[Tổng Hợp] 10 phim truyền hình Mỹ hay nhất mọi thời đại
TV Series · Tin điện ảnh · Maii ·
Đây là 10 bộ phim truyền hình xuất sắc mang nhiều ảnh hưởng đến văn hoá đại chúng và lịch sử màn ảnh nhỏ.
Hiện nay, đây là thời đại mà chúng ta có thể gọi là thời đại bùng nổ phim truyền hình, phim dài tập và các chương trình TV. Kể từ khi The Sopranos thay đổi cả nền phim ảnh trên màn ảnh nhỏ, người xem được chứng kiến sự ra đời của nhiều series càng lúc càng hấp dẫn, táo bạo và cạnh tranh gay gắt với nhau.
Hãy cùng nhìn lại 10 phim truyền hình hay nhất mọi thời đại trong lịch sử nghệ thuật của nó. Trong danh sách này, rating vốn không quan trọng. Một series nhiều người xem chưa chắc đã hay và một series bị cancel sớm chưa chắc đã dở.
10. Game of Thrones (2011 - 2019)
Dù mùa cuối cùng có gây nên thất vọng như thế nào đi chăng nữa, vẫn không thể phủ nhận được Game of Thrones là một trong những series có sức ảnh hưởng nhất trong thập niên 2010. Được xem như “The Sopranos ở Trung Địa”, series giả tưởng kỳ ảo của HBO đã phá vỡ ranh giới của thể loại để mang đến cho người xem một câu chuyện ly kỳ và thực tế, vượt ra khỏi những trang giấy trong tiểu thuyết của George R.R. Martin.
Dù gây chú ý với những cảnh khoả thân, những con rồng khổng lồ hay những cảnh đầu rơi máu chảy, linh hồn của nó vẫn là câu chuyện về chính trị, sự phản bội, chiến tranh, âm mưu và quan trọng nhất vẫn là cuộc tranh giành quyền lực giữa các gia tộc lớn.
9. Freaks and Geeks (1999-2000)
Paul Feig và Judd Apatow thực sự đã bắt được nỗi đau khổ của thế hệ thanh thiếu niên ở Mỹ trong phim hài xúc động này, lấy bối cảnh ở một thị trấn Michigan vào năm 1980. Dù đáng tiếc nó chỉ tồn tại 1 season, nhưng 18 tập của nó đều rất chân thật, soundtrack đỉnh và dàn diễn viên sau này đều trở thành các tên tuổi lớn.
Martin Starr trong vai Bill, Jason Segel vai Nick, Seth Rogen vai Ken, James Franco vai Daniel và nhất là Linda Cardellini vai Lindsay - đây là những đứa trẻ lạc loài và khao khát một nơi chúng thuộc về, dù cho đấy đơn giản là trò Dungeons & Dragons.
8. All in the Family (1971-1979)
All in the Family nằm trong danh sách này vì độ táo bạo trong nội dung ở thời điểm ra mắt vào những năm 70. Phim xoay quanh một gia đình với người chồng Archie Bunker to mồm và kỳ thị, vợ là Edith, con gái theo nữ quyền Gloria và người chồng hippie Mike. Họ cùng sống dưới một mái nhà ở Queens và những cuộc cãi vã trên TV là hình ảnh quen thuộc của các gia đình ngoài đời.
Bộ phim chiếm top 1 rating mỗi năm vì không hạ thấp và sỉ nhục nhân vật của nó, dù họ có xấu xí thế nào đi chăng nữa. Nam diễn viên Carroll O'Connor mang đến cho Archie phẩm giá và sự đứng đắn, ngay cả khi nhân vật bày tỏ ý kiến như “Anh Quốc là đất nước đồng tính.”
All in the Family khám phá những nội dung mà phim truyền hình trước đó không có can đảm thể hiện như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, nạo phá thai, kiểm soát súng, tình dục trước hôn nhân, tôn giáo - nội dung nào cũng có thể xuất hiện trên màn ảnh.
7. The Twilight Zone (1959-1964)
Series sci-fi anthology (các phần hoặc các tập không liên quan đến nhau) của Rod Serling vẫn có thể làm bạn choáng ngợp cho đến ngày nay.
