[Tổng Hợp] 12 cảnh phim đẹp nhất thế kỷ 21
Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · VLynd ·
Hãy cùng Moveek khám phá 12 cảnh phim đẹp nhất từ 12 bộ phim của thế kỷ 21 nhé. Bài viết được lược dịch từ danh sách 20 phim của tác giả Cogan Spoerry trên Taste of Cinema.
Trong thời kỳ kỹ thuật công nghệ hiện đại, chúng ta có thể dễ dàng sản xuất ra những gì có giá trị vượt thời gian, chẳng hạn như những cảnh phim đẹp xuất sắc trong lịch sử điện ảnh. Những cung bậc cảm xúc cứ thế mà phát triển khi con người tiếp tục sống và khám phá những lĩnh vực mới mà chúng ta chưa hề hay biết. Chính vì thế, thật khó để chọn ra những cảnh phim đẹp nhất trong toàn bộ lịch sử điện ảnh nhưng nếu chia thành từng giai đoạn, việc đó dễ dàng hơn.
Hãy cùng Moveek khám phá 12 cảnh phim đẹp nhất từ 12 bộ phim của thế kỷ 21 nhé. Bài viết được lược dịch từ danh sách 20 phim của tác giả Cogan Spoerry trên Taste of Cinema.
1. Cảnh chiến đấu tại rừng tre trong Ngoạ Hổ Tàng Long (Crouching Tiger, Hidden Dragon – 2000)
Ngoạ Hổ Tàng Long là bộ phim cho thấy những cảnh hành động tuyệt vời nhất, các cảnh chiến đấu trong phim đều sử dụng những động tác để khắc hoạ sâu sắc mối quan hệ cơ bản giữa các nhân vật. Cảnh chiến đấu trong rừng tre cho thấy sự bình tĩnh của Lý Mộ Bạch đối lập với sự giận dữ của Ngọc Kiều Long, lúc này mối quan hệ giữa sư phụ và đệ tử đang được hình thành.
Khu rừng tre còn làm nổi bật thêm hiệu ứng này nhờ tính cân bằng, tĩnh lặng của nó, khi Ngọc Kiều Long đưa ra quyết định và khi nào họ sẽ rơi xuống. Người viết cho rằng cảnh chiến đấu giữa Ngọc Kiều Long và Du Tú Liên hay hơn nhưng cảnh này vẫn đẹp mắt hơn.
2. Cảnh trên bãi biển trong Roma (2018)
Đây là khoảnh khắc đỉnh điểm của Roma trên Netflix, nhấn mạnh vào sự cân bằng giữa việc chấp nhận cái chết và bắt đầu cuộc sống. Khán giả đã trải qua sự khổ sở của một gia đình trung lưu điển hình phải chịu đựng trong thế giới của cuộc cách mạng, nơi mà xã hội đang sụp đổ, tài sản bị phá huỷ và những cuộc chiến chực chờ nổ ra trên đường phố. Alfonso Cuarón cho chúng ta chứng kiến những chương này của cuộc đời ông hơn là lôi người xem vào cuộc. Việc quay phim từ một khoảng cách đủ gần vừa cho khán giả thấy thế giới xung quanh, vừa giúp họ đồng hành cùng những cung bậc cảm xúc của các nhân vật.
3. Cuộc sống hôn nhân trong Up (2009)
Hẳn là đang có nhiều người đang cảm thấy thấm thía với những hình ảnh mở đầu mà bộ phim hoạt hình Up mang đến. Chẳng cần một câu thoại, hay bất kỳ từ ngữ nào, toàn bộ câu chuyện được kể qua hình ảnh và âm nhạc. Vài phút ngắn ngủi của cảnh đó cho thấy có nhiều giấc mơ mà đáng tiếc thay, chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Cuộc sống là vậy đó, những chuyện cứ xảy ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta và chúng ta vẫn ổn định với một cuộc đời bình thường.
Càng lớn tuổi, chúng ta càng nhớ lại những gì mình đã từng làm và cảm thấy tiếc nuối biết bao với những dự định không thành, hoặc cho rằng chúng ta đã không hoàn thành nó. Chỉ với cảnh phim đó mà Pixar đã đưa chúng ta qua những cảm xúc đầy thăng trầm về cuộc sống.
