[REVIEW] Project Power (Netflix) - Ý tưởng hay, triển khai chán
Đánh giá phim · Maii ·
Tôi đã mong đợi nhiều hơn ở Project Power (Dự Án Siêu Năng Lực).
Kéo xuống để xem tiếp
Trailer hấp dẫn, lại còn có sự tham gia của Jamie Foxx và Joseph Gordon-Levitt, Project Power những tưởng sẽ là một tác phẩm hành động xứng tầm mong đợi của khán giả, nhưng đáng tiếc, hướng đi quá an toàn của các nhà làm phim đã phá hỏng một dự án đầy tiềm năng.
Hãy tưởng tượng nếu có một viên thuốc cho bạn siêu sức mạnh trong vòng 5 phút. Hoặc được tàng hình, hoặc có sức khoẻ phi thường, chống đạn, bất tử, hay là bạn sẽ nổ tung trong chớp mắt, bị đông cứng đến chết... bạn sẽ chẳng biết được cho đến khi nuốt thử viên thuốc nhỏ bé diệu kỳ kia. Thế nhưng, loại thuốc này cũng là thứ đẩy thành phố đi vào hỗn loạn. Cùng lúc đó, một người đàn ông tự xưng là Thiếu tá (The Major) đang lục tung cả thành phố lên để tìm kiếm thứ gì đó... hay nói đúng hơn là ai đó.
Lấy bối cảnh tại New Orleans, nơi có nền văn hoá Mỹ - Phi phát triển, Project Power có tiềm năng ngay từ khâu ý tưởng, dồi dào hướng đi và có rất nhiều thứ để khai thác, từ câu chuyện về tranh chấp quyền lực, khám phá khả năng vô hạn của con người, đạo đức, chủng tộc, đói nghèo, sức khoẻ… Nhưng có lẽ $85 triệu là con số quá ít ỏi đối với một dự án đòi hỏi kỹ xảo đẹp, hành động chất và cốt truyện có chiều sâu, vì thế mà các nhà làm phim đã chọn hướng đi an toàn, biến Project Power trở thành một phim hành động nhàm chán, thiếu hấp dẫn và điểm nhấn.
Nhân vật chính trong phim là Art do Jamie Foxx thủ vai, một người có mối tư thù với đường dây buôn bán thuốc, đang tìm cách giải cứu con gái bị bà trùm/ông trùm/đám người bán thuốc (thực sự chẳng biết ai mới là phản diện chính vì ai cũng nhạt như nhau) bắt cóc. Art vô tình hợp tác được với Robin (Dominique Fishback), một cô nhóc mê rap đang bán thuốc trên phố kiếm tiền cho mẹ chữa bệnh, để đi tìm đầu mối đầu tiên đưa anh đến với con gái là Biggie (Rodrigo Santoro).
Một người đàn ông mất con gái, một cô bé mất cha, hai người “đồng bệnh tương liên" mà giúp đỡ nhau, thêm vào đó là có sự trợ giúp từ anh chàng cảnh sát Frank (Gordon-Levitt) với lòng mong muốn quyết tâm quét sạch tội phạm khỏi thành phố mà anh ta yêu quý, một tam giác mối quan hệ nhàm chán và đã quá tầm thường trong phim. Không có mâu thuẫn, không có giằng xé, thiếu sự gần gũi, cả Art, Frank và Robin đều chật vật trong việc kết nối với khán giả.
Không chỉ các nhân vật chính được xây dựng kém cỏi, cả phản diện và các nhân vật phụ cũng không thoát khỏi số phận bi kịch, bắt đầu từ khoảnh khắc Biggie nuốt viên thuốc, hoá thân hoành tráng như Hulk trong phim Marvel. Người xem đang hồi hộp chuẩn bị chứng kiến một màn đánh đấm ra trò để Biggie xứng danh phản diện được nhắc đến nhiều nhất cả phim. Tuy vậy, sự mong đợi ấy đã hoá thành thất vọng khi hắn ta nhanh chóng bị bộ đôi nam chính - nam phụ cho nổ banh xác, chưa kịp để lại ấn tượng gì cho khán giả. Hồi 3 của phim đưa đến một phản diện nữ mờ nhạt khác do Amy Landecker thủ vai mà người ta chẳng thể nhớ nổi tên để làm “trùm cuối” điển hình của một phim hành động hạng B, chỉ biết trừng mắt và ra lệnh.
Quá nhiều điểm bất hợp lý trong cốt truyện, kỹ xảo thiếu bắt mắt và không thiếu những khoảnh khắc làm người xem á khẩu vì lời thoại không thể “củ chuối” hơn; ý tưởng của Project Power đã vượt quá tầm với của ê-kíp làm phim.
Nếu phải chọn giữa 6 Underground và Project Power ở mảng hành động, tôi sẵn sàng chọn 6 Underground dù cốt truyện rác rưởi của nó như đang tát vào mặt người xem. Nhưng ít nhất, mảng hành động của 6 Underground còn mang cảm giác giải trí và thoả mãn. Kiểu quay rung lắc, chộp giật, chớp nhoáng, tối mù mù của Project Power khiến mọi sự hào hứng với điểm sáng nhất của phim cũng lụi tàn khi cốt truyện càng lúc càng đi đến cao trào. Foxx và cả Gordon-Levitt đều xứng đáng góp mặt trong một bộ phim hay hơn nhiều so với những gì người xem chứng kiến trên Netflix.
Không có twist, cách dẫn dắt thiếu hấp dẫn, thiếu kịch tính, phản diện nhạt nhoà, một bộ phim hoàn toàn không mang đến cảm giác điện ảnh mà chỉ khiến người ta thở dài ngao ngán.