SÚT - Việt Max đã ghi bàn nhưng có đủ để giành chiến thắng chung cuộc?
Đánh giá phim · PhucDu ·
SÚT đã vô cùng thành công khi thể hiện tinh thần thể thao dân tộc rất đáng quý.
Không chỉ riêng bóng đá mà "thể thao" luôn là một đề tài không mấy phổ biến trong điện ảnh thế giới, nói chi đến điện ảnh Việt. Theo những gì còn nhớ được thì từ ấy (tức là cũng từ xa xưa lắm) đến nay, Việt Nam cũng chỉ có khoảng một, hai phim bóng đá. Trong đó, tôi chỉ mới xem được Sút Dzô, Sút Dzô với các cầu thủ nổi tiếng thời ấy tham gia. Đến bây giờ cũng độ chừng 16 năm, mới có một đạo diễn chịu khai thác đề tài khó nhằn này. Để đưa được không khí của những trận cầu vào phim cũng như khơi dậy sự cuồng nhiệt của những tín đồ sân cỏ, chắc chắn phải có một sự hiểu biết nhất định về bóng đá và điện ảnh, cộng với một sự đương đầu. Do đó, trước khi bàn đến kết quả chung cuộc trong trận đấu của đạo diễn Việt Max, thiết nghĩ khán giả nên cho anh một tràng pháo tay khích lệ trước đã.
Trước điện ảnh, Việt Max vốn đã là cái tên cộm cán trong làng hip hop. Thủ lĩnh của nhóm nhảy Bigsouth chính là người đã gầy dựng nên đế chế hip hop ở Sài Gòn. Trước khi theo con đường nhảy nhót thì Việt Max còn từng là một designer. Không rõ vì lý do gì mà năm 2015, Việt Max bất ngờ ra mắt một phim điện ảnh đầu tay - YÊU. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ Love of Siam của Thái Lan, khai thác đề tài đồng tính nữ cũng chính là một trong số ít những bộ phim Việt chất lượng năm ngoái. Đã thế, YÊU còn là một tác phẩm điện ảnh đầu tay và nhận được sự khích lệ vô cùng lớn từ giới chuyên môn lẫn khán giả. Chắc chắn ở YÊU vẫn còn rất nhiều sạn do sự lấn sân của một kẻ "ngoại đạo", nhưng xét về tổng thể thì Việt Max vẫn là một niềm hy vọng mới cho điện ảnh Việt. Năm nay, anh trở lại với bộ phim thứ hai là SÚT. Từ góc nhìn của một khán giả và của một người theo dõi thị trường phim Việt đương đại lâu dài, SÚT ngay từ đầu đã tạo ra được một sự an tâm vì chủ đề nam tính này hợp với những gì chúng ta biết về Việt Max hơn là một câu chuyện tình yêu.
SÚT có một cấu tứ vừa vặn, đầy đủ những yếu tố quan trọng của một phim về thể thao và tuổi trẻ. Trong SÚT có 2 nhân vật chính với hai câu chuyện vừa song song vừa đan xen. Cường, một gã mồ côi đá bóng phủi có tiếng nhưng lại bị dính vào những trò cá độ, có tài năng nhưng tương lai thì chẳng ai nhìn ra nổi. Còn Phong là một cầu thủ trẻ sáng giá trong đội tuyển Gà Trống được thành lập bởi cha mình, một cựu cổ động viên của đội tuyển Việt Nam. Phong cùng với Khoa, em trai Cường, là một cặp bài trùng và niềm hy vọng của đội Gà Trống ở các mùa giải, nhưng họ vẫn chưa một lần vô địch. Cho đến khi một biến cố lớn xảy ra, Cường bắt buộc phải rời bỏ con đường cờ bạc để đến làm huấn luyện viên mới cho Gà Trống. Chính từ lúc này, Phong cũng như Cường mới dần dần chạm đến được ước mơ luôn chảy trong huyết quản và mùi vị của sự chiến thắng.
