Thần Tiên Cũng Nổi Điên - Bữa tiệc sân khấu trên màn ảnh rộng!

Tin điện ảnh · PhucDu ·

Thị trường phim Việt đang rất hỗn mang, khắp nơi đều đổ tiền vào những dự án gọi là "phim điện ảnh". Mấy chục tỉ có, vài tỉ cũng có, nói chung là thượng vàng hạ cám.

Trước hết phải nói rằng, giữa lúc điện ảnh Việt đang bước vào thời kì phát triển nhanh nhưng vẫn chưa chất như hiện nay thì rõ ràng một bộ phim như Thần Tiên Cũng Nổi Điên khó lòng tạo được một bước đệm tốt. Vẫn chưa bàn gì đến nội dung nhé, đi ngoài lề một chút đã.

Thị trường phim Việt đang rất hỗn mang, khắp nơi đều đổ tiền vào những dự án gọi là "phim điện ảnh". Mấy chục tỉ có, vài tỉ cũng có, nói chung là thượng vàng hạ cám. Nhiều người vẫn thấy rằng giữa muôn vàn bộ phim ra mắt, chủ đề được khai thác nhiều nhất chính là hài - hành động - kinh dị. Những phim rơi vào 1 trong 3 chủ đề này, hoặc cả 3, đều có thể dễ dàng ăn khách. Ấy là người ta nghĩ thế.

Thực chất trong vòng 2 năm trở lại đây, điện ảnh Việt đang bước vào giai đoạn quá độ. Quá độ về hài, về kinh dị, cả hành động cũng không ngoại lệ (hãy nhớ lại Truy Sát với vốn đầu tư trên 20 tỉ đã ngã ngựa như thế nào) nhưng vẫn chưa thể tiến lên một giai đoạn mới. Khán giả bây giờ có quá nhiều lựa chọn, họ không ngại ra rạp nhưng chắc chắn họ sẽ lựa phim để xem. Phim nào càng được bàn tán nhiều ắt càng hút khách. Mà được bàn tán nhiều tức là chất lượng cũng góp phần không nhỏ. Một phim quá tệ, quá hời hợt thì sẽ chết nhanh chóng vì bị "lơ" khi chẳng ai buồn chê chứ đừng nói đến khen. Một phim được khen nhiệt liệt ắt cũng sẽ thành công, không doanh thu thì cũng chuyên môn. Nhưng một phim thành công nhất chắc chắn phải tạo được dư luận. Tấm Cám là một điển hình. Rõ ràng chất lượng Tấm Cám không xuất sắc, nhưng nó lại có đủ những hay ho lẫn lỗ hổng để người khác xôn xao. Đấy là chưa tính đến câu chuyện ồn ào về truyền thông. Điều này chứng tỏ mảng phim hài ở Việt Nam đang mất dần vị thế độc tôn mà mọi người vẫn nghĩ. Họa chăng bây giờ chỉ có dịp Tết, dịp mà cả khán giả lớn tuổi cũng chịu ra rạp, thì làm hài mới có lời. Do đó mà những bộ phim hài ra mắt trong thời điểm không phải Tết ắt sẽ chịu nhiều khó khăn. Thần Tiên Cũng Nổi Điên (TTCNĐ) chính là một ví dụ.

Về mặt truyền thông và truyền miệng, TTCNĐ yếu thế hẳn. Sở hữu một dàn diễn viên thực lực hai thế hệ nhưng không phải là mối quan tâm của dư luận. Những cái tên như Chí Tài, Lê Khánh, Thu Trang, Đại Nghĩa, Diệu Nhi luôn tỏa sáng ở đúng lĩnh vực và sở trường của họ chứ không có nhiều câu chuyện ngoài luồng cho người đời bàn tán. Cũng chính điều này mà chẳng mấy ai quan tâm đến TTCNĐ dù phim sắp công chiếu đến nơi. Và như vậy tức là phim đang rất yếu thế. Nhưng, hãy nhìn nhận công tâm hơn. Chẳng phải những gì mà ekip của TTCNĐ đang làm rất "sạch" đó sao. Chẳng qua vì ở trong thời điểm như hiện tại nên TTCNĐ mới yếu thế thôi. Chứ mà thử ra mắt vào khoảng 5, 6 năm về trước hẳn là phim đã có tín hiệu tốt hơn. Ấy nhưng mà phim vẫn chưa chính thức công chiếu, mọi chuyện vẫn còn hạ hồi phân giải.

