Mudbound - Bộ phim về người da màu sáng giá nhất mùa Oscar
Bộ phim có một kết cục buồn. Nhưng đây không phải là một bộ phim buồn bã, tuyệt vọng mà lóe lên tia hy vọng,
Phân biệt chủng tộc với người da màu là một trong những chủ đề mà các phim nhân văn xã hội Hollywood thường hay khai thác và được đánh giá cao tại các kỳ Oscar. Nhìn lại Oscar những năm gần đây, năm 2014, bộ phim 12 Years a Slave đã thắng giải Phim hay nhất năm tại Lễ trao giải Oscar, năm 2015 có bộ phim Selma được đề cử, năm 2017 vừa rồi có hai phim là Moonlight và Fences được đề cử, trong đó Moonlight đã thắng giải Phim hay nhất năm. Trong Lễ trao giải Oscar 2018 sắp diễn ra vào tháng 3 tới, chắc chắn Mudbound sẽ là bộ phim về người da màu sáng giá nhất, bên cạnh bộ phim Get Out cũng về chủ đề người da màu.
Bộ phim lấy bối cảnh chính tại một vùng quê nghèo khó ở đồng bằng Mississippi nước Mỹ, nơi quanh năm nhầy nhụa bùn đất và dân trí vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng phân biệt chủng tộc. Ở một nông trại nọ, vốn dĩ là của ông nội nhà Jackson người da màu nhưng đã bị người da trắng chiếm hữu, nhà Jackson phải làm việc thuê cho chủ nhà mới là gia đình da trắng McAllan. Điều quan trọng là dù khác biệt về màu da nhưng cả hai người con của hai nhà Jackson và McAllan đều phải nhập ngũ và chiến đấu ở bên kia bán cầu, chống lại Phát xít Đức thời Chiến tranh thế giới thứ II.
Trong khi Ronsel - anh chàng da màu nhà Jackson là một người lính xe tăng được đưa lên tiền tuyến chiến đấu thì Jamie cũng là một phi công của chiến đấu cơ B-25 tấn công từ trên không trung. Kết thúc chiến tranh, hai cựu chiến binh trẻ tuổi trở về quê nhà với sự lạc lõng, phải chiến đấu với những vấn đề riêng của mình. Họ chính là thế hệ bỏ đi - thuật ngữ do đại văn hào Ernest Hemingway đưa ra ám chỉ thế hệ những thanh thiếu niên tham gia chiến tranh với nhiệt huyết và trở về với một thân xác và tâm lý hoang tàn, cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa.
Một ngày nọ, chiến tranh kết thúc, Ronsel và Jamie trở về quê nhà.
Ronsel khi còn chiến đấu trên phi cơ đã phải chứng kiến người đồng đội của mình bị bắn vỡ đầu, những đồng đội trên những phi cơ khác cũng bị hạ gục và một mình anh còn sống sót sau trận đấu ác liệt đó. Kể từ đó trở đi, Jamie bị sang chấn nặng nề. Trở về quê nhà với hàm đại úy và nhận huy chương danh dự, Jamie bị ám ảnh bởi sự kinh hoàng của chiến tranh và luôn phải uống rượu đến say khướt để quên đi hiện tại.
Trong khi đó, Ronsel có một người bạn gái da trắng ở Đức, phải chia tay cô để trở về quê nhà. Dù là một người lính danh dự với hàm trung sĩ, Ronsel vẫn phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc, đặc biệt là từ Pappy - ông bố của nhà McAllan. Ronsel bị bắt phải đi cửa sau khi mua đồ trong cửa hàng tạp hóa. Với bản tính từ một người lính, Ronsel không chịu khuất phục và rất uất ức nhưng lại chẳng thể thay đổi được gì ở vùng quê nhà này.
Và điều kỳ diệu xảy đến khi Jamie và Ronsel gặp nhau. Hai người lính cùng trải qua chiến tranh, cùng có những người chiến hữu khác màu da, cùng trải qua những nỗi đau và mất mát đã nhanh chóng trở thành người bạn thân thiết, chia sẻ cuộc sống với nhau. Jamie là người da trắng duy nhất ở cái vùng này đối tốt với một người da màu, bởi với Jamie thì màu da không hề quan trọng. Người đồng đội lái chiếc phi cơ đến cứu Jamie trong trận chiến khốc liệt hồi trước chính là một người da màu. Và từ đó trở đi, Jamie nhận ra rằng tất cả mọi người đều giống nhau, không phân biệt da đen hay da trắng. Có lẽ đây là điều chỉ những con người từng trải và đối diện với chiến tranh như Jamie mới hiểu được.
Vậy nhưng cuộc sống đâu có dễ dàng đến thế. Khi người bố Pappy của Jamie bắt gặp cậu con trai đi cùng Ronsel, lão đã tỏ ra vô cùng tức giận. Cho tới khi Ronsel để quên bức ảnh chụp mà bạn gái da trắng người Đức chụp cùng đứa con da màu của hai người trên xe của Jamie và Pappy đã bắt được, lão phát điên và quyết định làm một chuyện kinh khủng: Gọi đám người trong hội KKK (Hội kín cho rằng người da trắng là thượng đẳng, thường trùm mũ trắng và tấn công người da đen) đến bắt cả Ronsel và Jamie tới một căn nhà kho và yêu cầu hành quyết hai người.
Đây chính là trường đoạn kịch tính và xúc động nhất, khi ta chứng kiến cảnh Ronsel bị đám KKK hành hạ không thương tiếc, lột trần và treo lên như đối xử với một con vật chứ không phải một con người. Nhưng xúc động hơn cả chính là tình bạn và tinh thần chính nghĩa của Jamie, bất chấp bị coi là kẻ phản bội gia đình, là kẻ phản bội giống nòi, Jamie vẫn nhất quyết bảo vệ người bạn da màu cho tới cùng dù phải đối mặt với nguy cơ hành quyết cùng với bạn của mình.
Và rồi bộ phim có một kết cục buồn thảm, khi một người bị giết và một người tàn phế suốt đời. Nhưng đây không phải là một bộ phim buồn bã, tuyệt vọng mà lóe lên tia hy vọng, khi mà cả Jamie và Ronsel đều không phải người phải chết. Và tới những khung hình cuối cùng của bộ phim, trước khi Mudbound khép lại, Ronsel đã tới Đức để gặp bạn gái và con trai mình, biến những điều kinh khủng ở quê nhà trở thành dĩ vãng.
Sử dụng hình ảnh bùn đất từ tên phim và xuyên suốt bộ phim là biểu tượng ẩn dụ, Mudbound đã truyền tải thành công ý nghĩa về nạn phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ thời hậu chiến cũng như cuộc sống nghèo khó, dưới đáy xã hội như bùn đất của những người da màu ở vùng quê nghèo khó.
Bộ phim Mudbound hiện đã giành được 19 chiến thắng và 31 đề cử tại các Liên hoan phim và Giải thưởng khác nhau, trong đó có 2 đề cử Quả cầu vàng (Golden Globes) sẽ trao giải vào năm 2018 sắp tới. Là một bộ phim ngập tràn cảm xúc của nữ đạo diễn Dee Rees, chắc chắn Mudbound chính là bộ phim về người da màu sáng giá nhất trong mùa Oscar 2018 sắp tới.