[Xếp Hạng] 10 phim của David Fincher từ dở nhất đến hay nhất

Tin điện ảnh · Maii ·

10 bộ phim từ dở nhất đến hay nhất của David Fincher, bộ phim bạn yêu thích nằm ở vị trí nào?

Với 2 đề cử Oscar cùng loạt phim bom tấn phòng vé, David Fincher đã chứng minh vị thế bậc thầy trong việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật và thương mại. Đặc biệt ấn tượng nhất trong các phim của ông là sự u ám, đen tối và cảm giác khó chịu, với đầy đủ sự thông minh và châm biếm.

(Ảnh: Golderby)
(Ảnh: Golderby)

Sinh năm 1962, Fincher bước vào sự nghiệp làm phim ở mảng hiệu ứng đặc biệt với Industrial Light and Magic, tham gia thực hiện những bộ phim như Star Wars: The Return of the Jedi (1983) Indiana Jones and the Temple of Doom (1984). Sau đó ông theo đuổi sự nghiệp đạo diễn, gây ấn tượng bằng một đoạn quảng cáo cho American Cancer Society với hình ảnh một bào thai đang hút thuốc.

Ông là nhà đồng sáng lập của Propaganda Films, một công ty sản xuất video âm nhạc và quảng cáo, nơi đã từng nắm trong tay các nhà làm phim tương lai như Spike Jonze, Michael Bay, Antoine Fuqua, Alex Proyas, Mark Romanek, Zach Snyder và Gore Verbinski. Bản thân Fincher cũng từng quay những video nổi tiếng như Vogue, Express Yourself, Oh FatherBad Girl của nữ ca sĩ Madonna.

(Ảnh: IndieWire)
(Ảnh: IndieWire)

Sự nghiệp của ông rẽ hướng với Alien 3 (1992), bộ phim thất bại trong mắt giới phê bình và được nhà phê bình Roger Ebert mô tả là “một trong những phim tồi đẹp nhất tôi từng xem.” Ông sau đó nhanh chóng bật lại ở phòng vé với bom tấn Se7en (1995). Thành công của nó đã giúp ông có cơ hội làm những dự án tham vọng hơn như The Game (1997), Fight Club (1999), Panic Room (2002)Zodiac (2007).

(Ảnh: The Fincher Analyst)
(Ảnh: The Fincher Analyst)

Ông được đề cử Oscar lần đầu với The Curious Case of Benjamin Button (2008), một phim sử thi lãng mạn với phần hóa trang và hiệu ứng đặc biệt tân tiến để có thể khắc họa Brad Pitt trong hình ảnh một người đàn ông lão hóa ngược. Phim nhận được 13 đề cử Oscar, bao gồm Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Fincher đồng thời cũng được vinh danh ở các giải thưởng như DGA, Golden Globes, BAFTA và Critics Choice.

Bộ phim tiếp theo của ông về sự ra đời của Facebook, The Social Network mang về cho Fincher đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất tại Oscar và DGA, thêm vào đó là chiến thắng ở giải Quả Cầu Vàng, BAFTA và Critics Choice. The Girl with the Dragon Tattoo (2011) được đề cử ở DGA, theo sau là đề cử Quả Cầu Vàng và Critics Choice cho Gone Girl (2014).

(Ảnh: The Playlist)
(Ảnh: The Playlist)

Fincher cũng thành công ở màn ảnh nhỏ khi chiến thắng giải Emmy cho tập pilot House of Cards mà ông đạo diễn, và quay lại Netflix với series phim về kẻ giết người hàng loạt Mindhunter. Ông tiếp tục đạo diễn video ca nhạc và quảng cáo, thắng giải DGA với một series các TV Spot trong năm 2004, thêm vào đó là giải Grammy cho The Rolling Stones: Love is Strong năm 1995 và Justin Timberlake and Jay-Z: Suit & Tie năm 2014.

Hãy cùng xem lại bảng xếp hạng bộ phim từ dở nhất đến hay nhất của ông, và xem liệu bộ phim yêu thích của bạn có ở top đầu không nhé.

10. Alien 3 (1992)

(Ảnh: Golderby)
(Ảnh: Golderby)

Bạn thường không nghe thấy Fincher nhắc đến Alien 3 và điều đó là có lý do cả. Vị đạo diễn video ca nhạc 29 tuổi lúc đó tham gia dự án sau khi Vincent Ward rời đi và chịu sự quản lý hoàn toàn của studio, vốn cũng chẳng có một kịch bản hoàn chỉnh trước khi bắt đầu quay.

Ông dần cũng bỏ dự án trước khi bản dựng cuối cùng được hoàn thành, và để lại một trải nghiệm xấu ở phía sau. Tuy vậy, liệu nó có thực sự là một thảm họa? Dù không phải là bộ phim hoàn hảo, nhưng Alien 3 nối tiếp câu chuyện về Ellen Ripley (Sigourney Weaver) chiến đấu với quái vật ngoài hành tinh trên một hành tinh bỏ hoang, vẫn có những điểm sáng về mặt hình ảnh và cảm xúc, cho thấy được tài năng của Fincher sớm muộn gì cũng nở rộ trong các tác phẩm sau này. 

