[REVIEW] Sắc Đẹp Dối Trá

Đánh giá phim · Maii ·

Sắc Đẹp Dối Trá chưa thể bật lên được hàng ngũ những bộ phim Việt gây ấn tượng cho khán giả.

Kéo xuống để xem tiếp

Sắc Đẹp Dối Trá của đạo diễn Kay Nguyễn tiếp tục là một bộ phim mang tính trung bình khác điện ảnh Việt và khó bật lên được hàng ngũ những bộ phim đáng nhớ.

Sắc Đẹp Dối Trá là câu chuyện về anh chàng Hang Dương (Hương Giang), một diễn viên đóng thế có ước mơ được làm phụ nữ. Một ngày kia, ước mơ của anh có cơ hội được trở thành sự thật khi anh chứng kiến một vụ giết người và phải thay đổi nhân dạng để bảo toàn mạng sống.

Không phải là một ý tưởng tồi, nhưng đây cũng không phải là một ý tưởng xuất sắc, thêm vào đó là cách thể hiện có nhiều vấn đề khiến Sắc Đẹp Dối Trá chỉ dừng ở mức một bộ phim trung bình, không hay, nhưng cũng không đến nỗi thảm họa, một bộ phim coi được bình thường và dễ lãng quên. Và nếu chẳng thể nằm ở mức khá trở lên thì Sắc Đẹp Dối Trá cũng sẽ chỉ là một trong hàng chục bộ phim Việt Nam từ mức 5 điểm trở xuống.

Có phần kịch bản nhìn chung được chăm chút về cấu trúc và mặt kỹ thuật, Sắc Đẹp Dối Trá mang đến cảm giác tròn trịa, dù sự tròn trịa của nó đầy những lỗ hổng về logic, tiểu tiết và các tình tiết minh họa sáo mòn khác.

Mở đầu bằng một đoạn giới thiệu nhanh hoàn cảnh các nhân vật, đồng thời là mục tiêu và động cơ thúc đẩy nhân vật Dương đi đến việc chuyển giới, Sắc Đẹp Dối Trá nhanh chóng vào đề và xác lập tông phim, người xem hi vọng đây sẽ là một cuộc rượt đuổi đầy thú vị và gay cấn, nhưng dường như có gì đó hơi… sai sai khi sau đó, người xem nhận ra phim nghiêng sang thể loại tình cảm, lãng mạn nhiều hơn.

Bộ phim không đến nỗi quá chán vì cách dẫn dắt khá ổn, nhưng cũng khiến người ta buồn cười vì… quá nhiều sạn. Phim nửa nghiêm túc, nửa cường điệu nhằm mang đến tiếng cười hài hước cho khán giả, có điều cố gắng này của nhà làm phim có vẻ… hơi nhạt. Ngoại trừ một vài khoảnh khắc dí dỏm của Phát La hay Puka vớt vát lại được cho bộ phim, còn lại thì Sắc Đẹp Dối Trá chết chìm trong sự thiếu muối của chính nó.

Chưa kể bối cảnh nhân vật rất có vấn đề. Nhân vật đứng trong ngôi nhà của chính mình mà nhìn tổng thể chẳng ăn nhập gì nhau. Kết thúc của bộ phim không giải đáp nhiều câu hỏi cho khán giả mà còn đặt ra nhiều câu hỏi không có câu trả lời hơn. Chưa kể phim có nhiều cảnh phim khó hiểu và các nhân vật trông có vẻ… “nguy hiểm” một cách thừa thãi, chẳng hạn như MC của chương trình Hoa hậu Mẹ Trái Đất có gương mặt và thái độ lúc nào nhìn cũng giống mới mất sổ gạo. Các nhân vật đánh nhau mà đoàn làm phim cũng không dám make-up hóa trang sao cho hợp lý. Phim cũng chưa thoát được cảnh “kinh điển” của phim Việt Nam: nhân vật thoại trên sân khấu và cảm hóa đám đông bằng một câu chuyện sướt mướt.

Hương Giang trong vai nhân vật Hang Dương (một sự chơi chữ hơi lỗi của biên kịch) và cũng là lần đầu cô bước lên màn bạc nên nếu nói với cái nhìn thoải mái nhất thì màn thể hiện của cô xem như tạm ổn. Một phần cũng bởi đây là nhân vật gần như được đo ni đóng giày cho cho Hương Giang nên cô cũng không cần phải gồng quá nhiều. Tuy vậy, Hương Giang vẫn còn cần cố gắng nhiều do các biểu cảm chưa đa dạng và vẫn còn gượng ép ở nhiều cảnh. Điểm sáng của phim nằm ở câu chuyện gia đình giữa Hang Dương và cha mẹ cô, đủ thể hiện một vài giây phút cảm động.

Phát La và Puka là hai điểm sáng khác vớt vát lại sự hài hước cho cốt truyện của phim, tạo ra nhiều sự kết nối với khán giả. Anh chàng soái ca nhạt nhòa do Tuấn Trần thể hiện không tạo được nhiều dấu ấn ngoài trừ việc được xây dựng là người mà Hang Dương có mơ cũng không dám mơ với được tới. 

Thể hiện kém nhất hẳn phải là Karen Nguyễn và nam diễn viên trong vai sát thủ Thiện với gương mặt trông như “lạy ông tôi ở bụi này” cùng loạt biểu cảm quá cố. Phản diện phim trông vớ vẩn và việc chèn thể loại hành động  vào cốt truyện phụ cho thấy cách giải quyết vấn đề theo hướng quá dễ dàng của Sắc Đẹp Dối Trá. 

Tổng thể, Sắc Đẹp Dối Trá thuộc hạng trung bình kém, khó có thể nhận được sự ủng hộ chân thành của những khán giả luôn tin tưởng vào điện ảnh Việt Nam.