Robot Hoang Dã - Ý nghĩa nào ẩn chứa sau những thước phim đẹp đẽ?
Ivy_Trat ·
Tại sao mọi người lại gọi bộ phim hoạt hình Robot Hoang Dã (The Wild Robot) là bộ phim hoạt hình hay nhất năm 2024 và thậm chí là hay nhất trong những thập kỷ gần đây?
Robot Hoang Dã (The Wild Robot) đã chinh phục khán giả bằng câu chuyện lắng đọng kết hợp với nền đồ họa rực rỡ. Với thông điệp cũ nhưng luôn âm vang ở bất kỳ thời đại nào, không còn nghi ngờ gì nữa, năm 2024 đã tìm được bộ phim hoạt hình hay nhất.
Song, bạn có biết dù là phim hoạt hình lấy cảm hứng từ tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, Robot Hoang Dã lại ẩn chứa những chi tiết, ý nghĩa tiềm ẩn mà tuổi trưởng thành mới thẩm thấu được.
1. Quy luật sinh tồn khắc nghiệt
Robot Hoang Dã khắc họa một robot thông minh mang tên Roz, thuộc mẫu người máy hiện đại nhất vào thời điểm đó, bị rơi khỏi con tàu vận chuyển rồi dạt vào một hòn đảo hoang sơ.
Vui vẻ là vậy, bộ phim thực chất đang khắc họa quy luật tự nhiên vô cùng khắc nghiệt. Thú săn mồi như cáo Fink sẽ thẳng tay ném một con cua sống vào vũng nước sôi rồi thưởng thức ngon lành. Một bà mẹ đông con như Pinktail luôn ý thức được không phải đứa con nào của cô cũng có thể sống sót đến tuổi trưởng thành.
Tất nhiên, Robot Hoang Dã không để khán giả chứng kiến những màn săn mồi đẫm máu như trong các thước phim tư liệu về thế giới động vật, mà thể hiện bằng các lời thoại chọc cười duyên dáng, hoặc nói giảm nói tránh. Như ông ngỗng già Longneck đã nhấn mạnh trong đàn ngỗng trên đảo, không ai nhỏ con như Brightbill cả.
Chú ngỗng mà chúng ta yêu quý thực tế là con yếu nhất đàn. Nếu Roz không vô tình ngã lên tổ của Brightbill và nhặt lại trứng của cậu, thì chú ngỗng yếu ớt này đã không thể tồn tại. Nếu cậu có nở ra cũng sẽ bị ngỗng mẹ bỏ mặc để tập trung cho anh chị em khỏe mạnh hơn.
Nghe thật tàn nhẫn, nhưng đó là tập tính của hầu hết các loài động vật nhằm đảm bảo chỉ những cá thể mạnh mẽ mới có thể tiếp tục sống trong thiên nhiên khắc nghiệt. Brightbill là chi tiết mãi nhắc nhở người xem về “sức sống nhân tạo” của cậu đã chống lại quy luật tự nhiên kẻ mạnh ăn kẻ yếu tồn tại trong và ngoài khung hình như thế nào.
2. Utopia hay hậu tận thế?
Các thành phố hiện đại, phi thuyền di chuyển siêu thanh và robot thông minh đảm nhận các công việc lao động vất vả, lương thực trồng trong nhà kính quanh năm, những chi tiết này có thể khiến khán giả tin rằng thế giới trong phim là Utopia mà chúng ta vẫn đang hướng đến. Nhưng nếu nhìn kỹ, bạn sẽ nhận ra điều thất thường.
Trong đó, loài người sống trong những “bong bóng” đô thị biệt lập đến mức phải trồng trọt lương thực trong các khu nhà kính. Bên ngoài ranh giới đô thị không hề có bất kỳ vết tích nào của loài người. Tại hòn đảo Roz trôi dạt vào, điều đầu tiên cô trải nghiệm chính là con sóng cao chót vót đập vào bờ.
Gần cuối, Roz phải chiến đấu với cơn bão tồi tệ nhất nơi đây chứng kiến để giải cứu các loài vật. Trong phân cảnh Brightbill di cư, đàn ngỗng đã bay qua cây cầu Golden Bridge trứ danh của San Francisco chìm trong biển đủ sâu để những chú cá voi xanh – loài thú có vú lớn nhất thế giới – bơi ngang qua dễ dàng.
