[REVIEW] Ông Bạn Găng-Tơ
Đánh giá phim · Maii ·
Ông Bạn Găng-Tơ không phải là bộ phim đến mức thảm họa, nhưng thiếu cảm xúc và chiều sâu.
Ông Bạn Găng-Tơ (Man of Men) – Bộ phim đến từ Hàn Quốc được remake từ The Intouchables nổi tiếng của Pháp vốn từng được chuyển thể thành phiên bản Mỹ với cái tên The Upside (Trợ Lý Hết Ý). Thế nhưng, cho dù là The Upside hay Ông Bạn Găng-Tơ thì đáng tiếc, cũng chẳng thể truyền tải được cái hồn và cảm xúc của The Intouchables, bộ phim có khả năng làm người ta rung động ngay từ trailer.
Ông Bạn Găng-Tơ là câu chuyện về tay giang hồ khoe mẽ Young-Ki, ước mơ có cuộc sống ăn sung mặc sướng, thường xuyên chơi vé số trực tuyến và bày trò biển thủ tiền của công ty để mua cổ phiếu. Trong một lần quậy phá, anh ta bị bắt và bị phạt lao động công ích với nhiệm vụ chăm sóc cho Jang-Soo, một vị luật sư nổi tiếng và giàu có, nay bị liệt toàn thân và sắp chết sau cơn bạo bệnh.
The Intouchables là câu chuyện dựa trên sự kiện có thật, nhưng phiên bản của Pháp đơn giản và rất giàu cảm xúc, nhẹ nhàng. Câu chuyện này sang mỗi quốc gia lại được biến tấu một chút cho hợp với phong cách của quốc gia đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự biến tấu này cũng thành công hoặc cũng phù hợp với câu chuyện. Cả The Upside và Ông Bạn Găng-Tơ đều không làm được điều này và Ông Bạn Găng-Tơ, có thể nói là phiên bản tệ nhất trong cả 3 phiên bản.
Nếu phiên bản Mỹ tìm cách đổi mới theo chính phong cách Mỹ cùng kiểu hài hước hơi bị cường điệu hóa và nhiều kịch tính, thì bản Hàn Ông Bạn Găng-Tơ biến bộ phim tâm lý đầy cảm xúc này trở thành phiên bản lộn xộn, rối rắm và khô khan. Có lẽ ước mong biến The Intouchables trở thành bộ phim đậm màu sắc Hàn Quốc nhưng không chắc tay trong việc xây dựng đã khiến Ông Bạn Găng-Tơ trở thành phim remake hoàn toàn không cần thiết và đáng quên.
Thay vì tập trung chủ yếu vào tình bạn giữa Young-Ki và Jang-Soo, vốn là linh hồn và cảm xúc của bộ phim, Ông Bạn Găng-Tơ dành quá nhiều thời gian để xây dựng backstory giang hồ của Young-Ki với phong cách xã hội đen cường điệu trong các phim Hàn Quốc tầm trung. Người xem thắc mắc không hiểu rốt cuộc là đang xem phim tội phạm hay đang xem phim tâm lý, hài. Thời lượng gần 1/3 phim trôi qua nhưng Ông Bạn Găng-Tơ có vẻ vẫn chưa… vào đề và còn đang loay hoay tạo dựng tình huống để 2 nhân vật chính gặp nhau. Phim không có vẻ gì là cố gắng tập trung vào Ki-Young và Jang-Soo mà đẩy yếu tố tội phạm lên nhiều hơn nhằm tạo nét khác biệt so với hai phiên bản trước. Chính vì thế mà phim thiếu cảm xúc và không khiến khán giả kết nối được với bộ phim, cũng không làm người ta đồng cảm hơn được với Young-Ki là bao.
Tình bạn giữa 2 nhân vật chính được thể hiện quá nhạt nhòa, chủ yếu gói gọn trong vài ba hành vi nổi loạn và những câu thoại được làm cho có vẻ cảm động, triết lý. Với câu chuyện cần xoay quanh con người, Ông Bạn Găng-Tơ lại không cho khán giả thấy được sự thay đổi của các nhân vật trong câu chuyện như thế nào, họ đã vượt qua hoàn cảnh và sự tuyệt vọng ra sao. Các tình huống của phim nhằm dẫn đến sự phát triển đó được xây dựng hời hợt và không đủ sức thuyết phục khán giả.
Các tình huống vui nhộn của phim được xây dựng gượng gạo, không mang đến cảm giác vui vẻ gì mấy mà chỉ cho thấy bộ phim đang vật lộn giữa 2 hướng đi hoặc nghiêm túc, giang hồ hoặc cảm động, hài hước. Sự kết hợp giữa Choi Jin-Woong (vai Young-Ki) và Sol Kyung-Gu (vai Jang-Soo) vắng chiều sâu, chẳng thể nhận ra sự thay đổi nào đáng kể và nổi bật giữa 2 người từ khi chưa là bạn cho đến khi là bạn. Phim lại còn lắm nhân vật phụ không cần thiết như ông trùm mà Young-Ki đã đi theo 20 năm trời (chủ tịch một tập đoàn nhà nước gì đấy không phải là găng-tơ nhưng hành động lại như găng-tơ?!), anh bạn thân của Young-Ki hay cô trợ lý của Jang-Soo (xuất hiện để nói vài ba câu cho qua thời gian). Chẳng hiểu họ đóng vai trò gì trong mối quan hệ giữa Ki-Young và Jang-Soo, vốn nên là trung tâm của câu chuyện?
Sự kỳ diệu nảy nở từ tình bạn kỳ lạ của họ, sự tuyệt vọng, cảm giác tiêu cực đang đè nén dần được giải tỏa nhờ có sự hiện diện của người còn lại không được thể hiện hết. Ông Bạn Găng-Tơ khô khan đến dễ quên, làng nhàng trong dẫn dắt và rối rắm trong tình tiết, mạch phim. Không có kịch tính mà cũng không đủ cảm xúc, giữa một bộ phim được người ta nhớ đến vì quá dở, và một bộ phim chẳng thể khơi gợi lại trí nhớ của người xem vì không hay cũng không tồi, chẳng hiểu trường hợp nào mới tồi tệ hơn nữa.
Ông Bạn Găng-Tơ hẳn không phải là bộ phim thích hợp với các khán giả muốn dành hầu bao cho một bộ phim đáng tiền hơn. Dài dòng và lộn xộn là tất cả những gì người xem có thể nhớ được. Một bộ phim không đến mức thảm họa, nhưng nhạt nhòa đến mức mà có lẽ sau này khi nhắc lại, chưa chắc có ai đã nhớ ra đây là bộ phim nào.