X-Men: Apocalypse - Khi nhà trường và phụ huynh ở bên lũ trẻ
Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·
Một bộ phim “gia đình” của Fox đã thắng hai bom tấn của DC và Marvel. Đơn giản, bởi xung đột siêu anh hùng là “nghề của chàng”.
Một bộ phim “gia đình” của Fox đã thắng hai bom tấn của DC và Marvel. Đơn giản, bởi xung đột siêu anh hùng là “nghề của chàng”.
X-Men: Apocalypse mở màn bằng việc giới thiệu về nguồn gốc của Apocalypse. Khung cảnh Ai Cập huyền bí và hiện đại lúc đầu phim tạo một không khí rất tốt để nâng dần cao trào lên. Nhưng vị thần Apocalypse này rốt cuộc cũng chỉ là làm nền cho nhân tính và những xung đột trong nội tâm con người. Chính cách kể chuyện khéo léo của đạo diễn Bryan Singer đã tạo nên nhiều khác biệt cho bộ phim này.
Nếu làm một phép so sánh, Batman V Superman phải giấu câu chuyện sau mấy lớp triết lý quá sâu mà không phải ai cũng “rảnh rang” đi tìm hiểu. Và còn thêm việc giải quyết xung đột quá khó thuyết phục khán giả đại chúng.
Hay Civil War cố tỏ ra “nguy hiểm” bằng 1 đạo luật siêu anh hùng nhưng khép lại bằng ân oán cá nhân của Bucky và Iron Man, để rồi cuối cùng Captain viết 1 lá thư xin lỗi sau khi đập Iron Man ra bã.
X-Men: Apocalypse không làm thế. Họ không cần những xung đột về tư tưởng, tính cách. Bởi từ năm 2000, khi làm phần X-Men đầu tiên, họ đã không ngừng khai thác chủ đề này.
Nếu xét một cách vĩ mô, X-Men là cộng đồng những kẻ dị biệt (đồng tính, da màu, dân nhập cư v.v.) bị xã hội từ chối. Và trong cộng đồng đó nổi lên hai con người: Giáo sư X và Magneto.
Giáo sư X là đại diện cho những tư tưởng lớn từng đấu tranh vì tự do và hòa bình như Gandi của Ấn Độ hay mục sư da màu Luther King của Mĩ. Ông chủ trương hòa hợp cho X-Men và loài người.
Ở mặt còn lại là Magneto, một người đột biến bị lợi dụng, chịu đủ nỗi đau và tin rằng chỉ có bạo lực mới giải quyết được tất cả.
Đi từ xung đột tư tưởng lớn này, chúng ta có những xung đột nhỏ hơn nhưng không kém phần khốc liệt: Là một Mystique luôn khao khát được làm chính mình và bảo vệ những huynh đệ của mình nên luôn phải đi giữa lằn ranh phân biệt Giáo sư X và Magneto. Và cả những người đột biến khác luôn phải lựa chọn giữa việc được làm chính mình hay làm sinh vật mà đám đông mong muốn.
Tóm lại, năm 2016 là năm mà DC và Marvel cố sức làm một điều mà Fox đã làm hơn 10 năm nay, thế nên việc hai đại gia thua “sấp mặt” trước Fox là quá dễ hiểu.
Nhưng Fox, cũng như Magneto quả thực là “Có nhiều hơn thế này” (trích câu nói của Giáo sư X).
TRONG MỘT NĂM ĐỀ CAO XUNG ĐỘT, HỌ LẠI ĐƯA RA GIẢI PHÁP HÒA HỢP CHO MỘT VẤN ĐỀ HỌ ĐÃ ĐẶT RA BẤY LÂU.
Bằng thủ pháp tránh “tập trung thái quá” vào một vài nhân vật, Fox đã tạo cảm giác X-Men: Apocalypse là một phim “gia đình” nơi mà mọi nhân vật đều có tiếng nói và sức ảnh hưởng riêng. Trong loạt X-Men cũ (3 phần), Wolverine như một “ông chú” dữ dằn kéo đám “đàn em” đi cứu thế giới, hay trong X-Men: First Class, Giáo Sư X tập tễnh đi trên con đường cứu thế giới cùng các bạn lần đầu tiên,
Còn trong X-Men: Apocalypse, các dị nhân trẻ “lần đầu” xuất hiện như Nightcrawler, Jean Grey, Scott Summer đã khéo léo tiếp nhận trách nhiệm của mình và chung vai cùng các bậc tiền bối cứu thế giới.
