[Review] Vô Diện Sát Nhân
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · miduynph ·
Vô Diện Sát Nhân sẽ như một món ăn tinh thần mới mẻ trong dịp Lễ Quốc Khánh sắp tới, nhưng món ăn không quá chất lượng và việc được ghi nhận như một tác phẩm thật sự xuất sắc thì sẽ khó lòng đạt được.
Với hàng loạt cảnh quay truy đuổi gay cấn đến nghẹt thở trong trailer, Vô Diện Sát Nhân – bộ phim của đạo diễn Đinh Công Hiếu và được đồng sản xuất bởi Color Man cùng Hàm Trần đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến khán giả trong những khung ảnh đầu tiên. Là một tác phẩm hiếm hoi của điện ảnh Việt đi theo motif kinh dị giật gân, truy sát đẫm máu, bộ phim hứa hẹn sẽ đem đến cho thị trường một tác phẩm độc lạ, rất khác biệt so với những bộ phim kinh dị tâm linh “mỳ ăn liền” tràn ngập màn ảnh rộng suốt thời gian gần đây. Tuy nhiên, tầm nhìn khác biệt và câu chuyện nhiều tiềm năng của ekip lại được phát triển chưa tương xứng và còn nhiều khiếm khuyết.
Bộ phim xoay quanh nhân vật bác sĩ Phương Anh (Phương Anh Đào), một bác sĩ trẻ giàu tài năng. Sau những biến cố trong công việc và cuộc sống, cô gặp nhiều ác mộng và rơi vào trạng thái luôn bất an và mất ngủ. Cuộc sống lẫn lộn giữa thực – mộng của cô luôn đi kèm với nỗi ám ảnh về một tên sát nhân áo đen giấu mặt luôn truy đuổi cô. Sự ám ảnh đó ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ xung quanh Phương Anh, với người chồng Minh (Hiếu Nguyễn), hai đồng nghiệp thân thiết Thúy Vy (Oanh Kiều) và Đăng Khoa (Steven Nguyễn) hay người bạn của chồng nhưng luôn tương tư đến cô là Thái (Quách Ngọc Tuyên). Ngoài ra, còn có một số nhân vật khác ít nhiều có ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hoài nghi của Phương Anh như ông Trọng (Châu Thế Tâm), giám đốc bệnh viên (Hoàng Phúc) hay bác sĩ Quang Dũng (Ngọc Thuận). Phương Anh sẽ đối diện với tên sát nhân giấu mặt đó như thế nào, thật sự ai là người đang truy sát cô hay sâu xa hơn, đó chỉ là một nỗi sợ giấu kín trong tiềm thức đang vô cùng rối loạn của Phương Anh.
Câu chuyện nhìn chung là khá thú vị và đầy tham vọng, tuy nhiên việc cắt cảnh liên tục với những cảnh thừa thải dù chỉ vài giây, nhiều lời thoại gượng như đọc văn, đùa nhạt khiến trải nghiệm xem phim bị giảm khá nhiều. Phần hình ảnh và âm thanh thì có sự đầu tư chỉn chu, đẩy được cao trào của những đoạn truy sát lên cao, kết hợp với vài đoạn jump-scare tốt, mang được tinh thần của một tác phẩm Thirller – Slasher khá mới mẻ đối với điện ảnh Việt.
Diễn xuất của các diễn viên khá trọn vẹn, ai cũng có ít nhiều đất diễn và thể hiện được tính cách nhân vật. Phương Anh Đào thủ vai nữ chính và thật sự là nỗ lực của cô là rất đáng ghi nhận. “Ngọc nữ màn ảnh” thể hiện trọn vẹn cảm xúc của nhân vật với biểu cảm tâm lý thay đổi liên tục, các đoạn hành động của cô cũng rất tốt so với vẻ hiền diệu, nữ tính của bác sĩ Phương Anh.