Whiplash - Bản tuyên ngôn của sự dấn thân

Tin điện ảnh · Moveek ·

Whiplash không phải là một bộ phim có thể khiến bạn cảm thấy vui sướng sau khi xem xong và có lẽ nó cũng không phải là phim khiến bạn muốn xem đi xem lại bởi sự căng thẳng của nó.

Câu chuyện phim bắt đầu khi chàng trai 19 tuổi Andrew Neiman, mang ước mơ được sánh ngang với huyền thoại nhạc jazz Buddy Rich, trở thành sinh viên môn trống tại một nhạc viện danh tiếng của New York. Mục tiêu trước mắt của cậu là được Terence Fletcher, một giáo sư có tiếng để ý và tuyển vào dàn nhạc jazz của trường. Nhờ vào tài năng vốn có, cộng với một chút toan tính, cậu đã lọt vào mắt xanh ông thầy dược nể sợ nhất trường ấy. Thế nhưng, khi bước chân vào ban nhạc, Andrew mới biết đó là một địa ngục thực sự khi Fletcher không ngần ngại chửi thề, nạt nộ, hành hạ tinh thần sinh viên để đảm bảo bản nhạc được chơi với sự hoàn mỹ tuyệt đối. Andrew nhanh chóng bị cuốn vào cuộc chơi nghiệt ngã của ông thầy, cắt đứt liên hệ với bạn gái, đổ mồ hôi, đổ cả máu để luyện tập. Liệu cậu có trở thành một trong những người vĩ đại nhất như mình mong muốn? Nhưng trước hết Andrew còn phải sống sót, cả thể xác lẫn tinh thần, để vượt qua cửa ải mang tên Terrence Fletcher.

Whiplash có thể được coi là bộ phim ít được biết đến nhất trong năm 2014. Kịch bản và đạo diễn phim được đảm nhiệm bởi Damien Chazelle, một nhà làm phim rất trẻ trước đó chưa có một bộ phim để đời nào (dự án lớn nhất mà anh từng tham gia là viết kịch bản cho The Last Exorcism: Part 2). Ngoài J.K Simmons ra thì phim cũng không quy tụ được những diễn viên tên tuổi, thời gian quay vỏn vẹn 19 ngày và chỉ được công chiếu tại một vài rạp ở Mỹ. Phần lớn câu chuyện chỉ diễn ra trong khuôn viên nhạc viện, với hai nhân vật chính một già một trẻ chiếm lĩnh thời lượng, có thể coi đây là một bộ phim theo phong cách tối giản. Vậy nhưng, Whiplash đã được đề cử giải Oscar cho hạng mục phim xuất sắc nhất, cùng với những cái tên như American Sniper, The Grand Budapest Hotel, Birdman...của các đạo diễn tên tuổi.

Đặt trong bối cảnh một trường nhạc, nhưng tính biểu tượng của Whiplash không chỉ dừng lại trong địa hạt của âm nhạc hay nghệ thuật, bộ phim là một tuyên ngôn đầy khốc liệt của những ai mang trong mình tham vọng đạt đến đỉnh cao ở bất cứ lĩnh vực nào. Họ có thể sẵn sàng cắt bỏ mọi mối quan tâm bên ngoài, tách rời bản thân khỏi thực tại, thậm chí cả tự huỷ hoại... để chuyên chú cho một hoài bão lớn lao, như chàng sinh viên Andrew đã làm. Họ cũng sẵn sàng chối bỏ cả những quy tắc đạo đức thông thường như cái cách mà giáo sư Fletcher đày đoạ tinh thần các nhạc công tương lai để họ bộc lộ được hết khả năng còn tiềm ẩn, phương pháp ấy phi đạo đức tới nỗi mà chính bản thân ông cũng để mất mình, trở thành kẻ lấy bạo hành làm vui. Bởi vậy nên dù cho có vẻ bề ngoài đối đầu không khoan nhượng, Andrew và Fletcher chính là hai kẻ tri kỷ bậc nhất trong hành trình gian nan của những người chinh phục đỉnh cao. Con đường ấy không thiếu những lúc mà người ta phải hoảng sợ trước sự mơ hồ đến tuyệt vọng của lý tưởng khi vấp phải thực tại, nhưng trong mắt của cả hai, lười biếng hay thối chí là thứ đáng khinh nhất. Họ đúng hay sai? Khi cái giá phải trả để đạt đến đỉnh cao không chỉ gồm mồ hôi hay máu, mà còn là sự lạc lõng của chính mình giữa người thân và xã hội? Thật khó để trả lời, và bản thân Whiplash cũng không cố gắng làm việc đó. Đạo diễn Damien Chazelle đã rất dụng công để có thể giữ được giọng kể hết sức khách quan trong bộ phim này, người xem sẽ chỉ thấy các nhân vật tự bộc lộ mình với cả mặt tốt và mặt xấu, người làm phim không hề áp đặt cái nhìn chủ quan lên bất kỳ chi tiết nào. Và cái kết xúc tích đầy ngụ ý của Whiplash cũng là một sự cố tình để lại vết hẫng cho người xem tự mình chiêm nghiệm. Có thể nói đây là một bộ phim sâu sắc bất ngờ đến từ một đạo diễn vừa tròn ba mươi tuổi.

