[REVIEW] Hạnh Phúc Của Mẹ
Đánh giá phim · Maii ·
Hạnh Phúc Của Mẹ chỉ dừng lại ở mức trung bình khá, không đủ lấy nước mắt của một người xem đã quá quen với các phim gia đình lâm ly bi đát như thế này.
Kéo xuống để xem tiếp
Hạnh Phúc Của Mẹ xoay quanh nhân vật Tuệ (Cát Phượng), người mẹ tần tảo, lam lũ có con trai bị tự kỷ. Tim – con trai cô từ nhỏ đã không giống những đứa trẻ khác, có vấn đề về ngôn ngữ và hành vi, khiến việc phát triển của Tim gặp khó khăn. Dù vậy, Tuệ vẫn cố gắng từng ngày chăm sóc và làm tất cả vì con dù trắc trở bủa vây. Thấy Tim thích chương trình Bước Nhảy Diệu Kỳ, Tuệ cố gắng đưa con đi thi và tin con sẽ làm được trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bên cạnh đó, Tuệ còn tìm được tình cảm với Giang (Kiều Minh Tuấn), người đàn ông dành nhiều sự chăm sóc cho mẹ con Tuệ.
Kịch bản vụn vắt với quá nhiều tình tiết thừa thãi, không tới đâu đã khiến một câu chuyện cảm động và ý nghĩa trở nên có phần nhạt nhẽo và thiếu sự tập trung trong Hạnh Phúc Của Mẹ. Những khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ tự kỷ được làm chưa tới, chưa khiến người ta đủ cảm động và thấy hết sự khó khăn của mẹ Tuệ. Nếu cắt bớt những chi tiết thừa và nhân vật không liên quan, Hạnh Phúc Của Mẹ đáng lẽ đã có thể tập trung nhiều hơn vào câu chuyện của Tim và Tuệ. Khoảng 30 phút đầu, tình tiết của phim được thực hiện khá tốt, mặc dù có phần kịch tính thái quá rất không cần thiết (phần cũng chỉ để giới thiệu nhân vật Giang của Kiều Minh Tuấn), nhưng đủ để cho khán giả thấy tiềm năng của một câu chuyện mẫu tử cảm động trong Hạnh Phúc Của Mẹ. Mặc cho mọi khó khăn chồng chất, mẹ Tuệ vẫn nuôi hi vọng và lạc quan vào tương lai của Tim – con trai mình.
Nhưng kể từ khi xuất hiện Giang của Kiều Minh Tuấn, câu chuyện của phim bị rẽ hướng sang nhiều chi tiết vụn vặt khác, không đóng góp gì cho câu chuyện, còn nếu có đóng góp cho câu chuyện thì lại quá ảo, đặc biệt là khi Tuệ quyết định đưa Tim đi thi Bước Nhảy Diệu Kỳ.
Một số đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ mặc dù rối loạn hành vi và ngôn ngữ, nhưng lại bộc lộ năng khiếu trong một số lĩnh vực khác. Thế nhưng, không phải tất cả trẻ tự kỷ đều như thế. Phần lớn phải mất rất nhiều thời gian để nuôi dạy để chúng biết đọc, biết viết, hoặc giao tiếp như người bình thường; Tim thuộc trường hợp này. Bé Tim được Tuệ đưa đi thi nhảy với khuôn khổ thời gian giới hạn, trong khi trước đó không có phân cảnh nào cho thấy khả năng đặc biệt của Tim, khiến người xem cảm thấy có phần nửa vời và không đáng tin. Nhưng đối với người xem không quá khó tính thì phân cảnh Tim học nhảy được và ôm chầm lấy mẹ Tuệ trên sân khấu có thể khiến người xem cảm động vì sự kiên trì và niềm tin mà Tuệ dành cho con mình.