Nếu bỏ qua yếu tố truyền thông, yếu tố chất lượng của TTCNĐ có đáng bàn? Có. Được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của đạo diễn Cao Tấn Lộc, sân khấu Thế Giới Trẻ. Đây là một vở kịch thành công với tổng hơn 1000 suất diễn trong 2 năm, rất nhiều diễn viên thực lực đã ra đời từ vở kịch này. Và, phiên bản điện ảnh của TTCNĐ cũng do chính đạo diễn Cao Tấn Lộc cầm trịch với sự tham gia của rất nhiều tên tuổi. Điều tạo nên sự băn khoăn lớn nhất chính là liệu đạo diễn Cao Tấn Lộc có đủ sức làm nên một bộ phim điện ảnh!? Tôi vào rạp với tâm thế không dám trông đợi quá nhiều vào phim, chỉ mong mọi thứ được thực hiện chỉn chu là mừng lắm rồi. Và thật may mắn khi xem xong cảm giác rất thoải mái.

Nội dung phim xoay quanh 5 nhân vật con người và 3 nhân vật "cõi trên". Ông Tơ - Bà Nguyệt (Đại Nghĩa - Thu Trang) trong một lần thị sát dân gian để kiểm chứng những mối lương duyên mình đã se thì phát hiện Long (Quang Tuấn) và Phụng (Hạnh Thảo) đang có vấn đề. Long đang sống cùng một chàng trai khác tên Nam (Bùi Anh Tú) còn Phụng lại đang cặp với đại gia Phú (Chí Tài) để nổi tiếng. Trong khi đó thì Hà (Lê Khánh) một cô gái mê tín đến cực đoan, chị của Phụng, lại đang có một mối tình lạ kì với chàng diễn viên phi công trẻ điển trai trên Philip Công (Hữu Vi). Hai vị tiên cảm thấy thất vọng khi tơ hồng không còn hiệu nghiệm, quyết định bắt tay với thần Cupid để kết dính những mối lương duyên này lại với nhau. Nhưng càng can thiệp, họ càng nhận ra rằng mình đang làm những điều vô ích. Tình yêu trong cuộc sống hiện đại ngày nay bị chi phối bởi quá nhiều thứ, không còn là điều "thần thánh" như người ta vẫn nghĩ bao đời nay. Điều này đã khiến các vị tiên phải "nổi điên"...

Thật sự mà nói, chất điện ảnh trong TTCNĐ vẫn chưa ấn tượng. Đạo diễn thực chất chỉ đang dựng lại một vở hài kịch sân khấu với bối cảnh đầu tư hơn chứ không phải đang thực hiện một bộ phim điện ảnh đúng nghĩa. Giống như những phim ở thập niên trước nhưng nước màu sáng sủa sang trọng hơn mà thôi. Có những đoạn, nhất là những đoạn giải thích, tôi hiểu rằng đạo diễn đang muốn truyền đạt bằng hình ảnh thay vì thoại. Nhưng có lẽ vì kinh nghiệm sân khấu nhiều hơn kinh nghiệm phim trường nên đạo diễn đã dùng hình ảnh để minh họa thay vì dùng hình ảnh để kể chuyện. Những góc máy bình thường, không có cú long shot nào, đa phần đều là cảnh cận và cảnh trung, nói chung là hình ảnh không có gì đặc biệt.