Và hãy để ý cách mà Apocalypse thất bại: ông ta chiêu mộ dị nhân đầu tiên là Storm, một cô bé sống lang bạt ở Cairo. Sau đó là Psylocke, một tội phạm đột biến. Rồi đến Angel, một võ sĩ đánh quyền chui. Cuối cùng là một Magneto đang tràn đầy thù hận. Cái cách chiêu mộ “nhân tài” của Apocalypse nào khác gì cách những ông trùm tội phạm tìm thủ hạ: bắt đầu từ những đứa trẻ vô tri, rồi đến những kẻ lạc lối, hận đời. Ở bên kia chiến tuyến là những người luôn lắng nghe và quan tâm bọn trẻ theo những cách khác nhau. Có người dạy bọn trẻ học, chăm sóc từng giấc ngủ cho chúng như Giáo sư X và Hank. Có người không ngại nguy hiểm, cứu chúng ra khỏi hang ổ tội phạm như Mystique. Hay cũng có những người sẵn sàng hi sinh tính mạng vì chúng như Havoc. Chính vì thế mà trong thế giới kỳ ảo của bộ phim này, nhân loại được cứu vớt khi đại gia đình người đột biến chung tay. Điều đó có khác gì thế giới thực, nơi rất nhiều tệ nạn có thể được ngăn chặn khi gia đình và nhà trường, xã hội, biết lắng nghe những gì đám trẻ thực sự muốn nói?
Cốt truyện sâu sắc với những tình tiết hài hước được đặt cạnh những bi thương và oán hận một cách tinh tế, khiến bộ phim nghiêm túc nhưng không nặng nề như BvS, vui vẻ nhưng không dễ quên như Civil War.
Dàn cast của phim vẫn xuất sắc như mọi phim, nhưng nhân vật Magneto của Michael Fassbender là điểm nhấn để ghi điểm của Fox. Thực vậy, nếu như trong “Day of future past”, Magneto chỉ có một khoản thời gian ngắn ngủi để nhận ra sai lầm của mình, thì trong Xmen Apocalypse, tôi thấy anh thực sự có được sự giải thoát.
Phim mở đầu bằng bi kịch dẫn Magneto trở lại con đường “độc ác”. Mọi thứ quá rõ ràng và hợp lý.
Magneto thù hận loài người, thù hận thế giới bất công đẩy anh vào cuộc đời “Chí Phèo”.
Nhưng khi đứng trước lựa chọn hủy diệt thế giới để trả thù hay bảo vệ những người mình yêu thương, Magneto đã lựa chọn đúng đắn. Bởi vì ngay khi đi đến tận cùng đau khổ như Magneto, người ta vẫn le lói chút gì đó hi vọng được yêu thương và che chở. Và Magneto đã được vực dậy. Không chỉ trong “Xmen Apocalypse”, mà còn trong cả những phần trước như “Xmen First Class” hay “Day of future past”. Cám ơn Michael Fassbender vì màn trình diễn của anh từ khi bắt đầu đảm nhận vai Magneto. Từ một Magneto mang phong cách sát thủ trong "First Class", sau đó chuyển sang gian hùng trong "Day of future past" để rồi giác ngộ thực sự ở "Apocalypse", đó quả là một hành trình gian nan với bất kì ai.
Từ cách khai thác các phần, ta có thể thấy đây cũng là một điểm mà Fox vượt xa Marvel. Marvel chỉ đơn giản là làm những bộ phim riêng lẻ về Captain, Iron Man sau đó “nhét” họ vào một cuộc chiến lãng xẹt và giải quyết nó nửa vời. Trong khi đó, Fox xây dựng một quá trình diễn biến tâm lí đầy đủ cho Magneto và “cài cắm” những tình tiết giải quyết xung đột từ trước để rồi trong giờ phút sinh tử, Magneto nhận ra mình không phải là kẻ muốn đắm mình trong hận thù. Vấn đề được giải quyết với đầy đủ thời gian, tình tiết mà nó cần có. (Chắc không cần nhắc đến “Save Martha” huyền thoại của “thánh” Zack Snyder nhỉ?).
Nếu có điểm trừ nào thì nằm ở việc những pha chiến đấu của Fox không được hoành tráng như DC hay đẹp mắt như Marvel. Ngoài ra việc trên thế giới này chỉ có duy nhất một Hans Zimmer khiến cho nhạc phim không thể gây hưng phấn như Batman V Superman.
Tuy nhiên, thật khó để chê một bộ phim có giá trị để xem lại mà vẫn dễ tiếp cận như Xmen Apocalypse.