9. Panic Room (2002)

(Ảnh: Golderby)
(Ảnh: Golderby)

Dù nội dung có vẻ đơn giản, nhưng Panic Room vẫn là một trong trong những phim phức tạp và tiêu tốn chi phí sản xuất nhất trong sự nghiệp của Fincher. Ngôi sao Nicole Kidman rời dự án khi bị chấn thương, thay bằng Jodie Foster, nữ diễn viên sau lại phát hiện mình mang thai.

Nhưng bạn không cần biết điều đó để xem được bộ phim giải trí và có kết cấu chặt chẽ này. Foster trong phim vào vai một người phụ nữ cùng con gái (Kristen Stewart) chuyển đến sống trong một ngôi nhà mới cực sang trọng có một căn phòng an toàn riêng (panic room). Khi 3 người đàn ông (Forest Whitaker, Dwight Yoakam, Jared Leto) đột nhập vào căn nhà để tìm một cái két sắt đầy tiền, hai mẹ con nhốt mình trong căn phòng và phải tìm cách thoát ra trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.

8. The Girl With The Dragon Tattoo (2011)

(Ảnh: Golderby)
(Ảnh: Golderby)

Ban đầu được dự định sẽ là phần đầu tiên trong trilogy chuyển thể từ chuỗi tiểu thuyết bán chạy của Stieg Larsson, The Girl with the Dragon Tattoo cuối cùng trở thành dự án “một đi không trở lại” của Fincher (tốt nhất chúng ta đừng nói gì cả về phần reboot không do Fincher đạo diễn The Girl in the Spider’s Web).

Vậy nên mặc dù có cảm giác thiếu hoàn thiện, nhưng đây vẫn là một bộ phim bí ẩn và đen tối hấp dẫn. Được quảng bá là tác phẩm “mang đến cảm giác khó chịu cho mùa Giáng Sinh” (feel bad movie for Christmas), phim tập trung vào một nhà báo người Thụy Điển (Daniel Craig) đang điều tra vụ mất tích của một người phụ nữ 40 năm trước với sự giúp đỡ của một hacker xăm hình (Rooney Mara). Phim đạt 5 đề cử Oscar, bao gồm giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Mara. 

7. The Game (1997)

(Ảnh: Golderby)
(Ảnh: Golderby)

Sau Seven, Fincher bắt đầu "bật chế độ giải trí toàn diện" và tạo nên một phim thriller tâm lý về sự nguy hiểm của chủ nghĩa tư bản. The Game xoay quanh một ông chủ ngân hàng cực kỳ giàu có (Michael Douglas) được người em trai (Sean Penn) tặng một món quà đặc biệt trong ngày sinh nhật: cơ hội tham gia một trò chơi bí ẩn, hóa ra là một bài kiểm tra thể lực và sức chịu đựng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Khi Douglas chiến đấu vì mạng sống của mình, anh học được nhiều bài học quý giá về bản tính vô tâm của chính mình (emotional aloofness). Nhiều cú twist và bất ngờ, The Game là bộ phim noir về sự sống mong manh của con người, được một bậc thầy của thể loại đạo diễn rất mượt mà và bóng bẩy. 

6. The Curious Case of Benjamin Button (2008)

(Ảnh: Golderby)
(Ảnh: Golderby)

Fan cứng của Fincher thường xem The Curious Case of Benjamin Button là bộ phim rõ ràng được làm để tranh giải Oscar (Oscar bait). Và đúng là bộ phim này đã nhận được 13 đề cử, bao gồm giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất, nhưng đây không phải là một bộ phim Oscar điển hình.

The Curious Case of Benjamin Button là góc nhìn đáng buồn và kỳ lạ về tình yêu đã mất và cái chết, với hiệu ứng đặc biệt và hóa trang đáng kinh ngạc. Brad Pitt trong phim vào vai một người đàn ông sinh ra với ngoại hình 80 tuổi và bị lão hóa ngược. Anh gặp Daisy xinh đẹp (Cate Blanchett), người bước vào và rời khỏi cuộc đời anh theo những cách đáng ngạc nhiên. Với gần 100 năm lịch sử được thể hiện qua đôi mắt của Benjamin, đây là bộ phim lãng mạn sử thi đậm chất Hollywood mà chỉ có Fincher mới có tầm nhìn để tạo nên được. 

5. Fight Club (1999)

(Ảnh: Golderby)
(Ảnh: Golderby)

Có lẽ đây là bộ phim gây tranh cãi nhiều nhất của Fincher, Fight Club được đánh giá là một phim châm biếm sâu sắc nhưng đồng thời cũng bị phê bình là một phim rác về sự hung hăng của đàn ông (macho).

Thực thế thì phim kết hợp cả 2 lại mỗi thứ một ít, một bộ phim châm biếm về chủ nghĩa tiêu thụ và sự nam tính, và mặt độc hại mà chúng mang đến cho xã hội. Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Chuck Palahniuk, Edward Norton vào vai một nhân viên văn phòng bị chứng mất ngủ.