Đối với những người hâm mộ của các bộ truyện tranh thể thao thì SÚT càng gần gũi hơn vì nội dung của phim khá quen thuộc với mô tuýp nhân vật nỗ lực để thành công. Có thể nói về mặt cốt truyện, SÚT đã thành công khi vừa truyền tải được sự cháy bỏng của ước mơ sân cỏ và nỗi khao khát về một gia đình của những người trẻ. Cả hai ý đồ chính đều được thể hiện rõ ràng. Ngay cả những vấn đề trong làng bóng đá cũng được nêu ra vừa đủ. Mà không như bạn nghĩ đâu, ở SÚT sẽ không có một "sự bán độ" nào mà tất thảy những nhân vật chính diện, phản diện đều cháy hết mình bằng một tinh thần thể thao đáng quý. Một bộ phim về ước mơ và hoài bão thì vậy là vừa vặn, sự u tối có lẽ nên để dành cho những tác phẩm sau (nếu đạo diễn vẫn muốn làm phần 2 như cái gợi mở trong "after credit").
Mạch phim của SÚT cũng được chia làm ba hồi theo kiểu kịch bản truyền thống, dễ xem, dễ hiểu. Tuy nhiên, điểm trừ của kịch bản nằm ở những tình tiết. Đây cũng là yếu điểm của Việt Max từ phim YÊU khi mà những đoạn đối thoại tay đôi không giữ được cảm xúc cần thiết. Một số đoạn dài dòng như cảnh bà Nguyệt nói chuyện với Cường ở góc chợ đêm và một số đoạn cần phải đẩy cảm xúc nhiều hơn thì lại trôi qua nhanh chóng, điển hình là cảnh Cường và Phong nói chuyện trước thềm buổi chung kết. Ngoài ra, thoại của phim ở một số đoạn hơi bị sa đà vào giải thích trong khi thực sự không cần thiết. Một phim nam tính như SÚT thì càng súc tích càng tốt.
Các tuyến nhân vật được phân bố đầy đủ, hợp lý nhưng lại không được phát triển đúng cách. Có thể nói nhân vật được xây dựng chắc nhất, nhất quán nhất chính là Phi (Tùng Min), người bạn cũ của Cường sau này trở thành kẻ đối đầu. Nhân vật này không mới lạ, thậm chí bạn có thể đoán được toàn bộ vai diễn của anh ta qua trailer nhưng sự xuất hiện vừa vặn, tính cách rõ ràng, thuyết phục khiến cho Phi trở thành một nhân vật phản diện dễ chịu, dễ hiểu nhất phim. Ngược lại thì vai Cường tuy cũng có sự tính toán rõ ràng trong việc phát triển tâm lý nhưng cũng không đặc sắc, thời lượng xuất hiện nhiều mà không đặc sắc thì dễ gây ra nhàm chán.
Hay như Phong là một nhân vật có thể xem là "đại diện" cho sự đam mê và nỗ lực cũng không có đủ đất diễn để trở thành một vai chính xuất sắc. Và, đáng tiếc nhất chính là vai cô quản lý xì-tai tên Lam (Nhung Kate). Nhân vật này được chọn làm người dẫn chuyện vì vị trí của cô có liên quan đầy đủ đến các nhân vật khác, nhưng biên kịch lại không tận dụng được ưu thế này để phát triển. Khiến cho vai Lam trở thành một nhân vật vừa thừa mà lại vừa thiếu, thừa vì Lam xuất hiện ở quá nhiều các tình huống nhưng thiếu những sự cần thiết trong việc giải quyết các tình huống này. Rất tiếc cho vai nữ hiếm hoi trong phim. Chẳng biết có phải vì đề tài bóng đá quá nam tính này đã làm thỏa được cái chất đàn ông của Việt Max không mà cả hai nhân vật nữ (tính luôn mẹ nuôi của Cường) đều dở dở ương ương. Thêm một vai đáng tiếc nữa là Kha (Tỏi), cậu thủ môn dự bị này vốn chỉ là một nhân vật gây cười nhưng vẫn có thể đột phá thành một nhân vật chủ chốt về sau. Đạo diễn đã có hẳn một tình huống để nhân vật Kha tỏa sáng nhưng đó lại là "sáng một lần rồi thôi", phải chi nhân vật "tia chớp" này trở thành một cầu thủ quan trọng của Gà Trống thì đã hay hơn. Nhưng Kha lại có hẳn một đặc tính rất thú vị khác, chính là tín đồ của các siêu anh hùng. Chi tiết này tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng lại được thể hiện khá duyên.
