The Menu (Thực Đơn Bí Ẩn) - Ý nghĩa đằng sau các món ăn
The Menu - “Thực đơn tội lỗi”, khi ranh giới giàu-nghèo, tình dục, bạo lực… được phơi bày trong các món ăn.
Kéo xuống để xem tiếp
Vào cuối tuần qua, The Menu (Thực Đơn Bí Ẩn) đã chính thức ra rạp Việt Nam sau nhiều lần úp mở về sự xuất hiện của mình ở phòng vé Việt. Bộ phim đã đem đến cho người xem cảm giác như chính họ là những vị khách thực thụ tại nhà hàng.
The Menu đã tạo nên điểm nhấn bằng sự đầu tư kỹ lưỡng dành cho các món ăn và tại đây chúng được ví như những kiệt tác. Vì thế, không còn gói gọn trong mục đích làm no bụng mà thay vào đó thưởng thức món ăn giờ đây đã trở thành nghệ thuật. Bởi thay vì ăn, bếp trưởng Julian Slowik (Ralph Fiennes) cho rằng thực khách cần nếm, nhâm nhi và xem đó là một cuộc trải nghiệm vị giác.
Đặc biệt, đi kèm với mỗi món ăn trong thực đơn sẽ là một câu chuyện kể để rồi thông qua đó người xem sẽ phần nào bóc tách được ý nghĩa thật sự nằm đằng sau bữa ăn kỳ quái này.
1. The Island
Lấy cảm hứng từ sự vô tận của thiên nhiên, mở đầu cho thực đơn ngày hôm đó là món ăn với sự kết hợp giữa sò điệp và rau xanh. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoại trừ một con sò điệp duy nhất đặt trên hòn đá thì chẳng còn gì khác để thực khách có thể thưởng thức. Điều đáng kể đến ở đây lại chính là thái độ tôn sùng của Tyler (Nicholas Hoult) dành cho vị bếp trưởng. Anh chàng đã cảm động đến nỗi rơi nước mắt trước phần giới thiệu của Julian Slowik. Và sự lố bịch càng được tăng cấp khi Tyler dành vô số lời tán dương có cánh cho món ăn này, mặt khác người đi cùng anh, Margot (Anya Taylor-Joy) lại cho rằng đó chỉ toàn là đá.
Ngoài ra còn có Lillian Bloom (Janet McTeer), một nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng, bà cũng liên tục gửi cơn mưa lời khen đến tay nghề của vị đầu bếp. Xem đến đoạn này khán giả ai nấy đều phải bật cười nghiêng ngả vì những phản ứng thái quá của khách hàng đối với một món ăn kỳ quái. Đây cũng chính là mục đích của The Menu khi cố tình lồng ghép các yếu tố hài hước để tạo nên những tràng cười châm biếm, trào phúng.
Trên thực tế, có một sự thật ta không thể phủ nhận rằng giá trị của món ăn được quyết định qua việc ăn ở đâu và ai sẽ là người thưởng thức chúng. The Menu được xem là một minh chứng điển hình cho điều đó khi thức ăn được chế biến tại một nhà hàng sang trọng và hầu hết các vị khách ở đây đều là người thuộc tầng lớp thượng lưu, cho nên dù là đá thì tất yếu cũng sẽ trở thành mỹ vị. Tuy nhiên, vì quá đề cao những thứ cao sang mà cả bếp trưởng và những thực khách đã vô tình quên mất mục đích cốt lõi của việc ăn uống chính là thoả mãn vị giác và cảm giác hạnh phúc khi thưởng thức chúng.
2. Đĩa bánh mì không bánh, chỉ có các hương vị của bánh
The Menu đã khéo léo trong cách lên án tư tưởng phân biệt giai cấp trong xã hội ngày nay, đây vốn là thực trạng đã tồn tại qua hàng trăm thế kỷ và hiện vẫn đang còn tiếp diễn. Ở đây người xem có thể dễ dàng nhận thấy điều đó ngay trong cách bếp trưởng Julian Slowik giới thiệu món ăn. Chiếu theo lời của Julian Slowik, ông cho rằng bánh mì là thứ thức ăn xoàng xĩnh chỉ dành cho dân nghèo.
Tuy nhiên, hầu hết các thực khách khi đến nhà hàng đều là các nhân vật quan trọng, từ chuyên gia phê bình ẩm thực, diễn viên, doanh nhân hay những nhà đầu tư. Dựa trên quan điểm của vị bếp trưởng, đối với những khách hàng thuộc giới thượng lưu thì việc sử dụng bánh mì cho bữa chính cũng giống như hành động xúc phạm đến vị giác của họ. Chính vì thế, Julian Slowik đã cho ra đời của một đĩa bánh mì không bánh, chỉ có các hương vị của bánh. Thay vì đơn thuần là ăn bánh mì thì nếm và thưởng thức từng hương vị của chúng sẽ góp phần tạo nên sự khác biệt giữa người giàu và kẻ nghèo.