Bên cạnh câu chuyện cảm động của Tuệ và Tim, lại có câu chuyện vớ vẩn và có phần vô duyên của Tuệ, Giang và Mai. Giang của Kiều Minh Tuấn chẳng hiểu từ đâu xuất hiện, thương Tuệ nhưng Tuệ mãi không chịu, mặc cho Giang theo đuổi. Bên cạnh đó, có cô hàng nước tên Mai thương Giang nhưng Giang chỉ một lòng một dạ theo Tuệ.
Background của Tuệ và Tim mặc dù có sơ sài, nhưng ít nhất còn hiện diện, để người xem hiểu họ đang làm gì trong câu chuyện, hoàn cảnh của họ là gì. Còn Giang của Kiều Minh Tuấn không hiểu đóng vai trò gì trong phim, ngoài chuyện thêm màu và cuối cùng là thay Tuệ chăm sóc cho Tim? Các phân cảnh hài của nhân vật Giang vẫn không thể thoát khỏi miếng hài nhảm, lại thêm diễn xuất lớn tiếng, ồn ào một màu của Kiều Minh Tuấn khiến người xem khó mà có cảm tình được với nhân vật này. Chuyện tình tay ba Tuệ, Giang, Mai xuất hiện như một cơn gió rồi cũng đi như một cơn gió, không đầu, không đuôi, không có vai trò gì ngoài việc góp vào vài tiếng cười thiếu muối. Nói không quá thì sự xuất hiện của Giang và Kiều Minh Tuấn góp phần làm xấu khung cảnh và câu chuyện mà Tim và Tuệ mang lại cho khán giả. Nếu xem Hạnh Phúc Của Mẹ là nỗ lực lấy lại danh tiếng và sự tin tưởng của khán giả dành cho nam diễn viên sau scandal phim Chú Ơi, Đừng Lấy Mẹ Con, thì có thể nói, nỗ lực này đã thất bại hoàn toàn.
Về mặt diễn xuất thì ngoài Kiều Minh Tuấn là diễn yếu nhất, thì bé Huy Khang trong vai Tim cũng chưa đủ thuyết phục. Vai diễn trẻ tự kỷ đối với Huy Khang có phần “nặng đô”, và trường hợp tương tự cũng có thể dùng để nói về Cát Phượng. Cát Phượng trong vai mẹ Tuệ, mặc dù ở một số phân cảnh cô diễn khá tốt, do đã có kinh nghiệm nhiều trong diễn xuất trên sân khấu kịch, nhưng các cảnh nặng cảm xúc hơn lại lộ rõ điểm yếu và không đủ khả năng “cân” hoàn toàn vai Tuệ. Đáng lẽ các cảnh đau khổ và nặng nề như thế nên tiết chế lại để vừa tầm Cát Phượng thì sẽ ổn và thuyết phục hơn. Các nhân vật phụ còn lại có thể coi là làm tròn vai trò của mình mặc dù nếu không xuất hiện thì họ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mạch truyện.
Các cảnh quay và âm nhạc trong phim lại là điểm sáng. Phong cảnh miền quê với những cánh đồng muối và ngôi nhà ven biển có cây hoa giấy trước cổng của Tuệ rất đẹp, mang đến sự tươi mới dành cho khán giả sau khi những cảnh đồng lúa hay giếng nước, cây đa ngõ hẻm đã có phần nhàm chán. Thế nhưng, mặt nghe nhìn có lẽ vẫn chưa đủ thuyết phục khán giả về phần nội dung của bộ phim.
Hạnh Phúc Của Mẹ đáng khen với nỗ lực đưa hình ảnh người phụ nữ, người mẹ tần tảo và lam lũ lên màn ảnh, cùng câu chuyện mẹ con hi sinh và cảm động. Nhưng kịch bản có phần yếu kém, thiếu chiều sâu thừa thãi và vụn vặt đã khiến Hạnh Phúc Của Mẹ chỉ dừng lại ở mức trung bình khá, không đủ lấy nước mắt của một người xem đã quá quen với các phim gia đình lâm ly bi đát như thế này.