Chắc chắn rằng với những thông điệp mạnh mẽ như vậy, bộ phim sẽ không thể có hồn nếu không có sự nhập vai tuyệt vời của Miles Teller trong vai Andrew và J.K Simmons với Fletcher. Trước Whiplash, không mấy người biết đến Teller, nhưng những gì anh làm trong Whiplash hoàn toàn có thể đưa sự nghiệp anh lên một tầm cao mới. Anh đã diễn tả rất đạt hình ảnh một cậu trai cô độc nhưng lại có hoài bão lớn. Andrew của Miles rất người ở chỗ cậu cũng sợ hãi, đau đớn, cuồng nộ, một Andrew nhạt nhẽo trong cuộc sống xã hội nhưng cực kỳ lúc mạnh mẽ khi ngồi trên dàn trống. Andrew có thể cảm thấy ghê tởm trước sự hành vi của Fletcher, nhưng không lui bước, dồn mọi thứ vào từng nhịp trống đến mức chảy cả máu tay, mồ hôi tuôn ra như tắm, vứt bỏ bạn gái sang một bên, Teller thể hiện cái điên rồ đó rất chân thực. Tuy nhiên, để lại dấu ấn mạnh mẽ hơn cả vẫn là hình ảnh sống động của giáo sư Fletcher. Khán giả Việt Nam có lẽ không quen thuộc với cái tên J.K.Simmons, do trong phần lớn sự nghiệp diễn xuất, ông thường xuất hiện trong các vai phụ. Nhưng phải nói rằng, Simmons là một trong những diễn viên gạo cội được coi là “gừng càng già càng cay”. Trong Whiplash, Simmons đã thể hiện một Fletcher hoàn hảo. Ông ta có thể rất dễ chịu với những người không quen biết, nhưng khi vào dàn nhạc thì đó lại là một kẻ tàn nhẫn khủng khiếp. Không chấp nhận sai sót và càng không chấp nhận sự tầm thường, ông ta reo rắc nỗi sợ hãi cho những người xung quanh. Diễn xuất của Simmons trong phim này tốt đến mức người xem có thể cảm thấy ghê tởm đối với nhân vật này và thậm chí còn cả ghét cả chính bộ phim nữa. Nhưng ngay cả khi đã bộc lộ hết những khuôn mặt của Fletcher, J.K. Simmons vẫn có thể giữ lại được cái thần thái thâm sâu không thể nắm bắt của ông thầy quái gở này. Đây là điều không phải diễn viên nào cũng có thể làm được. Diễn xuất tài tình của Simmons trong Whiplash có thể đem đến cho ông đoạt bất kỳ giải thưởng nào mà ông được đề cử, kể cả đó là giải Oscar danh giá đi chăng nữa.

Phần cắt dựng phim cũng là một điểm nhấn cần nhắc đến. Rất dễ nhận ra Whiplash được phân bổ bằng hai tiết tấu khác biệt, giống như một bản nhạc. Phần lớn bộ phim là những cảnh quay rất chậm rãi, diễn ra trong khung cảnh có phần u ám đến bức bối. Nhưng chỉ cần Andrew ngồi bên bộ trống với Fletchet gào thét bên tai, tiết tấu phim lập tức được đẩy cao bằng những cắt cảnh nhanh, dồn dập, máy quay chuyển động chóng mặt. Đạo diễn Damien Chazelle cũng sử dụng rất khéo léo các góc máy cực gần, đặc tả vào nhân vật nhằm miêu tả sự kịch liệt trong từng tiếng trống. Những biểu cảm gương mặt, đôi tay túa máu do tập luyện quá nhiều, những cái chiêng đầy mồ hôi... là những hình ảnh gây được ấn tượng mạnh. Kịch tính của bộ phim càng lên cao cùng với sự bạo ngược của Fletcher, người xem càng cảm thấy tiếng trống của Andrew dồn dập đến mức như thể tim cậu có thể ngừng đập bất kỳ lúc nào. Có lẽ việc nhân vật chính là một tay trống đã là một cái cớ tuyệt vời để Chazelle nhào nặn nhịp điệu của bộ phim này.

Whiplash không phải là một bộ phim có thể khiến bạn cảm thấy vui sướng sau khi xem xong và có lẽ nó cũng không phải là phim khiến bạn muốn xem đi xem lại bởi sự căng thẳng của nó. Tuy nhiên, bộ phim chắc chắn sẽ khiến bạn run rẩy trước từng khung hình, từng nhịp trống, từng đợt xung đột giữa Andrew và Fletcher, và cuối cùng, khiến bạn phải đặt nhiều câu hỏi khi phim kết thúc. Có thể nói đó chính là thành công lớn nhất của Whiplash, nó chứng tỏ tài năng của nhà đạo diễn trẻ và các cộng sự. Chazelle, Simmons và Miller đã cho giới hâm mộ điện ảnh một ví dụ cho thấy một bộ phim hay phải như thế nào, ngay cả khi câu chuyện được giới hạn theo phong cách tối giản.

Nguồn: Anh Tuấn - Hữu Tuấn