[REVIEW] Tam Sinh Tam Thế - 10 điểm cho diễn viên, âm điểm cho kịch bản

Đánh giá phim · Moveek ·

Vậy là cuối cùng sau bao sóng gió, Tam Sinh Tam Thế cũng được công chiếu ở Việt Nam, sau bao mong ngóng của các fan ngôn tình, fan Tam Sinh và fan của Tam Sinh bản truyền hình.

Vậy là cuối cùng sau bao sóng gió, Tam Sinh Tam Thế cũng được công chiếu ở Việt Nam, sau bao mong ngóng của các fan ngôn tình, fan Tam Sinh và fan của Tam Sinh bản truyền hình.

Khi xem phiên bản điện ảnh, tôi đã tự nhủ rằng đừng nên so sánh với bản truyền hình nhưng dường như đâu đó trong não bộ hiện lên hình ảnh Dạ Hoa thâm trầm của Triệu Hựu Đình và gương mặt soái ca của Dương Dương.  Một Triệu Hựu Đình già dặn trầm ổn, thể hiện tình yêu thầm lặng đau đớn với Bạch Thiển, một Triệu Hựu Đình bị giằng xé giữa tình yêu và sự áp đặt của gia đình, một ông bố chăm lo cho con sốt sắng đêm ngày, dường như anh đã phủ ánh hào quang của mình lên Dạ Hoa quá nhiều, nên khi Dương Dương thể hiện một phiên bản khác hoàn toàn, nên khán giả cũng chia làm hai phe, chấp nhận sự sáng tạo này, hoặc khó chấp nhận.

Dạ Hoa của Dương Dương là một cậu bé ngô nghê ngốc nghếch trong tình yêu. Thái độ cợt nhã khi lần đầu gặp Bạch Thiển không khiến người xem chối mắt khó chịu, mà ngược lại phải thốt lên, ôi đây mới chính là phân cảnh Dạ Hoa gặp Bạch Thiển (chính thức) lần đầu trong tưởng tượng. Sự trẻ trung, lưu manh của Dạ Hoa, bộ dáng si mê ngốc nghếch hớn hở lẽo đẽo bám dính lấy người trong mộng đã được Dương Dương diễn tròn đầy đều đặn. Tôi như thấy một cậu chàng cấp 3 vì muốn lấy le với cô bạn gái mình thích mà phô bày tất cả mọi skill của mình, có ngốc nghếch, có ngây thơ. Bạch Thiển già dặn, dù sao cũng là “cô cô” nên đối với thằng nhóc Dạ Hoa chỉ nhìn bằng nữa con mắt, nhưng mà “bà già” này lại như tờ giấy trắng trong tình yêu, bị Dạ Hoa một phen đùa giỡn qua lại, ngọt ngào lại âm thầm lặng lẽ lan tỏa lúc nào không hay, cây vạn tuế ngàn năm không nở cuối cùng cũng ra hoa.

Cảnh Dạ Hoa ôm lấy Bạch Thiển, sau gáy nàng âm thầm rơi lệ, sau khi buông tay lập tức nghiêng đầu rời đi, góc quay nương theo ánh nhìn Bạch Thiển dõi theo hắn chỉ có thể thoáng thấy giọt lệ lấp lánh. Cảnh móc mắt, hắn không đành lòng, hắn đau, hắn quấn quít. Cảnh diễn tập đại hôn, gương mặt rạng rỡ, nụ cười mãn nguyện được nắm tay người yêu nhưng khi bị chất vấn, trong nháy mắt, ánh mắt nguội xuống, nụ cười biến mất, ánh mắt hốt hoảng, sợ mất đi, sợ bị hiểu lầm nhưng không có cách nào lý giải, có thể nói vừa uất ức, vừa phải kiềm chế… Tất cả những điều này đều khiến tôi kinh ngạc, bởi một diễn viên trẻ mà lại có thể biểu đạt được tình cảnh phức tạp đến như vậy, mà cậu diễn viên ấy lại hay bị chê diễn đơ ấy chứ.

Bạch Thiển của Lưu Diệc Phi đẹp, rạng rỡ và có độ tưng tửng của cô cô, “bá chủ” Thanh Khâu. Những phân đoạn khóc cười của Lưu Diệc Phi chỉ dừng ở mức tròn vai. Tôi chưa thấy được sự can đảm và thần thái của Tư Âm hay Thượng Thần Bạch Thiển ở Lưu Diệc Phi, nhưng có lẽ vì cô đẹp nên thôi bỏ qua vậy.