4. Cảnh đánh nhau trong rừng lá của Anh Hùng (Hero – 2002)
Anh Hùng là một trong những phim mà người viết có thể chọn bất kỳ cảnh đẹp nào trong đó, nhưng cảnh Phi Tuyết và Như Nguyệt đấu kiếm trong rừng lá chính là cảnh mà người viết tâm đắc. Dải màu trong Anh Hùng dựa theo quy tắc Ngũ Hành với mỗi màu sắc đại diện cho các nguyên tố như kim, thuỷ, mộc, hoả, thổ. Mỗi cảnh phim đều có mỗi tông màu đặc trưng cho mỗi câu truyện, nhưng sắc đỏ được sử dụng đặc biệt nhất.
Khi ấy, yếu tố thiên nhiên trở thành một nhân vật và có tuyến truyện riêng của nó khi những chiếc lá rơi theo cử động của hai nhân vật nữ, hay làn gió thổi miên man mái tóc và trang phục của họ. Hai nhân vật bắt đầu bằng một màn trả thù đẹp mắt và rồi khi giọt máu của một người rớt xuống từ thanh kiếm, quả là một cảnh tượng tuyệt vời.
5. Cảnh mở màn trong Under the Skin (2014)
Những hình ảnh mở đầu Under the Skin của đạo diễn Jonathan Glazer đã thiết lập một trải nghiệm mà bộ phim sẽ dẫn dắt khán giả. Qua những hình ảnh ẩn dụ, tông màu chọn lọc và nhạc phim đầy hưng phấn của Mica Levi, cảnh này dùng chính yếu tố khoa học viễn tưởng để tạo nên sự sống theo một hình thức mới. Chấm trắng trên màn ảnh phát triển thành một vòng tròn trắng cho thấy dấu hiệu của việc sinh nở, khung cảnh nhật thực qua lăng kính hiển vi báo hiệu một sự hiện diện ghê gớm đang đổ bộ xuống trái đất.
Tất cả những điều trên ám chỉ về thân phận không chắc chắn của người phụ nữ này. Nó là một trong những cảnh mang lại cảm giác đây là một trải nghiệm tượng trưng hơn là một sự kiện có thật, nhưng lại chính là thế mạnh của bộ phim. Toàn bộ nội dung đều xoay quanh việc tìm kiếm danh tính và sự nhân văn, lôi cuốn tình dục để thu hút và khám phá. Cảnh này tốt hơn những cảnh khác khi mang đến những cảm xúc khơi gợi cho những sự kiện mà nó đào sâu hơn, là khởi đầu của cuộc hành trình vượt qua không gian, đời sống và trải nghiệm.
6. Cảnh mở màn trong Sin City (2005)
Sin City là một trong những ví dụ về phối màu yêu thích của người viết, khi tiếp nhận phương pháp less is more (càng tối giản, càng hiệu quả). Những màu sắc được chọn lọc rất kinh ngạc vì sự tương phản của chúng vừa nổi bật trên màn ảnh, vừa truyền tải cảm xúc riêng biệt và tình tiết chủ đạo. Sin City không phải là một phim đẹp theo cách truyền thống khi phần lớn thời lượng, bối cảnh của phim diễn ra trên những con phố đẫm máu của một trong những thành phố bạo lực nhất. Nhưng Robert Rodriguez là chuyên gia hình ảnh hoàn hảo để đưa những trang truyện noir của Frank Miller ra đời thật.
Cảnh mở đầu của phim đã đọng lại trong tâm trí người viết nhiều hơn bất kỳ cảnh nào khác khi nó thiết lập những tình huống mà khán giả sắp chứng kiến. Đó là thế giới mà cơn mưa lúc nào cũng rơi, như tội ác hiện diện trong từng ngõ ngách, mọi người đều tuyệt vọng và phần lớn đều đang che giấu một bí mật nào đó.
