Ben-Hur - Câu chuyện món ngon cũ và khẩu vị mới

Tin điện ảnh · HungMBH ·

Ben-Hur rõ ràng đã là một tượng đài trong lịch sử điện ảnh Hollywood, vấn đề là tượng đài đó được dựng lên đã quá lâu rồi so với khán giả hiện tại, vì vậy, bản remake lại vào năm 2016 thật sự không phải là bài toán dễ xử cho các nhà sản xuất.

Ben-Hur là phim sử thi nổi danh vào năm 1959, bộ phim lập kỉ lục khủng khiếp khi giành được 11/12 đề cử giải Oscar năm đó (có tin đồn do tranh chấp về tác giả kịch bản chứ không thì phim đã thắng tất cả các đề cử), kỉ lục đó mãi sau này chỉ có Titanic và Lord of the Ring chạm tay tới được. Việc làm lại một tác phẩm kinh điển là trò quen thuộc khi Hollywood "đói" đề tài mới. Trong quá khứ, không ít lần Hollywood thành công khi hồi sinh một thương hiệu của quá khứ, nhưng với Ben-Hur lại là câu chuyện khác.

Được chuyển thể từ tiểu thuyết Ben-Hur: A Tale of the Christ năm 1880 của nhà văn Lew Wallace, đây là một phim truyền tải thông điệp tôn giáo rất rõ ràng cho dù các nhà sản xuất có chọn khai thác từ góc độ nào đi nữa. Phim là một câu chuyện của bi kịch, của chia rẽ, của sự phản bội thông qua hai nhân vật: Judah Ben-Hur và Messala, hai nhân vật gắn bó với nhau tình như thủ túc, cho đến khi sự khác biệt trong thân phận, quyết tâm lập nghiệp đã đẩy cả hai vào hai con đường xung khắc, thậm chí thành kẻ thù không đội trời chung với nhau. Tiêu điểm của Ben-Hur chính là cảnh đua xe chariot (xe 2 bánh không mui do ngựa kéo) từ phiên bản trước đến phiên bản này. Đó là cuộc thách đấu sinh tử mà chính Judah và Messala đều tìm được câu trả lời của mình trong cuộc đối đầu định mệnh này. Song song với câu chuyện bi kịch đó là phần chúa Jesus khi bị đày ải, đóng đinh vào thập giá ở cuối đoạn hành trình.

Đó là những giá trị gốc của Ben-Hur, đáng tiếc là những hương vị cũ đôi khi không hợp với những khẩu vị mới. Về bối cảnh, một trường đua hoành tráng với đám đông la hét giờ là chỗ gần nhau bất khả xâm phạm của tượng đài Gladiator (một phim giành giải Oscar khác), khiến bất cứ bối cảnh đấu trường La Mã nào xuất hiện trên phim ảnh cũng đều làm người ta liên tưởng tới bộ phim này.

Sự khốc liệt, sinh tử trong chặng đường đua xe của Judah vốn không đủ sức đánh bại con đường kiêu hãnh, chiến đấu một mất một còn trong những cuộc tranh đấu của tướng Maximus trong Gladiator. Vì vậy, một bối cảnh hoành tráng nhưng dễ dẫn đến suy nghĩ đến một bộ phim khác thì Ben-Hur đã mất đi một ưu điểm ngày xưa của mình.

Phiên bản đua ngựa 2016 thật sự là một tuyệt tác với lợi thế từ phát triển công nghệ với những góc quay bén gót ngựa, những cú tung bụi mù khắp đấu trường, những cú rung máy như đưa người xem dằn xóc theo từng chướng ngại vật trên đường đua. Đó là điểm sáng duy nhất, nhưng nó không mới với khán giả yêu thích hành động. Thích đua xe chết chóc, khán giả ngày nay đã no nê với series Death Race của anh đầu hói Jason Statham, hoặc gào rú theo những cuộc chiến tốc độ không tưởng của series Fast & Furious. Ben-Hur làm không tệ, nhưng bộ phim cứ như anh chàng quê mùa Captain America tỉnh dậy sau giấc ngủ đông 70 năm, choáng ngợp và mãi cố gắng thích nghi với thời hiện đại một cách chật vật.

Điểm cuối cùng, thông điệp "tha thứ cho tất cả", hình ảnh Chúa Jesus dùng máu để cứu rỗi nhân loại hay, nhưng không đủ sức thuyết phục trong phiên bản này. Bản thân thông điệp tha thứ của đạo Kito cơ bản là rất khó hiểu với người ngoại đạo, và nó cũng không đủ sức làm lay động những người mới xem phim này, không đủ thời gian, không gian để hiểu được thông điệp này trong một vài phút phớt qua trên màn ảnh.

Với những bất lợi đó, cá nhân người viết đánh giá Ben-Hur khó lòng chinh phục được khán giả hiện đại bởi những cái mới thì không hay, cái hay thì không mới. Điều hay ho của bộ phim là những cảnh quay đẹp, dàn diễn viên đẹp rạng ngời và rất có thần, nhưng cũng không cứu vãn được việc một món ngon cũ bị khẩu vị mới của những khán giả mới từ chối.

Nguồn: HH

Bài viết liên quan