lấy đó làm công cụ lấy nước mắt khán giả.
Đó là một chiêu trò đã quá cũ. Hơn nữa, dường như bộ phim bị kiềm hãm một cách kỳ lạ. Những gia vị gai góc, trần trụi của một cuộc sống đầy rẫy cạm bẫy mà phim muốn thể hiện đều chỉ tồn tại trong lời nhắc của nhân vật.
Tức, nhiều lời thoại hơn và ít ngôn ngữ điện ảnh hơn. Còn tính nghiêm trọng mà dàn diễn viên thể hiện trở nên lạc lõng giữa bối cảnh vẫn rất yên bình. Phim vì vậy mà không có sợi dây dẫn dắt khán giả đến với đoạn cao trào.
Hai Muối dành cho ai?
Hai Muối là một trường hợp khá đáng tiếc của điện ảnh Việt, có ý tưởng có tinh thần, nhưng cách thực hiện lại quá lủng củng.
Hai Muối chắc chắn không phải là một siêu phẩm. Nhờ vào diễn xuất và thông điệp, phim đạt mức xem được, với điều kiện bạn phải là một khán giả vô cùng dễ tính, thích một bộ phim đơn giản.