Và anh ta tìm đến các nhóm hỗ trợ, sau đó gặp Tyler Durden (Brad Pitt), một nhân viên bán hàng thành lập một câu lạc bộ underground để đàn ông đập lẫn nhau. Khi một người phụ nữ tâm thần (Helena Bonham Carter) bước vào mối quan hệ của họ, tình anh em của hai người bị phá vỡ, chưa kể đến âm mưu quỷ quyệt của Durden. 

4. Gone Girl (2014)

(Ảnh: Golderby)
(Ảnh: Golderby)

Một phim thriller đậm phong cách Hitchcock thời hiện đại, Gone Girl có thể xem là câu chuyện đau lòng nhất về hôn nhân kể từ Scenes from a Marriage của Ingmar Bergman.

Được chính Gillian Flynn chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên bán chạy nhất của mình, phim tập trung vào Amy Dunne (do nữ diễn viên được đề cử Oscar Rosamund Pike thể hiện), một người vợ ở Missouri bỗng nhiên mất tích, và đẩy sự nghi ngờ lên người chồng lăng nhăng Nick (Ben Affleck).

Mọi dấu vết đều đổ về phía người chồng và anh phải chứng minh sự trong sạch của mình trước khi quá muộn. Fincher khiến chúng ta phải đoán già đoán non động cơ của nhân vật, và làm người xem bất ngờ từ cảnh này qua cảnh khác. Mặc dù chiến thắng giải Quả Cầu Vàng và Critics Choice ở hạng mục Đạo diễn, ông bị Viện Hàn Lâm ngó lơ tại giải Oscar. 

3. The Social Network (2010)

(Ảnh: Golderby)
(Ảnh: Golderby)

Với The Social Network, Fincher và biên kịch Aaron Sorkin đã tạo nên một góc nhìn cuốn hút về trang kết nối “bạn bè” được tạo ra bởi một người đàn ông không có khả năng có một người bạn thực thụ.

Ban đầu là một trang chấm điểm phụ nữ do thiên tài Mark Zuckerberg (Jesse Eisenberg) thành lập, Facebook sớm trở thành một công ty trị giá hàng tỷ đô, đồng thời phá hỏng mối quan hệ giữa anh và người bạn thân Eduardo Saverin (Andrew Garfield).

Được kể với phong cách của Rashomon, lời thoại sắc bén và năng lượng bùng nổ, đây là câu chuyện về mặt tồi tệ và máu lạnh của chủ nghĩa tư bản. Ngoài chiến thắng giải Oscar cho kịch bản, biên tập và âm nhạc, phim cũng mang về cho Fincher đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất tại giải Oscar, chiến thắng ở giải Quả Cầu Vàng, BAFTA và Critics Choice Awards.

2. Zodiac (2007)

(Ảnh: Golderby)
(Ảnh: Golderby)

Như những vụ án mạng mà nó dựa trên, Zodiac tiếp tục làm người xem bối rối. Đây là một trong những phim hiếm hoi nói về 2 câu chuyện khác nhau và làm tốt ở cả hai.

Một bên là câu chuyện về một họa sĩ biếm họa (Jake Gyllenhaal) và một phóng viên (Robert Downey, Jr.) bị ám ảnh bởi Zodiac Killer, tên giết người đã gây kinh hoàng cho vùng Bắc California vì hàng loạt vụ án mạng vào cuối những năm thập niên 60, đầu những năm thập niên 70.

Mặt khác, phim cũng khắc họa quá trình một thanh tra ở San Francisco (Mark Ruffalo) trong quá trình theo dấu hung thủ. Cả 2 câu chuyện cực kỳ hài hòa, đưa người xem cùng khám phá một trong những bí ẩn rùng rợn nhất và chưa có lời giải đáp trong lịch sử hiện đại. 

1. Se7en (1995)

(Ảnh: Golderby)
(Ảnh: Golderby)

Với bộ phim thứ 2 trong sự nghiệp, Fincher đã tạo nên một phong cách điện ảnh đen tối, bóng bẩy và âm trầm mà sau này sẽ gắn liền với tên tuổi của ông, cũng như tạo nên một trong những phim noir hiện đại hay nhất. Thành công lớn của nó rất đáng ngạc nhiên vì đây là bộ phim mang màu sắc khá lạnh lùng, tuy vậy, đấy lại là tài năng độc nhất vô nhị của vị đạo diễn trong suốt sự nghiệp của mình.

Đặt trong bối cảnh của một thành phố u buồn nhiều mưa, một thanh tra kỳ cựu (Morgan Freeman) hợp tác với một thanh tra trẻ (Brad Pitt) để cùng bắt một tên giết người hàng loạt gây án dựa trên Thất Đại Tội.

Đậm phong cách và thông minh, Seven khiến người xem hồi hộp từ đầu đến cuối bằng những tình tiết bất ngờ đến rùng mình và không khí u ám của nó, cho đến tận đoạn kết gây sốc cuối cùng. Một bộ phim pha trộn hoàn hảo giữa nghệ thuật và thương mại, đã chứng minh Fincher không chỉ là một đạo diễn MTV. 

Nguồn: Golderby