Kĩ xảo không tệ nhưng cũng không đẹp. Hóa trang và phục trang ở một số đoạn thì đậm chất sân khấu nên gây ra cảm giác hơi lố. Nhưng, nếu nhìn những điều trên với một cái nhìn công tâm thì có thể thấy rằng đạo diễn Cao Tấn Lộc đang rất tâm huyết với cái tài sân khấu của mình, với cách anh "quản lý" được diễn viên. Chỉ là hình như anh đang đứng nhầm nơi trình diễn mà thôi. Âu cũng là "người mới" trong lĩnh vực phim ảnh thì vẫn đáng cho điểm cộng và hy vọng hơn ở phim sau (nếu có). Nếu so với đạo diễn Nguyễn Tuấn Anh (Găng Tay Đỏ) thì Cao Tấn Lộc vẫn khiến người xem dễ chịu hơn. Anh biết thế mạnh của mình là sân khấu, là kịch, là đài từ nên những mảng miếng này anh làm khá trọn vẹn trong khi Găng Tay Đỏ dù có cái nền rất điện ảnh thì lại bị phát triển rất lung tung và mơ hồ, minh chứng cho việc đạo diễn không biết mình nên làm gì.

TTCNĐ lấy hài làm chủ đạo nên hầu hết mọi tình tiết trong phim đều được giải quyết trên nền tảng của hài kịch. Có những đoạn nghiêm túc mới đầu sẽ làm khán giả hơi "gai" vì sống sượng quá nhưng ngay sau đó được lồng hài vào rất khéo, khiến khán giả cười và quên ngay đi cái sượng kia, một cách xử lý thông minh. Điển hình chính là đoạn Hà nằm viện và nói chuyện với Phụng, khi cô ấy vừa nói như hát câu hát quen thuộc của Tuấn Hưng là ngay lập tức khán giả bật cười, xử lý rất duyên. Đặc biệt, phân đoạn chính kịch - bi kịch duy nhất trong phim cũng được thể hiện rất ra ngô ra khoai. Tin rằng đa phần khán giả đều sẽ đồng cảm với nhân vật Nam trong phân đoạn đó, chưa kể còn cộng hưởng với âm nhạc rất tốt nên phân đoạn này càng vững hơn, có chất điện ảnh nhất trong cả bộ phim.

Nhìn chung kịch bản của TTCNĐ ổn. Nội dung chính tuy hơi sến nhưng không cũ, còn là một vấn đề khá đương thời về cách yêu và sống của những người trẻ. Những triết lí và nhân sinh quan về tình yêu được thể hiện khá rõ ràng dù có nhiều câu hơi "sáo" nhưng cũng có những câu khá thấm. Kịch bản được xây dựng lớp lang rành mạch, nội dung chính được hé mở từ từ để gây tò mò, không có plot twist nhưng nhiều chi tiết được giấu đi rồi hé lộ dần theo tuyến truyện để giảm bớt nhàm chán. Vì kịch bản gốc từ kịch nên có nhiều tình huống hơn là sự kể lể, dù cũng không ít những tình huống khá cũ và nhàm. Nói đi cũng nói lại, dù chính sự "sân khấu hóa" một tác phẩm điện ảnh làm bộ phim phát sinh nhiều yếu điểm nhưng cũng từ kinh nghiệm sân khấu của đạo diễn mà bộ phim được được xuất hiện nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu của dân tộc. Ngoại trừ hài kịch, chính kịch, hí kịch, bi kịch, khán giả còn được xem một đoạn ngắn của cải lương Hồ Quảng. Đây không phải lần đầu tiên có đạo diễn đưa cải lương vào phim điện ảnh. Âm Mưu Giày Gót Nhọn (AMGGN) của đạo diễn Hàm Trần trước đây đã từng làm điều này khi dựng lại phân đoạn Lữ Bố cợt Điêu Thuyền trong vở cải lương Phụng Nghi Đình với đẩy đủ bối cảnh, phục trang và âm nhạc. Dù phân đoạn dựng lại của Quân Vương và Thiếp (tuồng Chung Vô Diệm) trong TTCNĐ không tốt bằng AMGGN nhưng vẫn xứng đáng được điểm cộng vì đạo diễn đã đưa chất liệu truyền thống đang dần biến mất trong giới trẻ vào phim. Huống hồ với những khán giả hơi có tuổi thì việc được nghe lại giọng ca của cặp nghệ sĩ Tài Linh - Kim Tử Long trên phim rõ ràng là vừa bất ngờ vừa sung sướng. 

