Personal Shopper - Vị lạ khó quên
Đánh giá phim · siomiochan ·
Personal Shopper - Tựa tiếng Việt: Trợ lý thời trang là một bộ phim có yếu tố tâm linh của đạo diễn người Pháp Olivier Assayas. Phim kể về Maureen (Kristen Stewart) làm trợ lý thời trang - người chuyên lựa chọn quần áo và trang sức cho cô chủ hách dịch Kyra (Nora von Waldstätten). Lý do cô chọn lựa làm nghề này và quyết định ở Pháp vì cô đang chờ tín hiệu từ người anh song sinh đã mất của cô - Lewis.
Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim, độc giả cân nhắc trước khi xem tiếp.
Maureen sống cô độc, thâm trầm trong chính vòng xoáy do chính cô tạo ra. Một mặt, cô bị thu hút bởi sự đa dạng của thế giới thời trang, mặt khác cô lại cảm thấy chán ghét và sợ mình bị lôi cuốn vào thế giới đó.
Suốt quá trình làm việc, cô liên tục nhận được những tin nhắn vô danh với nội dung khiêu khích khiến cô lo sợ. Maureen còn nhận được những tín hiệu kì lạ, tưởng chừng như đến từ thế giới bên kia khiến cô linh cảm rằng người anh song sinh đã mất gửi cho mình. Tất cả những điều đó đã thôi thúc cô đi tìm câu trả lời và có được những trải nghiệm bí ẩn, lạ lùng.
Có thể nói, chủ đề tâm linh, trinh thám không mấy xa lạ, nhưng cách đạo diễn Olivier Assayas sắp xếp câu chuyện, cách ông đặt vấn đề nhưng nhả lơi câu trả lời sẽ khiến không ít khán giả cảm thấy khó hiểu và ngột ngạt khi xem phim. Tuy nhiên, chính cách ông úp mở câu trả lời sẽ khiến không ít người phải đắn đo suy nghĩ về bộ phim này sau khi xem xong.
Rốt cuộc trong suốt 1h45p, khán giả cùng đồng hành với Maureen để tìm kiếm điều gì? Tín hiệu của người anh sinh đôi của cô để rồi đến tận cuối phim, cô vẫn thốt lên một câu hỏi tuyệt vọng: Tại sao chỉ có một mình tôi đơn độc?
Có thể thấy, vì tính cách khép nép và đơn độc, Maureen đã lựa chọn công việc trợ lý thời trang, mặc dù có rất nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao cô chọn nghề này, mặc dù cô cảm thấy cô không thích nó? Tại sao cô chọn Pháp? Cô chờ điều gì? Cô trả lời họ nhưng thật ra cô đang tự trả lời cho chính bản thân mình? Rốt cuộc tín hiệu cô đang chờ đợi từ anh trai sinh đôi đã mất sau khi đột quỵ là gì? Và tại sao cô cứ phải trói mình trong công việc này cũng như ở nơi đây?
Xuyên suốt bộ phim là những câu hỏi được đặt ra dành cho Maureen, nhất là khi cô đang ở trên chuyến tàu đến London. Một kẻ lạ mặt đã nhắn tin cho cô và anh/cô ta đang muốn biến cô trở thành người khác. Từ một cô gái đang cố gắng che giấu sự sợ hãi của chính mình, cô hoang mang và mất phương hướng nên vô tình để cho một kẻ lạ mặt dẫn dắt và đẩy cô trở thành đối tượng nghi phạm số 1 khi Maureen bắt gặp Kyra bị giết một cách kinh khủng tại nhà riêng của Kyra. Cô nàng quá hoảng sợ bỏ chạy và một mực tin rằng, con ma đang cố giúp cô trở thành một người khác. Bởi vì khi Kyra chết đi, cô hoàn toàn xứng đáng thay thế cô chủ đáng ghét để trở thành một người có tầm ảnh hưởng trong làng thời trang.
Có phải ma quỷ đủ sức để dẫn dắt sự tham lam của con người, giúp Maureen loại bỏ cái gai trong mắt cô? Phải chăng điều đó có hợp lý khi ma/một linh hồn lạc lối có thể dùng những phương tiện hiện đại như nhắn tin thông qua iMessage để liên lạc với Maureen? Có thể ẩn mặt đặt phòng và thanh toán tiền phòng khách sạn cho Maureen? Và đủ sức để giết chết Kyra và đẩy Maureen thành kẻ tình nghi số 1 trong vụ ám sát này?
Rốt cuộc thì đâu mới là ma quỷ? Khi kết thúc vụ ám sát kia, hung thủ thật sự đã bị bắt và phía cảnh sát đã làm rõ tội trạng của Maureen? Tôi còn nhớ ở đoạn iMessage trên tàu và hắn đã thành công khi cô hoàn toàn hoảng sợ, không biết phải xử lý ra sao:
Maureen: Ngươi muốn gì?
Người lạ: Cô.
Trong quá trình đi tìm kiếm tín hiệu từ Lewis, Maureen đã đắm chìm vào thế giới tâm linh bằng những clip gợi mở về cách liên lạc với người đã khuất. Chính cách dẫn dắt vấn đề lúc ban đầu của đạo diễn đã khiến tôi không khỏi băn khoăn và đặt ra nghi vấn: rốt cuộc thế giới tâm linh hiện đại đến mức có thể liên lạc với người ở trần gian này bằng điện thoại? Và càng vô lý hơn khi kẻ lạ mặt ấy hẹn cô tại một khách sạn nhưng không xuất hiện, chỉ để lại tin nhắn rất mập mờ. Nhưng ma quỷ không đủ sức để giết người, chỉ đủ sức liên lạc và khơi gợi những tâm tính không tốt của con người, để rồi ta hoài nghi: Giữa người và ma quỷ, đâu mới là thứ đáng sợ?
Cô sợ nhất là gì?
Phim kinh dị.
Vì sao? Có phải những điều bị cấm đoán thường rất hấp dẫn đó sao?
Đạo diễn đã dẫn dắt khán giả đi từ hoang mang này đến hoang mang khác và đẩy sự hoang mang lên đến tột đỉnh ở tận những thước phim cuối, vì chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra và rốt cuộc cô cố tìm cách liên lạc với người anh quá cố của mình để làm gì? Một người đang trong trạng thái sợ hãi, liệu có đủ tỉnh táo để dùng lý trí phân tích và xử lý vấn đề? Một kẻ lợi dụng câu chuyện ma quỷ để đẩy một người khác vào con đường tội lỗi, liệu hắn có đáng sợ bằng một linh hồn vẫn còn nhiều vương vấn trên cõi đời này? Và liệu rằng những con ma tìm cách liên lạc với nhà ngoại cảm để làm gì?
Personal Shopper, không đơn thuần là một bộ phim nói về thế giới thời trang xa hoa, lộng lẫy, cũng chẳng phải một bộ phim ma lồng ghép những tình tiết hù dọa khán giả đến mức họ phải khóc thét trong rạp, cũng chẳng phải một bộ phim trinh thám với những nút thắt mở rối rắm, nhưng chỉ cần một chút, một chút một đã khiến cho câu chuyện về một cô gái làm nghề personal shopper mang tên Maureen trở nên lạ lẫm. Rất khó để đánh giá phim này hay xuất sắc hoặc dở vì vốn dĩ một món ăn lạ, e là khó thấy ngon so với khẩu vị thông thường của riêng tôi.
Nguồn: Sỏi