Bù lại, âm nhạc trong phim cực kì tốt. Kể cả những bản sountrack lẫn những đoạn nhạc tình huống. Đây cũng chính là điểm mạnh của Việt Max từ phim YÊU, không bỏ phí kinh nghiệm của bản thân trong lãnh địa âm nhạc, anh luôn biết cách để những ca khúc xuất hiện đúng lúc cũng như chọn được những nhà soạn nhạc tài ba. Mình đặc biệt thích những đoạn nhạc soạn riêng cho những trận đấu, nhạc sĩ kết hợp giữa nhiều loại nhạc cụ rất tốt (đặc biệt là trống) để tạo ra không khí cầu trường rất mãnh liệt. Màu của phim cũng rất chất, vừa gợi nhớ được không khí nhộn nhịp của bóng đá Việt Nam ngày xưa, vừa ra được cái chất bụi phủi của những gã cầu thủ mướt mồ hôi. Tuy nhiên, việc lạm dụng contrast (độ tương phản) quá nhiều dễ tạo ra sự nặng nề khi xem quá lâu, chưa kể khiến không khí câu chuyện gần như lúc nào cũng u ám, vô tình lại trở thành rào cản cho cái sự khao khát của "ước mơ" được bừng cháy.
Phần dàn dựng và hình ảnh trong phim cũng cực kì tốt. Với kinh nghiệm là một designer (đạo diễn kiêm luôn cả thiết kế poster đấy) và tâm hồn nghệ thuật từ bộ môn hip hop, SÚT có những khung hình vừa chất vừa đắt giá. Bối cảnh của SÚT không hào nhoáng, bóng bẩy, mọi thứ đều sờn cũ một cách có chủ đích để tôn lên sự bụi bặm và nam tính trong thể loại này. Có những góc máy đặc biệt rất nghệ thuật nhờ setup và sử dụng bố cục ánh sáng, chính phụ, xa gần vô cùng hiệu quả. Chưa kể những bộ đồng phục cua các đội bóng cũng được thiết kế kĩ lưỡng. Trong phim sẽ khó nhìn thấy nhưng nếu nhìn trong những bức ảnh, bạn sẽ thấy logo của hai đội Gà Trống, Sóng Thần được thiết kế đẹp mắt và may đo đàng hoàng vào áo. Nhắc đến đây thì cũng phải khen ngợi biên kịch khi đặt những tên đội rất thú vị như Gà Trống, Kiến Lửa, Sóng Thần. Hình ảnh chú gà trống xuất hiện ở đoạn cuối cũng có gì đó hình tượng và hay ho.
Các diễn viên trong phim đều tròn trịa. Có dở thì do nhân vật vốn đã dở chứ không hẳn do diễn viên. Cả Hà Hiền, HuyMe, Tùng Min hay Nhung Kate đều biểu đạt được cảm xúc cần có của nhân vật, cũng như đài từ không quá tệ. Sáng nhất chính là diễn xuất của Hà Hiền và Tùng Min. Qua lối diễn cục mịch, khuôn mặt lúc nào cũng lầm lì và giọng nói trầm đục của Hà Hiền cùng vẻ điển trai đểu đểu với chất giọng Bắc nhấn nhá của Tùng Min, cặp đối thủ định mệnh càng thể hiện rõ sự đối lập khi câu chuyện càng về cuối. HuyMe từng được đánh giá cao qua vai diễn Phúc trong Siêu Trộm (đạo diễn Hàm Trần) khi lần đầu chạm ngõ điện ảnh, nhưng vai Phong trong SÚT lại không đủ để anh chàng phô diễn năng lực. Ngoài những nụ cười tươi rói khi Phong được luyện tập với Cường hay sự cố gắng chiến đấu ngay cả khi bị chấn thương được thể hiện tốt thì vai Phong thiếu quá nhiều chất liệu để HuyMe có thể hóa thân thành một "cầu thủ anh hùng" của đội tuyển Việt Nam. Còn Nhung Kate, có lẽ vẫn hợp với những phim kinh dị như Đoạt Hồn hay Cô Hầu Gái hơn.
