[REVIEW] Ván Cờ Sinh Tử

Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·

Ván Cờ Sinh Tử chưa thực sự thỏa mãn được khán giả trong nội dung.

Ván Cờ Sinh Tử (The Divine Move 2: The Wrathful) có thể gọi là một phim xã hội đen thuần túy mà trong đó môn cờ vây chỉ là một cái cớ khá lố bịch cho những trò trả thù, tranh chấp và thù hận. Lòe loẹt, vô lý, trống rỗng, phóng đại, nhân vật một chiều, kịch bản nghèo nàn là những gì tôi có thể mô tả về phim này.

Quỷ thủ Gwi-soo (Kwon Sang Woo)
Quỷ thủ Gwi-soo (Kwon Sang Woo)

Cậu bé mồ côi có tài năng thiên bẩm chơi cờ vây nhưng cuộc đời rơi vào bi kịch khi người chị duy nhất bị người được mệnh danh là đệ nhất kỳ thủ hãm hại. Mang trongg mình lòng thù hận ngút ngàn, Gwi-soo lang bạt đến Seoul và được một tên cờ bạc chuyên nghiệp Hur Il-do (Kim Sung-kyun) nhận nuôi và rèn luyện kỹ năng chơi cờ. Hur muốn dùng Gwi-soo làm công cụ để kiếm tiền, trả thù những kẻ đã hại đời mình nhưng kết cục của trả thù cuối cùng là cái chết. Gwi-soo trở về ngôi đền cũ, bắt đầu quá trình rèn luyện gian khổ để chờ một ngày báo mối thù cho chị và người thầy của mình.

Thầy dạy cờ Heoo II-Do (Kim Sung-Kyun)
Thầy dạy cờ Heoo II-Do (Kim Sung-Kyun)

Nội dung câu chuyện khá lý thú nếu đạo diễn Lee Khan không chăm chăm nói về hận thù và trả thù mà đưa vào đó chiều sâu tâm lý cho các nhân vật. Liệu có lối thoát cho hận thù hay không và sau tất cả Gwi-soo có tìm lại được bình yên khi mối thù đã báo? Có rất nhiều hướng đi để bộ phim không trở nên một chiều, dễ đoán và quá “xôi thịt” như thế. Đây là phần tiền truyện của bộ phim The Divine Move ra mắt năm 2014, phần hai trở về quá khứ để đào sâu cuộc đời của tay kỳ thủ trứ danh Quỷ-thủ Gwi-soo. Vì là phần tiền truyện nên khán giả không cần xem trước phần 1 cũng có thể nắm bắt được nội dung. Tuy nhiên chỉ một điều câu chuyện này làm người xem hoang mang là … cờ vây. Có thể thay thế cờ vây bằng bất cứ trò cờ bạc nào khác hay thậm chí là bỏ luôn nó ra khỏi câu chuyện thì dường như cũng chả ảnh hưởng gì, đây là thất bại nặng nề nhất là với một bộ phim lấy cảm hứng từ môn cờ cổ xưa và kỳ thú này.

Ddong (Kim Hee-Won)
Ddong (Kim Hee-Won)

Về phần diễn xuất và cách xây dựng nhân vật trong phim cũng rất đáng phải bàn. Trong khi tìm cách “giật gân hóa” xuất thân và cuộc đời của các nhân vật thì có vẻ biên kịch – đạo diễn đã quên đi cốt lỗi của điện ảnh là diễn xuất. Không thể dùng vài dòng miêu tả hay mấy câu thoại ngắn cũn vô thưởng vô phạt là có thể phác họa được cá tính nhân vật. Diễn biến nội tâm cùng tính cách nhân vật đặc biệt nhàm chán, đôi chỗ có thể gọi là vô lý. Hầu như không có sự thay đổi mà tính cách của nhân vật đã ấn định từ khi nó bắt đầu, ai tốt xấu gì cũng một màu cả, thậm chí những bước ngoặc làm thay đổi nhân vật cũng không thể thuyết phục người xem.

Cỏ Busan (Heo Sung Tae)
Cỏ Busan (Heo Sung Tae)

Kwon Sang Woo (Gwi-soo) dường như chỉ có một biểu cảm hầm hầm ít nói, khoe cơ bắp đánh đấm mà mất đi nét bí hiểm của một quái thủ cờ vây ở phần 1. Những nhân vật phản diện khác như Pháp sư (Won Hyun Joon), Bậc thầy cờ vây (Hwang Duk-yong), Cỏ Busan (Heo Sung Tae) và Kẻ cô độc (Woo Do Hwan) được miêu tả “nguy hiểm” có đầu óc nhưng những gì còn đọng lại sau cuộc đối đầu với nam chính là sự ngỡ ngàng đến khó hiểu vì sự ngây ngô và đơn giản đến không ngờ. Tính bất ngờ của chuyện phim thẳng tuột như một đường dây điện căng ngang trời, không có một cú lật nào đủ hấp dẫn và bí ẩn để khiến người xem hồi hộp, mọi thứ được sắp đặt và hầu như đoán được ngay kết quả từ khi nó bắt đầu.

Kẻ cô độc (Woo Do Hwan)
Kẻ cô độc (Woo Do Hwan)

Thật tình thì phim cũng có vài chỗ khá thu hút như mấy cảnh khoe thân của nam chính hay màn đánh nhau trong lò lửa nhưng chúng chỉ là những tiểu tiết thêm vào cho đủ da thịt chứ không thể làm thay phần cốt yếu mà câu chuyện nên nhắm tới: mối quan hệ giữa thù hận – sự bình yên của tâm hồn và vẻ đẹp của cờ vây. Đáng tiếc là phim có rất nhiều tiềm năng để phát triển bị bỏ qua, các nhà sản xuất đã chọn một hướng đi an toàn nếu không muốn nói là lười biếng. Có thể tạo hai tuyến chuyện song hành của Kẻ cô độc và Quỷ thủ, cả hai đều ám ảnh bởi thù hận nhưng mỗi người lại chọn cách báo thù khác nhau, việc đào sâu chúng có thể bật lên tính cách và tạo sợi dây liên kết đến đoạn đại-kết-cuộc khi Gwi-soo so tài cùng đệ-nhất-kỳ-thủ ở ván cờ sinh tử. Hoặc có thể khắc họa tinh hoa của cờ vây và con đường tìm đến nước cờ thần thánh, thiện – ác đối đầu để bàn cờ chân chính nhất được hiển bày. Có quá nhiều cơ hội nhưng hết lần này đến lần khác người viết mong đợi và lại thất vọng. Với nhiều phim chất lượng nhập từ Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam trong năm nay thì đây là một phim khá thất vọng.

Nếu mục tiêu đến rạp để xem Kwon Sang Woo cởi áo khoe sáu múi hay yêu thích thể loại xã hội đen bài bạc ăn tiền thì có thể tìm được chút thỏa mãn, còn muốn xem một tác phẩm hành động gây cấn có nội dung sâu sắc thì mọi người nên cân nhắc kỹ.