7. Hãy gặp em ở Montauk trong Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004)
Ký ức vừa là một ơn lành vừa là một lời nguyền mà con người phải nắm giữ, có không ít kỷ niệm mà tất cả chúng ta chỉ muốn xoá sạch khỏi tâm trí. Nhưng Eternal Sunshine of the Spotless Mind đã cho khán giả thấy tầm quan trọng của ký ức và vì sao chúng ta cần nhớ những chuyện mà mình đã trải qua. Có thể chúng hơi đau đớn nhưng chính chúng đã làm nên con người chúng ta, chúng là những chương hiển nhiên trong cuộc đời mà chúng ta không thể làm khác đi. Như khi Joel xoá đi ký ức về Clementine, người xem cảm thấy toàn bộ thế giới đang sụp đổ.
[Oscar Rewind] Eternal Sunshine of the Spotless Mind – Muốn quên đi một mối tình phải vượt qua được những ký ức
Eternal Sunshine of the Spotless Mind là bộ phim tình cảm lãng mạn, mượn chút yếu tố khoa học viễn tưởng để làm nổi bật hành trình tìm lại tình yêu qua ký ức.
Và cảnh phim này cho thấy sự hối tiếc được chôn chặt mà bất cứ ai cũng thấy chính mình trong đó, đặc biệt là những ai chưa vượt qua được thử thách mà mình ước gì đã làm khác đi, hoặc nắm bắt cơ hội mà đã để vụt mất. Đây cũng là cảnh được cho là sự lãng mạn vĩ đại nhất của điện ảnh trong thời kỳ hiện đại, đồng thời cho thấy rằng có rất ít bộ phim có ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc của người xem như thế.
8. Cơn bão cát trong Max Điên: Con Đường Tử Thần (Mad Max: Fury Road – 2015)
Hầu hết những người mê điện ảnh đều hiểu sai một khái niệm, cho rằng giải trí thì không phải là nghệ thuật. Mỗi bộ phim đều là nghệ thuật vì việc làm ra một bộ phim vô cùng khó khăn, là một kỳ tích khi nó hoàn tất. Max Điên: Con Đường Tử Thần chính là ví dụ rõ nhất trong thập kỷ này khi truyền tải được câu truyện trong một phim hành động mãn nhãn. Những cảnh hành động trong phim được nhấn mạnh vì tầm quan trọng của câu truyện và phát triển nhân vật, không đơn thuần để thu hút khán giả mà còn góp phần xây dựng vào thế giới mà phim đang kể.
Đỉnh cao của phim là cảnh bão cát, vừa tăng sự nguy hiểm, vừa cho thấy một vẻ đẹp tráng lệ. Khoảnh khắc các nhân vật đi vào tâm bão vừa thực tế, vừa mơ hồ. Mặt hình ảnh của phim không chỉ đáng nhớ vì nó tuyệt đẹp mà còn gắn liền với nội dung của phim.
9. Tàn tích của Las Vegas trong Tội Phạm Nhân Bản 2049 (Blade Runner 2049 – 2017)
Người viết không thể bỏ qua bộ phim do Roger Deakins quay và dù có nhiều cảnh đáng để chọn nhưng đây là hình ảnh mà đọng lại trong tâm trí của ông nhiều nhất. Cảnh này cho thấy nhân loại đã tự huỷ diệt chính họ, những gì còn xót lại trong đó chỉ là ký ức về thế hệ trước đang dần phai mờ. K như bị nuốt chửng trong tông màu cam khi anh bước qua tàn tích của Las Vegas và rồi trở thành một bóng hình, không có danh tính rõ ràng. Lòng nhân đạo mà anh dường như có cũng đang lạc lối trong màn đêm.
Đây là bộ phim đòi hỏi sự kiên nhẫn và thấu hiểu, bản thân nó cũng không đẩy nhanh tiến độ của các khoảnh khắc mà thay vào đó, nó từ từ diễn ra để khán giả chìm vào những bí ẩn Tội Phạm Nhân Bản 2049 đã đề ra. Cũng như phần phim Blade Runner trước, có nhiều tình tiết cần giải mã nhưng thưởng thức nó đến cùng là một phần thưởng dành cho người xem.