La Tấn dường như chính là lão phượng hoàng bước ra từ trong trang sách, lòe loẹt sặc sỡ, hay nói những câu triết lý khó hiểu, thái độ ngất ngư bất cần đời. Nhưng khi đại chiến, hình ảnh lão kinh diễm đến bất ngờ.

Riêng Kình Thương thì quá đáng tiếc, đẹp trai ngời ngời, phong độ chói sáng nhưng xuất hiện như lướt qua màn ảnh, chẳng để lại ấn tượng gì nhiều.

Còn một điểm không thể không khen chính là tạo hình. Vâng, chính là tạo hình của Dạ Hoa đấy ạ. Phiên bản truyền hình chỉ cho nhân vật mặc áo bào thuần một màu, đầu gài thêm cây trâm nạm đá quý, như vậy không soái không phát ra khí chất thần tiên chút nào. Đó có thể là chủ nghĩa tối giản là khiếu thẩm mỹ của người hiện đại, còn trong văn hóa truyền thống hầu như tất cả thời đại đều coi cao quý chính là “rườm rà”. Không tin thì nhìn mũ phượng của Hoàng hậu thời nào cũng dán đầy vân phiến, khảm đá quý to nhỏ, đồ trang sức phượng bay, kim long, lưu tô... Chẳng qua tôi nghĩ truyền hình muốn đơn giản hóa hình ảnh Dạ Hoa một chút để làm nổi bật khí chất của anh, lâu dần sẽ hình thành thói quen thẩm mỹ của người xem. Trong phim này quần áo và trang sức của Đế quân Thiên tộc đều rất tinh tế, tỉ mỉ, cao quý. Dạ Hoa được khoác những bộ trang phục chuẩn soái ca, dù vẫn lấy tông màu tối làm chủ đạo.

Là một người xem phim không khó tính nên nếu cho điểm, tôi sẽ chấm 10 điểm cho các diễn viên vì họ quá đẹp, diễn hay, trang phục đẹp, kỹ xảo cho 8 điểm, và âm vô cùng cho kịch bản. Dù dàn diễn viên có đẹp, diễn có hay, phục sức có lộng lẫy và đại cảnh có hoành tráng tới đâu mà kịch bản lại nát như tương thế này thì không sao chấp nhận nổi. Tình tiết thì lủng củng rời rạc, nếu bạn không đọc truyện không xem phiên bản truyền hình có lẽ sẽ giống cô ngồi cạnh tôi lúc ấy, ngơ ngác nai vàng chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. 

Thập Lý Đào Hoa đã dùng kiểu freestyle để kể về một cốt truyện nát bét thấu trời xanh. Đầu tiên, nó hoàn toàn không nghĩ đến cảm nhận của người qua đường đi xem. Tất cả nội dung phim đều là trực tiếp cắt vào, mọi người đều bỗng nhiên xuất hiện, sự biến hóa tình cảm nhân vật cùng động cơ hành vi không khớp vào bất kỳ tình tiết làm nền nào. Bỗng nhiên một người đến, làm chút gì đó, sau đó kéo bè kéo cánh đánh nhau, tiếp đến bỗng nhiên hai người họ hôn nhau, sau đó không biết làm sao lại phát kẹo cưới rồi. Excuse me? Phim này thực sự có mời biên kịch rồi đúng không? Muốn quay sử thi vui lòng đem cốt truyện cơ bản làm tốt trước tiên đã, đừng để khán giả là người qua đường chẳng hiểu mô tê gì. Ngay cả tôi, một người tự nhận là fan đáng tin cũng trực tiếp ném đá nó, lần đầu tiên trong đời kích động muốn treo biên kịch lên đánh. Không chỉ sửa hoàn toàn (mà còn) chẳng liền mạch chút nào. Cái kết ch* m* này thực không có trách nhiệm mà!

Tốn nhiều thời gian như vậy đi bàn về Thập Lý Đào Hoa, tôi không phải muốn để cho mọi người đi kiểm chứng xem nó rốt cuộc có bao nhiêu thần kỳ, mà là hy vọng mỗi người có thể đưa ra ý kiến bản thân, biết đâu review này không đúng.

Thành viên: Vịt