3. Ký ức
Ở món ăn thứ ba, vị bếp trưởng đã ưu ái đặt cho nó với cái tên “Ký ức”. Đúng như cách gọi, món ăn này đã hoàn thành tốt vai trò của mình trong việc gợi lên cho các thực khách những dấu ấn trong quá khứ, hay nói chính xác hơn thì đó là cách mà Julian Slowik nhắc về tội lỗi của từng người. Liên tiếp những sự thật được phơi bày ra ánh sáng, theo đó lần lượt là hình ảnh của một nhà phê bình ẩm thực múa bút khiến hàng loạt các nhà hàng phải đóng cửa, hành vi ngoại tình của một người đàn ông, việc làm giả các khoản hàng và chi trả từ những nhà đầu tư hay ở Tyler là thái độ không tôn trọng đối với quy định nhà hàng.
Tất cả đều được chạm khắc trên khẩu phần bánh tortilla của từng vị khách. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ tự chiêm nghiệm về hành động của mình trong quãng thời gian qua bởi vốn dĩ “không có bông hoa tuyết nào là trong sạch cả”. Dù thuộc tầng lớp thượng lưu nhưng suy cho cùng, họ vẫn là con người và sai lầm là điều không thể tránh khỏi.
Mặt khác, đến với món ăn thứ ba, đạo diễn Mark Mylod còn gửi gắm vào đó những thông điệp về gia đình. Dựa trên lời kể nhân vật, Mark Mylod đã thành công khơi dậy quá khứ đau buồn của Julian Slowik khi có bố là một tên nghiện rượu và đồng thời đó cũng là kẻ đã ra tay sát hại mẹ ông, nhưng bất thành. Thế kỷ XXI được xem là kỷ nguyên của văn minh, phát triển nhưng sự thật, đâu đó vẫn luôn tồn tại song hành một thế giới ngầm, nơi hội tụ của những tệ nạn, tội ác vốn đang ngấm ngầm kìm hãm lại bước đi tiến bộ của con người. Thông qua cách tìm về ký ức, The Menu đã giúp cho khán giả có thêm được những góc nhìn sâu sắc hơn về vấn nạn bạo lực gia đình vốn đang âm ỉ trong thời đại ngày nay.
4. Mớ lộn xộn của Jeremy Louden
“Mớ lộn xộn” được chế biến bởi Jeremy Louden (Adam Aalderks) và đây cũng là món ăn xuất hiện trên poster chính thức của bộ phim. Tuy nhiên, tâm điểm của món ăn lại nằm ở cái chết của chính người tạo ra nó. Jeremy Louden được giới thiệu với vai trò là bếp phó nhà hàng và Julian Slowik cũng đã dành sự tán dương cho tài năng của anh. Tuy nhiên, với cái tôi cao của người nghệ sĩ, Julian Slowik lại không chấp nhận khi có kẻ khác tranh mất đi vị thế vốn đang thuộc về mình.
Theo dõi bộ phim, khán giả có thể dễ dàng nhận thấy được sự khắc nghiệt và tàn bạo của “chúa tể hắc ám” trên cương vị là một bếp trưởng. Julian buộc tất cả nhân viên nhà hàng phải nghe theo sự chỉ đạo của ông. Khi đang ở đỉnh cao danh vọng, Julian cho mình cái quyền được tự ý áp đặt tư tưởng vào người khác. Đối với Jeremy, cái chết của anh như một sự cưỡng ép. Vì trong phim, Jeremy đã khóc lúc cận kề với tử thần và biểu cảm của anh cho mọi người thấy rằng vốn dĩ anh không muốn ra đi. Tuy nhiên, chỉ khi Jeremy chết thì anh ấy mới không thể vươn tới sự vĩ đại như Julian và đây cũng chính là ý muốn của vị bếp trưởng.
Theo Julian Slowik, ông cho rằng: “Dù cống hiến tất cả cho những người không quen, được đánh giá cao, làm hài lòng khách hàng, nhưng vẫn không tránh khỏi mớ lộn xộn”. Với tôi, sự “lộn xộn” mà Julian đề cập đến đó là sai lầm của Jeremy. Anh tự khiến mình rơi vào bế tắc bởi chính tài năng ẩm thực và đáng tiếc thay điều này lại khiến vị bếp trưởng cho rằng anh đang muốn có được cuộc sống của ông.
