[REVIEW] Người Cần Quên Phải Nhớ
Đánh giá phim · Maii ·
Người Cần Quên Phải Nhớ cố gắng truyền tải một câu chuyện nghiêm túc, nhưng cách làm nửa nạc nửa mỡ của nó khiến người xem thực sự khó hiểu.
Người Cần Quên Phải Nhớ đến từ bộ đôi Charlie Nguyễn - Đỗ Đức Thịnh, người xem ngỡ rằng sẽ được xem một tác phẩm giải trí với những tiếng cười vui vẻ và một câu chuyện đơn giản, đủ tiếp thu như Anh Thầy Ngôi Sao. Dù vậy, cuối cùng thì cảm giác Người Cần Quên Phải Nhớ mang lại khác, và cảm giác ấy hoàn toàn không phải là cảm giác tích cực.
Người viết chưa có dịp xem Trạng Quỳnh hay Siêu Sao Siêu Ngố, nhưng trước đó đã được xem Anh Thầy Ngôi Sao và ấn tượng về sự dễ thương của các bé diễn viên nhí, cũng như một cốt truyện phù hợp với đại chúng vẫn còn đọng lại. Nếu so với Anh Thầy Ngôi Sao thì Người Cần Quên Phải Nhớ nhìn chung (cố gắng) nghiêm túc hơn, nhưng những tình tiết hài thiếu duyên, nội dung hời hợt và phi logic đã phá hỏng những gì mà nhà làm phim cùng lúc đó đang cố gắng xây dựng.
Người Cần Quên Phải Nhớ xoay quanh nhân vật Loan (Hoàng Yến Chibi), một phóng viên đang điều tra cái chết của cha ở một bệnh viện tâm thần. Trong quá trình điều tra, cô gặp phải một “giang hồ" mất trí nhớ và cũng là đối tượng tình nghi trong vụ án là Bình (Trần Ngọc Vàng) và dần phải lòng anh. Cuối cùng thì sự thật đằng sau cái chết của cha cô là gì? Và Bình đóng vai trò gì trong âm mưu đó?
Người Cần Quên Phải Nhớ kết hợp yếu tố tình cảm, trinh thám, hài hước để truyền tải một câu chuyện mang ý nghĩa về gia đình, tình thân. Nhưng đáng tiếc, yếu tố nào cũng được thực hiện nửa vời khiến bộ phim có mùi vị nhạt nhoà và khó hiểu vì sự đơn giản quá mức của nó. Chất trinh thám của phim còn thua xa một bộ phim teen trên Disney, còn sự hài hước của nó thì… xin lỗi, cười hổng nổi.
Tôi sẽ không gọi Anh Thầy Ngôi Sao là phim hài nhảm, nhưng Người Cần Quên Phải Nhớ chắc chắn mang tình tiết hài nhảm dù nó có cố gắng che đậy bằng yếu tố tình cảm và những phân đoạn nhẹ nhàng lãng mạn. Các tình huống điều tra phá án được sắp đặt khiên cưỡng và vô lý, trẻ con đến mức buồn cười.
Hoạt động tội phạm trong phim như đang mời gọi nhân vật nhanh chóng phát hiện ra, không nhìn ra được một chút xíu tính nguy hiểm và bí mật nào. Sự mong đợi của người xem không được thử thách và thêm vào đó là phản diện vớ vẩn hết sức, khiến tiểu thể loại trinh thám trong Người Cần Quên Phải Nhớ trở thành một trò đùa dai không lấy gì làm vui vẻ của đạo diễn.
Những cảnh parody phim siêu anh hùng, ưỡn ẹo giả gay, lăn lộn của các nhân vật... phản ánh tư duy hài hước cũ kỹ và xem thường khán giả của một bộ phim vốn đang tự thân nỗ lực thoát khỏi cái mác hài nhảm. Màn tự đấm rồi tự xoa của chính Người Cần Quên Phải Nhớ khiến người xem phải đặt câu hỏi, không hiểu nhà làm phim đang cố gắng làm gì?
Sự góp mặt của Thái Hoà cũng không làm bộ phim vớt vát lại được bao nhiêu cảm tình, dù anh mang đến cho người xem cảm giác dễ chịu mỗi khi xuất hiện. Có lẽ đây là cái hồn mà khán giả có thể cảm nhận được của một diễn viên hài gạo cội, dù trong phim này, anh cũng chẳng làm người viết cười được mấy lần. Ngoài Thái Hoà, thì mặt hình ảnh đẹp, âm nhạc mang tính hoài niệm của thập niên 90 cũng là một điểm cộng hiếm hoi.
Yếu tố tình cảm trung tâm của phim được thực hiện tạm ổn, nhưng nhân vật Bình của Trần Ngọc Vàng được xây dựng quá mức trẻ con và suy nghĩ nông cạn. May mắn là sự "mất trí nhớ" của Bình đã xem như thiết lập lại nhân vật từ đầu, giúp anh có sự thay đổi và phát triển đáng kể thông qua mối quan hệ giữa anh và Loan.
Vai Loan có thể nói là vai dưới tầm của Hoàng Yến Chibi vì tôi cho rằng cô có thể diễn những nhân vật hay hơn và thử thách hơn nữa. Kể cả Xuân Phúc và Karen Nguyễn cũng không để lại ấn tượng nào sâu sắc trong lòng người xem. Karen Nguyễn vẫn chưa thoát khỏi nét gồng trước đó mà người xem từng thấy trong Sắc Đẹp Dối Trá, đồng thời vai diễn cũng chưa có nhiều đột phá ngoại trừ việc nhân vật không phải tiểu tam.
Người Cần Quên Phải Nhớ cố gắng truyền tải một thông điệp nghiêm túc, nhưng cách làm phim nửa nạc nửa mỡ khiến người xem không cảm thấy được chiều sâu trong câu chuyện. Mọi thứ cảm xúc lắng đọng của bộ phim ở lại không lâu và nhanh chóng bị các tình tiết phi lý của phim nhấn chìm. Ấn tượng cuối cùng của phim chỉ còn bộ đồ đỏ của bệnh nhân tâm thần, James Bo và những pha hài hước "đi vào lòng đất".