Những tập hay nhất của Twilight Zone rất thích hợp với khán giả hứng thú với câu chuyện kỳ dị như người ngoài hành tinh, một khu dân cư bỗng nổi điên, những chiếc mặt nạ chết gớm ghiếc, những con búp bê biết nói…
Nhiều hình ảnh trong phim đã trở thành kinh điển như William Shatner nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ máy bay và thấy một con quỷ lùn, cho đến cảnh Richard Kiel trong vai một quái vật ngoài hành tinh khổng lồ với gương mặt tươi cười và mang đến tất cả các giải pháp cho vấn đề của Trái Đất - đơn giản vì hắn ta muốn phục vụ con người.
6. The Simpsons (1989 - Hiện tại)
Series hoạt hình yêu thích của Mỹ đã làm thế nào để có thể tồn tại cho đến ngày nay? Lý do lớn nhất có lẽ là vì ẩn sau vẻ ngớ ngẩn của một bộ phim hoạt hình, The Simpsons là cho thấy một gia đình rất thực tế với các nhân vật như Homer, người bố ngớ ngẩn, sai lầm của tạo hoá mà bất cứ ai cũng sợ có thể trở thành; hay có lẽ là nhân vật Lisa, tiếng nói của sự khôn ngoan.
Chưa kể các nhân vật cũng thú vị và hài hước không kém như Apu, Krusty, Flanders, Monty Burns, Amanda Hugginkiss… Họ uống rượu, hút thuốc, lái xe không đeo dây an toàn, xả rác, bắn súng. Thật sai lầm khi cho rằng The Simpsons là một bộ phim hoạt hình mang tính giáo dục dành cho trẻ nhỏ. Nhưng hoàn toàn đúng khi nói đây là phim hoạt hình mang tính giáo dục dành cho người lớn, bởi nó phơi bày thực trạng xã hội và tất cả những điểm xấu xí mà chúng ta đã, đang hay có thể trở thành.
5. Seinfeld (1989 - 1998)
Seinfeld là show hài xuất sắc của Mỹ, xoay quanh một nhóm 4 người bạn với tính cách rất tồi cùng sống ở New York là Jerry, George, Elaine và Kramer. Quãng thời gian phim lên sóng, ai cũng có thể nói rằng đây là phim hài sitcom vui nhất họ từng xem, tuần nào cũng tràn đầy những câu chuyện thú vị.
Nhưng dù bạn đã xem hết 180 tập bao nhiêu lần đi chăng nữa, nó vẫn cuốn bạn trở lại như người đi trong sa mạc. Jerry Seinfeld và Larry David đã đặt ra luật lệ ngay từ đầu - “Không ôm, không học" (“No hugging, no learning"). Trước Seinfeld, phim sitcom mỗi khi kết thúc đều là các nhân vật ôm nhau và học được một bài học nho nhỏ, nhưng series này đã phá vỡ mô-tuýp đó khi các nhân vật không ôm và cũng chẳng học được gì ở cuối mỗi tập. Được mệnh danh là series “chẳng về cái gì cả", nhưng thực tế, Seinfeld nói về mọi thứ, mỗi thứ một ít.
Như nữ diễn viên Julia Louis-Dreyfus đã nói với Rolling Stone vào năm 1998 rằng, “Thực tế thì đây là một nhóm 4 nhân vật thảm hại và tốt nhất là nên rã nhóm cho xong. Ý tôi là, nếu bạn lùi lại và nhìn từ xa, quan sát những điều xảy ra mỗi tuần thì bạn sẽ thấy họ đối xử tồi tệ với nhau. Nhưng họ vẫn tiếp tục chơi với nhau. Đúng là thảm hại.” Và thật ra cũng chẳng có gì sai với điều đó cả.
4. Mad Men (2007 - 2015)
Giấc mơ Mỹ và cách bán nó - trừ bỏ đối với Don Draper và những kẻ lừa đảo của công ty quảng cáo Sterling Cooper, bán hàng chính là giấc mơ Mỹ.