10. Cảnh đoàn tàu trong Vùng Đất Linh Hồn (Spirited Away – 2001)
Không chỉ riêng người viết mà nhiều khán giả cũng chọn đây là cảnh được yêu thích trong Vùng Đất Linh Hồn, đặc biệt là sau khi chứng kiến những sự điên cuồng trong thế giới linh hồn này. Tính mạng của bé Sen luôn trong trạng thái bị đe doạ khi cô bé bị mắc kẹt trong nhà tắm hơi và dường như mọi thứ đều muốn ăn tươi nuốt sống cô bé. Chẳng hạn như Vô Diện đã nuốt chửng quá nhiều thứ, để rồi trở thành một con quái vật tham lam.
Khoảnh khắc này tuy không phải là cảnh kết thúc phim nhưng nó là một sự thiền định, tách nhân vật khỏi những sự điên loạn mà đang bủa vây lấy họ. Người viết cho rằng tất cả chúng ta đều tận hưởng khoảnh khắc khi ngồi trên xe bus, tàu lửa hoặc trên xe người khác và để tâm trí trôi dạt vô phương, để hít thở và nghĩ ngợi. Khoảnh khắc và đồ hoạ đơn giản thế này đến từ một bộ phim xuất sắc thật là đáng nhớ.
11. Cảnh sương mù trong Thích Khách Nhiếp Ẩn Nương (The Assassin – 2015)
Có bao giờ bạn thưởng thức một bộ phim hay đến nỗi mà không muốn nhúc nhích cơ thể luôn không? Thích Khách Nhiếp Ẩn Nương là một trong những phim có mặt hình ảnh tuyệt tác nhất thế kỷ, riêng cảnh phim này đã hớp hồn người viết. Khôi hài ở chỗ là phần lớn màu sắc của phim là tông màu đỏ nhưng cảnh hay nhất lại là khi thế giới tự nhiên cuốn lấy chúng ta.
Đây là kiểu hình ảnh thường gắn liền với cốt lõi lịch sử và văn hoá phương Đông mà cũng không quá khó hiểu. Riêng màn sương mù cũng là một nhân vật và có câu truyện riêng khi cuốn lấy nhân vật vào vẻ đẹp hư ảo của nó. Quả là một cảnh tượng phi thường mà khán giả không nên bỏ qua.
12. Cảnh kết thúc trong Những Kẻ Khờ Mộng Mơ (La La Land – 2016)
Sự khéo léo của Những Kẻ Khờ Mộng Mơ là tri ân đến thời kỳ vàng son của điện ảnh, về một khoảng thời gian mà các câu truyện thường đơn giản, cảm xúc dễ tiếp nhận và đồng cảm, phép màu sẽ bừng lên màn ảnh. Những Kẻ Khờ Mộng Mơ chính là bức thư tình đến phép màu này và đưa chúng ta đến đám mây kỳ ảo của nhạc kịch kinh điển. Không có cảnh nào hay hơn cảnh kết thúc này khi những giấc mơ, ảo mộng và tri ân lại gói gọn trong đó.
Không chỉ tái hiện lại những vũ đạo đặc sắc của những phim nhạc kịch tuyệt vời như An American Paris, Singin’ in the Rain, mà còn là bộ sưu tập lịch sử điện ảnh với những tác phẩm của Pháp như The Umbrellas of Cherbourg và The Red Balloon, đến chemistry hấp dẫn của Astaire và Rogers. Damien Chazelle đã trao cho chúng ta một công thức hiện đại mà làm nên một bộ phim bất hủ. Con tim bạn như đong đầy với những cảm xúc trong phân cảnh kỳ diệu này.
[Tổng Hợp] 7 cảnh chiến đấu tạo nên chuẩn mực cho kĩ thuật slow-motion
Đôi khi chậm lại một chút sẽ tạo nên sự khác biệt.
Choáng ngợp trước những màn ái ân tuyệt đẹp giữa thiên nhiên châu Á
Trước những màn yêu đương ướt át diễn ra trong phòng ngủ quá nhàm chán, đạo diễn táo bạo đưa các pha làm tình ra khỏi thiên nhiên và biến nó trở nên thoát tục.
Nguồn: Lược dịch từ Taste of Cinema