[REVIEW] Những Kẻ Khát Tình – Lòng tốt và sự tàn nhẫn của những người bị cầm tù

Đánh giá phim · Moveek ·

Không phải là một bộ phim bom tấn ồn ào và hoa mĩ, Những Kẻ Khát Tình là một bộ phim dành cho những ai yêu thích sự tinh tế.

Không phải là một bộ phim bom tấn ồn ào và hoa mĩ, Những Kẻ Khát Tình là một bộ phim dành cho những ai yêu thích sự tinh tế. Bộ phim thiên về khía cạnh tâm lý và nhiều tầng lớp ý nghĩa, do đó nó không những đưa người xem chìm vào không khí hoài cổ với một không gian diễm lệ được chăm chút từng chi tiết một của các vị tiểu thơ đài các miền nam nước Mỹ thời nội chiến, mà còn lột tả một cách xuất sắc từng khía cạnh của những người phụ nữ: tốt bụng, dịu dàng, thơ ngây, cứng rắn, yếu đuối, khao khát tình yêu và tình dục nhưng sẵn sàng hung bạo và tàn nhẫn khi cần thiết.

Câu chuyện của Những Kẻ Khát Tình diễn ra và năm 1863, khi cuộc nội chiến Nam - Bắc Mỹ đang quyết liệt và bối cảnh được lấy tại bang Virginia – cứ địa quan trọng của quân miền Nam, nơi quân miền Bắc nhiều lần tổ chức tấn công nhưng thất bại. Một bộ phim tưởng chừng như khó coi, khó cảm thụ; tuy nhiên, nếu bạn có một chút hiểu biết về cuộc Nội chiến Mỹ thì sẽ dễ dàng cảm được những nội tâm của nhân vật. Trong cuộc nội chiến đó, anh hạ sĩ John McBurney đại diện cho những tên lính Yankee – phe đối đầu với lính miền Nam bị thương và được cứu mạng bởi những người phụ nữ trong một trường học nữ sinh ở Virginia.

Nếu đã đọc tác phẩm Cuốn Theo Chiều Gió, trong quan niệm của những người phụ nữ miền Nam nước Mỹ thời nội chiến, lính Yankee còn “mọi rợ” hơn cả những người nô lệ da đen. Mang danh nghĩa giải phóng nô lệ, nhưng khi miền Bắc ngày càng thắng thế, những người lính Yankee giở trò cướp bóc tài sản, gia súc và thậm chí là hãm hiếp phụ nữ. Chính vì thế, hầu hết người phụ nữ miền Nam đều có thái độ chống đối lẫn khinh miệt người lính Yankee nên sự ngờ vực của những cô trò trong ngôi trường ấy phút ban đầu là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thế nhưng, những phản ứng đó dần bị đẩy lùi bởi những ham muốn sự hiện diện của một người đàn ông. Khi lửa tình bị đè nén quá lâu, nó sẽ càng bùng nổ mãnh liệt hơn chỉ với một que diêm.

Ở đây, chúng ta có thể thấy rõ sự kỹ lưỡng trong từng chi tiết một của đạo diễn khi cố gắng tái hiện và miêu tả lại cuộc sống của những tiểu thư miền nam nước Mỹ năm 1863. Rất nhiền đoạn phim được cắt cảnh và quay tập trung một cách cố ý từng chi tiết nhỏ nhặt, từ cách nấu ăn, lấy nước đến mặc đồ, thắt tóc hay những cái nhún chân khi chào. Tất cả mọi thứ đều như đưa khán giả hoàn toàn chìm đắm trong không gian bộ phim.

Toàn bộ không khí, màu sắc của bộ phim đều rất âm u và có phần nào buồn bã. Dù là những bữa cầu nguyện hay những bữa tiệc, tất cả đều diễn ra trong cảnh tù mù của những ngọn nến. Dù là trời sáng thì màu phim cũng phủ lên tông lạnh. Mọi thứ đều như phản ánh nỗi lòng u uất trong những con người nơi đây.

Đây cũng là cái tài tình của đạo diễn Sofia Coppola khi cô vốn không phải là người đầu tiên làm bộ phim này. Những Kẻ Khát Tình năm 2017 làm lại từ một phiên bản cổ điển vào năm 1971. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt đáng kể, đó là góc nhìn nhân vật đã được chuyển từ người lính bị thương (đàn ông) sang những cô gái (phụ nữ) ở trong ngôi trường. Việc đổi góc nhìn này khiến bộ phim trở nên nữ tính và kín đáo, sâu sắc hơn. Các nhân vật giờ đây như bị mắc kẹt trong chính số phận của mình chứ không còn là những “người” bị khao khát tình dục của phần “con” lấn át.