Mad Men đã gây náo động từ lúc lên sóng đài AMC, một phần cũng bởi những vấn đề nổi cộm mà nó thể hiện như sự hào nhoáng của quảng cáo, tình dục, tiền bạc, rượu chè và thuốc lá. Nhưng đồng thời, series này hay cũng bởi nó là một phim chính kịch người lớn táo bạo không nói về cảnh sát hay tội phạm (hoặc bác sĩ hay luật sư), mà thể hiện một câu chuyện với chủ đề mới.
Những nhân vật của nó đa dạng tính cách và có chiều sâu, chẳng hạn như nam chính Don phong lưu do Jon Hamm thủ vai, một thiên tài có thể định hình giấc mơ và khát khao của người khác, nhưng không thể thoát khỏi nỗi cô đơn của chính mình. Anh ta là một kẻ lừa đảo, cướp danh tính của một sĩ quan tham gia Chiến tranh Triều Tiên đã chết và xây dựng một cuộc sống mới dựa trên những lời dối trá.
“Một nhân viên quảng cáo giỏi cũng giống như một nghệ sĩ, khơi rãnh cho dòng chảy văn hoá,” nhà sáng tạo Matthew Weiner nói với Rolling Stone. “Họ cầm một cái gương lên nói rằng, ‘Đây là bạn trong mơ. Đây cũng là điều bạn sợ hãi’”. Don có thể khiến một căn phòng bật khóc khi đang trình bày ý tưởng (pitching) cho Kodak Carousel, mặc dù những kỷ niệm gia đình hạnh phúc mà anh ta đang bán là giả tạo. Không có phim truyền hình nào quyến rũ như Mad Men - dù là trước đó hay bây giờ.
3. Breaking Bad (2008-2013)
Bryan Cranston, nam diễn viên trước đó từng thủ vai một nha sĩ trong Seinfeld và người bố đáng mến trong Malcolm in the Middle, đã trở thành phản diện nổi tiếng trong bộ phim noir của Vince Gilligan trên đài AMC.
Ông đóng vai Walter White, một giáo viên hoá học bị ung thư và quyết định chăm lo cho gia đình bằng việc trở thành chuyên gia chế ma tuý đá. Thật không may cho gia đình ông, nạn nhân của ông và bất cứ ai mà ông gặp. Ông ta yêu cuộc sống và nghề nghiệp mới của mình dưới bí danh Heisenberg.
Nhân vật này đáng sợ vì ông ta quá bình thường - bất cứ kẻ thảm hại người Mỹ nào cũng đều có cơ hội để trở thành một người như Walter. Với Walter, còn đường để lún sâu vào tội ác mở ra khi ông ta có thể trở nên thực sự giỏi giang ở một việc nào đó, nó làm ông ta cảm thấy đặc biệt. Đấy là điều khiến Breaking Bad gây nghiện như những viên đá xanh trong tựa bầu trời mà Walter chế ra. Khi Walt càng lúc càng hợp nhất với Heisenberg, ông ta càng chìm vào mặt tối của giấc mơ Mỹ.
"Tôi không gặp nguy hiểm, Skyler," ông ta nói với vợ và câu thoại sau đó đã trở thành huyền thoại của nhân vật này. "Tôi chính là nguy hiểm. Một kẻ mở cửa rồi bị bắn và cô nghĩ đó là tôi? Tôi chính là kẻ gõ cửa!" Sau khi đánh bom một ông trùm, ông ta gọi về với vợ để "báo tin chiến thắng". Ông tin mình đã chiến thắng, dù bi kịch là ông đã đánh mất chính bản thân mình.
2. The Wire (2002 - 2008)
Cựu nhà báo/Biên kịch David Simon rất tham vọng với câu chuyện về cuộc chơi ma tuý ở Baltimore là The Wire, chiếu trên đài HBO. Ông xây dựng nên một thành phố đầy rẫy những chính trị gia biến chất, những kẻ buôn thuốc trên đường phố và những cảnh sát chỉ quan tâm đến tội lớn nhất là “khi người ta chĩa mũi vào những chuyện không nên chĩa mũi.”
Mỗi season là một câu chuyện khác nhau, lúc thì tập trung vào cuộc chiến ma tuý và băng Barksdale ở season 1 và season 3, khi thì về đói nghèo ở season 2, lúc thì nói đến hệ thống giáo dục ở season 4.