Cuối cùng, cũng là phần nổi mà nhiều người quan tâm nhất đến phim: bóng đá. Liệu rằng một đạo diễn chưa nhiều kinh nghiệm như Việt Max có thể vẽ ra những trận cầu hấp dẫn thực sự? Có lẽ không chỉ mình Việt Max mà nhiều đạo diễn khác cũng sẽ thấy khó ở yêu cầu này. Trước đây có một phim thể thao lấy đề tài bóng rổ được dựng khá tốt là Dành Cho Tháng 6. Được biết đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn phải chi tiền gấp nhiều lần cho một người nước ngoài để những đoạn thi đấu bóng rổ đạt hiệu quả. So với mặt bằng chung hồi ấy thì đoạn thi đấu ở phần cuối của Dành Cho Tháng 6 khá tốt khi cả cảnh cận, trung, và toàn đều phối hợp xuất hiện nhịp nhàng. Quay trở lại với SÚT, hẳn là những fan hâm mộ của bộ môn này đều mong chờ được xem những đường chuyền đẹp mắt hay những pha ghi bàn nảy lửa. Tin chắc đạo diễn cũng hiểu tâm lý này.
Tuy nhiên, đối với những ai kì vọng quá cao sẽ hơi thất vọng. Những môn thể thao đồng đội quan trọng nhất chính là sự phối hợp chứ không phải phô diễn kĩ năng cá nhân. Bản thân bộ phim cũng nói lên được tinh thần này, những pha ghi bàn ở lúc then chốt đều là sự phối hợp giữa nhiều cầu thủ. Nhưng đáng tiếc, không có một góc máy đủ rộng và bao quát để thể hiện sự kết nối giữa những đôi chân. Đa phần đạo diễn dùng những góc máy cận, kết hợp với kĩ thuật slo-motion để thể hiện những cú lừa bóng, qua người và sút xa, kết hợp với lời bình luận của bình luận viên chuyên nghiệp ngoài đời để tạo ra những bàn thắng. Đây là một kĩ thuật thông minh, có thể dễ dàng che đi những khuyết điểm của cảnh quay nếu như bạn không thể kiểm soát toàn bộ. Nhưng cũng chính vì quá thiếu những cảnh toàn mà các trận đấu trong phim phần nào mất đi tính chân thật. Nếu bạn không phải một fan bóng đá thì bạn sẽ dễ dàng bỏ qua yếu điểm này hơn, thậm chí còn thấy kịch tích và nổi da gà ở một số đoạn. Công bằng mà nói, bóng đá vẫn là một đề tài quá mới của điện ảnh Việt, làm được thế này đã là đáng khích lệ rồi. Hy vọng sau SÚT sẽ có nhiều phim thể thao hơn nữa để thị trường được đa dạng.
Cuối cùng, vẫn phải dành một lời khen nữa đến với đạo diễn Việt Max. Anh không chỉ tạo ra một bầu không khí rực lửa trên sân cỏ, khơi dậy được tinh thần thể thao trong thời buổi phim ảnh ngập tràn những đề tài dễ dãi mà còn làm sống lại cái ước mơ một thời của đội tuyển Việt Nam và những người cổ động. Phân đoạn cuối cùng liên quan đến World Cup tuy chỉ lướt qua thật nhanh nhưng cũng phần nào thắp lên trong lòng mỗi con người say mê trái bóng một ngọn lửa hy vọng. SÚT đã vô cùng thành công khi thể hiện tinh thần thể thao dân tộc rất đáng quý. Giống như tác phẩm Captain Tsubasa (tác giả Yoichi Takahashi) đã làm được với hàng triệu độc giả Nhật Bản, khiến cho trào lưu bóng đá trở nên cực kì sôi động tại đất nước này thời bấy giờ. Chẳng có ước mơ nào bị giới hạn, mọi thứ đều phải bắt đầu từ ước mơ, câu tagline này của phim không sai một li nào. Chưa biết SÚT có mang về thắng lợi trong mùa phim cuối năm hay không nhưng với những pha ghi bàn mà Việt Max đã làm được thì anh đã chiến thắng trong cuộc chơi phim ảnh này rồi.
"Sút sút sút
Vượt qua giới hạn của chính ta
Nhắm thẳng và hãy sút bằng cả trái tim
Là những chiến binh kiên cường chạy theo giấc mơ"