Không mô tả thảm họa sóng thần cao núi Everest, không nhắc đến động đất nuốt chửng cả California, không cần cả những vòi rồng gào thét, Robot Hoang Dã đã khắc họa hết sức khéo léo một thế giới hậu tận thế. Cụ thể hơn là thế giới sau thảm họa khí hậu.
Chỉ có sự kiện nóng lên toàn cầu báo động mới khiến mặt nước biển dâng cao và các tảng băng hai cực tan chảy hết. Thay đổi khí hậu khắc nghiệt đã nhấn chìm các thành phố cạnh bờ biển khác như San Francisco. Điều đó đã chứng minh, loài người trong tương lai đã đẩy thế giới đến bờ vực thảm họa.
Tận thế tồi tệ đến mức các cư dân động vật trên hòn đảo không hề nhận ra vết tích con người. Những người còn lại phải thích nghi để tiếp tục sống trong Robot Hoang Dã. Dân số đã sụt giảm đến mức người máy như Roz được chế tạo không chỉ để hỗ trợ, mà còn để bổ sung vào lực lượng lao động thiếu hụt rõ ràng đến mức trầm trọng.
Tuy nhiên, bất chấp đã chịu đựng hậu quả của thảm họa môi trường, con người tương lai vẫn chưa thấu hiểu tầm quan trọng của thiên nhiên khi họ xua đuổi đàn ngỗng hoang dã trong nhà kính thay vì học cách sống hài hòa với môi trường tự nhiên.
Chi tiết này có lẽ chỉ có lứa khán giả trưởng thành mới nhận ra trong hàng loạt những bức tranh đồ họa đẹp đẽ, bởi lẽ họ là thế hệ lớn lên trong khủng hoảng khí hậu và môi trường. Đối với họ mà nói, bộ phim chắc chắn đã trở nên nặng nề hơn nhiều. Nhưng nó cũng mang lại cho phim một tầng ý nghĩa sâu sắc gần gũi hơn.
Robot Hoang Dã mô tả một tương lai sáng sủa và tiến bộ song song với thông điệp về môi trường và khí hậu được truyền tải bằng ngôn ngữ điện ảnh truyền cảm êm dịu, nhưng vẫn hiệu quả nhấn mạnh sự khủng khiếp của những gì sắp tới nếu chúng ta không hành động ngay hôm nay.
3. Hành trình Roz giành giật tự do
Robot Hoang Dã về cốt lõi là một câu chuyện về tình mẫu tử và gia đình vượt qua ranh giới giống loài, nhưng bộ phim còn ngụ ý về cuộc vật lộn cho tự do ở hành trình của người máy Roz. Ở cô, ý chí tự do luôn phải đối đầu với trật tự của những mã nguồn được lập trình sẵn.
Cũng giống như thông điệp về biến đổi khí hậu trong tương lai, hành trình tự giải phóng của Roz được đánh dấu bằng những hành động nhỏ nhưng lại giàu ý nghĩa. Mỗi một hành động đều dẫn Roz đi xa hơn và xa hơn khỏi chương trình ban đầu của cô, từng chút từng chút một biến Roz thành một thực thể suy nghĩ độc lập.
Bạn cần trí tưởng tượng và sáng tạo để nghĩ ra một cái tên. Trong khi đó, Roz hoàn toàn đánh giá hiệu quả của nhiệm vụ xây nơi trú ấn và hoàn toàn nhận thức được công sức của Brightbill 100% không cần thiết. Nhưng cô vẫn để chú ngỗng con tham gia và trân trọng sự giúp đỡ ấy.
Những hành động này mang tính biểu tượng lớn lao hơn bạn nghĩ. Chúng là cầu nối để Roz bộc lộ nhân tính theo cách ngay cả cô cũng sợ hãi. Trải nghiệm được sự bối rối, tổn thương, sợ hãi, khó chịu và tình yêu là lúc Roz chống lại được sự chi phối và tẩy não của Universal Dynamic như đoạn kết đã chứng minh.
4. Trở thành con người là như thế nào?
Xem Robot Hoang Dã, người xem tìm thấy sự đồng cảm ấm áp với tuyến truyện của Brightbill ở sức mạnh tiềm ẩn vượt qua nghịch cảnh, lòng dũng cảm và cả những khía cạnh dễ tổn thương. Song, nhìn vào một hướng khác, đây còn là một bộ phim về hành trình Roz trở thành "người".