“Sau season 1, tôi nghĩ rằng, ‘Không lý nào mình lại được renewed,’” Simon nói với Rolling Stone. “Nhưng không ai bảo chúng tôi dừng lại. Ý tôi là, bất cứ kẻ ngốc nào làm hơn 50 tập phim trên TV để nói về vết nhơ của một thành phố Mỹ và mong đợi mọi người xem nó đều xứng đáng với những gì mà anh ta nhận được.”
The Wire mang đến cho chúng ta những nhân vật thú vị chưa từng có, như Stringer Bell xảo quyệt của Idris Elba hay Joe của Robert F. Chew thích nói văn chương. Nhưng ấn tượng nhất phải là Omar cực ngầu do Michael K. Williams thủ vai, một kẻ báo thù mặc áo khoác dài, cầm trên tay một khẩu shotgun.
Có rất nhiều khoảnh khắc khó quên trong The Wire - như Omar giải thích nỗi đau của mình cho tên sát thủ đeo nơ Brother Mouzone; Avon và Stringer trên ban công cùng mơ tưởng về một tương lai mà họ biết rằng sẽ không bao giờ đến… Nhưng cảm giác đau buồn là thứ thấm đẫm The Wire, khi trò chơi chiến thắng, tất cả họ đều thua.
1. The Sopranos (1999-2007)
Series tội phạm này đã cắt lịch sử phim dài tập trên màn ảnh nhỏ ra làm hai (trước 2000 và sau năm 2000), mở ra thời đại hoàng kim khi bỗng dưng mọi thứ đều có thể đưa lên phim truyền hình. Với The Sopranos, biên kịch, nhà sản xuất David Chase đã tạo ra một nhân vật phản anh hùng người Mỹ bất tử là Tony Soprano, ông trùm của băng New Jersey, do James Gandolfini thể hiện. Tony Soprano là thủ lĩnh của những kẻ mang trên mình nhiều vết thương, những người chồng, người cha phải sống với những bí mật, giết người và những ký ức đen tối.
The Sopranos đã thay đổi cả lịch sử phim truyền hình. Chase cho thấy tham vọng kể chuyện mà bạn có thể mang lên màn ảnh nhỏ, và không lâu sau đó, ai cũng muốn thách thức ông. Những phim như The Wire, Mad Men, Breaking Bad sẽ không thể xuất hiện nếu không có The Sopranos.
Nhưng kẻ tiên phong cũng gặp nhiều khó khăn khi Chase phải mất nhiều thời gian thuyết phục các nhà đài tiếp nhận một câu chuyện về một tên xã hội đen vừa đi trị liệu tâm lý, trong khi mẹ hắn ta thì âm mưu giết y. Không có cách nào biết được khán giả sẽ đón nhận series này ra sao, nhưng cuối cùng thì The Sopranos vẫn đi hết 6 mùa đẫm máu, hài hước và tuyệt vời của nó trên HBO.
The Sopranos thành công cũng chính một phần nhờ diễn xuất của Gandolfini, nam diễn viên được đánh giá là người có thể mang hết sự đau khổ của nhân vật từ trên những trang giấy lên màn ảnh. Ngoài ra, kịch bản, diễn xuất của các diễn viên khác và chỉ đạo của The Sopranos cũng vượt xa những bộ phim trước đó.
Trong The Sopranos, lòng trung thành đối với gia đình có thể dễ dàng đổi chiều, cả trên đường phố và dưới một mái nhà. Đừng cố gắng yêu thích một nhân vật nào đó quá nhiều bởi bạn sẽ chẳng biết họ bất chợt “tèo” lúc nào đâu. Luôn luôn có cảm giác nguy hiểm ẩn hiện đâu đây, và hơn 1 thập kỷ sau khi bữa tối ở Jersey trên nền nhạc Don't Stop Believin' trong phim mờ dần vào màn đêm, The Sopranos vẫn là chuẩn mực truyền hình dành cho tất cả phim “hậu bối" sau này noi theo và cố gắng vượt qua.
Nguồn: RollingStone. Ảnh: Variety, THR, Den of Geek, Vanity, 9News