Về diễn xuất thì không có nhiều thứ để nói vì từ vai chính đến vai phụ, khách mời đều là những gương mặt sân khấu quen thuộc. Đa phần đều là diễn viên lứa sau nên chất "kịch" không bị nặng như lứa của Thành Lộc, Hữu Châu. Đài từ của các bạn dĩ nhiên là tốt hơn nhiều so với nhiều diễn viên điện ảnh khác. Thu Trang, Lê Khánh, Đại Nghĩa đều đã có những nét duyên rất riêng và họ vẫn tỏa sáng trong phim này. Quang Tuấn và Bùi Anh Tú đã có một màn tay ba - tay đôi rất đạt ở đoạn cuối, chỉ có vai nữ của Hạnh Thảo vẫn hơi gượng gạo. Xin dành nhiều lời khen cho Hữu Vi vì anh vào vai khá ngọt trong phim này, gương mặt và hình thể vô cùng sáng. Dù những đoạn nội tâm vẫn chưa tốt lắm nhưng những đọan khác rất thuyết phục, anh có tiềm năng để phát triển thêm, đoạn gần cuối có luôn quả lông mày Charlie Puth rất là chất. Nói chung phần diễn xuất trong TTCNĐ rất khá.

Có thể về hiệu quả truyền thông, TTCNĐ sẽ không thành công khi mà vẫn còn khá nhiều tác phẩm trong và ngoài nước đang gây chú ý. Bản thân bộ phim cũng còn nhiều điều đáng tiếc và chưa tạo được sự đặc biệt với mặt bằng chung. Nhưng thiết nghĩ, là một khán giả quan tâm phim Việt, chúng ta nên đánh giá đúng nơi đúng chỗ. Với những bộ phim làm cho có hay những phim dùng ngôi sao hài để lấp liếm những phần quá tệ khác thì xứng đáng để chúng ta tẩy chay, hay nói cao sang là góp phần làm sạch điện ảnh nước nhà. Nhưng với những phim được làm bằng cái tâm, bằng sự yêu thích, dù cho kinh phí không cao hay đầu tư không nhiều, miễn là không làm ẩu thì vẫn xứng đáng được đón nhận xem như là khích lệ chứ không cần ghi công.

Bản thân tôi cũng vậy, tôi luôn khắt khe với phim Hollywood vì họ đã có cả một thế kỉ điện ảnh phát triển hưng thịnh, phim của họ được đầu tư quá nhiều tiền nên phim nào hơi chán là phải chê ngay. Những phim châu Á như phim Trung, phim Hàn cũng vậy, người ta có cả một định hướng rất rõ ràng cho phim của nước họ từ lâu nhưng cũng vì sinh sau đẻ muộn nên tôi cũng thường "cưng" phim Á hơn một chút. Riêng phim Việt thì tôi luôn dành cho nó một sự ưu ái đặc biệt vì tôi nghĩ mình nên đánh giá đúng mực. Bạn có thể đem TTCNĐ so với Taxi Em Tên Gì hay Gái Già Lắm Chiêu để thấy rằng "À, xem cũng được", so với Siêu Trộm để thấy rằng "đạo diễn vẫn cần cố gắng nhiều hơn" nhưng xin đừng đem nó lên bàn cân với phim Hollywood, thậm chí là phim châu Á, tuổi gì!? Tôi chẳng dám khuyến khích ai đi xem, chỉ muốn nói rằng nếu bạn muốn nhìn cục diện điện ảnh Việt đa dạng hơn thì nên quan tâm thêm những phim tử tế bằng chính trải nghiệm của mình. Thị trường đã đủ xáo trộn vì truyền thông và chất lượng nhập nhằng rồi, là một khán giả thì đánh giá bởi bản thân chúng ta vẫn quan trọng nhất, cái bài viết lan man này cũng chỉ để tham khảo mà thôi, trường hợp nếu bạn đã đọc đến tận dòng này.

Tôi chấm phim 7 điểm nhé. Trong đó 6.5 là tổng thể là 0.5 điểm đặc biệt cho sự góp giọng của nghệ sĩ Tài Linh.