Trở thành con người không phải là điều dễ dàng. Khi Roz chỉ là một cỗ máy thực hiện nhiệm vụ, cuộc sống của cô khá là nhẹ nhàng. Bất kỳ "vấn đề" nào mà cô gặp phải chỉ là vấn đề khi chúng ngăn cản việc hoàn thành một số nhiệm vụ nhất định và hoàn toàn có thể xử lý hiệu quả nhất.
Khi Roz bắt đầu biết yêu thương, mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Thương yêu Brightbill có nghĩa là Roz luôn có nguy cơ tổn thương nếu cậu ngỗng gặp bất trắc. Khi cô người máy nhận thức được gia đình mình thuộc về cũng là lúc cô phải chịu đựng sự cô đơn khi họ rời đi theo cách này hay cách khác.
Brightbill là hình mẫu truyền cảm hứng với lứa khán giả trẻ tuổi, nhưng chính Roz mới là hình mẫu kết nối mạnh mẽ với lứa tuổi trưởng thành. Vì ở lứa tuổi này, chúng ta hiểu thế nào là con người – biết yêu và khao khát tình yêu, bất chấp những nỗi đau đớn những mối quan hệ sâu sắc có thể đem lại.
5. Bạn có nhận ra một tính cách vô cùng đáng học hỏi ở Roz?
Ở cốt lõi, Robot Hoang Dã cũng là câu chuyện về ý nghĩa của việc tìm mục đích sống. Điều tạo nên sự khác biệt giữa đơn vị ROZZUM 7134 với Roz, đồng thời là điểm mà chúng ta có thể học hỏi từ Roz, chính là cách cô người máy này đấu tranh với câu hỏi “mục đích sống của tôi là gì?”.
Khi chỉ tuân theo các giao thức lập trình sẵn, Roz không hề đấu tranh với mục đích sống của mình, vì cô được thiết kế để thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào được giao. Một khi Roz đã tiến hóa, cô không cần phải làm bất kỳ nhiệm vụ nào nữa. Giờ đây, cô có thể lựa chọn tuân theo chỉ thị của bộ não người máy đưa ra hay không.
Sau một thời điểm nhất định, Roz không giúp Brightbill chỉ vì cần “được giao nhiệm vụ” để cống hiến, cô giúp chú ngỗng bơ vơ ấy vì cô thực sự muốn giúp nó và chọn cam kết mạnh mẽ với điều đó. Roz thậm chí còn rất thành thực về cách chú ngỗng và Roz rơi vào đời nhau.
Roz chấp nhận nuôi dưỡng và làm cha mẹ Brightbill để có một mục đích nào đó trên hòn đảo này, để trải qua những tháng ngày không lạc lối và tuyệt vọng. Khoảnh khắc đó, khoảnh khắc mà cô ấy chọn bám sát một mục đích tự bản thân mình đưa ra, dù trong hoàn cảnh hết sức tréo ngoe, là khoảnh khắc mà Roz đạt được chiều sâu tâm lý thực sự.
Đó chính là bản chất cuộc sống. Chúng ta tự mình tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống bản thân và cam kết nỗ lực hết mình để thực hiện chúng. Mục đích không phải là một chỉ thị hay công thức thế hệ được lập trình sẵn. Mục đích cuộc sống chính là thứ chúng ta liên tục sáng tạo ra.
Một công việc bạn luôn mong muốn, một chuyến đi đến nơi bạn khao khát thực hiện, cho đến mục đích vĩ mô như sống hạnh phúc, cuộc sống có ý nghĩa khi chúng ta tự cho nó ý nghĩa. Kể từ WALL-E, Roz là robot tiếp theo dạy chúng ta nhiều về bản chất của chính mình lắng đọng đến như vậy.
Robot Hoang Dã thoạt nhìn là một bộ phim vô cùng tươi sáng và tràn đầy hy vọng. Nơi mà các nhân vật đều mang đến một bài học đầy ý nghĩa gửi gắm đến khán giả.
Sự hồn nhiên và tính tích cực của bộ phim là điều không phải bàn cãi. Nhưng bên dưới sự tích cực ấy cũng hàm chứa những chi tiết mang sức dao động đặc biệt với tuổi trưởng thành. Điều đó làm bộ phim vô cùng hấp dẫn với mọi lứa tuổi.
Robot Hoang Dã (The Wild Robot) đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.