[TỔNG HỢP] 4 Địa điểm không vận dụng quay phim sinh tồn ở Việt Nam thì quả là uổng!

Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

Việt Nam có những khung cảnh tự nhiên có thể làm những dự án phim sinh tồn ra trò!

Điện ảnh Việt Nam trước nay đều quanh quẩn bên những thể loại quen thuộc như hài, tình cảm…. Tuy nhiên, vào những năm gần đây, những thay đổi nhỏ đã xuất hiện như Rừng Thế Mạng, Đêm Tối Rực Rỡ!. Dù không quá lớn lao hay xuất sắc, nhưng những bộ phim này cho thấy các nhà làm phim vẫn chưa từ bỏ tìm kiếm hướng đi mới cho điện ảnh nước nhà. Trong đây, thể loại sinh tồn như Rừng Thế Mạng có lẽ là mới nhất và là thể loại đáng được đầu tư phát triển trong tương lai. Tuy không phải là thể loại mới mẻ gì trong điện ảnh nói chung, nhưng sinh tồn là loại hình phim mới trong điện ảnh Việt. Và chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục dòng phim này.

Sinh tồn thường tập trung vào mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, thể hiện khát khao chinh phục nhưng cũng phải biết khiêm tốn trước những kỳ quan của thiên nhiên. Và Việt Nam, với danh xưng là mảnh đất của rừng vàng biển bạc có đầy đủ bối cảnh cho dòng phim này, như Rừng Thế Mạng đã làm. Tất nhiên, các nhà làm phim trẻ vẫn phải học hỏi từ thiếu sót của bộ phim trên để làm một phim sinh tồn đúng nghĩa. Thêm vào đó, với sự hài hòa của thiên nhiên Việt Nam, những bộ phim về những hành trình mang ý nghĩa sâu sắc cũng là một lĩnh vực điện ảnh đáng lưu tâm cho điện ảnh nước nhà.

Sau đây là một số ý tưởng và theo đó là những cảnh quan không dùng quay phim thì quá uổng phí mà Moveek muốn chia sẻ trong một bài đọc ngắn.

Rừng U Minh – Địa điểm hoàn hảo cho một phim sinh tồn kinh điển

VnTrip
VnTrip

Nếu nói đến sinh tồn, hình ảnh những khu rừng rậm rạp, cây cối um tùm có lẽ là điều đầu tiên mà các mọt phim nghĩ đến. Việt Nam là vùng đất của rừng và những câu chuyện đi lạc vào nơi này cũng không phải hiếm gặp tại đất nước hình chữ S. Một địa điểm thú vị để quay một phim sinh tồn kinh điển có lẽ phải kể đến rừng U Minh.

Trải dài qua hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, rộng hơn 2000km vuông, rừng U Minh là một trong những khu sinh quyển của Việt Nam, với nhiều động thực vật quý hiếm cần bảo tồn, nên vì vậy, thiên nhiên nơi đây không chỉ độc đáo mà vẫn còn nét hoang sơ. Thường thì các hoạt động du lịch và canh tác chỉ diễn ra ở bìa rừng, còn phần lõi hầu như được giữ nguyên.

VnTrip
VnTrip

Với sự um tùm, dày đặc thảm thực vật và các những loài vật khá đáng sợ như dơi và trăn lớn, rừng U Minh hiện tại dù đã qua thời cọp chiếm lãnh đất rừng, sông sấu lội mù mịt vẫn là một nơi có thể đem đến bối cảnh tự nhiên cho một bộ phim sinh tồn. Có lẽ nhân vật chính đi thám hiểm một mình và không may không tìm được lối ra, buộc họ phải cố gắng sống sót trong nơi này là một ý tưởng không tồi chút nào. Tất nhiên, một chút trí tưởng tượng cho nơi này thêm phần…đáng sợ luôn được hoan nghênh.

Fansipan – Chuyến hành trình đem lại nguồn cảm hứng mới

VnExpress
VnExpress

Nhiều khi đi du lịch không phải để giải trí. Nhiều tâm hồn xê dịch ra đi chỉ muốn tìm một ý nghĩa lớn lao cho cuộc sống của mình, hoặc để vượt qua một biến cố lớn. Lúc này, chinh phục một kỳ quan là một lựa chọn không tồi. Việt Nam có hẳn một kỳ quan nội địa dành cho các trekker Việt đây – nóc nhà của Tổ quốc, Fansipan.

Fansipan là một phần cao nhất của dãy núi Hoàng Liên Sơn, nằm cách Sapa 9km về phia Tây và là điểm đến của nhiều phượt thủ, không chỉ bởi nơi đây có nhiều cảnh đẹp mà còn vì đường lên Fansipan là một thử thách thực sự với sức mạnh ý chí của người dám dấn thân. Những chặng đường lên đỉnh không chỉ dài mà còn phải vượt qua nhiều khe, con dốc, dọc đường còn bắt gặp nhiều dốc thẳng đứng khó trèo, sau đó là băng rừng, lội suối, đối mặt với những con thác cheo leo không kém Tà Năng - Phan Dũng. Vì vậy, các phượt thủ phải đối mặt với những thử thách thể lực và nguy cơ bị lạc hoặc chấn thương. Nếu có một nơi thử thách sức bền và quyết tâm của các phượt thủ, Fansipan là nơi đó đây.