Và cũng từ góc nhìn đầy nữ tính đó, cùng với những tiếng pháo nổ của cuộc nội chiến xa xôi vọng lại, cuộc chiến âm thầm của cả những người phụ nữ lẫn gã đàn ông nhằm giành giật nhau bắt đầu. Với người đàn ông, gã ngay từ đầu tỏ ra là một con bạc muốn thắng tất cả mà không phải trả lại bất kỳ điều gì. Gã làm mọi thứ để có một cuộc sống dễ dàng. Từ việc nhận 300 đô la để làm lính đánh thuê (trước đó, quốc hội miền Bắc nước Mỹ cho phép công dân nam từ 20 đến 40 tuổi có thể miễn đi lính nếu đóng phạt 300 đô hoặc có người đi thay) cho đến dùng lời ngon, ý ngọt và thậm chí cả bất chấp chân mình chưa hồi phục, lao xuống phụ làm vườn nhằm làm vui lòng những phụ nữ ở đây và để được ở lại nhằm tiếp tục được hưởng lạc thú của nơi này. Còn với những người phụ nữ, có một câu thoại trong phim diễn tả chính xác tình huống này: “Không gì có gì nguy hiểm hơn một người phụ nữ run rẩy đang cầm một khẩu súng”.

Từ những bộ trang phục cũ kỹ
Từ những bộ trang phục cũ kỹ

Một chi tiết vừa thú vị vừa tinh tế đó chính là trang phục của những người phụ nữ được thay đổi theo diễn biến tình cảm, mà đặc biệt là của ba người phụ nữ chính: cô hiệu trưởng cứng rắn Martha (Nicole Kidman), cô giáo Edwina (Kirsten Dunst) luôn khao khát tự do và cô học trò Alicia (Elle Fanning) đang trong độ tuổi mà tình yêu chớm nở. Trang phục ban đầu của các cô đều mang màu sắc cũ kỹ vì phải lao động nặng nhọc và hơn hết, trong thời chiến mặc đẹp để ai ngắm? Sự xuất hiện của anh chàng hạ sĩ kia như thổi bùng vào những nhu cầu đang bị đè nén của người phụ nữ. Từng cái trâm cài áo cầu kỳ được điểm xuyến khéo léo trên bộ trang phục với màu sắc tươi sáng hơn, đại diện cho những tâm hồn đang yêu, corset được thít chặt hơn. Mái tóc được buộc qua loa ngày nào dần được tết một cách cầu kỳ hơn, một vài lọn tóc buông lơi xuống hõm cổ dường như để nhấn nhá, thu hút thêm sự chú ý của phái nam. Những bộ đầm ngủ ren trắng nằm trong bọc nay được lấy ra nhằm tôn lên vẻ quyến rũ của các cô. Và đỉnh điểm của trang phục được thể hiện trong hai buổi ăn tối với anh chàng McBurney.

Đến xa hoa lộng lẫy
Đến xa hoa lộng lẫy

Trong bữa ăn đầu tiên nhằm thể hiện thiện chí, cô hiệu trưởng Edwina mặc bộ váy trắng điểm xuyến những bông hoa nhỏ một cách tinh tế, cổ áo chỉ trễ quá xương đòn, hoàn toàn phù hợp với một người phụ nữ đang vào tuổi trung tuần và sắc sảo. Cô học trò Alicia mặc bộ váy hồng phấn kiêu kỳ vừa thể hiện đúng tuổi của cô nàng vừa cho thấy một sự lả lơi tinh tế. Không kín đáo như các cô gái khác, Edwina mặc một chiếc váy xanh sáng trễ vai và khoét ngực tinh tế như một cô công chúa thành thị chốn hoang vu. Ở Edwina có một sự mời gọi táo bạo mà cánh đàn ông không thể cưỡng lại. Các bé gái còn lại mặc những bộ váy hợp tuổi nhưng không kém phần lộng lẫy để chào mừng vị khách lạ mặt. Đến bữa ăn cuối cùng dành cho chàng hạ sỹ McBurney, trang phục của các cô gái vẫn lộng lẫy nhưng kết hợp cùng mái tóc và thần thái, nó nhuốm màu tang thương hơn là rạo rực như phút ban đầu.

Và nhuốm màu tang thương
Và nhuốm màu tang thương

Có ý kiến cho rằng cách đầu độc người lính quá đơn giản thay vì đánh trả lại vì họ vẫn đông hơn và áp đảo một tên lính cụt chân, nhưng chi tiết này hoàn toàn hợp lý. Trong bối cảnh đó, những người phụ nữ thường phụ thuộc và khuất phục trước cánh đàn ông, cả đời họ chỉ làm những công việc nhẹ nhàng, làm đẹp và vui chơi thì làm sao có thể chống trả lại. Đặc biệt là với những cô gái thượng lưu, họ luôn có những người nô lệ trung thành bảo vệ thì càng yếu đuối, mong manh. Hơn nữa, anh này là một chàng lính và lại là lính Yankee – phe phái mà họ vốn khiếp sợ khi nghe đến tên. Cách đầu độc tuy có phần nhẹ nhàng nhưng thể hiện sự sắc sảo và trả thù vô cùng ngọt ngào của các cô gái.

Có thể nói Những Kẻ Khát Tình là một bộ phim stylish art-house (phim nghệ thuật giàu phong cách) không hướng đến đại chúng mà mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả, khá cầu kỳ nhưng tạo dựng được không khí độc đáo, một hương vị gì đó rất mới lạ và thú vị, khác biệt hoàn toàn so với những bộ phim khác được chiếu gần đây và đem lại cho người xem nhiều suy ngẫm sâu sắc cũng như sự hứng khởi sau khi rời khỏi rạp.

Thành viên: Gia Thịnh và VLynd