5. Trà làm sạch vị giác
Sau cái chết ghê rợn, đây sẽ là khoảng thời gian nghỉ ngơi cho các thực khách tại nhà hàng khi món thứ năm mà Julian Slowik mang đến là trà với mục đích làm sạch vị giác. Trước khi đến với những giây phút cuối cùng của đường đua sinh tử, các vị khách ở Hawthorne sẽ được dưỡng tâm bằng một tách trà nóng. Đây được xem là nét văn hóa đặc sắc của người phương Tây, đặc biệt là giới quý tộc.
6. Sự dại dột của đàn ông
Mỗi món ăn trong The Menu luôn đi kèm với một ý nghĩa riêng biệt và “Sự dại dột của đàn ông” cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Phim đã khéo léo trong việc đề cập đến hành vi suy đồi đạo đức, vốn là thực trạng đang rất phổ biến trong xã hội hiện nay: quấy rối tình dục.
Câu chuyện được thuật lại qua chính lời kể của nạn nhân, bếp phó Katherine Keller (Christina Brucato). Cô thừa nhận bản thân đã liên tục từ chối Julian Slowik khi ông có ý định xấu với mình. Hơn hết, với The Menu, điểm đáng chú ý ở đây chính là việc Katherine được trao cho cơ hội trả thù. Đây được xem như sự trỗi dậy của những nạn nhân bị xâm hại, là ý chí phản kháng của con người trước mối đe dọa từ cái xấu, cái ác. Qua đó khán giả có thể thấy rằng đằng sau món ăn thứ sáu chính là hồi chuông cảnh báo cho vấn nạn quấy rối tình dục đang hoành hành tại các cơ sở làm việc khiến không ít người rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
7. Món tạp nham của Tyler
Ở món ăn thứ bảy, tuy không nằm trong thực đơn chính thức nhưng đây được xem là màn đả kích lớn đối với Tyler, một người hâm mộ mù quáng của Julian Slowik. Trong The Menu, Julian đóng vai trò như một nghệ sĩ thực thụ khi các món ăn mà ông làm ra đều được ví như những kiệt tác nghệ thuật. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Tyler, Julian xem đây chẳng khác gì một nỗi sỉ nhục vì anh là lý do khiến cho thực đơn mà vị bếp trưởng đã dày công chuẩn bị mất đi hết tính bí ẩn. Một lần nữa, tại phân đoạn này, tiếng cười châm biếm đã được tạo nên trước sự vụng về của Tyler trong gian bếp.
8. Hamburger
Tuy là bổ sung nhưng đây lại là món ăn giúp người nghệ sĩ tìm lại chính mình. Đã từng rất hạnh phúc nhưng giờ đây, khi đứng bếp, Julian Slowik lại hoạt động như một cái máy. Ông phục vụ những vị khách không quen, làm hài lòng họ để rồi nấu ăn với ông trở thành nỗi ám ảnh. Chính điều này đã vô tình khiến Julian dần đánh mất đi mục đích thật sự của việc nấu nướng. Khi người nghệ sĩ đã không còn cảm hứng sáng tác thì dù món ăn làm ra có ngon đến mấy cũng sẽ trở nên vô nghĩa.
Mặt khác, hamburger là món ăn mà Julian thường làm trong quá khứ, đồng thời đó cũng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất cuộc đời ông khi gắn bó với nghề. Nhận biết được điều này, thế nên một lần nữa ký ức ùa về, chính yêu cầu của Margot đã giúp ông sưởi ấm lại tình yêu dành cho gian bếp vốn đã nguội lạnh.
9. S’more
Theo lời giới thiệu của vị bếp trưởng, S’more đại diện cho những sai lầm của con người khi khởi nguyên của món ăn là từ những thanh sô-cô-la sản xuất đại trà và kẹo không rõ nguồn gốc.
Được ưu ái trở thành món ăn cuối cùng nên S’more được Julian Slowik dành một sự đầu tư khủng với sự kết hợp mới lạ giữa kẹo marshmallow, sô-cô-la, cho toàn bộ nhân viên nhà hàng và thực khách có mặt trong bữa tiệc ngày hôm đó. Khi ngọn lửa đốt lên, điều này mang ý nghĩa giúp tẩy sạch những ô uế của con người, thiêu rụi hết mọi tội lỗi mà họ phạm phải, xóa bỏ đi cái cũ mục nát và mở ra một trang mới tốt đẹp hơn.
[post id=31125]
[post id=31131]