VnExpress
VnExpress

Vì những hiểm họa như vậy, Fansipan là nơi vô cùng phù hợp cho những dự án phim ảnh khắc họa ý chí của con người trước thiên nhiên. Hãy tưởng tượng một nhân vật vì lý do nào đó (khát vọng, thực hiện một di nguyện, tìm kiếm một mục đích, ý nghĩa cho đời mình) mà quyết định chinh phục Fansipan một mình. Fansipan thời buổi đầu cũng có những tâm hồn leo núi đã chinh phục đỉnh núi này và dù Fansipan không thể so với Everest, nơi đây vẫn có thể làm nên một chuyến đi ý nghĩa. Một đạo diễn chắc tay, một ê-kíp “chịu chơi”, những câu chuyện gốc có thật, và những diễn viên thực lực và chúng ta sẽ có một dự án đáng xem rồi đó!

Phong Nha - Kẻ Bàng – Câu chuyện về những nhà tiên phong

Stour
Stour

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm cách thành phố Đồng Hới, Quảng Bình 50km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội chừng 500km về phía Nam, và là nhà của khu vực đá vôi lớn nhất thế giới. Nhưng chính hệ thống hang động kỳ vĩ mới là điểm nhấn lớn nhất của Phong Nha - Kẻ Bàng. Với cấu trúc phức tạp, hệ thống hang động nơi đây chứa các sông ngầm và thảm thực vật, động vật độc đáo. Ngoài ra, trên các bức tường của các hang động lẫn bên ngoài là vết tích của những nền văn hóa cổ xưa. Như thế mới thấy sự lâu đời của nơi này.

Nhưng chúng ta hãy tạm gác giá trị lịch sử của Phong Nha - Kẻ Bàng qua một bên, mà tập trung vào việc tại sao nơi đây lại phù hợp với thể loại phim sinh tồn đến vậy. Các khám phá lớn lao đều phải trải qua khổ ải. Đây sẽ là tiền đề tuyệt vời cho một phim xuôi ngược thời gian, về lại những năm tháng đầu tiên kỳ quan Phong Nha - Kẻ Bàng của Việt Nam được phát hiện và khám phá. Một chuyến thám hiểm sau đó gặp trắc trở và nhân vật chính vô tình nằm lọt thỏm trong một hệ thống hang động mà trước đây chưa từng chào đón con người bao giờ. Từ đó, một hành trình sống sót và thám hiểm ra đời với phần thưởng là những cảnh quan hùng vĩ của tự nhiên.

Bên cạnh đó, những nguy hiểm tiềm tàng trong việc thám hiểm hang động là có thật và Phong Nha - Kẻ Bàng không ngoại lệ. Các hang động nơi đây chịu ảnh hưởng của mùa mưa và các con đường không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Sự hoang sơ trợ giúp cho ý tưởng trên có thể nói đến Sơn Đoòng. Do chỉ mới được khám phá gần đây, nơi đây phần nào giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của mình. Như vậy, Phong Nha - Kẻ Bàng coi như hội tụ những yếu tố cần thiết để trở thành ngoại cảnh, bối cảnh cho một dự án phim đầy tham vọng cho những đạo diễn có gan thực hiện.

Đó sẽ là một bộ phim vừa mang yếu tố phiêu lưu, vừa ngầm khoe được những buổi đầu Phong Nha và các hang động khác đẹp đến cỡ nào. Các mọt phim còn mong gì hơn?

Núi Bà Đen – Một chiếc phim về sinh tồn và kinh dị, tại sao không?

Zing
Zing

Đi phượt là một phần trong lối sống của người trẻ và đó là một khoảng không có thể biến tấu trên phim. Nhìn thế nào thì Rừng Thế Mạng cũng là một cơ hội bị bỏ lỡ. Ban đầu, bộ phim vốn được định hướng theo đường lối kinh dị với câu tag line là “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”. Nhưng vì lý do nào đó mà phim phải thay đổi hầu như loại bỏ yếu tố tâm linh. Một bộ phim sinh tồn ở Núi Bà Đen – một trong những nơi có nhiều truyền thuyết truyền miệng kỳ quái, là một nơi thích hợp để bắt đầu. Những cung đường đi phượt vừa đẹp vừa hiểm trở nơi đây là một bonus.

Núi Bà Đen tọa lạc ở tỉnh Tây Ninh, được mệnh danh là nóc nhà của Đông Nam Bộ với độ cao hơn 900m, nơi đây là nhà của các khung cảnh đẹp mát lòng người leo núi và cũng là nơi có những ngôi chùa cổ kính linh thiêng, một trong số đó là chùa Bà Đen Tây Ninh đã hơn 300 tuổi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu. Điều này, cộng với các giai thoại ở nơi đây, khiến vùng núi này đặc biệt bí ẩn. Tất nhiên, với những điểm đến đẹp như vậy, hành trình không hề dễ dàng. Cung đường lên núi Bà Đen bắt đầu ở chân núi và nổi tiếng là trắc trở với những con dốc thẳng, còn những hàng đá tảng thì hầu như trơn nhẵn, có thể trượt chân bất cứ lúc nào xuống các khe núi sâu. Còn chỗ nghỉ chân là những gờ đá chênh vênh nhìn thẳng ra khung cảnh rộng lớn.

Một nơi như vậy mà không quay phim sinh tồn siêu nhiên ở đây thì thật uổng quá. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nơi này chỉ dành cho những đạo diễn và những diễn viên có trái tim gan dạ.

Ảnh: Internet